Chuyện đời bi thảm của một nữ sinh đại học Thanh Hoa
- Minh Nhật
- •
Sáng ngày 12/2/2015, một sự kiện đau buồn xảy ra tại một thị trấn của thành phố Lai Dương, Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc. Trong khi đi dạo vào buổi sáng, người dân địa phương đã phát hiện ra thi thể một người phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi trong giếng nước. Đó là Liễu Chí Mai (Liu Zhimei), người từng là một sinh viên hàng đầu của Đại học Thanh Hoa danh tiếng nhất Trung Quốc. Chuỗi những ngày bị cưỡng hiếp, tra tấn và tiêm thuốc độc trong tù đã biến cô trở thành một con người hoàn toàn khác sau khi ra tù. Chuyện đời bi thảm của Liễu Chí Mai là một trường hợp điển hình về thủ đoạn tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc đàn áp những người tập Pháp Luân Công đã và đang kéo dài hàng thập kỷ.
Một sinh viên hàng đầu của Đại học Thanh Hoa
Liễu Chí Mai sinh ra trong một gia đình nông dân tại thôn Tam Thanh, trấn Đoàn Vượng, thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông. Năm 1997, khi 17 tuổi, Liễu Chí Mai trở thành sinh viên hiếm hoi được nhận thẳng vào chuyên ngành Hóa học tại Đại học Thanh Hoa mà không cần phải thi đầu vào. Cô được miễn thi đại học vì đã đạt điểm thi cao nhất tỉnh Sơn Đông trong một kỳ thi trước đó.
Năm 1997 là thời điểm Pháp Luân Công hết sức phổ biến tại Trung Quốc. Môn khí công này không chỉ phổ biến trong cộng đồng những người tìm kiếm dưỡng sinh hay sức khỏe, mà còn lan tỏa đến cả những nơi tập trung giới tinh hoa trí thức Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa. Những người tập Pháp Luân Công tại đây cho biết có khoảng 1000 sinh viên, giảng viên và nhân viên cùng nhau tập Pháp Luân Công trong khuôn viên trường. Còn theo hồi ký của một sinh viên Mỹ, anh đã chứng kiến khoảng 300 người thường xuyên tập Pháp Luân Công tại Thanh Hoa vào mùa hè năm 1999 (Xem bài: Mùa hè câm lặng: Hồi ức của một sinh viên Mỹ về “mùa hè đen tối” tại TQ).
Khi Liễu Chí Mai tới Thanh Hoa, cô đã nhanh chóng trở thành một người tập Pháp Luân Công.
3 năm đầu trong cuộc bức hại
Pháp Luân Công phổ biến tại Trung Quốc với quy mô chưa từng có, tới năm 1999, ước tính hơn 70 triệu người theo tập môn này, nhiều hơn cả số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 7/1999, đố kỵ trước sự phổ biến của Pháp Luân Công và bất chấp sự phản đối của các ủy viên ban thường vụ, lãnh đạo Đảng bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công trên toàn quốc.
Thanh Hoa đã bị giáng một đòn nặng nề vì trường đại học này trở thành một ví dụ đi ngược lại với đường lối của Đảng. Tại đây, nơi tập trung những nhà trí thức và khoa học lỗi lạc của Trung Quốc, lại có người tập Pháp Luân Công. Chế độ đã rất nghiêm túc đối với thách thức này, quân đội tiến vào khuôn viên trường và giương cao nòng súng máy. Đại học Thanh Hoa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuận theo cuộc đàn áp và cho thôi học một loạt sinh viên.
Vì Liễu Chí Mai tập Pháp Luân Công, các nhân viên của Đại học Thanh Hoa đã gọi điện tới bố mẹ cô, yêu cầu họ đến đón con gái về. Mặc dù là một sinh viên hàng đầu đang theo học năm thứ 2, Liễu Chí Mai đã bị trường đình chỉ mà không một lời giải thích.
Liễu Chí Mai trở lại Bắc Kinh vào đầu năm 2000 và cùng với một số cựu sinh viên Thanh Hoa khác phơi bày sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cô vẫn kiên trì với niềm tin của mình bất chấp một số vụ bắt bớ và giam giữ trong thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian này, cô trở về quê hương và làm việc tại một quán trò chơi điện tử để kiếm sống qua ngày. Thanh Hoa chính thức đuổi học Liễu Chí Mai vào tháng 3/2001.
Tháng 5/2001, Liễu Chí Mai bị bắt giữ tại quận Hải Điến, Bắc Kinh. Cô bị luân chuyển đến nhiều trung tâm giam giữ khác nhau và phải đối mặt với nhiều hình thức tra tấn.
Tại Trung tâm giam giữ Phong Đài ở Bắc Kinh, cô bị tra tấn dã man. Một cai tù đã đặt chân ghế lên mu bàn chân cô rồi dùng hết sức ngồi lên. Các lính canh còn dùng vật cứng đánh vào chân cô. Việc tra tấn đã khiến Liễu Chí Mai đi khập khiễng trong hơn 2 tháng.
Ở độ tuổi 20, Liễu Chí Mai còn bị một số người đàn ông lực lưỡng treo lên tra tấn. Một người đe dọa: “Nếu mày vẫn không nói [thông tin của những đứa khác], tao sẽ lột trần mày.” Liễu Chí Mai khóc lóc van xin, “Các ông bằng tuổi bố tôi, xin đừng làm như vậy…”.
Cuối cùng, Liễu Chí Mai bị giam tại trại tạm giam Đội 7 Cảnh sát Bắc Kinh. Cô bị thương ở đầu, ngực, mất một số móng tay do tra tấn. Trong một lần thẩm vấn, những kẻ thẩm vấn đã bịt mắt cô lại và đưa cô đến một địa điểm không được tiết lộ. Cô bị nhốt trong một phòng tra tấn dài 2 mét, rộng 1 mét trong 2 tháng. Sự cô lập hoàn toàn trong một không gian nhỏ như vậy đủ để khiến bất cứ ai phát điên.
Những người từng tiếp xúc với Liễu Chí Mai trong thời kỳ này kể lại rằng cô vẫn rất lạc quan. Cô đã dạy các tù nhân khác về các nguyên lý của Pháp Luân Công, về việc trở thành một người tốt như thế nào. Khi người khác không có đủ đồ dùng cá nhân, Liễu Chí Mai luôn hào phóng chia sẻ.
Kết án, lừa dối và tuyệt vọng
Vào tháng 11/2002, trong một phiên tòa tại Tòa án quận Hải Điến, với những “tội danh giả mạo”, Liễu Chí Mai bị kết án 12 năm tù ở tuổi 22. Cô bị đưa tới Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông nằm ở thành phố Tế Nam.
Mới đầu, Liễu Chí Mai đã cự tuyệt từ bỏ Pháp Luân Công dù bị tra tấn. Tuy nhiên, nhà tù đã nghĩ ra một biện pháp. Họ yêu cầu các nhân viên và giáo sư từng dạy Liễu Chí Mai tại Đại học Thanh Hoa tới, bắt họ hứa hẹn rằng nếu cô từ bỏ Pháp Luân Công thì cô sẽ được quay trở lại đại học. Các nhân viên và giáo sư đã tiếp đãi Liễu Chí Mai bữa tối trong căng-tin nhà tù.
Trước dụ dỗ và áp lực tra tấn, cuối cùng Liễu Chí Mai chấp nhận từ bỏ. Cô đã trở thành một “nhân viên trợ giúp chuyển hóa”, tên gọi dùng để chỉ những người từng tập Pháp Luân Công, trước áp lực tra tấn và dụ dỗ, đã viết cái gọi là “tuyên bố từ bỏ tập luyện” và hợp tác với nhà tù để bức hại những người tập Pháp Luân Công khác bị giam giữ.
Khi những người tập Pháp Luân Công từ chối “chuyển hóa”, cai tù đã cưỡng chế Liễu Chí Mai phải đưa ra được ý tưởng nhằm tra tấn và chuyển hóa họ. Ý tưởng càng độc ác, Liễu Chí Mai càng nhận được nhiều lời khen ngợi. Các lính canh cũng bắt cô phải tự tay tham gia tra tấn những người tập khác. Sau này trong trạng thái tinh thần kích động, Liễu Chí Mai sẽ kêu lên trong đau khổ, “Không phải tôi đã bẻ gãy cổ người ấy…”.
Bên cạnh những thời khắc đen tối này, Liễu Chí Mai dành nhiều tâm sức cho việc ôn lại bài học để chuẩn bị đến trường. Tuy nhiên trong suốt 3 năm sau đó, đại học Thanh Hoa không hề liên lạc với cô. Liễu Chí Mai cuối cùng cũng nhận ra rằng cô đã bị lừa. Đây là một vết thương tinh thần lớn, khiến cô rơi vào im lặng và tuyệt vọng, hiếm khi nói chuyện với người khác.
Bị tiêm thuốc độc hàng ngày
Nhằm ngăn chặn Liễu Chí Mai quay lại với Pháp Luân Công, các cai tù đã nói dối với cô rằng tên của cô đã nằm trong “Danh sách cá nhân bức hại Pháp Luân Công”, một danh sách được người tập Pháp Luân Công trong và ngoài Trung Quốc thu thập và trao cho chính quyền của các quốc gia phương Tây.
Không dừng lại ở đó, đội phó Đặng Tế Hà, một phụ nữ khoảng 40 tuổi, đã đưa Liễu Chí Mai đến bệnh xá nhà tù gần như hàng ngày từ cuối năm 2002 đến năm 2008, nơi Liễu Chí Mai bị tiêm 50 ml thuốc mỗi lần.
Kể từ năm 2003, Liễu Chí Mai bắt đầu có những biểu hiện bất thường về tâm thần. Người ta thường nghe thấy tiếng hét của cô phát ra từ khu vực “giáo dục cải tạo” của nhà tù: “Tôi không ốm! Tôi không muốn bị tiêm, tôi không muốn uống thuốc!”
Sau này, khi khôi phục được một chút minh mẫn, Liễu Chí Mai từng kể lại những loại thuốc mà cô đã bị tiêm và uống, bao gồm Clozapine, Sulpiride, Sodium Valproate, v.v.. Đây đều là những loại thuốc tâm thần mạnh. Liễu Chí Mai gặp phải nhiều vấn đề sau khi bị tiêm như khô họng, chóng mặt, mờ mắt, ảo giác và mất khả năng tiêu hóa và tiểu tiện, đại tiện.
Khoảng giữa tháng 10 và tháng 11 năm 2005, các quan chức nhà tù gọi điện cho gia đình Liễu Chí Mai, thông báo rằng cô đã bị bệnh với các triệu chứng tổn thương não, tuy nhiên họ cấm gia đình gặp cô. Cha cô từng đến nhà tù yêu cầu điều trị y tế cho Liễu Chí Mai, tuy nhiên nhà tù đã từ chối và gán nhãn cho cô là “tù nhân chính trị”.
Mẹ Liễu Chí Mai đã qua đời vào năm 2007 vì quá đau buồn, trong khi cô vẫn đang bị giam giữ.
Bị mất trí 3 ngày sau khi ra tù
Tháng 10/2008, nhà tù gọi cho cha của Liễu Chí Mai và thông báo cô sẽ được thả tự do vào ngày 13/11/2008. Cha cô đến nhà tù và đưa cô về nhà lúc 2 giờ chiều. Liễu Chí Mai kể với cha rằng cô đã trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe 3 ngày trước khi được thả. Nhà tù thông báo rằng cô có một lỗ trên răng hàm và cần phải tiêm thuốc, tốn 600 Nhân dân tệ, nhưng cô được miễn phí.
Khi được thả, Liễu Chí Mai có một vết rạn lớn quanh rốn và bầm tím nhiều ở mông và cẳng chân. Ngực của cô chảy xệ gần như đến eo dù cô chưa đến 30 tuổi. Ngón giữa tay trái của Liễu Chí Mai bị biến dạng, đốt ngón tay thứ hai bị sưng và không thể duỗi thẳng.
Liễu Chí Mai cư xử bình thường trong 2 ngày đầu tiên ở nhà, được cha đưa đi thăm họ hàng. Tuy nhiên, vào ngày thứ ba, cô bắt đầu có những biểu hiện bất thường về tâm thần, mỗi ngày một tệ hơn. Cô trở nên lo lắng và nói lung tung những điều khó hiểu. Cô liên tục vẫy tay trong không khí như thể đang chạy. Cô không ngủ suốt đêm và đôi khi chỉ ngủ hai tiếng một ngày.
Liễu Chí Mai nhanh chóng bị mất trí, không nhớ được tên, không nhớ được tuổi của mình. Lời nói của cô không theo thứ tự, thường lặp đi lặp lại. Cô uống rất nhiều nước, 6 đến 7 chai 2 lít mỗi ngày. Cô đi tiểu trên giường mà không hề hay biết. Cô ngủ trên giường đẫm nước tiểu mà không hề cảm thấy khai. Người thân và bạn bè tin rằng mũi tiêm trước khi được thả đã khiến Liễu Chí Mai bị tâm thần. Gia đình đã xem xét hàm răng cô và không tìm được bất kỳ lỗ nào trên răng như quản lý nhà tù tuyên bố.
Liễu Chí Mai thường ngẫu nhiên hét lên những câu nói ghê rợn, cho thấy những tra tấn mà cô phải đối mặt trong tù. Chẳng hạn một lần khi một người họ hàng thay quần áo cho cô, cô nắm lấy tay người ấy đưa vào một bên ngực mình, trong khi tự đánh vào bên ngực còn lại và hét lên: “Họ đánh tôi, như vậy, đau quá…” Liễu Chí Mai thường tiểu tiện mất kiểm soát và khi có người lạ đến gần, cô sẽ nhảy dựng lên, thu mình lại một góc phòng và nắm chặt hai tay.
Hé lộ thảm cảnh bị cưỡng hiếp
Sau khi rơi vào tình trạng mất trí, Liễu Chí Mai bắt đầu có những hành vi lạ. Chẳng hạn khi thấy một nam thanh niên lạ mặt đi xe máy dừng lại gần nhà, cô sẽ lao ra ngoài mà không hề mặc quần áo. Điều này đã lặp lại một vài lần. Đôi khi cô hành động như thể cô phải lòng một ai đó, và đôi khi cô hành động như thể cô ghê tởm họ.
Người thân và bạn bè Liễu Chí Mai đã kể lại chuyện này trong nước mắt. Họ không thể không tự hỏi cô đã bị lạm dụng tình dục như thế nào trong tù.
Sau khi Liễu Chí Mai có biểu hiện này, một số người đàn ông địa phương đã xuất hiện và đưa cô đi với lý do “chăm sóc” và “giúp chữa bệnh”. Khi Liễu Chí Mai được đưa trở lại, đôi khi cô tự lẩm bẩm một mình về một vụ cưỡng hiếp. Cô nói về cách họ lột quần áo của cô, người nào đã làm gì và mô tả về nước da của họ. Đôi khi cô có thể đề cập chi tiết tên người và địa điểm.
Dù ai đến đón Liễu Chí Mai đi, cha cô cũng không hề phản đối. Ông để cho những người đàn ông khác trong làng đem cô về nhà họ trong vài ngày mỗi lần. Cha Liễu Chí Mai từng là bí thư Đảng Cộng sản tại địa phương, thường xuyên tiêu phí tiền, đánh bạc và ngoại tình.
Hàng xóm kể lại rằng có những lần, Liễu Chí Mai đã kêu cứu trong nhà, và khi họ đẩy bật cửa nhà, họ nhìn thấy cô trong tình trạng khỏa thân, cha đứng bên cạnh. Cô cũng từng chạy khỏi nhà trong tình trạng khỏa thân, đập cửa nhà hàng xóm để cầu cứu.
Sau này, Liễu Chí Mai có mang, và khi được 5 tháng, họ hàng và bạn bè đã đưa cô đi phá thai.
Anh trai Liễu Chí Mai từng đưa cô về nhà một thời gian. Tuy nhiên gia đình anh trai cũng không chịu nổi tình trạng của cô. Một lần, anh trai cô đánh bạc thua và khi về đã đánh đập Liễu Chí Mai tàn nhẫn, vứt cô ra ngoài cửa. Trong tình trạng không thể đi được, Liễu Chí Mai đã bò lết về nhà cha.
Hy vọng vụt tắt
Vào năm 2009, khi biết về hoàn cảnh của Liễu Chí Mai, bất chấp những điều cô từng thực hiện trong tù, những người tập Pháp Luân Công địa phương đã đưa Liễu Chí Mai về nhà họ và thay phiên nhau chăm sóc cô. Họ đã tắm cho cô, giặt chăn đệm cho cô hàng ngày và không bao giờ than phiền khi cô ném vỡ bát đĩa xuống sàn. Họ cũng nói chuyện, kể chuyện để giúp tinh thần Liễu Chí Mai ổn định lại.
Mặc dù tình trạng của Liễu Chí Mai vẫn còn bất ổn, cô đã bắt đầu cải thiện. Lúc đầu, chỉ một bất ổn nhỏ cũng có thể khiến cô mất kiểm soát. Dần dần sau vài tháng, cô phục hồi hơn. Tuy nhiên nếu gặp phải một cú sốc khác, cô sẽ lại rơi vào tình trạng bất ổn.
Với sự chăm sóc tỉ mỉ của những người khác, Liễu Chí Mai không còn đi tiểu trên giường nữa. Trong một vài dịp, cô thậm chí còn có thể làm sủi cảo và nấu ăn.
Một ngày nọ, trong khi tỉnh táo, Liễu Chí Mai chợt viết lên giấy những dòng chữ lớn: “Tôi thực sự đã từng chuyển hoá, có lỗi với Pháp Luân Phật Pháp mà Sư phụ truyền. Tôi nghiêm chính thanh minh: Hiện giờ tôi sẽ tinh tấn.” Cô bắt đầu đọc sách Pháp Luân Công kể từ đó, và có thể đọc hai hoặc ba trang một lần. Khoảng thời gian Liễu Chí Mai giữ được tỉnh táo ngày càng dài ra, có vẻ như cô sẽ dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên hy vọng vụt tắt vào ngày 16/4/2010, khi cảnh sát Bách Lâm Trang thuộc thành phố Lai Dương ập vào nhà của những người tập Pháp Luân Công đang trông nom Liễu Chí Mai. Cô cùng 4 người khác bị bắt.
Trước cú sốc đột ngột này, Liễu Chí Mai vốn không ổn định đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Một người tập Pháp Luân Công kể lại rằng cô đã đứng ra và nói to: “Các đồng chí, tôi là Liễu Chí Mai. Tôi có tội vì đã tập Pháp Luân Công. Tôi đã bị kết án 12 năm. Các đồng chí có thể kết án tử hình tôi. Hoặc có thể kết án tử hình hoãn thi hành án.” Liễu Chí Mai nói như một cái máy.
Khi bắt đầu bị cảnh sát thẩm vấn, Liễu Chí Mai nhận hết “tội”. Cô nói với cảnh sát tất cả thông tin, tất cả những gì họ muốn để không bị lạm dụng. Cô cố gắng làm hài lòng các cảnh sát hết mức có thể, “tán dương” các cảnh sát vì đã bắt giữ mình. Người nhân chứng nhận xét rằng phản ứng của Liễu Chí Mai giống như người mắc hội chứng Stockholm, và điều này không lạ đối với một người trải qua tra tấn thể chất lẫn tinh thần. Liễu Chí Mai hành động như thể cô vẫn còn đang ở Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông.
Sau khi nhận ra biểu hiện tâm thần bất thường của Liễu Chí Mai, cảnh sát gọi cha cô tới để đưa cô về. Kể từ đó, một người đàn ông lạ đã tới nhà Liễu Chí Mai để dắt cô đi chơi như một tình nhân…
Thời gian trôi qua, vào sáng ngày 12/2/2015, một sự kiện đau buồn đã xảy ra tại thị trấn của thành phố Lai Dương, Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc. Trong khi đi dạo vào buổi sáng, người dân địa phương phát hiện ra thi thể một người phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi trong giếng nước. Đó là Liễu Chí Mai, người từng là một sinh viên hàng đầu của Đại học Thanh Hoa danh tiếng nhất Trung Quốc.
Thời gian dừng lại ở tuổi 21
Khi ở trong tình trạng không thể nhớ tên mình, một ngày nọ, Liễu Chí Mai đã viết dòng chữ “Đại học Thanh Hoa” trên tường nhà. Đây là nơi đã mang lại cho cô niềm vinh dự và niềm vui, nhưng cũng mang đến nỗi đau khổ và tuyệt vọng.
Bấy giờ, khi tình trạng tinh thần ổn định, Liễu Chí Mai sẽ nhắc đến tên một vài người. Cô nhắc tên của những bạn học cùng trường, những người đã cùng cô tập Pháp Luân Công tại Thanh Hoa.
Khi được hỏi mình bao nhiêu tuổi, đôi khi Liễu Chí Mai trả lời rất nghiêm túc, “Hai mươi mốt”.
21 tuổi, đó là lúc Liễu Chí Mai bị bắt – ngày mà cuộc đời cô kết thúc – theo một ý nghĩa nào đó. Trí nhớ của cô dường như đã dừng lại ở đây.
Sự trong trắng và phẩm giá của Liễu Chí Mai đã bị hành hạ đến mức ngoài sức tưởng tượng, khiến cô chỉ còn là “một cái bóng”. Tuy nhiên, nỗi đau ấy không thể xóa nhòa ký ức về những ngày cô cùng tập Pháp Luân Công với những người khác trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa.
Mặc dù Liễu Chí Mai không thể kể lại chi tiết những đau khổ mà mình trải qua trong nhà tù của chế độ, nhưng tình trạng của cô đã nói lên tất cả. Thảm cảnh của cuộc đời cô vẫn chỉ là một góc nhỏ của cuộc bức hại tàn khốc vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc.
Dựa theo các tư liệu về trường hợp của Liễu Chí Mai đăng trên FalunInfo.net và Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế
- Bức tượng Đức Phật và chuyện đời của một nhà điêu khắc
- Chuyện đời của cựu quan chức phòng 610: “Vì sao tôi trốn khỏi Trung Quốc?”
- Tưởng niệm nhạc sĩ bị ĐCSTQ tra tấn và giết hại nhân danh Thế vận hội
- Chuyện đời của á quân Olympic rước đuốc nhân quyền phản đối Olympic Bắc Kinh 2008
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Đại học Thanh Hoa cuộc sống sau bức hại