Mười bảy năm về trước, giữa cuộc bức hại Pháp Luân Công tàn khốc tại Trung Quốc đại lục – cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra cho đến ngày nay, các cai ngục đã dùng dùi cui điện sốc lên mặt Cao Dung Dung trong vòng hơn bảy giờ đồng hồ. Cuối cùng khi họ dừng lại, mặt của Dung Dung đã biến dạng nghiêm trọng. Máu và tóc cô dính trên lớp da bị bỏng, các vết bỏng rộp lan trên mặt và cổ do những cú sốc điện lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng khi người nhà đến thăm, Dung Dung đã dũng cảm yêu cầu các chị mình ghi lại khuôn mặt hủy dung bởi cô muốn bản thân trở thành bằng chứng sống cho cuộc bức hại. Trong một video được đăng tải sau này, Dung Dung, vẫn đang phải thở ôxy, đã nói: “Tôi hy vọng rằng tất cả những người tốt sẽ chú ý tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà Giang Trạch Dân đã đích thân phát động”.
Trước 1999, Cao Dung Dung là nhân viên của Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Sau khi tập Pháp Luân Công, cô từng nhận danh hiệu “nhân viên xuất sắc” của học viện, nhưng đã chủ động nhường lại danh hiệu này cho một người đồng nghiệp nỗ lực mong muốn được ghi nhận.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, Dung Dung tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị bắt giữ, bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức một vài lần. Khi quay trở lại học viện, Dung Dung thường xuyên bị giám sát, và buộc phải chuyển từ phòng kiểm toán xuống làm thủ quỹ phòng kế toán. Mặc dù bị đối xử bất công, Cao Dung Dung đã khiến các đồng nghiệp ngạc nhiên khi vượt qua vòng kiểm tra kế toán bậc trung toàn quốc chỉ trong 6 tháng sau khi theo học. Tuy nhiên dưới chính sách đàn áp của chế độ, học viện không cho phép Dung Dung được làm công việc của một kế toán.
Tháng 7 năm 2003, Cao Dung Dung bị bắt giữ vì nói sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công với một sinh viên trong học viện. Cô bị kết án 3 năm và bị chuyển tới trại lao động Long Sơn ở thành phố Thẩm Dương. Bấy giờ, trại lao động Long Sơn và trại lao động Mã Tam Gia là hai trung tâm giam giữ “khét tiếng” nhất của tỉnh Liêu Ninh, chuyên phục vụ việc bức hại và “chuyển hóa” người tập Pháp Luân Công.
(*) “Chuyển hóa” là một thủ đoạn tra tấn tinh thần bên trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Theo đó, những người không chịu nổi tra tấn sẽ buộc phải viết thư từ bỏ và phỉ báng Pháp Luân Công, đồng thời tham gia bức hại, tra tấn những người khác để được thả tự do sớm.
Tại trại Long Sơn, Cao Dung Dung đã trải qua nhiều tra tấn về cả thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt bởi vì cô không chấp nhận việc bị bức hại phi pháp, từ chối lao động cưỡng bức, từ chối tham gia các lớp tẩy não và bôi nhọ Pháp Luân Công, vẫn tiếp tục nói với các tù nhân khác về sự thật, nên Dung Dung phải đối diện với sự bức hại nghiêm trọng.
Đầu năm 2004, phòng 610 (một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật chuyên phục vụ cuộc đàn áp Pháp Luân Công) tại thành phố Thẩm Dương đã phát động một chiến dịch tẩy não mới. Trại lao động Long Sơn chọn ra khoảng 20 người tập Pháp Luân Công từ đội 1 và đội 2 để đưa đến các lớp tẩy não, trong đó có Cao Dung Dung. Cô đã trải qua việc bị tra tấn, bị cấm ngủ hơn 20 ngày, nhưng vẫn không chịu tuyên bố từ bỏ đức tin.
Ngày 7 tháng 5 năm 2004, nhằm ép buộc Cao Dung Dung cùng một số người tập Pháp Luân Công khác phải tham gia lao động cưỡng bức, phải từ bỏ môn tập, và phải khai ra ai đã bí mật đưa vào trại cho họ những bài giảng của Pháp Luân Công, hai cai ngục đã sốc điện Dung Dung và những người khác từ sáng cho đến tối. Bản thân Cao Dung Dung bị hai cai ngục là Đường Ngọc Bảo và Khương Triệu Hoa liên tục sốc điện bằng dùi cui trong hơn 7 giờ đồng hồ vào mặt, tay, bàn chân và cẳng chân. Mặt cô bị biến dạng, khắp mặt phồng rộp, tóc dính đầy máu. Cô chỉ mở được hé mắt, miệng cũng bị phồng rộp và biến dạng. Thậm chí những người gặp cô mỗi ngày cũng không thể nhận ra cô.
Bị hủy dung khi 36 tuổi, ở trong tình trạng đau đớn, Cao Dung Dung đã cố gắng trốn thoát khỏi trại lao động bằng cách nhảy từ cửa sổ của tầng hai, tuy nhiên cô đã bị gãy hai xương hông, gãy chân trái, xương chậu và rạn gót chân phải sau cú nhảy. Trại lao động đã bí mật đưa cô tới bệnh viện Quân đội Thẩm Dương, rồi lại bí mật chuyển tới bệnh viện Công an Thẩm Dương mà không báo với gia đình cô. Bốn cảnh sát canh chừng ngoài phòng bệnh của cô và các nhân viên Cục Tư pháp và phòng 610 đi tuần khắp bệnh viện.
Sau khi bị hủy hẹn đến thăm Cao Dung Dung, các chị của cô đã phát hiện ra sự việc. Họ tìm đến bệnh viện Công an Thẩm Dương thông qua việc gây áp lực với những nhân viên trại lao động. Khi các chị gặp Dung Dung vào ngày 14 tháng 5, cô đang rất đau đớn. Cô được đặt ống dẫn nước tiểu, các vết thương trên tay và chân vẫn rất nặng.
Tối hôm đó, trước khi một chị gái rời đi, Cao Dung Dung đã yêu cầu các chị chụp hình khuôn mặt bị biến dạng và chân bị thương của mình. Cô kể rằng nhiều người tập Pháp Luân Công khác cũng bị đánh đập và bị sốc bằng dùi cui điện vào sáng ngày 7 tháng 5.
“Nhiều học viên khác còn bị tra tấn nặng hơn em. Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công thường bị tra tấn ở những góc khuất của trại lao động cưỡng bức, những nơi đã được các quan chức che giấu. Khi quyết định nhảy ra khỏi cửa sổ, em đã nghĩ mình nhất định phải sống. Em cần trốn thoát và cho công chúng thấy những vết bỏng và vết thương của em, em muốn vạch trần những hành vi tà ác ra trước thế giới.”
Sáng hôm sau, các chị cô mang đến một chiếc máy ảnh và chụp một vài bức ảnh của Cao Dung Dung. Sau khi các bức ảnh này được gửi đi, một số người tập Pháp Luân Công đã lo lắng về việc công khai các bức ảnh sẽ khiến Dung Dung gặp nguy hiểm. Nhưng khi các chị hỏi Dung Dung về chuyện ấy, cô đã suy nghĩ một lúc và nói một cách điềm tĩnh:
“Chúng ta sẽ vạch trần cuộc bức hại này. Những năm qua, đã có quá nhiều học viên bị tra tấn tàn ác, nhưng thật khó để vạch trần bức hại. Nhiều học viên ở thành phố New York hiện giờ đang nâng cao nhận thức cho mọi người về cuộc đàn áp. Hãy gửi những bức ảnh của em tới cho họ.”
Cao Dung Dung cũng bày tỏ mong muốn được các phương tiện truyền thông quốc tế phỏng vấn qua điện thoại.
Hai tháng sau, vào ngày 7 tháng 7 năm 2004, bức ảnh khuôn mặt bị cháy xem của Cao Dung Dung xuất hiện trên cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công tại hải ngoại.
Ngày 30 tháng 8 năm 2004, ông Theo van Boven, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, đã đưa ra một thỉnh cầu khẩn cấp đến các cơ quan và nhân viên liên quan tại Liên Hợp Quốc về trường hợp của Cao Dung Dung. Bấy giờ trường hợp của cô đã trở thành một ví dụ điển hình về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ước nguyện của Cao Dung Dung đã thành hiện thực.
Ngày 1 tháng 7 năm 2004, sau nhiều nỗ lực phơi bày cuộc đàn áp ở trong nước, các chị của Cao Dung Dung đã mời được 4 quan chức từ Viện Kiểm sát Nhân dân Thẩm Dương cùng các nhân viên tới điều tra vụ việc. Họ đã ghi chép và chụp ảnh Cao Dung Dung. Một số người trẻ tuổi trong đoàn đã sốc khi thấy tình trạng của cô.
Ngày 8 tháng 7 năm 2004, Viện Kiểm sát Nhân dân Thẩm Dương yêu cầu bác sĩ từ Viện Kiểm sát Nhân dân Liêu Ninh tới để khám nghiệm và thu thập bằng chứng. Ngay khi nhìn thấy tình trạng của Cao Dung Dung, các bác sĩ đã vô cùng tức giận. Một trong các bác sĩ đứng đầu đã chạy ra khỏi phòng ngay lập tức và hét lên với nhân viên cảnh sát bên ngoài hành lang:
“Các anh là phát xít! Tra tấn là thứ dơ bẩn thối nát của Cách mạng Văn hóa, chứ không phải của xã hội ngày nay! Sao các anh có thể làm vậy? Cô ấy đã làm gì mà phải chịu đựng thế?”
Một bác sĩ đã nói với các chị của cô, “Sau khi có kết quả giám định thương tật, Dung Dung nên được trả tự do và trở về nhà. Không thể để cô ấy ở lại với bọn tội phạm này trong khi cô ấy đang hồi phục sau vết thương nặng như thế. Những kẻ phạm tội sẽ phải đối mặt với công lý – tội hủy dung cũng nghiêm trọng như tội hiếp dâm, họ đáng bị tử hình.”
Tuy vậy, những gì diễn ra sau đó không đơn giản như người bác sĩ nghĩ. Trong suốt quá trình của cuộc điều tra, có nhân viên đã yêu cầu danh tính của những người đưa bức ảnh Cao Dung Dung lên mạng. Ngoài ra, các phim chụp tình trạng của Dung Dung cũng biến mất “một cách bí ẩn”. Một số người đã cố tình tìm cách bóc lớp vẩy đã khô trên mặt Cao Dung Dung. Cai ngục từ trại lao động được điều tới để trực ngay trong phòng bệnh và hành lang. Một số cảnh sát và lính gác thường xuyên hỏi bác sĩ, “Bao giờ thì cô ta chết?”. Có lần các chị cô còn bắt gặp một nữ cảnh sát đang tóm lấy thân thể Dung Dung, lay và hét vào cô.
Lo sợ cho tính mạng Cao Dung Dung, một số người tập Pháp Luân Công tìm cách giải cứu cô. Ngày 5 tháng 10 năm 2004, họ đã đưa Cao Dung Dung thoát khỏi bệnh viện.
Phòng 610 phản ứng bằng cách thực hiện một cuộc rà soát vô cùng lớn. Tất cả các thành viên gia đình và thậm chí cả hàng xóm của Cao Dung Dung đều bị theo dõi. Các chị cô phải trốn khỏi và không bao giờ trở về Thẩm Dương. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như Giang Trạch Dân, La Cán, Chu Vĩnh Khang, đã hạ lệnh khẩn cấp che đậy vụ bê bối. Cục Công an xác định trường hợp tẩu thoát của Cao Dung Dung là một đại án số 26. Đài radio địa phương thông báo trường hợp một cô gái trẻ tên Cao Dung Dung “bị bắt cóc”, cảnh sát đang “thay mặt gia đình” tìm kiếm cô và gia đình sẽ “hậu tạ” nếu tìm được cô. Tất cả đồn cảnh sát, ga tàu, phương tiện công cộng và các thành phố xung quanh đều được thông báo về Cao Dung Dung.
Ngày 6 tháng 3 năm 2005, trong lúc rời khỏi chỗ ẩn náu, Cao Dung Dung không may bị bắt. Cô bị đưa đến trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Chỉ 3 tháng sau, vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, Cao Dung Dung đã bị bức hại đến chết. Gia đình chưa bao giờ được nhìn mặt cô lần cuối.
Bà Trương Tố Công, mẹ của Cao Dung Dung, hơn 75 tuổi, đã kháng nghị đòi công lý cho cái chết của cô. Bà gặp rất nhiều khó khăn và đe dọa, rồi qua đời 5 năm sau đó.
Tất cả những người tập Pháp Luân Công đã giúp đỡ Cao Dung Dung trốn thoát đều bị truy nã và bức hại tàn bạo.
Cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
Minh Nhật biên tập
Dựa theo thông tin và loạt hồi ký của những người chị về Cao Dung Dung được đăng tải trên Minghui.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…