Mạng xã hội đang làm cạn kiệt năng lượng giao tiếp của thanh thiếu niên
Cảnh trên tàu điện ngầm tại Bắc Kinh năm 2018. (Nguồn: wonderlustpicstravel/ Shutterstock)
Nguồn năng lượng xã hội của thanh thiếu niên đang dần cạn kiệt khi họ “sạc” điện thoại. Thời gian và sự chú ý là những nguồn lực quý giá, vậy liệu mạng xã hội đang tối ưu hóa hay cản trở cách thanh thiếu niên đầu tư vào tình bạn?
Giao tiếp xã hội đang cạn kiệt dần ở thanh thiếu niên nghiện điện thoại. (Ảnh: Shutterstock)
Không khó để bắt gặp hình ảnh một nhóm thanh thiếu niên ngồi cùng nhau nhưng lại tập trung vào điện thoại thay vì giao lưu với nhau, hoặc một thanh thiếu niên ngồi một mình giữa đám đông, khom lưng và lướt web.
Thời gian sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Theo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em là 5 – 7 giờ mỗi ngày, tương đương với khoảng 3 tháng/năm. Với tốc độ như vậy, 1/4 cuộc đời các em có thể sẽ dành cho việc lướt web.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quỹ thời gian đó được sử dụng theo cách khác? Các nghiên cứu cho thấy, cần khoảng 200 giờ để xây dựng một tình bạn thân thiết. Theo cách tính này, nếu một thanh thiếu niên chuyển thời gian sử dụng mạng xã hội sang tương tác ngoài đời thực, các em có thể có một người bạn thân mới sau mỗi 40 ngày.
Liệu thanh thiếu niên có đang được đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội hay chỉ đơn thuần là lướt web qua một ảo tưởng về sự kết nối?
Nguồn “tài nguyên” khan hiếm nhất thế giới
Năm 1971, nhà kinh tế học người Mỹ và là người đoạt giải Nobel – Herbert Simon đã đưa ra khái niệm “nền kinh tế chú ý”. Ông cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, sự chú ý của con người chính là tài nguyên khan hiếm và quý giá nhất.
Quan sát của ông Simon gợi lại câu tục ngữ cổ của Trung Hoa: “Một tấc thời gian đáng giá một tấc vàng, nhưng một tấc vàng không thể mua được một tấc thời gian.”
Nếu thời gian và sự chú ý thực sự quý hơn vàng, thì lẽ nào thanh thiếu niên lại không nên sử dụng chúng một cách khôn ngoan?
Nghịch lý đầu tư vào tình bạn
Tương tác kỹ thuật số không mang lại những lợi ích tương đương với trò chuyện trực tiếp, và dữ liệu cho thấy người dùng nhận thức rõ ràng rằng mạng xã hội không thể thay thế cho sự giao tiếp xã hội thực sự.
Ông Jeffrey Hall, Giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Kansas, ví mạng xã hội là một hoạt động thụ động tương tự như việc quan sát người qua lại. Ông cho biết, chỉ có 3,5% thời gian trên mạng xã hội được dành cho việc bình luận và trò chuyện, trong khi phần lớn thời gian là để lướt xem hồ sơ cá nhân.
Nói cách khác, mạng xã hội đã tạo ra một nghịch lý trong việc đầu tư vào tình bạn – một ảo tưởng về việc quản lý mối quan hệ hiệu quả, trong đó người dùng có thể duy trì nhiều kết nối hơn mà tốn ít nỗ lực cá nhân hơn. Nhà kinh tế học và tác giả Umair Haque gọi nghịch lý này là “lạm phát mối quan hệ”, khi giá trị của từng lần tương tác suy giảm theo số lượng ngày càng tăng.
Bernard Crespi, Giáo sư Sinh học Tiến hóa tại Đại học Simon Fraser (SFU), chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng các hệ thống cộng hưởng trong não bộ – những hệ thống đồng bộ hóa cảm xúc khi con người kết nối trực tiếp – không thể tái tạo qua môi trường trực tuyến. Ví dụ, hiệu ứng của các tế bào thần kinh phản chiếu liên quan đến khả năng đồng cảm bị suy giảm đáng kể trong các tương tác trực tuyến.
Phục vụ cho “cái nhìn ảo”
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên BMC Psychiatry phát hiện ra rằng, mạng xã hội làm trầm trọng thêm những quan niệm sai lệch về bản thân bằng cách tạo ra một môi trường được quản lý chặt chẽ, không có những yếu tố như ngôn ngữ cơ thể, tốc độ nói, sự chia sẻ thời gian và không gian chung.
Ví dụ, một cô gái tuổi teen có thể dành hàng giờ để trang điểm, lựa chọn trang phục, chụp và chỉnh sửa ảnh của chính mình, sau đó hồi hộp chờ đợi phản hồi từ bạn bè sau khi đăng ảnh.
Nếu không thấy “thích” hay bình luận, cô bé sẽ cảm thấy như mình bị mọi người từ chối. Đồng thời, cô có thể lướt qua các hồ sơ của những cô bé khác trong nhiều giờ, so sánh ngoại hình của mình với những bức ảnh đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng của người khác, điều này có thể dẫn đến lòng tự trọng bị hạ thấp.
Theo bà Nancy Yang tại Đại học Simon Fraser (SFU) – tác giả chính của nghiên cứu, khác với các tương tác trực tiếp, mạng xã hội phá vỡ khả năng điều chỉnh xã hội và cân bằng cảm giác về bản thân qua phản hồi xã hội từ người khác.
Giao tiếp bằng mắt là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong các cuộc trò chuyện truyền thống nhưng lại bị mất đi trong môi trường mạng xã hội. Trong khi “ngôn ngữ thân mật của ánh mắt” là cần thiết để thiết lập kết nối và cảm giác hạnh phúc, thì thành công trên mạng xã hội lại phụ thuộc vào mức độ cao của sự tưởng tượng xã hội – cái nhìn ảo.
Những người sáng tạo nội dung phải dự đoán hướng đi của “đôi mắt ảo” – những gì mà các nhà nghiên cứu gọi là “giao tiếp bằng mắt ảo” – và thể hiện trước máy quay sao cho khán giả tưởng tượng cảm thấy được kết nối cá nhân.
Bà Yang cho biết không gian ảo tạo ra những môi trường nơi mà con người không chỉ tách biệt về mặt thể chất với những người khác mà “bạn thậm chí có thể bị tách biệt với chính mình… một ‘nút’ cô lập trong mạng lưới, chỉ gắn kết bởi những căng thẳng từ trí tưởng tượng [của chính bạn]”.
Nền kinh tế của cảm xúc và tương tác trên mạng xã hội
Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển được đặc trưng bởi sự nhạy cảm cao hơn đối với sự từ chối và chấp thuận từ bạn bè.
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tâm lý học tại Đại học Amsterdam thực hiện vào năm 2024 cho thấy, thanh thiếu niên nhạy cảm hơn với những phản ứng xã hội trên mạng, thể hiện sự phụ thuộc lớn hơn qua các lượt “thích” so với người trưởng thành và sẽ tự điều chỉnh việc đăng bài của mình dựa trên số lượng “thích” nhận được để tối ưu hóa sự chấp nhận này.
Ngoài ra, khi tham gia thử nghiệm đăng hình ảnh trên một nền tảng mô phỏng giống như Instagram, tâm trạng của các thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ sự giảm sút lượt “thích” so với người trưởng thành. Điều này cho thấy sự tham gia của thanh thiếu niên trên mạng xã hội bị chi phối nhiều hơn bởi yếu tố cảm xúc.
Hình minh họa của The Epoch Times, Shutterstock
Một nghiên cứu theo thời gian được công bố trên Frontiers in Digital Health đã cho thấy một điều về thanh thiếu niên và căng thẳng từ mạng xã hội: Điều gây tổn hại nhiều nhất đến tình bạn không phải là kỳ vọng về sự sẵn sàng luôn có mặt hay áp lực phải luôn trả lời tin nhắn mà là cảm giác tiêu cực khi bạn bè không trả lời họ. Đó là “sự thất vọng”.
Sự thất vọng có liên quan rõ rệt đến nhiều cuộc tranh cãi giữa bạn bè 6 tháng sau đó. Cảm giác bị buộc phải luôn trả lời bạn bè không gây ra mức độ xung đột tương tự.
Và đó là chưa kể đến yếu tố trực quan – nghiên cứu phát hiện ra rằng ảnh và video đại diện cho những “khoản đầu tư” có độ rủi ro cao hơn đòi hỏi phải có sự “đền đáp” tương ứng, khiến hiệu ứng của sự thất vọng càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Khi thanh thiếu niên chia sẻ một bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng, họ thực chất đang gửi gắm một khoản đầu tư cảm xúc lớn hơn và mong đợi sự đền đáp tương ứng dưới dạng sự xác nhận.
Những phát hiện này cho thấy: Thanh thiếu niên không cảm thấy phiền vì đã bỏ công sức ra mà là họ cảm thấy thất vọng khi không nhận được sự đền đáp như mong đợi. Họ đăng tải nội dung với kỳ vọng nhận được “lợi tức” tương tác và khi những “lợi tức” đó không thành hiện thực thì xung đột sẽ nảy sinh.
Lời kết
Mặc dù mạng xã hội có thể là một công cụ hữu ích nhưng cô Yang khuyên nên sử dụng nó ở mức độ vừa phải. “Hãy ra ngoài và chạm vào cỏ cây,” cô vui vẻ nhấn mạnh đến sự cần thiết của các cuộc trò chuyện trực tiếp trong việc xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.
Theo cô Yang, “Kỹ năng mềm trong giao tiếp xã hội cũng tương tự như việc học khiêu vũ – bạn có thể xem nhiều video hướng dẫn khiêu vũ đến mấy thì cũng không thể nào giúp bạn thay thế cho trải nghiệm khiêu vũ thực tế được. Sự trọn vẹn của một con người nằm ở những điều lớn lao hơn là chỉ tổng hợp các kỹ năng đơn thuần.”
Bạn nghĩ sao về những lợi ích và thách thức mà mạng xã hội mang lại cho thanh thiếu niên hiện nay?