Sức Khỏe

Rụng tóc: Liệu pháp và thuốc giúp phục hồi

Một bài báo y học năm 1988 đã ghi nhận một loại thuốc có khả năng kích thích mọc tóc ở những vị trí mong muốn — và sau đó trở thành loại thuốc đầu tiên được FDA phê duyệt để điều trị rụng tóc.

Hói đầu ở nam giới có liên quan đến hormone nội tiết Dihydrotestosterone (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chân tóc của bạn giống như một thế giới thu nhỏ. Khám phá nguyên nhân gây rụng tóc và những cách có thể ngăn ngừa – thậm chí đảo ngược tình trạng này.

Vào những năm 1970, một tác dụng phụ bất thường được quan sát ở các bệnh nhân tăng huyết áp đang dùng minoxidil — hiện tượng mọc lông quá mức ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể.

Hai bác sĩ da liễu đã được mời nghiên cứu hiện tượng này. Họ bôi thuốc lên cánh tay bệnh nhân và nhận thấy vùng da được điều trị mọc lông dày hơn rõ rệt.

Hầu hết các bác sĩ khi đó đã bác bỏ phát hiện này, cho rằng việc lông tay mọc nhiều hơn không đồng nghĩa với việc loại thuốc này có thể điều trị hói đầu. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến khi một bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng – đồng thời cũng bị hói đầu – được kê đơn dùng minoxidil. Một tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc, các vùng hói trên da đầu của ông bắt đầu mọc tóc trở lại.

Trường hợp này đã làm dấy lên sự quan tâm đến tiềm năng của minoxidil trong điều trị rụng tóc. Phát hiện này sau đó được ghi lại trong một bài báo đăng trên Clinics in Dermatology (Tập san Phòng khám Da liễu) năm 1988.

“Chúng tôi đã có một loại thuốc khiến tóc mọc trở lại”, tác giả cho biết, “và nó có khả năng phục hồi tóc ở những vị trí mong muốn”.

Kể từ đó, minoxidil dạng bôi ngoài da đã trở thành loại thuốc đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị rụng tóc.

Chẳng bao lâu sau, các liệu pháp điều trị khác như finasteride và dutasteride đã xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Ngày nay, finasteride đã vượt qua minoxidil để trở thành liệu pháp điều trị rụng tóc chính trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm các giải pháp phục hồi tóc vẫn không ngừng tăng.

Bài viết này sẽ phân tích một số liệu pháp điều trị rụng tóc phổ biến dựa trên cơ sở khoa học, hiệu quả và những rủi ro đi kèm.

Hãy bắt đầu với finasteride.

Thuốc hướng đến nguyên nhân gốc rễ

Việc finasteride được sử dụng rộng rãi xuất phát từ niềm tin rằng nó tác động trực tiếp đến nguyên nhân gốc rễ của tình trạng rụng tóc kiểu hói (được gọi là rụng tóc nội tiết tố) và nhìn chung được đánh giá là hiệu quả hơn minoxidil. Theo một báo cáo năm 2024 của Epic Research (Tổ chức chuyên phân tích dữ liệu y tế và nghiên cứu lâm sàng tại Hoa Kỳ), trong vòng 7 năm qua, tỷ lệ sử dụng finasteride điều trị rụng tóc ở nam giới trưởng thành đã tăng 200%.

Finasteride thuộc nhóm thuốc ức chế 5-alpha reductase. Như đã đề cập trong Phần 1 của loạt bài này, rụng tóc nội tiết tố – dạng rụng tóc phổ biến nhất – xảy ra khi các nang tóc nhạy cảm quá mức với dihydrotestosterone (DHT) – một loại nội tiết tố mạnh mẽ ở nam giới.

DHT được chuyển hóa từ testosterone nhờ enzyme 5-alpha reductase. DHT mạnh hơn đáng kể so với testosterone có ái lực liên kết với thụ thể androgen gấp năm lần.

Bằng cách ức chế 5-alpha reductase, finasteride làm giảm sản xuất DHT, từ đó giảm tác động lên các nang tóc, ngăn ngừa sự co rút nang tóc và giúp ổn định quá trình mọc tóc.

Tương tự minoxidil, finasteride ban đầu không được dùng điều trị rụng tóc – mà để điều trị phì đại tuyến tiền liệt (BPH).

Finasteride làm giảm nồng độ DHT ở cả da đầu và huyết thanh khoảng 60%.

Một thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia được công bố trên European Journal of Dermatology (Tập san Da liễu Châu Âu) cho thấy: vào cuối năm đầu tiên, những bệnh nhân dùng finasteride có số lượng tóc tăng lên 10%. Sau 5 năm, số lượng tóc của họ vẫn cao hơn 5% so với thời điểm ban đầu. Trong khi đó, nhóm dùng giả dược mất trung bình 26% lượng tóc.

Một thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia cho thấy bệnh nhân dùng finasteride trong 5 năm đã tăng 5% số lượng tóc, trong khi nhóm dùng giả dược đã giảm 26%. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên 126 nam giới dùng finasteride hàng ngày cho thấy 86% duy trì hoặc cải thiện mật độ tóc theo thời gian.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Rodney Sinclair, Giám đốc Trung tâm Da liễu Sinclair và là giáo sư y khoa tại Đại học Melbourne, điểm hạn chế lớn của finasteride đối với nhiều người là tuy giúp ngăn rụng tóc, nhưng lại kém hiệu quả trong việc kích thích mọc tóc mới — đặc biệt ở vùng trước trán.

Dutasteride, 1 liệu pháp điều trị rụng tóc khác, cũng là 1 chất ức chế 5-alpha reductase. Dutasteride ức chế nhiều loại enzyme 5-alpha reductase hơn và kéo dài thời gian tác dụng hơn khiến nó mạnh hơn finasteride. Tuy nhiên, trong khi finasteride đã được FDA phê duyệt để điều trị rụng tóc cho nam giới, dutasteride mới chỉ được phê duyệt chính thức để điều trị phì đại tuyến tiền liệt, nên việc sử dụng dutasteride  để điều trị rụng tóc được coi là ngoài chỉ định.

Một mối quan tâm phổ biến với các loại thuốc này là chúng có thể gây tác dụng phụ do làm giảm mức androgen.

“[Các tác dụng phụ này] có thể là từ giảm ham muốn tình dục đến chứng vú to ở nam giới hoặc khó thụ thai”, Tiến sĩ Manish Mittal, chuyên gia cấy tóc và người sáng lập Mittal Hair Clinic tại London, chia sẻ với The Epoch Times.

Theo kinh nghiệm lâm sàng của Mittal, tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ chỉ khoảng 1 trên 100 trường hợp, tức là khá an toàn.

Bác sĩ thường theo dõi sát bệnh nhân trong quá trình điều trị để giảm thiểu rủi ro. Nếu có tác dụng phụ, bác sĩ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị bằng cách giảm liều, ngừng thuốc hoặc chuyển sang dạng bôi ngoài da — vốn có nguy cơ thấp hơn đáng kể.

Tiến sĩ Marc Dauer, từ Dauer Hair Restoration, cho biết ông thường ưu tiên bắt đầu với finasteride dạng bôi ngoài da.

Một số bác sĩ khác ghi nhận tỷ lệ tác dụng phụ cao hơn đôi chút.

“Khoảng 10% đến 15% nam giới phàn nàn về việc giảm ham muốn tình dục”, tiến sĩ Jeffrey Epstein, thành viên Hội Phẫu thuật Cấy tóc Quốc tế và là bác sĩ tư tại Miami, cho biết.

Ông cũng lưu ý rằng, những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi ngừng thuốc.

“Cơ địa mỗi người là khác nhau”, tiến sĩ Dauer nhấn mạnh rằng, các bác sĩ da liễu không thể đưa ra một khuyến nghị phù hợp cho tất cả. Do tác dụng phụ khác nhau ở từng người nên “mọi người cần tự quyết định và xem loại nào phù hợp với mình”.

Các loại thuốc như finasteride có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy, chúng thường chỉ được kê cho phụ nữ nếu họ không còn khả năng thụ thai. Đây cũng là một trong những lý do tại sao finasteride chỉ được FDA phê duyệt cho nam giới.

Đối với bệnh nhân nữ, thường dùng các loại thuốc khác như spironolactone.

Spironolactone điều trị rụng tóc thông qua cơ chế khác với finasteride. Thuốc này ngăn chặn androgen liên kết với thụ thể androgen và ức chế sản xuất androgen.

“Thật sự rất khó để điều trị hiệu quả chứng rụng tóc di truyền nếu không dùng một trong những loại thuốc này”, tiến sĩ Jeremy Wetzel, chuyên gia cấy tóc tại Anderson Center for Hair (Trung tâm chuyên sâu về phục hồi tóc) cho biết.

Ông cho biết, không có liệu pháp điều trị nào khác trực tiếp nhắm vào nguyên nhân gốc rễ của rụng tóc – DHT.

Ông lưu ý rằng nếu lo ngại tác dụng phụ, “các thuốc dạng bôi ngoài da là lựa chọn hoàn hảo”. Một đánh giá năm 2022 cho thấy bôi finasteride 0,25% hàng ngày có hiệu quả trong điều trị rụng tóc kiểu nam giới, đồng thời làm giảm DHT ở da đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến mức DHT toàn thân.

Minoxidil, loại thuốc được phê duyệt đầu tiên

Khác với finasteride – vốn chủ yếu ngăn ngừa tình trạng rụng tóc tiến triển – minoxidil, loại thuốc đầu tiên được phê duyệt để điều trị rụng tóc, có tác dụng trực tiếp kích thích mọc tóc.

Minoxidil chỉ được FDA phê duyệt sử dụng ngoài da. Trong các thử nghiệm ban đầu, việc dùng minoxidil đường uống với liều cao gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, khiến các nhà nghiên cứu phải thận trọng hơn và chỉ chấp thuận dạng bào chế dùng ngoài da.

Cơ chế kích thích mọc tóc của minoxidil hiện vẫn chưa được hiểu hoàn toàn. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất cho rằng thuốc có tác dụng giãn mạch, từ đó tăng cường cung cấp oxy và dưỡng chất cho các nang tóc.

Một tổng quan hệ thống năm 2022 cho thấy, minoxidil thúc đẩy mọc tóc thông qua nhiều cơ chế: giãn mạch máu, tác dụng chống viêm, thúc đẩy sự phát triển của nang tóc và hoạt tính kháng androgen. Ngoài ra, minoxidil giúp chuyển nhiều nang tóc từ pha nghỉ (telogen) sang pha tăng trưởng (anagen) và kéo dài thời gian tồn tại của pha tăng trưởng. Các nghiên cứu in vitro cũng chỉ ra rằng minoxidil giúp tăng cường khả năng sống của tế bào nang tóc, trong khi nhóm đối chứng không được điều trị có tỷ lệ tế bào chết cao hơn.

Mặc dù minoxidil dùng ngoài da được sử dụng phổ biến, nhưng không phải ai cũng đáp ứng với điều trị này.

Để minoxidil phát huy tác dụng, nó cần được chuyển hóa thành dạng hoạt động nhờ một enzym đặc hiệu trong da. Tuy nhiên, một số người có hoạt tính enzym tự nhiên thấp, hoặc hoạt tính này có thể bị suy giảm do sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin.

Nhiều người gặp hiện tượng rụng tóc gia tăng khi mới bắt đầu dùng minoxidil, khiến họ lo lắng và ngưng điều trị. Tuy nhiên, hiện tượng rụng tóc ban đầu này có thể là dấu hiệu đáp ứng điều trị tích cực – minoxidil làm rút ngắn pha nghỉ, dẫn đến việc đào thải các sợi tóc cũ trước khi tóc mới bắt đầu mọc.

Theo bác sĩ Sinclair, nhiều bệnh nhân ngừng sử dụng minoxidil quá sớm do không thấy hiệu quả ngay lập tức hoặc cho rằng tóc mọc quá chậm. Tuy nhiên, điều trị bằng minoxidil đòi hỏi cam kết lâu dài; nếu ngừng sử dụng, lượng tóc mới mọc sẽ rụng đi chỉ sau vài tháng.

Tác dụng phụ cũng là một lý do quan trọng khiến nhiều người ngưng dùng thuốc.

Một nghiên cứu hồi cứu năm 2023 trên 400 bệnh nhân cho thấy năm tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng minoxidil ngoài da là: ngứa da đầu (13,8%), tăng mọc lông trên mặt (12,3%), rụng tóc nhiều hơn, làm nặng thêm viêm da tiết bã và đau đầu.

Cuối cùng, gần 90% người dùng đã ngừng sử dụng minoxidil trong vòng một năm; những người tiếp tục điều trị chủ yếu là những người chỉ gặp tác dụng phụ nhẹ hoặc có thể chấp nhận được. Sau hơn một năm sử dụng, 44% số bệnh nhân kiên trì điều trị ghi nhận sự cải thiện đáng kể về mật độ tóc.

Sau hơn 1 năm sử dụng, 44% bệnh nhân kiên trì điều trị bằng minoxidil tại chỗ báo cáo có sự cải thiện rõ rệt về sự phát triển của tóc. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Trong những năm gần đây, minoxidil đường uống đã trở nên ngày càng phổ biến như một phương pháp hiệu quả để kích thích mọc tóc.

“Tôi rất thích minoxidil dạng uống”, bác sĩ Wetzel cho biết.

Ông lưu ý rằng nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong việc bôi minoxidil hàng ngày một cách đều đặn; một số người chỉ duy trì được khoảng một nửa số ngày.

“Điều đó giống như việc đánh răng 3 lần/tuần vậy – sẽ không hiệu quả”, ông cho biết.

So với dạng bôi, việc sử dụng minoxidil đường uống giúp bệnh nhân dễ dàng duy trì thói quen dùng thuốc đều đặn hơn.

Khi được kê đơn như một thuốc hạ huyết áp mạnh, minoxidil đường uống thường sử dụng ở liều 5–40 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, trong điều trị rụng tóc, liều lượng được giảm đáng kể – chỉ từ 0,25 đến 2,5 mg mỗi ngày – và đây là một chỉ định ngoài nhãn (off-label).

Tương tự như dạng bôi, minoxidil đường uống cũng tiềm ẩn các tác dụng phụ.

Bác sĩ Epstein ghi nhận rằng trong thực hành lâm sàng của ông, khoảng 2–3% bệnh nhân gặp tình trạng tụt huyết áp hoặc đánh trống ngực. Một tác dụng phụ khác thường gặp là tăng mọc lông toàn thân – điều này đặc biệt gây lo lắng đối với bệnh nhân nữ.

“Nam giới dung nạp thuốc rất tốt”, tiến sĩ Sinclair lưu ý rằng, minoxidil dạng uống đáp ứng tốt mong đợi về việc mọc tóc của hầu hết nam giới.

Nhiều người sử dụng nhận thấy các lợi ích về mặt thẩm mỹ, chẳng hạn như lông mi dài hơn và râu rậm hơn.

Tiến sĩ Sinclair, người dẫn đầu nhóm phát triển minoxidil dưới dạng viên ngậm dưới lưỡi, cho biết phương pháp này gây ảnh hưởng đến huyết áp ít hơn so với dạng viên uống, và có thể sẽ được tung ra thị trường vào năm 2026.

Tiến sĩ David Saceda-Corralo, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Đại học Ramón y Cajal ở Madrid và là nhà nghiên cứu chuyên về các chứng rối loạn tóc, cho biết: “Minoxidil dạng uống có hiệu quả tuyệt vời”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng để duy trì hiệu quả lâu dài, nhiều bệnh nhân sử dụng minoxidil cũng cần phối hợp thêm finasteride hoặc dutasteride.

Một lưu ý quan trọng: minoxidil cực kỳ độc đối với vật nuôi và có thể gây tử vong nếu bị nuốt phải. Chủ vật nuôi cần ngăn không cho chó mèo liếm tay, tóc hoặc vỏ gối có thể dính thuốc.

Mặc dù thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính cho rụng tóc, một số bác sĩ còn kết hợp thêm các liệu pháp hỗ trợ, chẳng hạn như laser, để nâng cao hiệu quả điều trị.

Các liệu pháp điều trị rụng tóc khác đã được FDA phê duyệt, không theo chỉ định. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Liệu pháp laser để loại bỏ và mọc tóc

Vào cuối những năm 1960, bác sĩ người Hungary Endre Mester đã thực hiện một thí nghiệm ung thư bằng cách sử dụng laser ruby cường độ thấp trên chuột. Trong khuôn khổ nghiên cứu, lông trên lưng chuột được cạo sạch. Thật bất ngờ, thay vì gây ung thư, laser lại kích thích lông mọc trở lại ở những vùng đã được cạo.

Theo thời gian, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận hiện tượng mọc tóc ngoài ý muốn ở một số bệnh nhân đang điều trị triệt lông hoặc quang trị liệu. Những quan sát này đã thúc đẩy nhiều nghiên cứu nhằm xác nhận tác dụng kích thích mọc tóc của laser cường độ thấp.

Liệu pháp laser cường độ thấp (LLLT) đã được FDA chấp thuận để điều trị rụng tóc cho nam giới và nữ giới.

Cơ chế đằng sau sự phát triển của tóc do tia laser gây ra có liên quan đến hoạt động của ty thể trong các tế bào nang tóc. Ty thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất năng lượng. Khi được chiếu bằng ánh sáng laser ở bước sóng thích hợp (khoảng 650 nm), chức năng ty thể được tăng cường, làm gia tăng sản xuất năng lượng và thúc đẩy sự phát triển cũng như tăng sinh của các nang tóc.

Tiếp xúc với tia laser cũng thúc đẩy ty thể giải phóng oxit nitric, cải thiện lưu thông máu cục bộ. Nhờ vậy, việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho nang tóc được tối ưu hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tóc khỏe mạnh.

Một đánh giá có hệ thống cho thấy cứ tăng 10 J/cm² năng lượng (lượng năng lượng được cung cấp trên một đơn vị diện tích) trong một phiên LLLT, mật độ tóc sẽ tăng 2,3 sợi tóc/cm².

Khi lựa chọn thiết bị LLLT, nguồn sáng là yếu tố quan trọng. Một số thiết bị trên thị trường chủ yếu sử dụng điốt laser, trong khi những thiết bị khác sử dụng đèn LED. Ưu điểm của các thiết bị dựa trên đèn LED là độ an toàn cao, dễ sử dụng tại nhà và chi phí phải chăng. Ngoài ra, chúng thường được tiếp thị là hoạt động ở cùng bước sóng với các thiết bị dựa trên điốt laser.

Tuy nhiên, điểm khác biệt chính nằm ở năng lượng phát ra — điốt laser phát năng lượng gấp 10 lần so với đèn LED.

“Đèn LED không thực sự hiệu quả. Phải là laser, loại đèn mang nhiều năng lượng hơn nhiều so với đèn LED”, Tiến sĩ Wetzel cho biết.

Một tổng quan hệ thống năm 2021 đã trích dẫn một thử nghiệm lâm sàng trong đó bệnh nhân sử dụng cả hai loại thiết bị — laser diode và LED — với cùng số lượng nguồn sáng, trong vòng 24 tuần. Kết quả cho thấy, cả hai nhóm đều có sự gia tăng về mật độ và đường kính tóc, nhưng mức độ khác biệt đáng kể.

Mật độ tóc tăng khoảng 10 sợi/cm² ở nhóm laser diode, so với chỉ 4 sợi/cm² ở nhóm dùng LED. Sự gia tăng về đường kính sợi tóc ở nhóm laser diode cũng gần gấp đôi so với nhóm LED.

Mật độ tóc tăng khoảng 10 sợi tóc/cm² ở nhóm dùng điốt laser, so với 4 sợi tóc/cm² ở nhóm dùng đèn LED. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Với liệu pháp LLLT, việc kéo dài thời gian điều trị hoặc tăng cường độ chiếu xạ không nhất thiết mang lại kết quả tốt hơn. Thực tế, chiếu xạ quá mức có thể làm ức chế phản ứng mong muốn, tương tự như trong liệu pháp triệt lông bằng laser, nơi sự chiếu xạ quá liều làm ức chế sự mọc lại của lông tóc.

Việc chuyển từ chế độ chiếu liên tục sang chiếu xung đã được chứng minh có liên quan đến sự gia tăng đáng kể mật độ tóc, cho thấy rằng các thiết bị laser có chế độ phát xung có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

Trong số các thiết bị LLLT được FDA phê duyệt, các mẫu lược laser đã cho thấy hiệu quả tương đương với các mẫu mũ bảo hiểm, đồng thời là lựa chọn tiết kiệm chi phí hơn cho những bệnh nhân có ngân sách hạn chế.

Tiêm vào da đầu để điều trị rụng tóc

Một liệu pháp điều trị đang nổi lên gần đây là tiêm trực tiếp các hoạt chất vào da đầu.

Trong liệu pháp mesotherapy, các thuốc hoặc hợp chất sinh học hoạt tính được tiêm vào lớp trung bì da, cách bề mặt chỉ vài milimet. Phương pháp này hiện chưa được FDA phê duyệt và cũng chưa có một phác đồ điều trị tiêu chuẩn hóa.

Nhiều loại chất khác nhau có thể được tiêm, bao gồm dutasteride, minoxidil, các yếu tố tăng trưởng (growth factors), botulinum toxin A (Botox), tế bào gốc, và các phức hợp đa vitamin — có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp.

Liệu pháp này thường hiệu quả hơn ở những người trẻ tuổi trong giai đoạn đầu của rụng tóc.

Tiến sĩ Saceda-Corralo mô tả liệu pháp tiêm meso với dutasteride là “một lựa chọn tuyệt vời để tránh dùng thuốc uống”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, hiệu quả có thể không bằng thuốc uống và việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp là rất quan trọng.

Năm 2022, Saceda-Corralo và nhóm nghiên cứu đã công bố một nghiên cứu cho thấy khoảng 40% bệnh nhân có cải thiện lâm sàng sau một năm điều trị mesotherapy bằng dutasteride.

Tác dụng phụ tiềm ẩn của mesotherapy bao gồm rụng tóc tại vị trí tiêm, sưng tấy và các phản ứng cục bộ khác. Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các chất được tiêm, có bớt bẩm sinh hoặc có tiền sử chấn thương phẫu thuật gần vùng tiêm sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn.

Một phương pháp khác là liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), trong đó tiểu cầu được tiêm trực tiếp vào da đầu. Quá trình này bao gồm việc lấy máu tĩnh mạch của bệnh nhân, sau đó xử lý ly tâm để thu được huyết tương giàu tiểu cầu — có nồng độ tiểu cầu cao gấp 2–5 lần so với máu bình thường.

Ngoài vai trò trong quá trình đông máu, tiểu cầu còn chứa nhiều yếu tố tăng trưởng giúp kích thích tăng sinh tế bào, hình thành các mạch máu quanh nang tóc và ức chế sự chết tế bào. Liệu pháp này được cho là thúc đẩy sự mọc tóc bằng cách khởi phát và kéo dài giai đoạn tăng trưởng (anagen) của chu kỳ tóc.

Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy, ba lần điều trị PRP trong vòng sáu tháng giúp tăng mật độ tóc trung bình khoảng 13 sợi/cm², trong khi nhóm đối chứng lại giảm trung bình 2 sợi/cm².

Vì PRP được chiết xuất từ chính máu của bệnh nhân, nên không có nguy cơ dị ứng, và tác dụng phụ chủ yếu là đau cục bộ tại vị trí tiêm.

Bác sĩ Wetzel nhận định PRP có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ, kết hợp với thuốc và LLLT.

Bác sĩ Mittal cũng đề cập đến liệu pháp exosome, và cho rằng hiệu quả “có lẽ còn vượt trội hơn PRP”. Exosome là những túi nhỏ được tách từ tế bào gốc, chứa các yếu tố tăng trưởng — những chất kích thích sự phát triển tế bào. Chúng được tin là có khả năng tái tạo nang tóc và thúc đẩy sự mọc tóc tự nhiên.

Một tổng quan năm 2024 ghi nhận liệu pháp exosome có tiềm năng ứng dụng đầy hứa hẹn, nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng cần nhiều thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn và được thiết kế tốt hơn. Đồng thời, việc chuẩn hóa quy trình sản xuất và kiểm soát quy định chặt chẽ là rất cần thiết để đảm bảo tính an toàn.

Cần kết hợp nhiều phương pháp

Trong các cuộc phỏng vấn, các bác sĩ đều chia sẻ 1 quan điểm chung: Để điều trị hiệu quả chứng rụng tóc do nội tiết tố thường cần kết hợp nhiều liệu pháp.

Tiến sĩ Saceda-Corralo cho biết 1 liệu pháp đơn lẻ hiếm khi đủ để cải thiện tình trạng rụng tóc. Việc kết hợp thuốc uống với các liệu pháp điều trị tại chỗ và các liệu pháp bổ trợ như mesotherapy là điều rất phổ biến.

“Tôi luôn ưu tiên kết hợp finasteride đường uống và minoxidil dạng bôi. Tôi nghĩ đây là sự kết hợp mang lại hiệu quả cao với ít tác dụng phụ nhất”, Tiến sĩ Mittal cho biết.

Dựa trên kinh nghiệm của ông, sự kết hợp kinh điển này có hiệu quả với khoảng 90% bệnh nhân thậm chí còn có thể cho phép sử dụng liều thuốc thấp hơn.

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc lạm dụng thuốc bôi hay thuốc uống với liều cao không đồng nghĩa với kết quả tốt hơn. Các liệu pháp nên được giới thiệu từ từ, bắt đầu với một phương pháp trước khi kết hợp thêm.

Tiến sĩ Saceda-Corralo lưu ý rằng, trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị rụng tóc cần có sự cam kết lâu dài trong nhiều năm. Vì vậy, ông khuyên bệnh nhân nên “lựa chọn liệu pháp nào khiến họ cảm thấy thoải mái nhất”.

Các liệu pháp bên ngoài đôi khi cũng không đủ. Bác sĩ phẫu thuật cấy tóc Rajesh Rajput chia sẻ với The Epoch Times rằng một số bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, điều này cho thấy những giới hạn khi chỉ dựa vào điều trị bằng thuốc. Finasteride có thể giúp bảo tồn tóc hiện có, nhưng không nhất thiết làm tóc dày hơn. Minoxidil có thể kích thích mọc tóc mới, nhưng nếu không có sự hỗ trợ dinh dưỡng thích hợp, sự kích thích này có thể không hoàn toàn.

Để đạt được hiệu quả mọc tóc tốt hơn và giảm rụng tóc, việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, ăn uống và lối sống cũng đóng vai trò then chốt. Các yếu tố này sẽ được chúng tôi phân tích sâu hơn trong những bài viết tiếp theo.

Tiếp theo: Cũng giống như bạn có thể ăn uống để tăng cơ và tăng mỡ, bạn hoàn toàn có thể ăn để giúp mọc tóc.

Theo Flora Zhao, The Epoch Times

Khánh Ngọc biên dịch

Khánh Ngọc

Published by
Khánh Ngọc

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer không loại trừ khả năng luận tội Tổng thống Donald Trump

Vào Chủ nhật (27/4), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ,…

1 giờ ago

Ý nghĩa đích thực của ‘Mưu cầu hạnh phúc’ là gì?

Nhiều người Mỹ ngày nay hiểu việc “mưu cầu hạnh phúc” theo nghĩa đen, họ…

1 giờ ago

Hải quân Ấn Độ tiến hành tập trận giữa lúc căng thẳng với Pakistan

Hải quân Ấn Độ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển…

2 giờ ago

Bộ trưởng Bessent: Đàm phán thương mại với các nước châu Á ‘tiến triển rất tốt’

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết hôm Chủ nhật (27/4) rằng…

2 giờ ago

Moskva: Người đàn ông nhận tội thay mặt Ukraine ám sát Tướng Nga Moskalik

Hôm Chủ nhật (27/4), chính quyền Nga thông báo,  người đàn ông bị tình nghi…

2 giờ ago

Marco Rubio: Tổng thống Trump phản đối ‘hoạt động thương mại vô cùng bất công’ của Trung Quốc

Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết Tổng thống Donald Trump là tổng thống đầu tiên…

2 giờ ago