CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 20/3)
- Bảo Minh
- •
Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Trung Quốc Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Xem thêm:
- Trung Quốc nỗ lực biến hình thành “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong dịch corona
- Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do
- Bác sĩ ghép thận Vũ Hán tử vong do Covid-19 nghi từng mổ cướp nội tạng
Thế giới
- Thế giới 24h qua có thêm 6 quốc gia lần đầu tiên công bố có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch lên 180 + 1 du thuyền Diamond Princess. Như vậy đã có khoảng 90% số quốc gia trên thế giới có người nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
- Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 26.100 ca nhiễm mới (so với hôm qua là 20.500 và hôm kia là 15.700) và ít nhất 1.082 ca tử vong mới (so với hôm qua là 965 và hôm kia là 803) – tiếp tục là con số kỷ lục kể từ đầu dịch.
- Toàn thế giới đã có gần 245.000 ca nhiễm và hơn 10.000 ca tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán.
- Nhóm các nước có trên 10.000 ca nhiễm: 7 nước đã có mặt trong danh sách này, trong đó 2 nước mới là Mỹ và Pháp. 5 nước còn lại gồm Trung Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha và Đức.
- Nhóm các nước có trên 1.000 ca nhiễm (trừ nhóm trên): 9 nước gồm Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ, Anh, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Bỉ, Áo, Đan Mạch.
- Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo hàng triệu người, nhất là ở những nước nghèo, có thể chết vì dịch COVID-19 nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp giữa các nước trên phạm vi toàn cầu và kêu gọi nhóm các nền kinh tế lớn (G-20) giúp đỡ các nước trong cuộc chiến chống lại đại dịch này.
Châu Âu
- Ý: Cơ quan Phòng vệ Dân sự Ý thông báo nước này có thêm 5.322 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm lên 41.035. Tổng số người tử vong hiện là 3.405, tăng 427 ca so với một ngày trước đó, khiến Italy trở thành vùng dịch chết chóc nhất trên thế giới. Hiện số ca tử vong của Ý đã lớn hơn tổng số ca tử vong ở Trung Quốc do chính quyền công bố. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước này đặc biệt cao. Giới chức y tế Ý cũng cho biết 99% những ca tử vong là người đã có bệnh nền từ trước.
- Tây Ban Nha tiếp tục có thêm một ngày tăng kỷ lục các ca nhiễm mới với 3.308 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.077. Nước này cũng thêm tới 193 ca tử vong, tổng số 831 ca.
- Đức: Số ca mới nhiễm ở Đức cũng tăng tới 2.993 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.320 ca. Số ca tử vong tăng thêm 16 ca lên 44 trường hợp, hiện là nước có số ca tử vong thấp nhất trong nhóm 7 nước trên 10.000 ca nhiễm. Nguyên nhân Đức có mức tăng ca nhiễm mới tăng cao là vì nước này đã tăng cường xét nghiệm, do đó số ca bệnh được xác định cũng tăng lên.
- Trước đó, trong thông điệp được phát trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đất nước đang đối diện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Bà Merkel kêu gọi tất cả công dân Đức thống nhất hành động để chống dịch. Nhiều ý kiến chỉ trích thời gian qua cho rằng Đức phản ứng chậm chạp và thiếu nhất quán trước dịch COVID-19. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do mỗi bang ở Đức hoạt động độc lập, có thể không cần tuân thủ khuyến cáo từ Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Chính phủ trung ương. Phải đến vài ngày qua, các bang tại Đức mới bắt đầu tìm cách phối hợp đồng nhất, cùng đưa ra một bộ quy tắc chung về phòng chống dịch. Sau cảnh báo bi quan của nhiều nhà virus học ở Đức, các bang đang đồng loạt đóng cửa mọi quán bar, quán rượu đêm và cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.
- Anh: có thêm 643 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.269 ca. Các ca nhiễm mới này hiện vẫn chỉ được ghi nhận trong những trường hợp biểu hiện triệu chứng nặng và được đưa tới bệnh viện. Thêm 40 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong lên 144 trường hợp. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định đóng cửa toàn bộ trường học vô thời hạn tại nước này bắt đầu từ ngày 20/3. Các nhà dưỡng lão cũng được lệnh đóng cửa. Đến nay, giới chức y tế Anh đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 56.000 người và dự kiến sẽ tăng năng lực xét nghiệm virus của hệ thống y tế lên 25.000 xét nghiệm/ngày. Dự kiến khi đó các con số sẽ tăng vọt, do Anh hiện không xét nghiệm những ca nghi nhiễm nhưng biểu hiện nhẹ và vừa mà yêu cầu tự ở nhà cách ly.
- Cảnh báo từ Hội Y học Chăm sóc tích cực (FICM), một tổ chức nghề nghiệp của Anh dành cho các bác sĩ và bác sĩ chăm sóc tích cực, mới được công bố trên tờ The Sunday Times cho biết một số bệnh nhân bình phục sau khi khỏi ‘viêm phổi Vũ Hán’ sẽ bị tổn thương phổi và phải mất tới 15 năm mới lành.
- Liên hoan phim Cannes lần đầu tiên trong lịch sử sẽ phải huỷ bỏ trong bối cảnh khủng hoảng dịch corona. Liên hoan phim Cannes trước đó dự kiến được tổ chức từ ngày 12 đến 23 tháng 5. Các nhà tổ chức sự kiện hy vọng sẽ lên lịch lại cho mùa hè.
- Thuỵ Sĩ: Tại Thụy Sĩ, thành phố Geneva đã cấm tụ tập trên 5 người, chỉ trừ các cuộc họp kinh doanh tuân thủ quy tắc y tế cộng đồng. Chính phủ Thụy Sĩ cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu các cửa hàng, nhà hàng, quán bar và các cơ sở khác đóng cửa đến ngày 19/4. Thuỵ Sĩ có 1 ngày tăng mạnh với 1.107 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.222. Số ca tử vong tăng thêm 10 ca lên 43 trường hợp. Hiện hệ thống y tế Thuỵ Sĩ cũng rơi vào tình trạng quá tải, hướng dẫn y đức cho biết sẽ ưu tiên cứu chữa những trường hợp có tiên lượng tốt, không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, quốc tịch, màu da.
- Monaco: Thái tử Albert, người đứng đầu công quốc Monaco, đã có kết quả dương tính với virus Vũ Hán, theo thông báo từ cung điện hoàng gia Monaco. Thái tử Albert chính thức trở thành người đứng đầu nhà nước đầu tiên trên thế giới nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
- EU: Trên Twitter cá nhân, ông Michel Barnier, 69 tuổi, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, cho biết mình đã nhiễm virus corona nhưng đang trong tình trạng khỏe mạnh. Đây là quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu nhiễm virus. Việc ông Barnier nhiễm bệnh đang đặt ra câu hỏi về các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Brussels và London về vấn đề quan hệ của Anh với EU hậu Brexit. Các cuộc đàm phán dự kiến tiếp tục vào tuần tới, nhưng chưa rõ liệu quá trình này có bị hoãn lại hay không.
- Nga có ca tử vong đầu tiên do virus Vũ Hán là một người phụ nữ 79 tuổi từ Moscow. Bà được nhập viện cuối tuần trước, qua đời ở Moscow vào hôm 19/3. Các quan chức Nga nói rằng bà có bệnh nền, bao gồm đái đường và cao huyết áp.
Châu Á
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia ở Đông Nam Á áp dụng các biện pháp quyết liệt trong bối cảnh số ca dương tính tăng nhanh. Hiện châu Á đang phải lo lắng về những ca nhiễm mới từ nước ngoài về sau khi đã kiểm soát được tình hình trong nước.
- Malaysia báo cáo 110 ca nhiễm mới hôm 19/3, một ngày sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực, tổng cộng nước này đã có 900 ca nhiễm virus Vũ Hán, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với một nghị sĩ nhiễm bệnh. Giới chức Malaysia cảnh báo có thể có đợt bùng phát lây nhiễm mới “lớn hơn cả sóng thần” nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại.
- Thái Lan cũng có thêm 60 ca nhiễm mới, tiếp tục là kỷ lục trong ngày tại nước này. Tổng số ca nhiễm tại Thái đã tăng lên đến 272.
- Indonesia: Indonesia vừa thông báo thêm 6 ca tử vong vì virus corona trong ngày 19/3, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 25, cao nhất Đông Nam Á. Số ca nhiễm bệnh tăng 82 lên 309. Trong đó, 201 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở thủ đô Jakarta. Thủ đô cũng là nơi ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, với 17 ca.
- Chính quyền Hồng Kông sẽ gắn vòng tay điện tử lên tất cả hành khách nhập cảnh vào đặc khu này để giám sát y tế và việc cách ly trong hai tuần trong nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 từ nửa đêm ngày 19/3. Vòng tay này được kết nối với một ứng dụng trên điện thoại thông minh, dùng để kiểm soát việc tự cách ly tại nhà. Chính quyền cho biết họ có hơn 60.000 vòng đeo tay điện tử để phát cho những người nhập cảnh vào thành phố. Những ai vi phạm việc cách ly sẽ bị phạt nặng.
- Hàn Quốc: Số ca nhiễm virus corona mới tại Hàn Quốc tăng trở lại hôm 19/3 sau nhiều ngày liên tục giảm, do ổ dịch mới bùng phát tại một viện dưỡng lão ở thành phố “tâm dịch” Daegu. Ổ dịch mới bùng phát đã khiến giới chức Daegu phải tiến hành kiểm tra toàn diện toàn bộ các viện dưỡng lão khác, liên quan đến hơn 33.000 người. Tính đến ngày 18/3, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết 71,43% ca tử vong là người từ 70 tuổi trở lên, 18,68% ca tử vong là người trong độ tuổi 60 và chưa có người nào dưới 29 tuổi được ghi nhận tử vong tại Hàn Quốc. Tỷ lệ tử vong trung bình tại Hàn Quốc là 1,06%, nhưng với người 80 tuổi trở lên, tỷ lệ tử vong là 9,66%.
- Iran: Iran có thêm 1.046 trường hợp nhiễm virus, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước ngày lên 18.407. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 149 ca tử vong. Tổng số người tử vong vì dịch hiện là 1.248. Số ca tử vong mỗi ngày của nước này bắt đầu vượt qua con số 100 kể từ hôm 17/3, và tăng mỗi ngày một cao. Tuy vậy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tiếp tục từ chối những lời kêu gọi phong tỏa. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran cho biết cứ mỗi 10 phút lại có một trường hợp tử vong vì virus corona ở Iran, và cứ mỗi 1 giờ lại có thêm 50 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Châu Mỹ – Châu Đại Dương – Châu Phi
- Mỹ có thêm 1 ngày tăng kỷ lục với 5.006 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.265 ca. Số ca nhiễm tăng lên khi Mỹ tăng lượng xét nghiệm và thiết lập các trạm xét nghiệm nhanh drive-thru tại nhiều địa điểm.
- Mỹ: Chính phủ Mỹ đã công bố một bản kế hoạch dài 100 trang trong đó cảnh báo rằng dại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể “kéo dài tới 18 tháng hoặc hơn”, và có thể diễn ra “nhiều làn sóng lây nhiễm” khác nhau, dẫn tới sự thiếu hụt hàng hoá trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hệ thống y tế quốc gia. Bản kế hoạch này bao gồm kịch bản trong đó toàn bộ các cơ quan của chính phủ sẽ được huy động để đối phó với dịch bệnh, cũng như việc sử dụng đặc quyền của tổng thống để sử dụng các nguồn lực trong lĩnh vực tư nhân nếu cần thiết. Trong số các quyết định mà ông Trump có thể lựa chọn có Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, ra đời từ năm 1950 – thời Chiến tranh Triều Tiên, cho phép Tổng thống yêu cầu các công ty công nghiệp chuyển sang sản xuất thiết bị quan trọng và vật tư như máy thở, mặt nạ phòng độc, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.
- Mỹ đã đình chỉ tất cả dịch vụ thị thực thông thường từ ngày 18/3 tại hầu hết quốc gia trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các phái đoàn của Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ thị thực khẩn cấp trong “nguồn lực cho phép” và các dịch vụ cho công dân Mỹ sẽ vẫn duy trì.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hủy cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo G-7 tại trại David, Mỹ vào tháng 6 và sẽ tổ chức một hội nghị video thay thế, Nhà Trắng cho biết hôm 19/3.
- Giám đốc điều hành chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc David Beasley cho biết ông đã được chẩn đoán nhiễm virus corona sau khi trở về từ một chuyến thăm chính thức tới Canada và tự cách ly ở nhà tại Nam Carolina từ hôm 14/3.
- Canada: Nước này có thêm 146 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 873. Canada đã thực hiện việc xét nghiệm cho khoảng 50.000 trường hợp. Hiện 10 tỉnh ở Canada đã có người nhiễm. Đa số các ca tử vong ở Canada trên 70 tuổi, còn hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh tự cách ly điều trị ở nhà.
- Brazil: Con trai Tổng thống Brazil, ông Eduardo Bolsonaro, người được coi là bộ trưởng ngoại giao Brazil không chính thức, mới đây đã viết trên Twitter rằng dịch bệnh là lỗi của Trung Quốc. Nhận xét này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc ở Brazil đã chỉ trích lời nói này là “cực kỳ vô trách nhiệm, thiếu tầm nhìn quốc tế và lẽ thường” và cảnh báo ông Bolsonaro “đừng trở thành cái loa của Mỹ ở Brazil.”
- Úc và New Zealand: Lệnh cấm du lịch Úc đối với người không cư trú dài hạn (non-resident) hoặc không phải công dân nước này (non-citizen) sẽ được áp dụng từ 21h ngày 20/3, theo giờ địa phương. Lệnh cấm tương tự của New Zealand cũng sẽ có hiệu lực vào nửa đêm 20/3. Trong thời điểm này, hai quốc gia châu Đại Dương cũng thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Tất cả người đến từ nước ngoài phải tự cách ly trong 14 ngày.
Xem thêm:
- 34 năm sau thảm họa Chernobyl, lịch sử lặp lại trong Đại dịch COVID-19
- Tại sao Mỹ không tin các số liệu về dịch corona của Trung Quốc?
- Dịch corona: ĐCSTQ tiếp tục “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng chính kiến
Việt Nam
- Nửa đêm ngày 19/3, Việt Nam công bố 9 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới, nâng tổng số ca nhiễm đến nay ở Việt Nam là 85 ca, trong đó có 16 ca đã bình phục và xuất viện, 1 ca (BN18) đã 4 lần âm tính và chuẩn bị được xuất viện; 4 ca khác đã âm tính lần 1; 2 ca trở nặng trong đó 1 ca là bác của BN17 đã phải đặt ECMO. Xem cụ thể.
- Bộ Y tế đang thông báo tìm hành khách trên tổng cộng 19 chuyến bay có người nhiễm virus Vũ Hán. Xem cụ thể.
- Ngày 19/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người cao tuổi, người có các bệnh lý nền, hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.
- Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.
- Chính phủ Việt Nam công bố dừng miễn thị thực đơn phương với công dân các nước Belarus, Nga và Nhật Bản, từ 12h ngày 21/3. Việt Nam cũng dừng hiệu lực giấy miễn thị thực cấp cho công dân 3 nước này là người gốc Việt và thân nhân. Người mang hộ chiếu phổ thông vẫn được nhập cảnh Việt Nam nếu có thị thực phù hợp. Quyết định mới này không áp dụng cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ.
- Campuchia thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam từ 23h59 ngày 20/3. Theo đó, việc di chuyển qua lại giữa công dân hai nước bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không sẽ được tạm dừng. Giới hạn trên không áp dụng cho công dân Việt Nam hay Campuchia có hộ chiếu công vụ, ngoại giao.
- Tối 19/3, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định thông tin trên mạng cho rằng Hà Nội sắp phong tỏa toàn thành phố vì dịch là không chính xác.
- Lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa đang chuẩn bị phương án sử dụng cơ sở lưu trú (khách sạn, resort) trên địa bàn tỉnh để làm nơi cách ly tập trung. Hiện đề xuất này đang được hoàn thành để trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Hà Nội đã quyết định trưng dụng khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II và 1 tòa nhà khu Pháp Vân – Tứ Hiệp làm nơi cách ly tập trung với sức chứa tổng cộng lên tới 6.800 người. Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng ký quyết định thành lập 2 khu cách ly tại khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nằm tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Tổng khả năng tiếp nhận của 2 khu cách ly này là 4.800 chỗ, dự kiến bắt đầu tiếp nhận người vào cách ly từ ngày 20/3.
- Chiều 19/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành Y tế lưu ý việc đưa sinh viên năm 3, năm 4 và đội ngũ y, bác sĩ về hưu cùng tham gia phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Ông Phong cũng cho biết trong 10 ngày tới, dự tính sẽ có khoảng 17.000 người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, do đó yêu cầu thành phố phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
- TP HCM: 9 tòa nhà của Đại học Quốc gia TP HCM bao gồm 2 khu ký túc xá sẽ được trưng dụng làm nơi cách ly, dự kiến đáp ứng được khoảng 20.000 giường.
- 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh đều lập chốt giám sát người ra vào, đo thân nhiệt, khai báo y tế và nhắc nhở người dân, du khách đeo khẩu trang.
- Thôn Tiêu Sơn ở xã Thanh Giang (Hải Dương) gồm 460 hộ, 2.400 người đã được phong tỏa từ 0h ngày 19/3 có ca bệnh viêm phổi Vũ Hán ở đây.
- Vietnam Airlines thông báo tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế trong mạng bay của hãng đến các nước đến hết tháng 4/2020.
- Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN và New Zealand đề nghị lùi thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand và các hội nghị liên quan dự kiến vào ngày 8-9/4/2020 tại Đà Nẵng tới cuối tháng 6/2020.
(tiếp tục cập nhật)
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa cập nhật virus corona COVID-19 virus Trung Quốc virus Trung Cộng virus corona viêm phổi Vũ Hán