Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Trung Quốc Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Xem thêm:
Thế giới
- Thế giới 24h qua có thêm 6 quốc gia lần đầu tiên công bố có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch lên 186 + 1 du thuyền Diamond Princess. Như vậy đã có khoảng 93% số quốc gia trên thế giới có người nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
- Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 30.300 ca nhiễm mới (so với hôm qua là 26.100 và hôm kia là 20.500) và ít nhất 1.353 ca tử vong mới (so với hôm qua là 1.082 và hôm kia là 965) – tiếp tục là con số kỷ lục kể từ đầu dịch.
- Toàn thế giới đã có hơn 275.000 ca nhiễm và hơn 11.300 ca tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán.
- Nhóm các nước có trên 10.000 ca nhiễm: 7 nước đã có mặt trong danh sách này, trong đó 2 nước mới là Mỹ và Pháp. 5 nước còn lại gồm Trung Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha và Đức. Trong đó, 3 nước đã trên 20.000 ca nhiễm; 3 nước khác đang tiến tới mốc 20.000 ca nhiễm.
- Nhóm các nước có trên 1.000 ca nhiễm (trừ nhóm trên): 12 nước đã có mặt trong danh sách này, trong đó thêm 3 nước mới gồm Canada, Malaysia và Bồ Đào Nha. 9 nước trước đó trong danh sách này gồm Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ, Anh, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Bỉ, Áo, Đan Mạch.
- Các nước Brazil, Nhật, Úc và Cộng hoà Séc đang dần tiến đến mốc 1.000 ca nhiễm. Với tốc độ tăng hiện tại thì trong ngày mai những nước này sẽ có tên trong danh sách nói trên.
- Ý: Cơ quan Phòng vệ Dân sự Ý thông báo nước này có thêm 5.986 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm lên 47.021. Tổng số người tử vong hiện là 4.032, tăng 627 ca so với một ngày trước đó. Đây tiếp tục là những con số kỷ lục từ đầu dịch. Số ca nhiễm tăng vọt là do Ý đã tiến hành xét nghiệm số lượng lớn.
- Tây Ban Nha cũng có mức tăng cao nhất kể từ đầu dịch, với 3.433 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 21.510. Đặc biệt, số ca tử vong tăng cao với 262 ca, nâng tổng số lên 1.093 ca. 30% ca nhiễm bệnh ở thủ đô Madrid. Giới chức Y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Hiện các bệnh viện ở Tây Ban Nha đang vào tình trạng quá tải, thiếu nhiều vật tư y tế như găng tay, khẩu trang.
- Đức có thêm hơn 4.500 ca nhiễm mới khi nước này đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Tuy nhiên, khác với Ý hay Tây Ban Nha, Đức có tỷ lệ tử vong rất thấp với chỉ 0.3%
- Indonesia: Thống đốc thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần tới tại thành phố, trung tâm dịch virus Vũ Hán của Indonesia. Theo đó, giao thông công cộng sẽ bị hạn chế, các khu trung tâm đóng cửa, người dân được khuyến cáo làm việc tại nhà. Hiện Indonesia đã có 369 ca nhiễm, tăng 60 ca so với ngày trước đó. Đáng lưu ý, nước này có tới 32 trường hợp tử vong, hiện cao nhất Đông Nam Á.
- Malaysia báo cáo 120 ca nhiễm mới hôm 20/3, nâng tổng số ca nhiễm vượt 1.000 ca, tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Malaysia sẽ triển khai binh sĩ từ ngày 22/3 để hỗ trợ cảnh sát thực thi các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Giới chức Malaysia đang truy tìm thông tin của khoảng 2.000 người từng tham dự lễ Hồi giáo ở thánh đường Sri Petaling từ 27/2 – 1/3, nhưng việc này gặp nhiều thách thức do nhiều người trong số đó bị xem là những người nhập cư bất hợp pháp sau khi đã chạy trốn khỏi Myanmar, nên họ sẽ không trình diện khai báo.
- Iran: Iran có thêm 1.237 trường hợp nhiễm virus, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước ngày lên gần 20.000 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 149 ca tử vong. Tổng số người tử vong vì dịch hiện là 1.433. Bất chấp kêu gọi của chính phủ Iran khuyên người dân ở nhà trong dịp Lễ năm mới, ít nhất hơn 1 triệu người dân Iran vẫn đổ ra đường đón năm mới Ba Tư. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ chiến đấu mạnh mẽ chống lại “kẻ phá hoại không mời”, khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã giúp đất nước trở nên tự chủ hơn.
- Hồng Kông ghi nhận 48 ca nhiễm mới trong 24h qua. Giới chức y tế cảnh báo thành phố đang có nguy cơ hứng chịu đợt bùng phát mới do người trở về từ bên ngoài và tất cả đều phải đặc biệt cảnh giác.
- Đài Loan tăng 27 ca nhiễm, nâng tổng số ca tại hòn đảo lên tới 135. Đồng thời, ca tử vong thứ hai vừa được xác nhận tại đây là một bệnh nhân ở độ tuổi 80 với các bệnh lý nền.
- Mỹ tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng, trong 24h qua có thêm 5.640 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới gần 20.000 trường hợp. Hai bang New York và California đã yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, giữ khoảng cách 2m. Hai bang khác là New Jersey và Illinois cũng sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tương tự. Mỹ cũng đã đóng cửa khẩu với Mexico.
- Trung Quốc đã thu hồi giấy phép của công dân Trung Quốc làm việc trong vai trò nghiên cứu và trợ lý tại các tổ chức truyền thông Mỹ tại Trung Quốc như một đòn trả đũa ngoại giao thêm với Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố trục xuất các nhà báo Mỹ từ ba tờ báo lớn của Mỹ. Tháng trước, Bắc Kinh đã thu hồi thẻ nhà báo của ba phóng viên khác của Wall Street Journal vì tiêu đề bài báo mà họ cho là phân biệt chủng tộc.
Xem thêm:
Việt Nam
- Trong ngày 20/3, Việt Nam công bố 6 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới, nâng tổng số ca nhiễm đến nay ở Việt Nam là 91 ca, trong đó có 17 ca đã bình phục và xuất viện, 8 ca khác đã âm tính lần 1; 2 ca vẫn trong tình trạng nặng trong đó 1 ca là bác của BN17 đã phải đặt ECMO.
- Từ 0h ngày 21/3, không chỉ giới hạn ở vùng có dịch, tất cả hành khách từ tất cả các nước trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày. Trước đó, việc cách ly tập trung chỉ được áp dụng bắt buộc với hành khách về từ vùng có dịch hoặc có yếu tố nghi nhiễm.
- Ngày 20/3, 2.585 khách quốc tế về sân bay Nội Bài (Hà Nội), trong đó có 1.183 khách trên 13 chuyến bay đến từ vùng dịch COVID-19, theo số liệu từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
- Tính đến 22h30 ngày 20/3, Bộ Y tế đã phát lệnh tìm các hành khách trên tổng cộng 21 chuyến bay. Những người này được Bộ Y tế yêu cầu liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
- 150 bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp xúc gần (F1) bệnh nhân 86 và 87 đang được cách ly tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới và Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 20/3, số bác sĩ và điều dưỡng này bước đầu âm tính với virus Vũ Hán. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định hai điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã lây bệnh cho nhau, không phải lây nhiễm chéo ở bệnh viện.
- Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã đề nghị phường Phương Mai xem xét đóng cửa toàn bộ các hàng ăn uống quanh bệnh viện.
- Tối 20/3, phố Trúc Bạch đã được dỡ lệnh phong toả sau 14 ngày cách ly kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 17 tối 6/3.
- Ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự không tổ chức hoạt động đông người, dừng lễ hội, hội nghị. Các sự kiện được đề nghị dừng tổ chức gồm: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài; hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa…
- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết độ tuổi mắc virus corona tại Việt Nam đang ngược với tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc và ở Ý. Theo đó, chỉ có 7 trường hợp trên 70 tuổi, còn lại đều ở độ tuổi trẻ với độ tuổi trung bình là 34.
- Hai chung cư ở Sài Gòn là M.One Nam Sài Gòn (phường Tân Kiểng, quận 7) và The Ascent (phường Thảo Điền, quận 2) bị phong tỏa vì có ca dương tính với virus corona Vũ Hán.
- Nhiều cán bộ công an tại Công an phường Thảo Điền đã phải cách ly sau khi tiếp xúc du khách người Anh dương tính với virus Vũ Hán.
- 5 người thân của bệnh nhân số 35 (nữ nhân viên siêu thị điện máy ở Đà Nẵng) đã trốn khỏi nơi cách ly khi chưa hết thời hạn 14 ngày. Những người này sau đó đã được đưa trở lại khu cách ly.
- Hà Nội cắt giảm 1.300 lượt xe buýt ngày thường và 2.000 lượt ngày chủ nhật để phòng chống dịch bệnh.
- Đại diện Bộ Công thương cho biết EU, Mỹ không có chủ trương tạm dừng nhập hàng Việt Nam, việc hạn chế đi lại chỉ áp dụng với di chuyển cá nhân để hạn chế sự lây lan chứ không dừng việc giao thương hàng hoá.
(tiếp tục cập nhật)
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm: