Hồi ức 6 tuổi: MC sống tại New York kể chuyện gia đình vượt qua bức hại

Lý Phù Dao chỉ mới 6 tuổi khi cha mẹ cô bé bắt đầu bị bức hại trong các trại giam, trại cưỡng bức lao động và trung tâm tẩy não tại Trung Quốc. Phù Dao đã dành cả tuổi thơ trong sự bắt nạt ở trường, sống nhờ những người họ hàng, hết nhà này sang nhà khác, dành thời gian nghỉ rảnh rỗi để chia ra thăm cha hoặc mẹ bị nhốt ở những cơ sở giam giữ khác nhau cách xa nửa ngày đường. Rồi ngay cả những người họ hàng cũng không thể tiếp tục nuôi dưỡng Phù Dao vì chính họ cũng bị bức hại. Nhưng câu chuyện của Lý Phù Dao không phải là câu chuyện về một đứa trẻ bất lực vùng vẫy trong xã hội rạn nứt. Thay vào đó, cô đã trở thành nguồn hy vọng cho người mẹ của mình, một người phụ nữ lương thiện bị nhốt cùng phòng giam với những kẻ giết người và buôn bán ma túy.

“Tôi đã rất bối rối, không hiểu chuyện gì xảy ra”, Phù Dao, hiện là một MC 28 tuổi sống ở New York, nói. “Nhưng tôi biết cha mẹ đúng, bởi vì họ đã đứng lên vì đức tin của mình.”

Phù Dao 2 tuổi bên cha mẹ. (Ảnh: Ông Lý Chấn Quân cung cấp, Epoch Times)

Với một cô bé mới bước vào trường tiểu học, đó là một quãng thời gian khó khăn. Các bạn cùng lớp xa lánh, chế giễu, thậm chí là đánh đập Phù Dao. Người quan tâm chăm sóc cô bé chủ yếu là bà nội, nhưng bản thân bà cũng đau ốm vì lo lắng cho cha mẹ cô.

Tuy nhiên khi Phù Dao nhớ lại khoảng thời gian đó, cô không chút oán hận hay tức giận cha mẹ. Cô hiểu rõ rằng cha mẹ mình không phạm tội. “Tôi rất cảm phục những gì cha mẹ đã làm và những gì cha mẹ đã phải chịu đựng”, Phù Dao nói.

Một cuộc bức hại trên khắp Trung Quốc

Cha Phù Dao, ông Lý Chấn Quân, là một người dẫn chương trình truyền hình có tiếng tại Thiên Tân thời bấy giờ. Còn mẹ cô bé, bà Vương Hội Quyên, là một giáo viên tiểu học. Bà Vương và ông Lý đã bị quấy nhiễu, bị đưa vào các trung tâm tẩy não và bị kết án trong các trại lao động cưỡng bức cũng như nhà tù trong suốt 10 năm chỉ vì họ không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Khi hai vợ chồng mới bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1998, chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn đang ủng hộ và thúc đẩy môn tập này. Theo ước tính của chính quyền, hơn 70 triệu người Trung Quốc đã tập Pháp Luân Công vào thời điểm đó, và những đợt thị sát, thanh tra công khai, bán công khai và bí mật của Tổng cục Thể dục Thể thao Quốc gia lúc bấy giờ vẫn đang ca ngợi Pháp Luân Công đóng vai trò tích cực to lớn trong việc nâng cao thể chất của con người và nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức xã hội. (Xem bài: Chút cảm nghĩ của “người trong cuộc”: Bước ngoặt của xã hội Trung Quốc 22 năm về trước)

Cảnh người tập Pháp Luân Công tập luyện tại Trung Quốc trước tháng 7/1999. (Ảnh: Minghui.org)

Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công chỉ trong 7 năm truyền ra công chúng, cùng với nhu cầu nắm lấy thực quyền từ bộ máy công an Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giang Trạch Dân phát động một cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Với các chính sách liên đới, cuộc bức hại hơn 70 triệu người – 1 phần 13 dân số – đã nhanh chóng lan rộng tới khắp các gia đình và công sở ở Trung Quốc đại lục.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố vào tháng 3 năm 2000 rằng “phần lớn nạn nhân [của cuộc đàn áp] là những người bình thường, những người chỉ thực hiện một cách hòa bình các quyền cơ bản của họ như tự do tín ngưỡng, hội họp và biểu đạt”.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Sáng sớm ngày 19/7/1999, ngay trước khi cuộc đàn áp chính thức diễn ra, vì công việc đặc thù tiếp xúc trực tiếp với công chúng của ông Lý Chấn Quân, cảnh sát huyện Ninh Hà, Thiên Tân đã bắt ông đưa về đồn, rồi lại giam lỏng ông tại đài truyền hình trong 12 ngày nhằm tẩy não và ép buộc ông Lý phải từ bỏ Pháp Luân Công.

3 ngày sau đó, bà Vương Hội Quyên cũng bị đưa tới Trường tiểu học số 1 thị trấn Lô Đài huyện Ninh Hà để tẩy não.

Bà Vương và ông Lý lần lượt tới Bắc Kinh, đến Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho đức tin của mình vào tháng 10 năm đó. Ông Lý đã nhanh chóng bị bắt giữ và bị đưa tới trại lao động. Còn bà Vương bị đưa trở về trường, bị giám sát và thường xuyên bị đưa tới các lớp tẩy não.

Trong những năm đầu của cuộc đàn áp, người tập Pháp Luân Công tới Thiên An Môn để giương biểu ngữ trong bối cảnh tất cả các hình thức thỉnh nguyện khác đều đã không còn. (Ảnh: Minghui.org)

Trong thời gian cha bị giam giữ, cô bé Phù Dao và mẹ buộc phải sống trong một căn phòng nhỏ gần sân trường. Bà Vương bị cấm dạy và bị 2 giáo viên quản thúc 24/7.

Sau thời gian 2 năm bị giam giữ và tra tấn trong trại lao động Song Khẩu, ông Lý được thả tự do vào năm 2001. Tuy nhiên Phù Dao không được ở cùng với cha mẹ lâu.

Đêm ngày 13/5/2002, cảnh sát Lô Đài ập tới nhằm bắt giữ ông Lý và bà Vương mà không cần cơ sở pháp lý. Họ lục soát căn nhà trong sự sợ hãi của những đứa trẻ đang được bà Vương hướng dẫn học bài. Phù Dao khóc và bám lấy chân mẹ. Cuối cùng cảnh sát mang ông Lý đi.

Bà Vương bị đưa tới trường tiểu học số 1 vào sáng ngày hôm sau. Bà đã quyết định trốn đi, để lại Phù Dao nhằm tránh cho cô bé phải chịu đựng những sự việc tương tự.

Sau bà Vương, ông Lý cũng trốn thoát khỏi đồn cảnh sát. Hiểu rằng bản thân từng là người của công chúng và cảnh sát sẽ không buông tha mình, ông Lý quyết định sống lưu vong để tránh cho gia đình bị bức hại.

Ông Lý và bà Vương sau đó đã bị bắt giữ tại những nơi khác nhau. Ông Lý bị kết án 4 năm tù vào tháng 8 năm 2003. Bà Vương bị kết án 7 năm tù vào tháng 7 cùng năm đó.

Cô bé Phù Dao sống phần còn lại của thời thơ ấu như một đứa con nuôi, chuyển từ nhà của người họ hàng này sang nhà của người họ hàng khác. Nhiều người thân của ông Lý và bà Vương cũng tập Pháp Luân Công, họ cũng bị mất việc làm trong cuộc bức hại, vì vậy không ai có thể nuôi Phù Dao lâu dài. Bà nội cũng thường xuyên chăm sóc và gần gũi Phù Dao.

“Khi tôi ‘về nhà’, thì đó không phải là nhà của tôi.” Phù Dao chia sẻ. Cả quãng đời thơ ấu, Phù Dao hiếm khi được nói hai từ “cha”“mẹ”. Phù Dao dành thời gian rãnh rỗi để chia ra tới nhà tù thăm cha hoặc mẹ, cố gắng dùng đủ mọi cách để được gặp, nhưng cô hiếm khi được cho phép vào, và nếu có vào thì cũng chỉ là vài phút.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Bà Vương Hội Quyên vẫn rất đau lòng khi nhớ về quãng thời gian xa con gái. “Sau khi tôi bị đưa vào đó, người tôi lo lắng nhất là con gái. Con bé quá nhỏ, làm sao có thể chịu đựng được việc này?” Nhưng một cuộc gặp với Phù Dao đã mang đến cho bà Vương sức mạnh to lớn.

Đó là một lần hiếm hoi khi Phù Dao được ở cùng mẹ trong một xà lim nhỏ. Bà Vương đã ôm lấy Phù Dao và chải tóc cho cô bé.

Trong khi chải tóc cho con, bà nói nhỏ:

“Phù Dao à.”

“Dạ.”

“Con có muốn mẹ về nhà chăm sóc con không… hay mẹ nên kiên trì?”

“Mẹ kiên trì.”

“Vậy… con có hận mẹ không?”

“Không hận.”

Bà Vương đã ôm Phù Dao vào lòng thật lâu.

Cha Phù Dao, ông Lý Chấn Quân cũng từng ôm Phù Dao vào lòng và khóc rất lâu vào một ngày tháng 10 năm 1999, khi ông chuẩn bị từ Thiên Tân tới Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. “Đó có thể là lần cuối cùng tôi gặp con bé”, ông Lý nhớ lại.

Ông Lý biết rõ về những gì bản thân có thể gặp phải. Kể từ tháng 7 năm 1999, hàng chục nghìn người tập Pháp Luân Công đã bị bắt và tống vào các trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não. Ông Lý đã biết những câu chuyện khủng khiếp về tra tấn và tử vong.

Ông Lý Chấn Quân. (Ảnh: Samira Bouaou, Epoch Times)

Nhưng Pháp Luân Công đã giúp ông Lý vượt qua căn bệnh viêm gan B vốn khiến bác sĩ chữa trị phải đầu hàng. “Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi cuộc sống thứ hai và nên được tập luyện tự do ở Trung Quốc. Nếu tôi không lên tiếng thì ai sẽ làm? Tôi đã đến quảng trường Thiên An Môn khi biết rõ rằng mình có thể sẽ bị giết.”

Sau khi ông Lý bị kết án, Phù Dao chỉ được gặp cha hai lần mỗi năm qua vách kính.

“Phù Dao thường viết thư cho tôi, nói rằng cha phải kiên trì tiêu chuẩn của mình”, ông Lý kể lại.

Những bức thư

Được Phù Dao truyền cảm hứng để kiên trì với đức tin, bà Vương đã có dũng khí để đối diện với thực tại trong tù, giữa những người phụ nữ giết người và buôn bán ma túy.

Bà bắt đầu viết những bức thư cho con gái, dẫn dắt Phù Dao trong những năm tháng trưởng thành khắc nghiệt. Những bức thư của bà cũng như cách bà đối xử với những người bạn tù – bất chấp việc họ đánh đập bà – đã làm họ cảm động. Họ cũng nhờ bà viết thư cho thân nhân.

Những người quản giáo phụ trách và tra tấn bà Vương cũng đọc được những tâm sự trong thư mà bà gửi cho con gái.

Những bức thư ấy đã làm nên nhiều điều thật đặc biệt…

Ngày bà Vương được thả, ngay trước khi bà bước ra khỏi cánh cửa nhà tù, người quản giáo từng tra tấn bà đã chạy tới, nắm lấy cánh tay bà và nói: “Xin đừng hận tôi! Xin đừng hận tôi!” Và bà Vương đã gật đầu, nắm lấy tay người quản giáo.

Người phụ nữ ấy đã đứng nhìn bà bước ra trong khi cánh cửa nhà tù dần dần đóng lại.

“Ai ai cũng có sự thiện lương trong mình”, bà Vương nói khi kể lại khoảnh khắc đặc biệt ấy.

Đoàn tụ

Gia đình Lý Phù Dao cuối cùng cũng đoàn tụ vào năm 2009, sau khi mẹ cô bé được thả.

Phù Dao bên cha mẹ vào năm 2011. (Ảnh: Ông Lý Chấn Quân cung cấp, Epoch Times)

Bà Vương không thể tiếp tục làm giáo viên, còn ông Lý thì bị đuổi khỏi vị trí kể từ ngày đầu tiên ông bị bắt. Cả hai bắt đầu kinh doanh dịch vụ tổ chức đám cưới. Cửa hàng của họ đã trở thành nơi để họ kể cho mọi người nghe câu chuyện về cuộc bức hại, nói lên sự thật trước những lời tuyên truyền dối trá của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công.

“Lý do duy nhất khiến chúng tôi không bị đưa trở lại tù là vì Cục trưởng Cục An ninh Nội địa địa phương là một người bạn cũ của gia đình tôi và anh ấy biết tôi và chồng là người tốt”, bà Vương kể. “Anh ấy bảo vệ chúng tôi, nhưng cấp trên của anh ấy liên tục gây áp lực rất lớn để buộc anh ấy phải bức hại chúng tôi.”

“Trong lòng tôi luôn lo sợ gia đình mình sẽ lại tan vỡ. Chúng tôi luôn lo lắng cảnh sát sẽ ập đến, lo lắng về việc các thành viên khác trong gia đình bị bắt, lo lắng về việc con gái chúng tôi sẽ bị bắt”, bà Vương nói.

Ngay trước khi bà Vương Hội Quyên được thả, Phù Dao đã quyết định sẽ cùng tập Pháp Luân Công với cha mẹ bất chấp cuộc đàn áp…

Phù Dao trong một bài tập Pháp Luân Công tại căn hộ của gia đình ở New York vào năm 2016. (Ảnh: Samira Bouaou, Epoch Times)

Bao nhiêu gia đình?

Vào năm 1999, khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, với 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện, điều đó có nghĩa là cứ 13 người Trung Quốc thì có 1 người trở thành “kẻ thù của nhà nước”, Levi Browde, phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại New York nhận xét.

“Nếu bạn lấy một phần mười ba dân số ra, phỉ báng họ và khiến ngay cả thân nhân cũng chống lại họ, thì điều đó sẽ có tác động như thế nào? Thật là thảm khốc.”

Nhưng đó lại là một cách bức hại người dân phổ biến của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các cuộc vận động. Đảng kiểm soát người dân bằng “sự sợ hãi”, như nó đã từng làm trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa.

“Ở một phương diện, cuộc đàn áp Pháp Luân Công chỉ là một cuộc vận động mới nhất trong nỗ lực của chế độ nhằm điều khiển trái tim và khối óc của người dân”, ông Browde nói.

Đến với tự do

Vào năm 2014, cả gia đình Phù Dao đã tìm được cơ hội trốn thoát và xin tị nạn ở Hoa Kỳ.

Khoảnh khắc căng thẳng nhất là khi họ đến phòng xin hộ chiếu nộp đơn và dấu vân tay của họ được nhập vào máy tính.

“Các quan chức sững lại nhìn nhau”, ông Lý kể. “Sau đó một người đã gọi điện thoại và ai đó ở đầu dây bên kia bảo họ cấp hộ chiếu cho chúng tôi.”

Gia đình Phù Dao đến Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 7 năm 2014.

Phù Dao 24 tuổi bên cha mẹ. (Ảnh: Samira Bouaou, Epoch Times)

“Khi chúng tôi đến đất Mỹ, tất cả những nỗi sợ hãi đều tan biến, những lo lắng và hồi hộp đã biến mất. Cuối cùng thì chúng tôi cũng được bình yên”, bà Vương nói. “Nhưng tổn thương tâm lý rất khó xóa bỏ, và khi tôi hít thở bầu không khí trong lành và tận hưởng các quyền và tự do tín ngưỡng của mình ở đây, tôi không thể không mang một trái tim nặng trĩu đối với những người còn đang ở Trung Quốc.”

Tại New York, bà Vương dành nhiều thời gian ở các địa điểm du lịch nổi tiếng để cung cấp thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho du khách tới từ Trung Quốc đại lục.

Bà Vương Hội Quyên tại một điểm du lịch ở New York năm 2017. (Ảnh: Samira Bouaou, Epoch Times)

Ông Lý thì tiếp tục công việc của mình tại đài truyền hình NTD, một kênh truyền thông của người Hoa ở hải ngoại đăng tải các tin tức không bị kiểm duyệt về Trung Quốc trên khắp thế giới, và phát sóng cả vào Trung Quốc đại lục qua tín hiệu vệ tinh.

Lý Phù Dao theo bước cha, trở thành một MC tại NTD. “Bất cứ khi nào tôi làm việc với những tin tức về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những hình ảnh đó đều khiến tôi đau lòng. Chúng gợi lên rất nhiều ký ức đau buồn trong tôi”, Phù Dao nói. “Nhưng chính vì những điều khủng khiếp này đang xảy ra nên chúng tôi phải có trách nhiệm phơi bày chúng.”

Phù Dao kết hôn vào năm 2016 và hai vợ chồng cô sống cùng cha mẹ trong một ngôi nhà nhỏ ở New York, một ngôi nhà hạnh phúc.

Câu chuyện về quãng đời tuổi thơ của Phù Dao đã được chuyển tải thành một bộ phim hoạt hình mang tên “Up we soar”. Phiên bản tiếng Anh của bộ phim có thể được xem miễn phí dưới đây.

Bản dịch ca khúc chủ đề phim “Up we soar”:

Phù Dao

Cơn mưa xối xả trong màn đêm
Lưu lại một ngọn đèn cô tịch
Trên con đường mẹ trở về nhà
Con mong chờ gặp lại mẹ đã lâu
Lời bịa đặt rợp khắp thế gian
Chỉ cần một tấm lòng chân thành
Sẽ luôn có người thấu hiểu vì mẹ
Cùng mẹ băng qua mưa gió
Sau mỗi cơn giông tố
Đều xuất hiện cầu vồng
Giương đôi cánh vững vàng
Gạt đi nỗi đau khôn cùng
Khổ nạn tôi luyện nên đôi cánh
Luôn kiên cường sải bay
Vượt qua con sông lờ lững
Tiêu diêu bay trên trời xanh
Cơn gió cửu vạn dặm
Đôi cánh ôm theo cả gió
Mẹ con ta mang tới một vũ trụ mới
Cơn gió cửu vạn dặm
Gột sạch cả bầu trời
Để con mang sự thiện lương hóa thành giọt mưa
Gieo mầm khắp thế gian
Gieo mầm khắp thế gian

Phù Dao?
Dạ
Con muốn mẹ ra khỏi đây để chăm sóc con
Hay con muốn mẹ kiên trì?
Mẹ tiếp tục kiên trì
Vậy… con có hận mẹ không?
Không ạ.

Bông tuyết nơi đầu phố không người
Đang thỏa sức nhảy múa
Những phong ba trải qua thuở nhỏ
Có thể sẽ cứ vậy mà nhạt phai
Thế gian trắng đen đảo lộn kia
Cần vững vàng trầm tĩnh
Trải qua thanh xuân trong tịch mịch
Mãi vẫn là tâm nguyện thuở ấy
Sau mỗi cơn giông tố
Đều xuất hiện cầu vồng
Hóa thành đôi cánh mạnh mẽ
Làm dịu đi nỗi đau khôn cùng
Khổ nạn tôi luyện nên đôi cánh
Luôn kiên cường sải bay
Vượt qua con sông lờ lững
Tiêu diêu bay trên trời xanh
Cơn gió cửu vạn dặm
Đôi cánh ôm theo cả gió
Mẹ con ta mang tới một vũ trụ mới
Cơn gió cửu vạn dặm
Gột sạch cả bầu trời
Để con mang sự thiện lương hóa thành giọt mưa
Gieo mầm khắp thế gian
Gieo mầm khắp thế gian

Dựa theo thông tin đăng tải trên The Epoch Times, Minghui.orgFaluninfo.net
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

24 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

43 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

49 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

59 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

1 giờ ago