Sách điện tử ra đời tạo nên dấu ấn quan trọng trong văn hóa. Tiện lợi thì có thật, tuy nhiên, xét từ công dụng của cơ bản của việc đọc là để thu thập thông tin hoặc giải trí thì sách điện tử dường như thua xa sách giấy truyền thống.
Trong một thí nghiệm thú vị, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger (Na Uy) yêu cầu 50 người đọc cùng một văn bản, đó là một câu chuyện trinh thám của nhà văn Elizabeth George. Một nửa được yêu cầu đọc 28 trang sách điện tử với ứng dụng Amazon Kindle, một nửa còn lại đọc bằng truyện in giấy. Sau đó, những người đọc phải trả lời các chi tiết khác nhau được mô tả trong cùng một văn bản đó, bao gồm các nhân vật, đồ vật, cũng như môi trường xung quanh… Họ cũng được đề nghị kể lại 14 sự kiện theo trình tự thời gian.
Kết quả thu được là: Những người đọc sách điện tử giải quyết yêu cầu này kém hơn hẳn so với nhóm đọc sách in.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân sự khác biệt này là do cảm giác xúc giác và thị giác khác hẳn giữa hai nhóm. Những người đọc sách in, được cầm trên tay cuốn sách, có khả năng nắm bắt và ghi nhớ được nội dung tốt hơn hẳn nhóm đọc sách điện tử.
Thực ra, theo các chuyên gia nghiên cứu, thì đây không chỉ là vấn đề với sách điện tử thôi, mà là với việc đọc trên màn hình (các thiết bị điện tử) nói chung. Nếu thiết bị có kết nối mạng Internet thì càng tệ nữa, nó làm giảm sức chú ý, ảnh hưởng nghiêm trọng năng lực tư duy theo chiều sâu, thậm chí thay đổi hành vi của não.
Cây viết chuyên về khoa học và công nghệ người Mỹ là Nicholas Carr từng chỉ ra, mạng Internet làm hủy diệt tư duy của loài người, làm con người ngày càng phụ thuộc, bị động, suy giảm khả năng chủ động tư duy và ghi nhớ sự việc. Ông lấy ví dụ về 10 chương trình nghiên cứu có chung kết luận: “Khi chúng ta lên mạng, chúng ta bắt đầu thói quen đọc lướt, suy nghĩ cẩu thả, như thế quá trình tiếp nhận vô cùng hời hợt, nông cạn.”
Ông giải thích, sách truyền thống khiến chúng ta đọc có trình tự, kết cấu câu tương đối phức tạp cũng giúp chúng ta vừa đọc vừa suy nghĩ. Nhưng “mạng Internet khiến chúng ta dễ dàng có được lượng thông tin lớn, nhưng lại biến chúng ta thành những kẻ nông cạn, trên thực tế là thay đổi kết cấu não bộ của chúng ta.”
Điều tra của Trending Machine năm 2013 chỉ ra, thời đại Internet làm trí nhớ con người giảm sút so với thế hệ chưa có Internet. Còn Tạp chí Scientific American thì ví mạng Internet là “ổ cứng gắn ngoài” của não người, không có mạng thì cũng chẳng còn kết nối được với dữ liệu nào.
Phó Giáo sư Hàn Cẩm Luân (Han Jialun) thuộc Khoa Kiến thức Khoa học Trẻ em, Đại học Trung văn Hồng Kông chia sẻ, nhiều bác sĩ và giới chuyên gia cũng cảm thấy lo lắng việc trẻ dùng sản phẩm điện tử trong thời gian dài. Đặc biệt trong vài năm qua, ngày càng có nhiều vụ tử vong do trẻ chơi game quá nhiều, làm suy kiệt sức khỏe. Dùng các sản phẩm điện tử trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể mắc nhiều bệnh tật, đặc biệt là béo phì và giảm sút thị lực…
Trang tin The Paper từng đưa tin, Tổ chức Sách từ thiện BookTrust và Đại học Mở (Open University) của Anh từng làm một điều tra đối với 1.500 bậc phụ huynh có con dưới 8 tuổi, theo đó có hơn 92% người lo lắng về vấn đề trẻ bỏ ra quá nhiều thời gian đọc sách điện tử, làm tổn hại sức khỏe của các em, đồng thời khiến con trẻ tiếp xúc với nhiều nội dung độc hại.
Cho dù sách điện tử ngày càng trở thành xu thế phổ biến, nhưng vẫn có 45% số phụ huynh cho rằng, việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ; có 35% số người lo lắng việc trẻ không còn hứng thú với sách giấy vì sự ra đời của sách điện tử; khoảng trên 25% số người cho rằng, sách điện tử làm trí nhớ của trẻ ngày càng kém; có 31% số người cho rằng, đọc sách điện tử khiến trẻ nhiễm nhiều thông tin không tốt.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Phụ nữ tại Boston (Mỹ), so với sách truyền thống, đọc sách điện tử (e-book) bằng các thiết bị có thể làm người đọc khó ngủ hơn và chất lượng giấc ngủ cũng kém hơn. Lý do mà các nhà nghiên cứu nghĩ đến là ánh sáng từ các thiết bị điện tử đã gây ảnh hưởng đến melatonin, một hormone có liên quan đến giấc ngủ.
Nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 12 thanh niên, đọc sách khoảng bốn giờ trước khi đi ngủ với ánh sáng mờ của phòng ngủ. Một nửa trong số này sẽ được đọc sách điện tử và một nửa còn lại được đọc sách in.
Kết quả cho thấy những người đọc e-book mất nhiều hơn trung bình 10 phút để đi vào giấc ngủ so với những người đọc sách in. Họ cho biết cảm giác khó ngủ hơn và thời gian của giấc ngủ REM (giai đoạn ngủ sâu, giúp phục hồi) cũng ngắn hơn.
Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, những người đọc e-book cho biết vẫn còn ngái ngủ và mất thời gian lâu hơn để tỉnh dậy hoàn toàn. Bằng chứng khi xét nghiệm máu đã cho thấy mức độ tiết melatonin bị chậm hơn khoảng một giờ rưỡi khi so với người đọc sách in.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy, thời gian tiếp xúc với màn hình (thiết bị điện tử) càng lâu thì mức độ căng thẳng, mệt mỏi càng nhiều.
Lê Anh
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…