Số pháp nhân ngừng hoạt động liên quan dịch vụ ăn uống nhà hàng tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay lên tới khoảng 1,056 triệu, trong khi năm 2022 thời COVID-19 chỉ khoảng 519 nghìn. Báo cáo cho thấy lý do chính là vì nhu cầu chi tiêu của người dân Trung Quốc giảm thiểu, ảnh hưởng từ suy thoái thị trường bất động sản liên lụy đến nhiều lĩnh vực khác…

nha hang Trung Quoc
Nhà hàng Trung Quốc vắng khách. (Ảnh chụp màn hình video)

Cả triệu công ty dịch vụ ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm

Theo dữ liệu từ nền tảng thông tin tra cứu kinh doanh Tianyancha của Trung Quốc, từ tháng 1 – 6 năm nay, số pháp nhân ngừng hoạt động kinh doanh liên quan đến dịch vụ ăn uống lên tới 1,056 triệu, trong đó 10.471 pháp nhân bị tước giấy phép, 1.045.678 pháp nhân tự nộp đơn hủy.

Dữ liệu tàn khốc đó phản ánh ngành dịch vụ ăn uống Trung Quốc đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc đã tiến hành khảo sát và phát hiện ra tại các khu vực kinh doanh sầm uất ở các thành phố như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô… cho thấy các nhà hàng lần lượt đóng cửa và tỷ lệ trống cao đến mức kinh hoàng. Điều tàn khốc là làn sóng phá sản có thể chỉ mới bắt đầu. Những người trong ngành cho biết, hiệu suất hoạt động của hầu hết các nhà hàng trong nửa đầu năm không khả quan, dự kiến nếu lượng tiêu thụ trong mùa cao điểm phục vụ ăn uống mùa hè không đạt được kỳ vọng thì một số lượng lớn nhà hàng nữa sẽ sụp đổ.

Mức tiêu thụ dịch vụ ăn uống đại chúng đang chậm lại, dịch vụ ăn uống cao cấp của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình thậm chí còn tàn khốc hơn. Dữ liệu lớn cho thấy từ ngày 10/5/2023 – 19/4/2024, tỷ lệ nhà hàng có thu nhập bình quân đầu người trên 500 nhân dân tệ (RMB) ở Thượng Hải đã giảm đáng kể, từ 1,44% ban đầu xuống 0,8%, tổng số cửa hàng giảm hơn 900.

Về tình hình thị trường ăn uống nửa đầu năm, nhiều người hành nghề ăn uống thẳng thắn cho rằng có thể tóm tắt bằng một từ “khó khăn”. Tình trạng khó khăn này có thể vẫn khó đảo ngược trong ngắn hạn nửa cuối năm. Giờ đây khi kỳ thi tuyển sinh cấp 3 và đại học đã kết thúc và mùa du lịch hè đến, được xem là mùa cao điểm tiêu thụ đồ ăn truyền thống đã đến, nhưng nhiều nhà cung cấp dịch vụ ăn uống không mấy lạc quan về điều này.

Là một địa danh của Thượng Hải nhưng Westgate Mall đã đăng thông báo đóng cửa vào ngày 23/7, cho biết sau khi xem xét cẩn thận, Westgate Plaza bao gồm một trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng và bãi đậu xe ngầm sẽ đóng cửa vào ngày 1/8 (trừ các thương gia và người thuê nhà bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải).

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA, ông Hu đến từ Thượng Hải cho biết trên phố thương mại ở khu phố mới Chuansha hầu như không có người; những  nơi tấp nập nổi tiếng ở Thượng Hải như “ngã tư vàng” giao lộ giữa đường Nam Kinh và đường Tây Tạng… mà ông thường đến ăn, có lẽ đã biến mất 2/3 số nhà hàng, một số siêu thị lớn gần nhà ông hiện đã đóng cửa.

“Đường Nam Kinh ở Thượng Hải là con phố thương mại [sầm uất] hàng đầu Trung Quốc và có lẽ là một trong những con đường hàng đầu ở châu Á. Landmark Plaza trên đường Nam Kinh ở Thượng Hải cũng đã đóng cửa vào năm 2022. [Cảnh tương tự] là đường Hoài Hải từng rất sôi động, trong mắt người nước ngoài thậm chí còn được đánh giá cao hơn đường Nam Kinh, trước đây có nhiều người nước ngoài ở đây, nhưng trong trung tâm thương mại bây giờ có rất ít người và vắng vẻ.”

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế mới của Đại học Donghua đã 3 năm làm việc tại Thượng Hải, địa điểm làm việc tại Grand Gateway 66 và Lujiazui, ông cho hay tình hình hiện tại ở những nơi này không mấy lý tưởng: “Điều tôi lo lắng lúc đầu là việc vốn nước ngoài rút khỏi, nhưng giờ đây chính các công ty của Trung Quốc cũng không thể trụ được và đang bỏ cuộc. Người giàu Trung Quốc phải chọn tương lai ‘bằng đôi chân’ [chạy ra nước ngoài], trong khi Thượng Hải là nơi tập trung nhiều người giàu nhất Trung Quốc”.

Khó khăn hơn thời dịch bệnh COVID-19

Có thể nói ngành công nghiệp cung cấp thực phẩm của Trung Quốc đã bị giáng một đòn nặng nề vào năm 2022. Chính sách ‘Zero COVID’ ngăn chặn dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh đã được thực hiện trên khắp Trung Quốc, nhà chức trách thường xuyên phong tỏa các khu dân cư và thậm chí phong tỏa cả một thành phố. Những thay đổi không ngừng trong chính sách đã bóp nghẹt hoạt động của nhiều công ty cung cấp dịch vụ ăn uống. Những cửa hàng nhỏ lẻ bên đường phố đóng cửa, những chuỗi thương hiệu chịu áp lực tột độ, khách hàng lo lắng, những món ăn đặt mang đi diễn ra điên cuồng… là phác thảo bức tranh kinh tế do chính sách phòng chống dịch bệnh ‘Zero COVID’.

Dữ liệu cho thấy tính đến ngày 31/12/2022, tổng cộng 519.000 công ty liên quan đến dịch vụ ăn uống đã bị hủy đăng ký và thu hồi, trong đó từ tháng 1 – 4 là thời kỳ cao điểm xảy ra tình trạng hủy bỏ và thu hồi các công ty liên quan đến dịch vụ ăn uống (khoảng 60% công ty liên quan đã ngừng hoạt động trong giai đoạn này), tháng 3 là tháng có số lượng hủy đăng ký và thu hồi lớn nhất trong cả năm (có 106.000 công ty đã bị hủy đăng ký và thu hồi), tiếp theo là tháng 4 chứng kiến 70.000 công ty bị hủy đăng ký và thu hồi.

Trên thực tế, trong khoảng thời gian 3 năm dịch bệnh từ 2020 – 2022, hơn 1,7 triệu công ty liên quan đến dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc đã bị hủy đăng ký và thu hồi, vượt tổng số pháp nhân hủy đăng ký và thu hồi trong 10 năm trước đó. Làn sóng đóng cửa hàng nối tiếp nhau, nhiều nhà cung cấp thực phẩm mất niềm tin trước những đòn chính sách liên tiếp. Ngay cả các công ty lớn cũng phải thừa nhận rằng không ai có thể đứng vững khỏe mạnh qua mùa đông lạnh giá của dịch bệnh này.

Tuy nhiên nửa đầu năm 2024 này lại có 1,056 triệu pháp nhân cung cấp dịch vụ ăn uống đóng cửa, cho thấy nhu cầu trong nước trì trệ và tiêu dùng trì trệ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc càng thêm khó khăn.

Kinh tế nhiều tỉnh không đạt mục tiêu

Tính đến ngày 24/7, 23 tỉnh/thành phố ở Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế nửa đầu năm, trong đó GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của 7 tỉnh/thành phố đã vượt mục tiêu đề ra hàng năm, nhưng GDP của 16 tỉnh/thành phố thấp hơn mục tiêu hàng năm. Trong số các tỉnh/thành phố không đạt mục tiêu có những nơi vốn phát triển nhưng đã thấp hơn mục tiêu năm hơn 1 điểm phần trăm như Hải Nam, Tây Tạng, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Đông và Tân Cương. Tốc độ tăng trưởng GDP của Hải Nam trong nửa đầu năm chỉ là 3,1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm là 8%.

Tỉnh kinh tế lớn nhất Trung Quốc là Quảng Đông có tốc độ tăng trưởng GDP chỉ 3,9% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5%. Hội trưởng Peng Peng Hiệp hội nghiên cứu cải cách thể chế tỉnh Quảng Đông, cho biết lĩnh vực bất động sản bị thu hẹp quá mạnh đã kéo kinh tế Quảng Đông đi xuống, đặc biệt là các ngành công nghiệp liên quan [bất động sản] như đồ gia dụng, nội thất gia đình, vật liệu xây dựng…

Khi phân tích tình hình kinh tế nửa đầu năm, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, vấn đề suy giảm tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn như thời tiết khắc nghiệt và thiên tai mưa lũ thường xuyên… cũng phản ánh sự gia tăng những khó khăn thách thức trong hoạt động kinh tế Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là nhu cầu chi tiêu của người dân trong nước yếu, dòng chảy kinh tế trong nước không thuận lợi.

Những vấn đề chung này được phản ánh trong báo cáo của từng tỉnh trong nửa đầu năm, biểu hiện rõ ràng nhất là nhu cầu trong nước trì trệ, mọi người thiếu động lực tiêu dùng.

Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trung bình của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 3,7%. Trong số 23 tỉnh/thành phố có 8 tỉnh/thành phố thấp hơn mức này và 3 trong số 8 tỉnh có mức chi tiêu giảm mạnh nhất: Thiên Tân (giảm 2,1%), Thượng Hải (giảm 2,3%) và Hải Nam (giảm 6,2%).

Phó giám đốc Zheng Tian Cheng tại Trung tâm nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp – Viện nghiên cứu phát triển toàn diện Trung Quốc (Thâm Quyến), phân tích rằng vấn đề Trung Quốc suy yếu nhu cầu nội địa hiện nay là yếu tố chính cản trở phát triển kinh tế. Cần đẩy mạnh các chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước để tạo thêm động lực tăng trưởng kinh tế về phía cầu, đồng thời đẩy nhanh việc khôi phục kỳ vọng thị trường để nhóm thu nhập trung bình dám tiêu dùng.