Nhiều người dễ nhầm lẫn giữa cảm cúm và cảm lạnh, dẫn đến điều trị không đúng, dùng sai thuốc vừa tốn tiền hại thân vừa dễ làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Thời tiết giao mùa là lúc cơ thể nhạy cảm với các bệnh hô hấp, nhiễm khuẩn… Khi có biểu hiện ho, hắt hơi sổ mũi, người sốt và đau nhức… nhiều người nghĩ ngay đến cảm, nhưng lại không rõ là cảm cúm hay cảm lạnh.
Một số dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt 2 loại cảm này.
Bệnh cảm cúm khiến bạn bị sốt, thậm chí là sốt rất cao.
Nếu là cảm lạnh, dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt.
Nhưng sốt còn là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Do đó cần căn cứ thêm vào các biểu hiện khác để xem đó là vấn đề gì.
Nhức mỏi là dấu hiệu khác liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, hãy lập tức nghĩ ngay đến bệnh cúm.
Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm.
Đây là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh.
Nếu bạn thấy ớn lạnh, đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu thấy ớn lạnh, kèm theo sốt cao, cần đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Hãy lắng nghe cơ thể bạn để biết được mình đang mắc căn bệnh gì, nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, hãy nghĩ đến bệnh cúm nhiều hơn.
Các triệu chứng như hắt hơi, nói ra bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì đích thị là bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, khi bị nặng, nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng. Đó là khi bạn đã mắc cảm lạnh sâu.
Đây là một trong số ít các triệu chứng khó phân biệt nhất giữa 2 loại bệnh, nhưng nếu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh đầu tiên. Cần chú ý là những triệu chứng này cũng có khi xuất hiện ở cảm cúm.
Nếu các triệu chứng ớn lạnh, ho, sốt tấn công cơ thể đột ngột và dồn dập với mức độ nặng tăng nhanh, đó là bệnh cúm. Thậm chí có thể đây là loại cúm gây tử vong cao như các chủng H1.
Khi cơ thể cảm thấy không thoải mái, khó chịu với tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nặng có thể đau họng – đó chỉ là cảm lạnh, khi đó bạn vẫn có thể làm việc bình thường. Nhưng nếu bị cúm, người bệnh sẽ kèm theo mệt mỏi, sốt và không muốn làm bất cứ việc gì.
Ho nhẹ có thể xuất hiện ở cảm lạnh và khá phổ biến khi mắc cảm cúm. Nếu bạn bị ho liên tục, cơn ho không thuyên giảm sau 2 hoặc 3 tuần thì bạn có thể bị viêm tiểu phế quản, viêm xoang, cần khám kỹ lưỡng.
Khi bị cúm nhẹ, mọi người có thể chữa trị ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước nóng, súc miệng nước muối. Nếu ho nhiều, tức ngực, khó thở cần đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời những diễn biến nặng có thể xảy ra. Khi bệnh cúm biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng lan rộng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh cúm nên được cách ly, hạn chế tiếp xúc để không lây lan bệnh cho người khác. Trường hợp sốt cao có thể chườm mát, hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Cần tránh dùng aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye (bệnh lý não, gan) nguy hiểm với bệnh nhân. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, không nên vận động quá mức sẽ giúp việc tự hồi phục nhanh hơn.
Với cảm lạnh, ban đầu có thể điều trị bằng những thuốc thông mũi, viêm họng. Ngoài ra, một số bài thuốc Đông y hoặc các biện pháp điều trị dân gian như xông, đánh gió cũng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Lá xông gồm lá sả, lá bưởi, lá hương nhu, kinh giới, ngải cứu… Những loại lá này có chứa các tinh dầu cay, nóng rất hữu hiệu để giải cảm.
Kiên Thành tổng hợp
Xem thêm:
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…