Dù chính quyền Trung Quốc tự hào với danh hiệu nghe êm tai “tỷ lệ tội phạm thấp”, nhưng như một số cư dân mạng mô tả, tất cả các phát minh và sáng tạo của họ chỉ để khống chế và giám sát mọi người. Theo thông tin, hiện Trung Quốc có 176 triệu camera giám sát trên toàn quốc, mọi động thái của 1,4 tỷ công dân đều nằm trong tầm theo dõi của họ.
Thủ đoạn giám sát người dân của chính quyền Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn, công cụ sử dụng ngày càng nhiều hơn, tiêu biểu như kho dữ liệu số khổng lồ, dự án Skynet, nhận diện khuôn mặt.
Trung Quốc được cho là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về số lượng camera giám sát. Theo dữ liệu năm 2016 của Công ty nghiên cứu nghề nghiệp IHS Markit cho thấy, Trung Quốc trang bị tổng số 176 triệu camera giám sát từ khu vực nhà nước đến tư nhân, bao gồm sân bay, nhà ga xe lửa và đường phố, trong đó có 20 triệu camera giám sát do hệ thống an ninh quản lý. Dự tính đến năm 2020, số lượng camera giám sát sẽ tăng lên 626 triệu máy. Chiều ngược lại, Mỹ chỉ lắp đặt khoảng 50 triệu camera giám sát.
Tại các thành phố tuyến đầu của Trung Quốc, vùng phủ sóng của hệ thống camera giám sát là 100%, hệ thống camera giám sát “thiên la địa võng” này thu vào mọi dấu vết của người dân và các phương tiện di chuyển trong các ngả đường thành phố. Nhìn từ mật độ giám sát, chẳng hạn như “Dự án Skynet” tại Quý Dương – Quý Châu, Trường Sa – Hồ Nam, những năm gần đây đã bố trí 20.000 camera độ nét cao tại khắp các nơi công cộng.
Theo tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc, hệ thống giám sát tại Quý Châu có độ chính xác 90%, đồng thời khi đối chiếu các thông tin trên khuôn mặt với cơ sở dữ liệu quốc gia thì chỉ cần thời gian rất ngắn là có thể nắm bắt được tên tuổi, chủng tộc, các thành viên gia đình của một người, thậm chí biết được hành tung trong một tuần đã qua, chẳng hạn như những địa điểm thường đến, bạn bè thường gặp.
>>Sky Net: Hệ thống nhận diện khuôn mặt khổng lồ của Trung Quốc (video)
Ở Trung Quốc, hệ thống camera giám sát này được gọi là “Dự án Skynet”, chia thành bốn cấp độ gồm camera thu thập – mạng internet truyền dẫn – xử lý dữ liệu – ứng dụng nghiệp vụ. Trên Weixin “idaxiang” tại Trung Quốc đã đăng tải bài viết bàn về việc nhà cầm quyền Trung Quốc giăng hệ thống camera giám sát quy mô lớn nhằm mục đích giám sát toàn dân Trung Quốc. Theo bài viết, kế hoạch “đô thị an toàn” của chính quyền Trung Quốc là chìa khóa cho sự phát triển của ngành công nghiệp camera giám sát tại Trung Quốc. Còn công an Trung Quốc là bộ phận chính triển khai kế hoạch này. Trong hai dự án của Bộ Công an Trung Quốc là “Xây dựng đô thị kiểu mẫu quản lý bằng khoa học kỹ thuật” khởi động năm 2004 và “Dự án thí điểm 3111” triển khai năm 2005, đều có mục tiêu cốt lõi là dùng hệ thống camera giám sát. Cho đến nay, nhận diện khuôn mặt và phân tích thông minh đã nằm trong số tiêu chuẩn mà camera giám sát phải có.
Theo bài viết, với việc nghiệm thu dự án kỳ đầu, các nơi tại Trung Quốc đã bắt đầu dồn dập tiến tới xúc tiến kế hoạch “đô thị an toàn”, dự án từ các thành phố lớn bắt đầu lan rộng đến các hương trấn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng cho rằng, Trung Quốc đã hoàn thành dự án quan trọng “Skynet Trung Quốc” với mạng lưới camera giám sát lớn nhất thế giới, đây là công trình quốc gia có sự phối hợp của nhiều bộ ngành mà vai trò chủ đạo là Ban Chính pháp và Bộ Công an.
Ngoài các thành phố, nhà cầm quyền Trung Quốc còn triển khai “Dự án Tuyết sáng”, một hệ thống giám sát nhắm vào các vùng nông thôn. Như truyền thông Đài Loan đưa tin, điểm khác thường của “Dự án Tuyết sáng” là cung cấp cho người dân nông thôn một liên kết giữa truyền hình gia đình và điện thoại di động, phát huy hiệu quả giám sát tất cả mọi người, không ai còn sự riêng tư cá nhân nào.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp giám sát công nghệ cao để xâm nhập vào cuộc sống riêng tư của người dân, gây hoang mang và tức giận trong công chúng. Furukawa, nhà quan sát về tình hình tự do internet cho biết: “Nó thực sự là một phần của Skynet, nhưng dự án bây giờ càng làm càng công khai. Đến các cơ quan quản lý cấp cơ bản nhất tại nông thôn cũng bố trí camera, triệt để đến nỗi không còn góc chết nào, bao phủ mọi ngóc ngách, đây cũng là mô hình theo dõi và quản lý mà nhà cầm quyền Trung Quốc hy vọng.”
Nhiều người sử dụng internet Trung Quốc cho biết, “Dự án Tuyết trắng” bề ngoài là dùng để theo dõi xem nhà ở có bị kẻ gian xâm nhập không, trên thực tế công an Trung Quốc cũng có thể dùng nó theo dõi mọi động thái của những người ở nhà, đúng là đã đạt đến “che phủ toàn diện”.
Tiếp đến phải kể là công nghệ giám sát nhận diện khuôn mặt, vân âm thanh (voiceprint). Gần đây chính quyền Trung Quốc đã tài trợ cho Đại học Ninh Ba phát triển một kỹ thuật để theo dõi não bộ gọi là Neuro Cap, đã bắt đầu sử dụng tại hơn một chục nhà máy và doanh nghiệp.
Vào ngày 30/4, SCMP Hồng Kông đưa tin, các công nhân tại Công ty Điện Trung Hằng (Zhongheng) ở Hàng Châu đang sử dụng chiếc mũ đặc biệt này, chiếc mũ có thể theo dõi sóng não của họ.
Giáo sư tâm lý Kiều Trị An (Qiao Zhian) tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, mặc dù thiết bị giám sát não có thể làm cho doanh nghiệp có sức cạnh tranh hơn, nhưng công nghệ này có thể bị công ty lạm dụng nhằm kiểm soát suy nghĩ của người lao động và vi phạm quyền riêng tư của người lao động, khiến người ta liên tưởng đến “cảnh sát tư tưởng”.
Hơn 1/5 số camera giám sát của thế giới là do công ty Hikvision của Trung Quốc sản xuất. Theo bài viết trên weixin “idaxiang”, vì chính phủ Trung Quốc chi phối 42% số cổ phần Hikvision khiến người Mỹ lo ngại về vấn đề an ninh.
Bài viết chỉ ra, sự phát triển của Hikvision liên quan đến nhu cầu giám sát liên tục mở rộng của chính phủ Trung Quốc. Theo thông tin mà công ty công bố công khai cho thấy, năm 2011 Hikvision có được dự án camera giám sát “đô thị an toàn” trị giá 1,2 tỷ đô la Mỹ, theo đó trong ba năm phải hoàn thành 200.000 camera giám sát.
Các máy giám sát do Trung Quốc sản xuất nằm ở nhiều nước đã khiến các nước như Anh và Mỹ cảm thấy lo ngại. Nhật báo Phố (Wall Street Journal) chỉ ra, hệ thống camera giám sát dân dụng trên đường phố Memphis bang Tennessee, tại căn cứ quân sự Mỹ ở bang Missouri cho đến đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan, gia đình và các doanh nghiệp Mỹ… đều do Hikvision sản xuất.
>>Căn cứ quân sự Mỹ tháo bỏ camera giám sát của công ty Hikvision Trung Quốc
Theo thông tin, Hikvision từ một công ty nhỏ vô danh trở thành nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới, chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, công ty này giúp nhà cầm quyền Trung Quốc theo dõi 1,4 tỷ dân của họ.
Do đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra cảnh báo về các lỗ hổng bảo mật mạng internet, chỉ ra rằng những thiết bị này dễ bị tin tặc lợi dụng. Quốc hội Mỹ cũng lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vào tháng Giêng năm nay, quan chức của một cơ sở quân sự Mỹ cho biết họ đã loại bỏ thiết bị giám sát do Hikvision Trung Quốc sản xuất.
Gần đây, ngay sau khi chính phủ Mỹ có lệnh trừng phạt tập đoàn ZTE Trung Quốc thì tập đoàn Trung Quốc khác là Huawei (có bối cảnh liên quan đến quân đội Trung Quốc) cũng bị rò rỉ thông tin liên quan đến vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Iran, đã bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra. Cùng lúc, một tài liệu nội bộ của Huawei bị rò rỉ liên đến sử dụng công nghệ cao để giúp nhà cầm quyền giám sát người dân cũng được người dùng internet chia sẻ.
Tài liệu bí mật nội bộ của Huawei 2015, được gọi là “Hướng dẫn thao tác VCM”, khách hàng duy nhất của hệ thống VCM chính là công an Trung Quốc. Bài viết chỉ ra, cảnh sát mạng của Trung Quốc sử dụng hệ thống giám sát này để giám sát chặt chẽ người dân Trung Quốc, đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả giám sát.
Bài viết cũng đề cập đến công năng nhận dạng khuôn mặt của Huawei, hiện nay đã phát triển rất thuần thục về kỹ thuật này. Bài viết cho rằng, việc sử dụng camera giám sát để giữ an ninh xã hội là bình thường, nhưng có cần thiết phải theo dõi công chúng một cách xảo quyệt như vậy? Công an Trung Quốc làm điều này với mục đích chính là “bảo đảm ổn định của chính quyền”. Cách làm này là một sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và quyền riêng tư của công dân. Huawei đã tiếp tay cho nhà cầm quyền.
Takagi, cựu kỹ sư phần mềm cao cấp của Intel đã trả lời tờ Epoch Times rằng, công nghệ cao nhận dạng khuôn mặt đã được nhiều công ty nước ngoài phát triển thành công từ lâu, nhưng người ta không bao giờ sử dụng cho mục đích này, bởi vì họ biết làm vậy là vi phạm quyền riêng tư của mọi người, là phá hoại nghiêm trọng nhân quyền cơ bản của con người. Theo ông, việc dùng công nghệ này vào việc theo dõi và định vị mọi công dân là quá đáng sợ.
Tháng Mười Hai năm ngoái có bài viết tựa đề “Nữ sinh năm 92 gửi Chu Hồng Y: Đừng nhìn chằm chằm vào chúng tôi”, bài viết lột tả tất cả tiếng lòng của người dân Trung Quốc.
Bài viết dưới dạng bức thư gửi Chủ tịch Công ty 360 Chu Hồng Y, chỉ ra có vô số nơi dùng “Water Drops Live” (video live show của công ty Qihoo 360), chẳng hạn như trong các nhà hàng, quán cà phê hoặc nơi tập thể dục, chúng quay liên tục vào mọi người trong khi mọi người vô ý không quan tâm đến. Những thông tin đã gây phẫn nộ trong công chúng và khiến mọi người thảo luận sôi sục về quyền riêng tư.
Vào tháng Mười Hai cùng năm, công ty 360 đã tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn nền tảng Water Drops Live.
Về quyền riêng tư của người Trung Quốc, Chủ tịch kiêm CEO của Baidu là Lý Ngạn Hoành (Robin Li) đã vô tình bày tỏ hiện trạng đáng lo ngại, đó là thái độ dễ dãi của người Trung Quốc trong vấn đề quyền riêng tư.
Ngày 26/3 năm nay, Lý Ngạn Hoành tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc do Chính phủ Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, khi nói đến vấn đề dữ liệu lớn đã cho biết, người Trung Quốc quá cởi mở, ít nhạy cảm với các vấn đề riêng tư, nếu muốn họ sẵn sàng trao đổi sự riêng tư với sự tiện lợi hoặc hiệu quả, trong nhiều trường hợp họ sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư, như vậy chúng ta có thể sử dụng dữ liệu làm một số việc cần thiết.
Một bài viết trên “Diễn đàn phóng viên” (Reporterbbs, một cơ quan truyền thông mới của Trung Quốc) chỉ ra, Lý Ngạn Hoành đã khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu. Điều này có nghĩa là gì? Nó cho thấy Baidu đã bắt đầu nhắm vào việc riêng tư của người dùng. Với khả năng của Baidu, họ có thể dễ dàng nắm rõ được những thông tin cơ bản của mọi người.
Lý Ngạn Hoành còn nói: “Nếu dữ liệu này cho phép người dùng được hưởng lợi, họ sẵn lòng cho chúng ta dùng, chúng ta sẽ sử dụng nó, tôi cho rằng đây sẽ là tiêu chuẩn cơ bản cho những gì chúng ta có thể làm và những gì không nên làm…” Bài viết trên “Diễn đàn Phóng viên” nhận định, “Bạn có tin những lời này không? Tôi không tin! Các công ty internet Trung Quốc đã đi quá giới hạn!”
Một cư dân mạng đã châm biếm, mặc dù chính quyền Trung Quốc không chế tạo nổi vi mạch (system on chip), nhưng có thể tạo ra Vạn Lý Trường Thành internet (Great Firewall); mặc dù chính quyền Trung Quốc không làm được màn hình điện thoại, nhưng có thể tạo ra hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt trong vài chục giây quét qua 1,4 tỷ người. Rõ ràng, tất cả các phát minh và sáng tạo của họ chỉ xoay quanh một điều: quản lý, giám sát, nô dịch dân chúng.
Trí Đạt
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…