Gần đây, ông Trầm Trung Dương, chuyên gia ghép tạng nổi tiếng ở Trung Quốc, đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc thanh trừng và bị loại khỏi Ủy ban Hội nghị Tham vấn Chính trị Quốc gia Trung Quốc. Ông Trầm là cựu giám đốc của Trung tâm Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân và Viện Ghép gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang, có liên quan tới tội ác thu hoạch nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Trên trang web chính thức của Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân, ông Trầm được giới thiệu là “chuyên gia ghép tạng nổi tiếng”: “Năm 1998, ông thành lập viện ghép tạng đầu tiên và đào tạo nhiều nhân viên ghép tạng. Ông đã chỉ đạo nhóm này tiến hành hỗ trợ cho gần 70 đơn vị y tế trong nước thực hiện ghép gan. Trong 20 năm, ông và cộng sự đã hoàn thành hơn 10.000 ca ghép gan.”
Trên trang web của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc có nêu dưới sự dẫn dắt của ông Trầm, Bệnh viện Số 1 Trung ương đã thực hiện 5.000 ca ghép gan vào năm 2010. Bản thân ông Trầm tính đến năm 2006 đã thực hiện hơn 1.600 ca ghép gan. Một bài giới thiệu khác về ông Trầm trên Từ điển Bách khoa Toàn thư Baidu có nêu ông Trầm đã hoàn thành gần 10.000 ca ghép gan vào năm 2014, chiếm 1/4 tổng số ca ghép gan của cả nước.
Ông Trầm cũng được cấp bằng sáng chế về kỹ thuật bơm máu vào gan và cắt gan nhanh, các trang web về cấy ghép tạng của chế độ Trung Quốc đã gọi ông là “người tiên phong vĩ đại trong ngành ghép tạng” của Trung Quốc.
Sự nghiệp của ông Trầm Trung Dương gắn liền với Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân và Trung tâm Ghép tạng Đông phương tại đây, một trung tâm ghép tạng khổng lồ mà bản thân một mình nó đã có thể phơi bày tội ác ghép tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Cuối những năm 1990 là thời điểm sự nghiệp của bác sĩ Trầm Trung Dương, chuyên môn phẫu thuật ghép gan, đang ở một giai đoạn u ám: ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc kém phát triển, các ca phẫu thuật đầy rủi ro, nên người muốn cấy ghép tạng rất ít, và nguồn cung nội tạng còn hạn chế.
Vào tháng 5 năm 1994, ông Trầm đã thực hiện cho thành phố Thiên Tân ca ghép gan đầu tiên sau khi thuyết phục được một công nhân nhập cư 37 tuổi bị bệnh xơ gan chấp nhận cho ghép gan. Vào thời điểm đó, cấy ghép nội tạng được thực hiện miễn phí cho những người nhận tạng, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ thành công thấp. Nhiều năm sau đó lĩnh vực ghép tạng cũng không có sự phát triển đáng kể.
Năm 1998, sau khi du học tại Nhật Bản, ông Trầm trở về Trung Quốc. Khi trở về, ông đã dùng tiền của mình (100.000 nhân dân tệ, hơn 300 triệu Việt Nam đồng) để thiết lập một bộ phận nhỏ chuyên về cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân.
Quá trình tiến triển diễn ra chậm chạp. Vào cuối năm 1998, đơn vị cấy ghép của ông chỉ thực hiện được 7 ca ghép gan. Trong năm 1999, họ thực hiện được 24 ca.
Tuy nhiên trong khi Trung Quốc chưa xây dựng hệ thống hiến tạng tự nguyện thì đột nhiên các ca ghép tạng ở những năm tiếp theo tăng vọt. Theo Enorth Netnews, cơ quan ngôn luận của chính quyền thành phố Thiên Tân, riêng tháng 1/2002 đã có 209 ca ghép gan; và con số sau đó lên tới 1.000 ca vào cuối năm 2003.
Tháng 12/2003 đánh đấu lần mở rộng đáng chú ý nhất của Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân. Cục Y tế thành phố Thiên Tân đã đầu tư 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 400 tỷ đồng Việt Nam) để xây dựng một tòa nhà 17 tầng (bao gồm một tầng trệt và hai tầng hầm) chuyên phục vụ cho cấy ghép tạng. Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy họ tự tin về một nguồn cung cấp nội tạng dồi dào và liên tục.
Tòa nhà được đặt tên là Trung tâm Ghép tạng Đông phương, với công suất 500 giường bệnh và diện tích sàn 36.000 mét vuông, nó hướng tới trở thành một “trung tâm cấy ghép toàn diện có khả năng ghép gan, thận, tụy, xương, da, tóc, tế bào gốc, tim, phổi, giác mạc, và họng”, theo Enorth Netnews.
Như vậy sau dự án này toàn bộ Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân bao gồm một khu cấp cứu, một trung tâm điều trị ngoại trú, và một tòa nhà ghép tạng cao hơn hẳn hai khu trên.
Đến năm 2004, trong khi tòa nhà Ghép tạng Đông phương đang được xây dựng, để đáp ứng nhu cầu ghép tạng, đế chế ghép tạng của bác sĩ Trầm đã mở rộng đến năm chi nhánh rải khắp Thiên Tân, Bắc Kinh và tỉnh Sơn Đông.
Trong các tài liệu chính thức của họ, tập đoàn này tuyên bố đã thực hiện số lượng các ca ghép gan lớn nhất trên thế giới, và số lượng ca ghép thận lớn nhất ở Trung Quốc.
Chi nhánh Bắc Kinh đã được đặt tại Bệnh viện đa khoa Cảnh sát vũ trang nhân dân, nơi đây Trầm Trung Dương là giám đốc của Khoa ghép tạng.
Năm 2006, bài báo “Nghiên cứu về hàng chục ngàn người nước ngoài tới Trung Quốc ghép tạng” trên tờ Phoenix Weekly gọi Trung tâm Ghép tạng Đông phương là trung tâm ghép tạng lớn nhất thế giới.
Hoạt động của trung tâm ghép tạng này được thể hiện qua tần suất sử dụng tạng được đưa ra:
“Bệnh viện bắt đầu nhận và điều trị các bệnh nhân Nam Hàn vào năm 2002. Một lượng lớn bệnh nhân Nam Hàn đã đổ tới, khiến cho cơ sở vật chất hiện có không đáp ứng được. Hiện, bệnh viện đã phải chuyển đổi khu vực từ tầng 4 tới tầng 7 trong 12 tầng của tòa nhà thành khu vực cấy ghép. Đồng thời bệnh viện cũng mượn tầng 8 của Bệnh viện Quốc tế Tim mạch Khu vực Phát triển Kinh tế Thiên Tân thành nơi phục vụ các bệnh nhân Hàn Quốc. Bệnh viện cũng chuyển tầng 24 và 25 của một khách sạn bên cạnh thành khu vực dành cho các bệnh nhân chờ đợi ghép tạng. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang thiếu giường.”
Cũng trong bài báo này, 85% bệnh nhân tới từ hơn 20 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Hàn, Nhật Bản, Malaysia, Ai Cập, châu Âu, Israel, Pakistan, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan.
Theo một phỏng vấn đặc biệt vào năm 2006 đăng trên Tạp chí Kết hợp Y học Đông Tây trong Điều trị Tăng cường và Điều Trị Nguy Kịch (Chinese Journal of Integrated Traditional and Western Medicine in Intensive and Critical Care), khi Trung tâm Ghép tạng Đông Phương được mở rộng và mở cửa trở lại vào năm 2006 do quá tải các ca cấy ghép, nó đã có 700 giường bệnh phục vụ cho việc ghép tạng.
Tại thời điểm năm 2007 khi Trung Quốc ban hành Quy định Ghép tạng thì quan chức nước này cũng đồng thời thú nhận rằng họ có lấy tạng từ tử tù. Số lượng tử tù bị hành quyết ở Trung Quốc hàng năm trung bình là 5.000 người, với tỷ lệ phù hợp để ghép tạng (phù hợp sau khi xét nghiệm máu và mô) thông thường là 6%, thì chỉ có 300 người trong số đó có thể được sử dụng để ghép tạng. Trong khi đó, năm 2011, hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh tuyên bố rằng trong vòng 20 năm, Trung Quốc chỉ có 37 người hiến tạng. Tổng cộng mới chỉ có lượng nội tạng từ 337 người.
Đến tháng 10 năm 2009, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của trung tâm này lên tới 90% (Viện nghiên cứu khoa học kiến trúc Trung Quốc), và đến năm 2013, sau khi đã tăng thêm giường bệnh, thì tỷ lệ sử dụng vẫn vượt mức ở 131% (Tờ Enorth Netnews của Thiên Tân năm 2014), nghĩa là bệnh viện vẫn phải điều thêm giường để đáp ứng. Hơn 700 giường bệnh hoạt động với công suất như vậy, có thể hình dung được số nội tạng được cấy ghép chỉ riêng tại trung tâm này đã vượt quá con số 337 người.
Như vậy dù sử dụng tất cả các nguồn tạng mà chính quyền công bố, vẫn không thể giải thích nguồn gốc của nội tạng dành cho hàng ngàn ca cấy ghép hàng năm. Đó là chưa kể tới số tạng được sử dụng tại các trung tâm ghép tạng dành cho người nước ngoài khác tại Trung Quốc. Trong khi đó, Quy định Ghép tạng năm 2007 của Trung Quốc đã cấm việc người nước ngoài được phép tới quốc gia này để ghép tạng. Điều này đã trực tiếp cho thấy sự dối trá của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề ghép tạng.
Một phóng sự điều tra đặc biệt của đài TV Chosun Hàn Quốc vào năm 2017 còn chỉ ra nhiều điểm đáng báo động về hoạt động ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng Đông Phương:
Tốc độ tìm tạng phù hợp này hoàn toàn trái ngược với quy luật ghép tạng thông thường trên thế giới. Ví dụ như tại Mỹ, nơi có hệ thống thông tin hiến tạng hiện đại trên thế giới thì thời gian chờ cho 1 quả thận là khoảng 3,5 năm. Hơn thế nữa, chỉ khi người hiến tặng là người sống thì các bác sĩ mới có thể chủ động về thời gian. Tỷ lệ người sống hiến tạng ở Mỹ là rất cao, ví dụ việc hiến thận: 5.537 người sống trong 17.107 người hiến vào năm 2014. So với con số 37 người hiến tạng trong vòng 20 năm của Trung Quốc là cả một sự khác biệt lớn.
Tất cả phân tích trên đây cho thấy thực tế có tồn tại một ngân hàng nội tạng khổng lồ dành cho việc cấy ghép tạng. Đây là chưa tính đến số liệu ghép tạng của hơn 700 bệnh viện ghép tạng khác đang hàng ngày vận hành tại Trung Quốc.
Ngay từ tháng 7/2006, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền Canada, đã công bố báo cáo dài 45 trang, trong đó kết luận:
“…Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan ở nhiều nơi trong nước, nhất là các bệnh viện, và cả các trại tạm giam, toà án nhân dân, đã sát hại một số lượng lớn tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, đến nay vẫn chưa rõ số lượng cụ thể. Nội tạng của họ, kể cả tim, thận, gan và giác mạc, gần như bị lấy đi cùng lúc để bán với giá cao, thường là cho người nước ngoài, thường phải chờ đợi lâu để tìm nguồn tạng tình nguyện trong nước.”
Tháng 6/2016, cùng với ông Ethan Gutmann, một nhà báo điều tra của Hoa Kỳ, ông David Kilgour và ông David Matas tiếp tục công bố báo cáo điều tra cập nhật về nạn cưỡng bức nội tạng ở Trung Quốc. Họ đã điều tra hàng trăm bệnh viện ở Trung Quốc và được biết rằng các bệnh viện này có thể thực hiện cấy ghép cho bệnh nhân trong vòng hai tuần sau khi họ “đặt hàng”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có một nguồn tạng khổng lồ.
Các cuộc điều tra của họ còn cho thấy số ca cấy ghép thực tế mỗi năm của một số bệnh viện Trung Quốc đã vượt quá tổng số ca cấy ghép được báo cáo chính thức trên cả nước, là từ 10.000 đến 15.000 ca mỗi năm. Theo báo cáo, số nội tạng được cấy ghép từ năm 2006 đến 2016 cao đến mức đáng kinh ngạc, chủ yếu lấy từ người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ và bị tống giam chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.
Ngày 13/6/2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343, kêu gọi Trung Quốc “lập tức chấm dứt hành vi thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm.” Họ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài 17 năm và trả tự do cho tất cả người tập Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết còn yêu cầu ĐCSTQ phải “cho phép tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy, minh bạch và độc lập về hành vi ghép tạng phi pháp”. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Nghị quyết kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo hàng năm cho Quốc hội về việc thực thi cấm cấp thị thực cho người Trung Quốc và các công dân khác dính líu tới nạn cưỡng bức thu hoạch tạng hay lấy mô cơ thể.
Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng.
Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Minh Nhật biên tập
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…