Theo ghi chép trong cuốn “Hạt Quán Tử – Thế Hiền đệ thập lục”, Ngụy Văn Vương hỏi Biển Thước rằng 3 anh em ông đều tinh thông y thuật, vậy vị nào y thuật cao minh nhất?
Biển Thước nói với Ngụy Văn Vương rằng huynh trưởng của ông có y thuật cao minh nhất, nhị huynh đứng thứ hai, và y thuật của ông kém nhất trong ba anh em. Vì cách chữa bệnh của huynh trưởng là phải trừ tận gốc căn nguyên gây bệnh trước khi bệnh phát tác, nên người bình thường đều lầm tưởng rằng phương pháp trị liệu của huynh ấy không hiệu quả. Vậy nên không ai truyền tụng tiếng tăm của huynh ấy. Nhị huynh chữa khỏi bệnh ở giai đoạn đầu, nên người ta nghĩ rằng huynh ấy chỉ chữa được những bệnh vặt vãnh và chỉ có chút tiếng tăm trong vùng.
Biển Thước chữa khỏi cho người bệnh nặng, vậy nên hầu hết mọi người đều nghĩ rằng y thuật của Biển Thước rất cao minh và nổi tiếng hơn hai người anh của ông.
Trung Quốc có câu rằng: “Thượng y trị vị bệnh, trung y trị dục bệnh, hạ y trị dĩ bệnh” (nghĩa là thầy thuốc cao minh trị bệnh chưa sinh, thầy thuốc bình thường trị bệnh sắp sinh, thầy thuốc tầm thường trị bệnh đã phát). Người thầy thuốc thông thái nhất giống như huynh trưởng của Biển Thước, chữa khỏi bệnh cho người trước khi bệnh phát sinh. Nhưng một thầy thuốc như vậy lại thường không được mọi người biết đến, người ta cũng sẽ không tìm đến họ khi đổ bệnh. Đây là do sự hiểu biết của một số người chỉ có thể nằm trong một phạm vi kiến thức nhất định, vượt quá ngoài tầm hiểu biết của họ, họ sẽ cảm thấy rằng chúng không thể chấp nhận được và không đáng tin cậy.
Cuốn “Thất Phát” của Mai Thừa, một nhà thơ thời Hán, kể rằng thái tử nước Sở bị ốm, Ngô Khách đã đến thăm và chữa bệnh cho ông bằng cách hỏi và đáp. Ngô Khách cho rằng nguyên nhân gây bệnh của Sở Thái tử là do tham lam quá độ, hưởng lạc quá mức, tinh khí tiêu hao quá nhiều. Bệnh này không thể chữa khỏi bằng thuốc và châm cứu mà chỉ có thể chữa khỏi bằng những lời hay ý đẹp. Vì vậy, Ngô Khách lần lượt mô tả 6 thú vui gồm âm nhạc, ẩm thực, ngựa xe, yến tiệc, săn bắt và ngắm sóng biển. Đồng thời ông dẫn dụ thái tử từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt và dưỡng thành lối sống, giải trí lành mạnh và tự nhiên.
Đầu tiên, Ngô Khách nói rằng cuộc sống xa hoa có hại cho sức khỏe. Ông ấy còn nói hãy lắng nghe tiếng đàn làm từ cây cối mọc giữa trời và đất, ăn thức ăn tươi ngon mọc tự nhiên trên núi và bờ sông; phi ngựa săn bắt nơi núi rừng, ngắm sóng nước cuồn cuộn dâng trào hòa cùng trời mây. Như vậy lục phủ ngũ tạng sẽ được tẩy tịnh, chân tay được gột sạch, sắc mặt, răng tóc cũng hồng hào, bóng bẩy hơn.
Nói đến đây, thái tử thực lòng mong được “đứng dậy, đi ra ngoài”, nhưng lại cảm thấy bệnh của mình vẫn chưa được chữa khỏi. Cuối cùng, Ngô Khách nói: “Thần tiến cử Trang Chu cùng những người khác bàn luận về tinh túy của thiên hạ, phân xử đúng sai của vạn vật, rồi mời Khổng Tử và Lão Tử đến luận giảng…” Nghe vậy, thái tử gắng gượng đứng dậy vài lần, mồ hôi toát ra đầm đìa, đột nhiên bệnh tật tiêu biến.
Phương pháp trị bệnh của cổ nhân không chỉ giới hạn trong y dược, châm cứu và kim đá (miếng đá nhọn dùng để châm cứu). Nhiều thầy thuốc tìm cách giải tỏa cảm xúc của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Năm 208 trước Công nguyên, Tề Mẫn Vương mắc một căn bệnh lạ, nhiều thầy thuốc không thể chữa khỏi, bèn mời danh y Văn Chí nước Tống đến. Sau khi Văn Chí chẩn đoán, ông đã chữa khỏi bệnh cho Tề Mẫn Vương bằng cách chọc giận vua, mà không cần dùng đến bất kỳ loại thuốc nào. Hoa Đà cũng dùng cách chọc giận này chữa cho một vị quan thái thú. Thái thú nôn ra một vũng máu đen trong cơn tức giận, sau đó bệnh tình cũng khỏi.
Thần y Tôn Tư Mạc từng nói: “Lương y trị bệnh thì dùng thuốc khai thông, dùng kim châm cứu giúp; Thánh nhân cứu đời, dùng đạo đức điều tiết, dùng chính sự cứu rỗi, giúp hết thảy quay về với Thiên lý, chính đạo. Vậy nên cơ thể có thể điều tiết, trời đất dẫu có họa cũng tiêu trừ. Thầy thuốc cao minh trị bệnh chưa sinh, thầy thuốc bình thường trị bệnh sắp sinh, thầy thuốc tầm thường trị bệnh đã phát.”
Vậy nên, bậc trí giả hiền nhân dưỡng sinh cũng là dưỡng đức, tức dưỡng tâm, dưỡng tính, từ đó đạt được sự điều tiết và hòa hợp cùng thiên địa. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Con người sinh ra, bản tính vốn lương thiện). Khi nhân tâm bị khuấy động bởi thế giới bên ngoài, sẽ xuất hiện tình cảm yêu mến và chán ghét. Nếu cảm xúc ấy chẳng thể tiết chế, tâm kia ắt sẽ bị ngoại vật mê hoặc, đồng hóa, táng tận lương tri để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Nếu không thể quay trở về với tâm cảnh và lý tính nguyên sơ thuở ban đầu, lý tính sẽ theo đó mà tận diệt. Vậy nên chính khí không đủ, tà khí ắt xâm nhập, dễ xuất hiện mối nguy về sức khỏe. Chỉ khi phân rõ đúng sai, thuận theo Thiên đạo, chính khí nội tồn, tà mới không xâm lấn.
Cam Lộ, Vision Times
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…