Hồi ức 4 tuổi: Sinh viên đại học Canada kể chuyện mẹ bị bức hại trong nhà tù TQ
- Minh Nhật
- •
Ai có thể nghĩ rằng vào thế kỷ 21, giữa cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi mẹ bị bức hại trong tù, một cô bé 4 tuổi đã phải trải qua tình huống tương tự như trong một bộ phim bi-hài nổi tiếng từng dành được nhiều giải thưởng danh giá cũng như nước mắt của khán giả thế giới trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20.
“Cuộc sống tươi đẹp” là một bộ phim Ý nổi tiếng, kể về câu chuyện của một người Do Thái tên Guido cùng vợ và con trai Giosuè trong thời gian bị giam cầm tại trại tập trung của Đức Quốc xã. Nhằm bảo vệ con trai, Guido đã nghĩ ra nhiều cách để khiến Giosuè tin rằng họ đang chơi một trò chơi hấp dẫn cùng nhiều gia đình khác, và phần thưởng cho đứa trẻ thắng cuộc là một chiếc xe tăng. Nhờ tình yêu thương của cha, cậu bé Giosuè vẫn vui vẻ và lạc quan dù bị nhốt trong trại tử thần. Trong khoảnh khắc cuối cùng ngay trước khi bị đưa đi xử bắn, ông Guido đã khéo léo khiến con trai yên lòng trốn trong một cái tủ, chờ đến sáng hôm sau, khi quân đội Hoa Kỳ tới giải phóng toàn khu trại. Bộ phim với những khoảnh khắc hài hước và những khoảnh khắc rơi lệ này đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá, đồng thời “thống trị sân khấu” Oscar năm 1999, theo The Hollywood Reporter.
Có lẽ không ai ngờ được rằng, cũng trong năm 1999 ấy, cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra. Và 5 năm sau, một cô bé 4 tuổi lại nếm trải điều mà cậu bé Giosuè trong phim gặp phải.
Cao Vũ Giai, 21 tuổi, một sinh viên đại học ở Toronto, Canada, đã cùng mẹ kể lại hồi ức về quãng thời gian mẹ cô bị bức hại trong nhà tù tại Trung Quốc.
“Mẹ của con làm việc ở đó”
Mùa thu năm 2004, cô Thôi Linh, mẹ của Vũ Giai, bị cảnh sát thành phố Thanh Đảo bắt giữ vì in ấn tài liệu thông tin nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cô đã bị giam tại trại giam Thanh Đảo và sau đó bị kết án 4 năm tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông ở thành phố Tế Nam.
Vũ Giai chia sẻ:
“Khi đó tôi mới chỉ bốn tuổi và không nhận thức được rằng mẹ mình đang bị bức hại vì đức tin của bà trong khi cha tôi đang làm việc ở một thành phố khác. Tôi sống với bà ngoại, và bà ngoại nói với tôi rằng mẹ đang làm việc ở một nơi khác. Lâu lâu bà lại đưa tôi đến gặp mẹ. Tôi nhớ mình đã phải thức dậy rất sớm mỗi dịp như thế và sau đó phải ngồi trên chuyến xe buýt đường dài rất lâu.”
“Tôi không biết tại sao chúng tôi phải nói chuyện với mẹ qua vách kính và điện thoại tại nơi làm việc của mẹ. Có lần, tôi nhìn thấy ở khóe miệng mẹ có bọt trắng. Tôi đã rất bối rối nghi hoặc, nhưng tôi không biết tại sao vì khi đó tôi còn quá nhỏ.”
Vũ Giai sau đó đã hỏi bà của mình: “Bà ơi, tại sao nơi đó trông giống như một nhà tù trên các chương trình truyền hình vậy?” Cũng giống như người cha Guido trong bộ phim “Cuộc sống tươi đẹp”, bà ngoại đã trả lời cô bé: “Không đâu con, mẹ của con đang làm việc ở đó đấy.” Vũ Giai gật đầu và tin những gì bà nói.
“Vì sao mẹ không về nhà? Con nhớ mẹ!”
Cô Thôi Linh kể rằng bà ngoại của Vũ Giai đã bị cô bé chấp vấn mỗi ngày: “Vì sao mẹ không về nhà? Con muốn mẹ, con nhớ mẹ!” Bà ngoại đã cố gắng giấu hết những nỗi đau của bản thân trước cô cháu gái bé nhỏ. Trải qua nhiều chiến dịch vận động trong quá khứ, bà đã hiểu rõ về sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên vô cùng sợ hãi và lo lắng cho an toàn của con gái.
Khi đến nhà tù thăm cô Thôi Linh, bà đã bật khóc khi thấy con gái gầy guộc với những vết thâm vì bị đánh đập. Sau khi trở về nhà, bà không ngủ được và đã viết một bức thư gửi cho giám đốc và các cấp quản lý nhà tù, chất vấn họ về sự tra tấn và ngược đãi xảy ra với những người tập Pháp Luân Công bị giam giữ.
“Khi mẹ đến thăm và thấy tôi đã quá yếu và sắp chết, lần đầu tiên trong cuộc đời, bà vứt bỏ lòng tự tôn. Bà đã quỳ xuống và van xin giám đốc nhà tù cho tôi được điều trị y tế ở ngoài. Nhưng người ta nói rằng nếu tôi không từ bỏ đức tin, kể cả nếu tôi có chết trong tù, họ cũng sẽ không thả”, cô Thôi Linh kể lại. “Mẹ đã tuyệt vọng đi về nhà và nói với Vũ Giai: ‘Mẹ con vẫn đang làm việc ở đó’.”
Cô tiếp tục kể:
“Chồng tôi đã bật khóc khi thấy tôi bị tra tấn tàn bạo ra sao. Khi chúng tôi cưới nhau, tôi đã không đòi hỏi anh của hồi môn hay nhà cửa vì gia đình anh nghèo khó. Anh biết Đại Pháp đã dạy tôi trở thành người tử tế và vị tha. Anh đã lo lắng cho tôi nhưng không thể làm được gì.”
Để đảm bảo các chỉ tiêu “chuyển hóa”, khiến người tập Pháp Luân Công phải ký cam kết từ bỏ đức tin của họ, hệ thống nhà tù Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp tra tấn và bức hại khác nhau trong quá trình giam giữ. Nhưng suốt 4 năm tù, cô Thôi Linh đã không thỏa hiệp trước áp lực, “không từ bỏ Đại Pháp” (người tập Pháp Luân Công gọi môn này là Pháp Luân Đại Pháp). Các quản giáo và lính canh đã không ngừng nỗ lực cưỡng ép cô, còn cô thì sử dụng hình thức tuyệt thực để phản đối.
Tại trại giam Thanh Đảo, cô Thôi Linh bị các tù nhân bức thực, bị ép uống thuốc hóc-môn. Sau đó tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông, cô bị bức thực nhiều lần qua đường mũi trong khi bị đánh đập. Có những khoảng thời gian, cô bị đánh đập 3 lần 1 ngày. Vào ngày trước khi mãn hạn tù, cô Thôi Linh đã bị tra tấn liên tục trong 1 ngày 1 đêm, nhưng cô đã không “chuyển hóa”.
“Tôi khâm phục sự kiên cường của mẹ”
Khi Vũ Giai lên 8 tuổi thì mẹ trở về nhà. Dần dần cô bé biết được những gì mẹ đã phải chịu đựng:
“Sau này tôi mới biết rằng mẹ mình đã suýt bị tra tấn đến chết. Tình trạng thể chất của mẹ thật khủng khiếp. Một điều khủng khiếp như vậy đang xảy ra đằng sau một xã hội bình yên, hài hòa mà tôi thấy trước mắt mình. Trung Cộng quá tà ác, nó làm cho người ta oán giận.”
“Khi mẹ tôi được trả tự do, tôi đã đưa bà một chiếc bánh quy. Mẹ tôi lắc đầu bảo tôi ăn đi. Tôi tự hỏi tại sao mẹ lại không muốn ăn. Mẹ đã bị mất vị giác. Khi mẹ tôi ăn dưa hấu, mẹ lại nói nó có vị đắng trong khi nó thật ra có vị ngọt. Sau đó tôi biết dạ dày của mẹ có vấn đề do tuyệt thực một thời gian dài trong tù.”
“Tôi khâm phục sự kiên cường và lòng dũng cảm của mẹ khi đối mặt với Trung Cộng, nó thậm chí còn tồi tệ hơn cả Đức Quốc xã.”
“Vì con tôi và vì hàng vạn đứa trẻ khác”
Khi quản giáo không thể “chuyển hóa” được Thôi Linh, họ đã giận dữ hét lên, “Vì đức tin của cô, cô chọn cách coi thường gia đình và con mình!”
Thôi Linh đã trả lời:
“Không phải các anh là người đã chia cắt gia đình tôi và cướp đi đứa con của tôi sao? Người ta nên có tự do tín ngưỡng. Đây là quyền do Hiến pháp Trung Quốc trao. Tôi đã không làm bất cứ điều gì trái pháp luật. Nếu tin vào Chân – Thiện – Nhẫn là một tội ác, và mọi người sợ nói ra sự thật thì liệu có hy vọng và niềm tin trong một xã hội như thế hay không? Liệu con cái chúng ta có hạnh phúc và lớn lên khỏe mạnh trong một xã hội như vậy không? Là một người mẹ, tôi không thể dối trá và nói rằng đức tin của tôi là sai. Điều đó đi ngược lại lương tâm của tôi và đó là lý do tại sao tôi phải bảo vệ sự thật và công lý. Vì con tôi và vì hàng vạn trẻ em, để chúng được lớn lên trong một môi trường lành mạnh. Đây là món quà lớn nhất mà tôi có thể để lại cho con gái mình! Trong tương lai, khi đối mặt với khó khăn gian khổ trong cuộc sống, cháu cũng có thể sử dụng sức mạnh của dũng khí và đạo đức để vượt qua.”
“Tôi nghĩ Đại Pháp thật tuyệt vời”
Vũ Giai dần dần hiểu hơn về Pháp Luân Công sau khi mẹ được thả tự do và hai mẹ con sống cùng nhau. Năm 16 tuổi, cô bé đã đưa ra quyết định: “Tôi nghĩ Đại Pháp thật tuyệt vời và tôi đã quyết định tu luyện.”
Vũ Giai chia sẻ:
“Trước đây tôi bị viêm mũi dẫn đến nhiễm trùng tai. Tôi thường xuyên thức dậy vào ban đêm trong tình trạng nghẹt mũi, nhiều khi chỉ có thể thở bằng miệng. Tôi bị viêm khớp nặng khi còn trẻ. Khi trời mưa, hoặc vào những ngày nhiều mây, đầu gối của tôi đau kinh khủng. Hai tháng sau khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, chứng ngạt mũi và viêm khớp của tôi đều biến mất.”
“Trước khi tu luyện, tôi thường nóng tính. Tôi thường xuyên gây gổ với những người thân trong gia đình và đôi khi còn bỏ nhà đi. Ở trường, khi các bạn cùng lớp làm tôi bực bội, có lúc tôi đã gây gổ với họ. Dù bị đánh nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ thể diện của mình. Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi nhận ra rằng đó không phải là tôi chân chính. Bản ngã của tôi là thiện lương và hòa ái. Tôi học cách hướng nội và từ từ học cách giữ bình tĩnh khi nảy sinh mâu thuẫn. Tôi không còn bốc đồng như trước nữa. Tôi đã trở nên vị tha hơn và cảm thấy thoải mái hơn.”
“Ban đầu bà không tán thành việc tôi tu luyện Đại Pháp. Bà bị tổn thương bởi những bức hại mà mẹ tôi phải chịu đựng trong nhiều năm nên bà sợ tôi sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng khi tôi nói với bà rằng việc tu luyện cải thiện sức khỏe của tôi và bệnh viêm khớp của tôi biến mất, bà đã rất ngạc nhiên. Bà nuôi nấng tôi và biết tôi phải chịu đựng những vấn đề về xoang trầm trọng như thế nào. Khăn giấy mà tôi đã dùng chất thành núi.”
“Khi tôi tới Canada, một lần bà đến thăm tôi, bà đã không còn phản đối việc tôi tu luyện như trước nữa. Bà nói rằng bà tôn trọng đức tin của tôi. Thực ra, bà biết Pháp Luân Đại Pháp dạy con người sống tử tế. Chỉ có Trung Cộng mới bức hại một nhóm người thiện lương như vậy.”
Dựa theo
- “Canada: University Student Recalls Persecution of Her Mother in China”
- “A Mother Gives Her Daughter the Greatest Gift Through Upholding Her Spiritual Belief in Falun Dafa”
Đăng trên Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Chuyện đời của doanh nhân TQ dũng cảm phơi bày tội ác thu hoạch tạng
- Nhà thiết kế thời trang Anh quốc: “Đối mặt với tra tấn, cha mẹ vẫn kiên định đức tin”
Mời xem video:
Từ khóa cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện