Sức Khỏe

Chọn lo lắng hay thờ ơ? Tương lai là do bạn quyết định

Mỗi khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, con người thường chọn một trong hai hướng đi phổ biến. Vậy, đâu là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm?

(Ảnh: Shutterstock)

Bạn đang đi về đâu? Trên hành trình ấy, bạn có thật sự tỉnh thức? Hãy cùng tiến sĩ thần kinh tâm lý học Robert Backer khám phá những điểm giao thoa giữa sức khỏe thân–tâm, các hiện tượng tâm lý và xu hướng văn hóa hiện đại.

“Lúc đó tay tôi ướt đẫm mồ hôi”, John hồi tưởng. “Tôi cảm thấy choáng váng, bồn chồn – như bị mắc kẹt hoàn toàn. Tôi vừa bị sa thải và đang ngồi ngoài văn phòng, cố gắng quyết định xem nên làm gì tiếp theo. Một phần trong tôi muốn bỏ chạy. Một phần khác lại chẳng muốn làm gì cả. Và một phần thì muốn giải quyết tất cả – ngay bây giờ – trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

Cũng như John – một người trẻ ở độ tuổi đôi mươi đang đối mặt với thử thách lớn đầu đời – chúng ta cũng thường cảm thấy vừa lo âu vừa thờ ơ mỗi khi cuộc sống ném cho ta những cú đánh bất ngờ. Điều chúng ta làm tiếp theo sẽ quyết định tất cả.

“May mắn là tôi đã gọi cho Adam – một người bạn thẳng thắn và thực tế”, John kể. “Có vẻ như cậu cần tìm một thứ gì đó tốt hơn đấy. Bắt đầu từ đó đi. Mong là cậu tìm ra hướng đi kịp thời để còn trả được hóa đơn”, anh ấy nói thẳng thừng. Chính cú hích đó đã khiến tôi hành động.

“Tôi dành vài giờ tiếp theo để lướt các trang tuyển dụng và gửi đơn xin việc. Đến cuối ngày, tôi đã có những lựa chọn thực sự. Buổi chiều hỗn loạn hôm ấy đã dẫn đến một bước ngoặt sự nghiệp mà tôi không ngờ tới – nhưng hóa ra lại rất cần thiết”.

Giống như chiếc lá bay theo gió, ta thường bị cuốn đi theo nhiều hướng – có lúc về phía cơ hội, có lúc rơi vào sự trì trệ. Các nghiên cứu cho thấy cách chúng ta nhìn nhận sự bất định sẽ quyết định việc ta hành động hay tiếp tục mắc kẹt.

Cách lo âu và thờ ơ ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định

Khi chưa biết nên bước tiếp thế nào, nghịch cảnh thường khiến ta vừa lo lắng vừa trở nên dửng dưng. Lo âu là một trạng thái đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá, cảnh giác cao độ với các mối đe dọa tiềm tàng và né tránh sự không chắc chắn. Ngược lại, sự thờ ơ được đặc trưng bởi việc thiếu động lực và hành vi hướng đến mục tiêu, thường liên quan đến sự thiếu chắc chắn về kết quả của hành động và xu hướng “án binh bất động” thay vì khám phá những khả năng mới.

Dù cả lo âu và thờ ơ đều xuất hiện khi chúng ta không chắc chắn, nghiên cứu mới đây trên tạp chí Biological Psychiatry chỉ ra rằng hai cảm xúc này khiến con người đưa ra quyết định theo cách rất khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 1.001 người tham gia chơi một trò chơi, trong đó họ phải đoán màu chiến thắng. Người chơi đặt cược vào màu đỏ, xanh lam hoặc xanh lá. Sau khi lựa chọn, họ được thông báo là có nhận được phần thưởng hay không. Xác suất thắng của mỗi màu thay đổi sau mỗi vòng chơi, và người chơi buộc phải điều chỉnh chiến lược.

Vì sao một trò chơi như vậy lại có thể khiến con người cảm thấy lo âu hoặc thờ ơ? Mấu chốt của nghiên cứu nằm ở người chơi, chứ không phải bản thân trò chơi. Các nhà nghiên cứu đã chọn ra những người thuộc 25% có mức độ lo âu và thờ ơ cao nhất và thấp nhất. Cách phân loại này giúp họ quan sát được cách mà ngay cả những khác biệt nhỏ trong nhận thức cũng có thể làm thay đổi quyết định khi đối mặt với sự không chắc chắn.

Những người tham gia có mức độ lo âu cao nhìn nhận trò chơi là khó đoán và thường xuyên thay đổi lựa chọn, cố gắng đón đầu sự thay đổi. Ngược lại, những người thờ ơ lại cho rằng trò chơi mang tính ngẫu nhiên, và ngừng tìm kiếm lựa chọn mới – họ bám vào những lựa chọn quen thuộc ngay cả khi đang thua cuộc.

Thí nghiệm này phản ánh đời sống thực tế. Ở ranh giới giữa lo âu và thờ ơ tồn tại một sự chia cắt trong nhận thức. Những người lo âu nhìn nhận môi trường của họ là không chắc chắn nhưng cố gắng đối phó bằng cách hành động nhiều hơn. Trái lại, những người thờ ơ không tin rằng hành động của họ sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể và dần rút lui.

Cốt lõi của sự khác biệt này là niềm tin vào khả năng làm chủ  –  tin rằng hành động của mình có ý nghĩa.

Trong não bộ, sự biến động – miễn là không vượt quá ngưỡng chịu đựng – thường là chất xúc tác cho việc học tập.

Một mức độ khó chịu vừa phải sẽ giúp chúng ta tỉnh táo và có khả năng thích nghi hơn. Khi kết hợp, các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrineacetylcholine hỗ trợ quá trình tập trung và học hỏi trong nhiều bối cảnh. Do đó, né tránh cảm giác lo âu có thể vô tình cản trở cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, lo âu quá mức sẽ dẫn đến trạng thái căng thẳng kéo dài và phản ứng thái quá. Chúng ta có thể lãng phí năng lượng để tìm kiếm cảm giác kiểm soát ở những nơi vốn không thể kiểm soát. Các nhà nghiên cứu trong báo cáo của Biological Psychology phát hiện ra rằng mối quan hệ với lo âu rất tinh tế, phản ánh một nguyên lý gọi là đường cong Yerkes–Dodson: căng thẳng có thể mang lại lợi ích, nhưng chỉ tới một mức độ nhất định trước khi tạo ra tác dụng ngược. Khi ở mức độ cao, lo âu sẽ lấn át khả năng tư duy phản biện.

Ngược lại, sự thờ ơ có thể giúp tiết kiệm năng lượng – nhưng cái giá phải trả là bỏ lỡ những cơ hội. Dĩ nhiên, đôi khi việc “lùi lại một bước” hay “nghỉ một ngày” là quyết định đúng – tất cả còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn.

“Nếu kết quả dường như ngẫu nhiên và vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, thì việc bỏ công sức để khám phá có thể trở nên vô ích, và tập trung vào những gì ta đã biết nghe có vẻ hợp lý”, các tác giả viết.

“Tuy cách tiếp cận này có thể giúp tiết kiệm năng lượng, nhưng sự cứng nhắc đó có thể duy trì vòng luẩn quẩn của việc rút lui và kéo dài các biểu hiện của sự thờ ơ”.

Nếu chúng ta cho rằng sẽ không có gì thay đổi, ta sẽ ngừng tìm cách cải thiện hoàn cảnh của chính mình.

Nhận thức tăng cường khả năng phục hồi như thế nào

Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là vị trí kiểm soát. Một vị trí kiểm soát bên trong có nghĩa là bạn tin rằng hành động của mình sẽ định hình tương lai. Ngược lại, vị trí kiểm soát bên ngoài thể hiện rằng các sự kiện xảy ra nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bạn. Khi đối mặt với thử thách, những người có vị trí kiểm soát bên trong có xu hướng tiếp tục tìm kiếm giải pháp. Trong khi đó, những người có vị trí kiểm soát bên ngoài dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh, vì tin rằng nỗ lực sẽ không thay đổi được kết quả.

Có lẽ vượt lên trên cả cảm giác kiểm soát cá nhân, ý nghĩa mà chúng ta gán cho nghịch cảnh cũng là một yếu tố khác góp phần dẫn đến những hệ quả có thể làm thay đổi cuộc đời. Người sống sót sau thảm họa Holocaust và sau này là nhà tâm lý trị liệu – Viktor Frankl – đã viết trong cuốn Man’s Search for Meaning rằng: trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, ai tìm thấy được ý nghĩa – kể cả trong khổ đau – thì khả năng sống sót sẽ cao hơn. Vì sao? Bởi vì mục đích sống trao cho ta một lý do mạnh mẽ để tiếp tục, ngay cả khi rơi vào những thời khắc tăm tối nhất.

Vượt qua sự bất định: Những chiến lược thực tiễn

Việc nhận ra rằng bạn có sự lựa chọn trong cách nhìn nhận sự bất định và phản ứng, chính là bước đầu tiên để tự nhận thức. Hãy cân nhắc những chiến lược sau đây khi bạn cảm thấy con đường phía trước thật mù mịt và khó đoán:

Khi bạn thấy lo lắng:

  • Điều chỉnh lại cảm nhận về mức độ thay đổi: Người lo âu thường cảm thấy mọi thứ thay đổi quá nhanh. Hãy tự hỏi: “Liệu tình huống này có thực sự bất ổn như mình cảm thấy không?”
  • Rèn luyện khả năng chịu đựng sự không chắc chắn: Thay vì vội vàng tìm kiếm sự rõ ràng mỗi khi lo âu xuất hiện, hãy học cách ở lại với cảm giác mơ hồ trong một khoảng thời gian ngắn, và dần dần tăng mức độ chịu đựng của bản thân.
  • Chuẩn bị sẵn “thẻ ứng phó”: Khi thấy quá tải vì không đoán được chuyện gì sẽ xảy ra, hãy có sẵn một câu nhắc: “Lúc lo lắng vì tương lai không rõ ràng, mình sẽ nhắc bản thân rằng không phải lúc nào cũng cần phản ứng ngay”.
  • Luyện tập việc tiếp nhận và tổng hợp thông tin trong dài hạn: Thay vì phản ứng ngay với mỗi thông tin mới, hãy kiên nhẫn thu thập và xem xét thông tin theo thời gian trước khi quyết định.

Khi bạn cảm thấy thờ ơ:

  • Tăng cường cảm giác kiểm soát: Hãy chia nhỏ nhiệm vụ thành những bước cụ thể và dễ thực hiện, để bạn có thể quan sát rõ mối liên hệ nhân – quả giữa hành động và kết quả.
  • Xây dựng niềm tin vào hiệu quả hành động: Hãy ghi nhận và ăn mừng những chiến thắng nhỏ để củng cố niềm tin rằng hành động của bạn thực sự tạo ra kết quả.
  • Tăng dần khả năng khám phá: Hãy thách thức nhận thức rằng kết quả chỉ là ngẫu nhiên bằng cách chủ động thử những cách tiếp cận mới trong các tình huống ít rủi ro.
  • Tạo nhật ký bằng chứng: Ghi lại những lần hành động của bạn mang lại kết quả tốt, để nhắc nhở bản thân rằng thành công không chỉ là do ngẫu nhiên mà còn đến từ nỗ lực cá nhân.

Dành cho tất cả mọi người:

  • Xem cảm xúc là thông điệp: Cảm giác lo âu hay thờ ơ không chỉ là phản ứng nhất thời – đó là cách cơ thể bạn đang cố nói điều gì đó. Hãy thử hỏi: “Cảm xúc này đang muốn mình chú ý đến điều gì?”
  • Nhìn nhận sự không chắc chắn theo hướng khác: Đừng xem sự không chắc chắn là mối đe dọa khiến bạn lo âu hay là dấu hiệu cho thấy cuộc sống vô nghĩa. Thay vào đó, hãy coi nó như một thử thách – một cơ hội để học hỏi, khám phá và phát triển bản thân.

Lời kết: “Hãy làm điều đúng tiếp theo”

Lần sau khi bạn không biết nên đi đường nào, hãy tự hỏi mình:

  • Tôi có đang đánh giá quá cao các mối đe dọa không? (liên quan đến lo âu)
  • Tôi có đang đánh giá thấp năng lực của bản thân không? (liên quan đến thờ ơ)
  • Đâu là một hành động nhỏ tôi có thể làm ngay lúc này để hiểu rõ hơn?

Bạn không cần biết hết cả con đường, bạn chỉ cần thấy được bước tiếp theo. Và bước ấy là do bạn quyết định.

Theo Tiến sĩ Robert Backer, The Epoch Times

Liên Hoa biên dịch

Tiến sĩ Robert Backer,

Published by
Tiến sĩ Robert Backer,

Recent Posts

Tại sao bạn có thể ngủ ngon nếu giơ tay cao qua đầu?

Trằn trọc mãi vẫn không thể ngủ được, nhưng khi vô tình giơ tay lên…

6 giờ ago

Giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại, RON 95 lên hơn 19.500 đồng/lít

Ngày 15/5, giá xăng được điều chỉnh tăng sau 2 lần giảm.

7 giờ ago

Việt Nam và Mỹ thảo luận kỹ thuật về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi kỹ thuật về Hiệp định tránh đánh thuế…

7 giờ ago

Nhiều tín hiệu tích cực đang xuất hiện với Dệt may Việt Nam

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 3,64%, tăng 15% so…

8 giờ ago

Quốc hội tiểu bang Texas thông qua nghị quyết chỉ định ngày 13/5 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp

Quốc hội Tiểu bang Texas chỉ định ngày 13 tháng 5 năm 2025 là "Ngày…

9 giờ ago

Hoa Kỳ và Qatar đồng ý cam kết trao đổi kinh tế trị giá 1,2 nghìn tỷ USD

Hôm thứ Tư (14/5), Nhà Trắng loan báo rằng Hoa Kỳ và Qatar đã đạt…

9 giờ ago