Kinh Tế

Financial Times: Nhiều ‘ông lớn’ nước ngoài ngày càng khó khăn tại thị trường Trung Quốc

Theo Financial Times, các tập đoàn đa quốc gia từ Volkswagen đến Anheuser-Busch InBev và L’Oréal… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình kinh tế Trung Quốc, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đối với các thương hiệu nước ngoài sụt giảm và tình hình cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trong nước ngày càng khó khăn hơn.

Cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm L’Oréal ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 3/9/2023 (Ảnh: Robert Way / Shutterstock)

 

Giám đốc điều hành Mark Read của WPP Group cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Mọi người đã kỳ vọng Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 sẽ có ​​thay đổi đáng kể”. Nhưng kết quả kinh doanh công bố tuần này của tập đoàn quảng cáo khổng lồ WPP Group (niêm yết tại London) cho thấy hiệu hoạt động của họ tại Trung Quốc đã giảm gần 1/4 trong 3 tháng qua…

Nhu cầu yếu ở Trung Quốc là đặc điểm chính của suy thoái doanh thu trong hầu hết ngành hàng tiêu dùng trên thế giới. Công ty L’Oréal bán các sản phẩm làm đẹp cao cấp và đại chúng ở Trung Quốc, ước tính mức tăng trưởng doanh số bán hàng tại đây đã giảm khoảng 2% – 3% trong nửa đầu năm nay, trong khi Porsche của Volkswagen cho biết doanh số của công ty tại Trung Quốc trong 6 tháng tính đến tháng 6 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần của Trung Quốc đã suy thoái trong thời gian dài kể từ cuối năm 2021, nhưng giá nhà sụt giảm nhanh hơn trong những tháng gần đây. Mặc dù cơ quan chức năng vào cuối năm 2022 đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, nhưng thị trường bất động sản yếu kém đã làm xói mòn niềm tin và ảnh hưởng dây chuyền khiến nhu cầu hàng tiêu dùng suy yếu theo. Sau đại dịch COVID-19, nhiều công ty trong và ngoài nước làm ăn với Trung Quốc đang hy vọng các biện pháp kích thích tập trung vào tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù điều đó chưa xảy ra nhưng một số chuyên gia kinh tế tin rằng Chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp như vậy nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Các nhà phân tích tại Fitch Ratings chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành ăn uống của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay lần đầu tiên chậm lại xuống dưới 8% kể từ năm 2010, không tính thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Các nhà phân tích của Fitch cho biết: “Triển vọng thu nhập khả dụng bấp bênh cộng thêm suy giảm tài sản hộ gia đình do giá bất động sản giảm, đang dẫn đến việc giảm chi tiêu đối với sản phẩm không thuộc dạng thiết yếu, hoặc chuyển sang các sản phẩm cần thiết hơn”. Họ nói thêm rằng xu hướng này đã mở rộng ra ngoài ăn uống sang các danh mục bao gồm quần áo, mỹ phẩm và trang sức…

Giám đốc điều hành Nicolas Hieronimus của Tập đoàn L’Oréal, cho biết: “Khu vực duy nhất trên thế giới có niềm tin của người tiêu dùng vẫn rất thấp là Trung Quốc. Thị trường việc làm đầy bấp bênh trong khi trị tài sản của nhiều người sụt giảm mạnh vì suy thoái bất động sản”.

Thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc

Tuy Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng cho nhiều công ty đa quốc gia, nhưng ở một số ngành như ô tô… thì các nhà sản xuất nước ngoài phải đối mặt với những mối đe dọa đáng kể từ các đối thủ Trung Quốc trong nước.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Automobileity ở Thượng Hải, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang xe điện, thị phần của các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc về xe chở khách đã giảm xuống 38% trong nửa đầu năm nay – từ mức 64% vào năm 2020. Các nhà sản xuất ô tô Đức đã bị ảnh hưởng bởi doanh số bán hàng chậm lại ở Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất của họ.

Giám đốc điều hành Oliver Blume của Porsche và Volkswagen cảnh báo vẫn chưa rõ liệu nhu cầu về những chiếc xe thể thao chạy điện như Porsche Taycan có tăng hay không. “Chúng tôi không biết”, Obermu nói và nói thêm rằng, “Hiện tại không có phân khúc hạng sang nào dành cho xe điện [ở Trung Quốc]”.

Mercedes-Benz trong những năm gần đây đã chuyển trọng tâm sang các mẫu xe đắt tiền hơn, doanh số bán ô tô của hãng tại Trung Quốc nửa đầu năm nay đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc điều hành Ola Källenius của Mercedes-Benz cho biết thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đang hạ nhiệt, một phần nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này: “Chúng tôi không biết người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mất bao lâu để lấy lại niềm tin”.

Bill Russo, cựu giám đốc xe hơi Chrysler tại Trung Quốc và là người sáng lập Automobileity, chia sẻ rằng các nhà sản xuất ô tô nước ngoài “đã thất bại trong việc điều chỉnh trước sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc đối với xe điện”, ngoại trừ Tesla.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Joey Wat của chuỗi nhà hàng Yum China đã đưa ra lưu ý lạc quan hơn với các nhà đầu tư, vì nhà điều hành Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc báo cáo kết quả nửa đầu năm tốt hơn mong đợi, với thu nhập ròng tăng 8%, đạt 212 triệu USD.

Joey Wat cho biết: “Gần đây, việc giảm giá đối với Trung Quốc có vẻ là mốt. Nhưng… ngay cả với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vẫn chiếm gần 1/3 tốc độ tăng trưởng của thế giới”. Bà cho biết có “thay đổi tăng trưởng” tại các thành phố “cấp thấp hơn” của Trung Quốc: “Chỉ riêng năm ngoái tại Trung Quốc đã mở 400 trung tâm mua sắm, hầu hết đều nằm ở các thành phố hạng hai và thấp hơn… Trên thế giới hiện nay có bao nhiêu nước (đã mở) 400 trung tâm mua sắm?”. Nhưng bà thừa nhận “Việc kinh doanh hiện nay không được tốt” và thị trường được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi trong quý này.

Nhà sản xuất bia Anheuser-Busch InBev đổ lỗi cho doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 15% trong quý 2 là do thời tiết xấu ở nhiều vùng trong nước Trung Quốc. Giám đốc điều hành Michel Doukeris của công ty cho biết, dù chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc suy giảm, nhưng xu hướng uống ít nhưng dùng loại đắt tiền vẫn còn đó: “Tôi nghĩ các nguyên tắc cơ bản dài hạn vẫn còn đó”.

Nhiều giám đốc điều hành và nhà phân tích của các tập đoàn đa quốc gia cũng cảnh báo số lượng ngày càng tăng các thương hiệu cạnh tranh của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lâu dài. Người sáng lập và giám đốc điều hành của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMR) có trụ sở tại Thượng Hải là Shaun Rein nói rằng, tuy có một số điểm sáng nhưng nhiều thương hiệu nước ngoài phải đối mặt với các đối thủ mạnh của Trung Quốc: “Nhiều thương hiệu phương Tây đang bị thương hiệu Trung Quốc vượt mặt”.

Theo RFI

Published by
Theo RFI

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

7 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago