Sách “Gặm Phật”: ĐCSTQ liên tục đàn áp người Tây Tạng hơn 70 năm

Khi nhà báo người Mỹ Barbara Demick đến thăm huyện Ngawa, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2013, bà đã kinh ngạc trước hệ thống camera giám sát trong mọi ngôi đền, cũng như quân đội và cảnh sát có mặt khắp các thị trấn, đến mức bà gần như không dám ra khỏi xe. Nhà báo Mỹ từng đến Triều Tiên này đã viết trong cuốn “Phệ Phật” (Gặm Phật): Thảm họa và sự sống còn của Ngawa” rằng: Ở đây, mọi người sống trong nỗi sợ hãi không kém gì Triều Tiên.

Nhà báo người Mỹ Barbara Demick (Ảnh: Twitter)

Phong cách sống khác nhau của người Tây Tạng

Ngawa, huyện tự trị Tây Tạng của người Tây Tạng và dân tộc Khương ở tỉnh Tứ Xuyên có dân số khoảng 80.000 người, người Tây Tạng chiếm hơn 94%. So với khu tự trị Tây Tạng, các nhà báo phương Tây hoạt động tương đối tự do. Nên nơi đây đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho bài viết của bà Demick.

Bà Demick từng là trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ “Los Angeles Times” từ năm 2001. Các tác phẩm chính của bà gồm “Đường Logavina: Cuộc sống và cái chết của Sarajevo”, “Chúng ta hạnh phúc nhất: Cuộc sống bình thường của người Bắc Triều Tiên”, v.v. Bà từng giành Giải thưởng Nhà báo George Polk của Mỹ, Giải thưởng Báo chí Robert Kennedy, và được đề cử Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2010.

Bà Demick sống ở Trung Quốc vào năm 2007. Sau khi thường xuyên xảy ra các vụ tự thiêu ở Tây Tạng vào năm 2009, bà bắt đầu quan tâm đến Tây Tạng và đã đến thăm Ngawa 3 lần vào các năm 2013, 2014 và năm 2015. Cuốn sách “Phệ Phật” được diễn ra xung quanh khu vực Ngawa, xen kẽ với những câu chuyện của gần 10 người Tây Tạng Ngawa lưu vong ở Ấn Độ, kể về cuộc đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Tây Tạng tại địa phương, từ quan điểm của 3 thế hệ, kéo dài hơn 70 năm.

New York Times nhận xét: “Bà Demick có một bề dày lịch sử khiến người khác phải kính nể: Từ thời kỳ hoàng kim của Đế chế Tây Tạng khi người Thổ Nhĩ Kỳ và người Ả Rập có thể cạnh tranh với nhau, đến những thất bại ngày nay trong việc theo đuổi độc lập của Tây Tạng, việc chuyển đổi sang quá trình tìm kiếm sự tồn tại của văn hóa và tinh thần.” Financial Times cho biết: “Cuốn sách này không chỉ mô tả Tây Tạng đương đại, mà còn phơi bày thời kỳ khủng khiếp mà Trung Quốc hiện đang trải qua”. Tờ Daily Mail chỉ ra: “Đây là một cuốn sách ấn tượng, kể về sự đau khổ của người dân Tây Tạng từ một góc nhìn độc đáo, giúp độc giả hiểu được cuộc sống bị hủy hoại bởi những cơn bão chính trị như thế nào.”

Bà Demick nói với VOA rằng bà muốn khắc họa khuôn mặt của người Tây Tạng, đặc biệt là nỗi đau khổ và ước mơ của họ. Bà nói: “Tôi nghĩ, có rất ít sách tiếng Anh, thậm chí là sách tiếng Tây Tạng, kể về cuộc sống của người Tây Tạng trong thế kỷ 21. Nhiều sách nói về địa chính trị, chẳng hạn như hoàn cảnh khốn khó của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ĐCSTQ, và ý nghĩa chiến lược của các dòng sông. Nhưng bạn sẽ rất khó có thể hiểu được cuộc sống của người dân Tây Tạng. Hình ảnh người Tây Tạng trên các kênh truyền thông luôn giống nhau. Ví dụ, họ là những người du mục gan lì và những hang động bí ẩn. Tôi nghĩ rằng, chưa có cuốn sách nào viết về câu chuyện của người Tây Tạng đương đại.”

Phệ Phật (Gặm Phật)

Bà Demick nói với VOA rằng bà ấy chọn Ngawa là trung tâm cho câu chuyện của mình, vì đây là khu định cư Tây Tạng đầu tiên trong lịch sử, trải qua sự tàn phá quy mô lớn của quân đội ĐCSTQ.

Phá hủy thánh địa Phật giáo ở Tây Tạng (Ảnh: RFA)

Bà Demick cho biết: “Khi bắt đầu đọc thông tin về Ngawa, tôi đã tìm thấy một ghi chép lịch sử như thế này về Cuộc trường chinh của Hồng quân và Ngawa. Ngawa là nơi mà Hồng quân và các khu vực Tây Tạng chạm trán lần đầu tiên. Vào những năm 1930, quân đội tiến vào Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng từ đây. Không có đủ lương thực và tiếp tế, họ bắt đầu cướp thực phẩm trong nhà của người Tây Tạng. Như tôi đã đề cập trong cuốn sách của mình, họ bắt đầu ăn tượng Phật trong các ngôi đền. Những pho tượng Phật này được làm bằng bột lúa mạch và bơ, khiến người ta có cảm giác giống như họ đang “Ăn Phật”. Đoạn ghi chép này đến từ “Hồi ức của ông Ngô Pháp Hiến.”

Hồng quân đói khát đã dùng tượng Phật làm khẩu phần ăn, đây là nguồn gốc của danh hiệu tên goi “Phệ Phật” (Gặm Phật) của cuốn sách. Ngoài việc phá hủy tượng Phật, Hồng quân còn phá hủy kinh sách quý và giết chết các nhà sư trong chùa. Tu viện Kirti Gompa lớn nhất ở quận Ngawa từng được trưng dụng làm đại bản doanh của Hồng quân, nơi Chu Đức lo việc chính sự. Lịch sử bi thảm này dường như đã mở đường biến Ngawa trở thành “Thủ phủ của những vụ tự thiêu” hơn 70 năm sau.

Bi kịch của 3 thế hệ

Một cảnh các nhà sư Tây Tạng bị đánh đập trên các đường phố. (Ảnh: Daily Motion)

Việc tàn phá Tây Tạng của ĐCSTQ không kết thúc cùng cuộc trường trinh, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Dưới ngòi bút của bà Demick, nhiều người Tây Tạng thuộc 3 thế hệ khác nhau đã ôn lại những thời khắc then chốt trong lịch sử. Năm 1958, bà Demick gọi đây là “thời gian sụp đổ” trong lịch sử Tây Tạng. Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã cưỡng bức thúc đẩy “tập thể hóa”, “công xã nhân dân” và “Đại nhảy vọt” ở Tây Tạng. Việc tuyên truyền vô thần và sách nhiễu các nhà sư cũng đạt đến đỉnh điểm. Năm 1959, xung đột vũ trang nổ ra giữa người Tây Tạng và Quân Giải phóng ĐCSTQ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu vong ở Ấn Độ đã thành lập chính phủ Tây Tạng lưu vong.

Ngay sau đó, “Cách mạng Văn hóa” ngày càng phá hủy nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng cổ đại. Bà Gonpo, một trong những nhân vật chính trong cuốn sách, sinh năm 1951 và là công chúa cuối cùng của Vương quốc Mei ở huyện Ngawa trước năm 1949. Cha mẹ bà đã bị giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Bản thân bà cũng trải qua sự phân quyền và nhiều năm bị đối xử bất công.

Một cảnh phá hủy học viện Phật giáo Tây Tạng (Ảnh: Qua kknews.cc)

Vào những năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Hồ Diệu Bang, ĐCSTQ dường như đã nới lỏng một số chính sách đàn áp mạnh mẽ của mình. Ông Tsegyam (sinh năm 1964), giáo viên tại một trường học Tây Tạng vào thời điểm đó, đã có thể bí mật dạy học sinh một số văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài được lâu, đến năm 1998, ĐCSTQ cưỡng chế một chiến dịch giáo dục lòng yêu nước tại các ngôi chùa ở Ngawa và đóng cửa Tu viện Kirti, trường học trực thuộc Tu viện Phật giáo Tây Tạng Gelug lớn nhất tại địa phương, hai lần vào năm 2003 và năm 2008. ĐCSTQ cũng tiếp quản các trường học khác do người Tây Tạng quản lý và thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Trung Quốc trong thời kỳ này.

Một loạt các chính sách gây áp lực cao này cuối cùng đã dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn ở huyện Ngawa vào tháng 3/2008, được châm ngòi bởi các cuộc biểu tình trước đó đã nổ ra ở Lhasa vào giữa tháng 3. Ngày 16/3, hàng trăm người đã xuống đường dưới sự lãnh đạo của các nhà sư của Tu viện Kirti, nhằm tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa hưởng ứng khu vực Lhasa. Sau đó họ đã bị chính quyền đàn áp. Vị thầy tu cao nhất của Tu viện Kirti đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2011 rằng, gần 23 người Tây Tạng đã bị giết trong cuộc đàn áp.

Người Tây Tạng đã chọn cách phản đối bi thảm là tự thiêu. Vào ngày 27/2/2009, nhà sư Tapey của Tu viện Kirti đã đổ xăng lên người tự thiêu. Điều này đánh dấu sự khởi đầu thảm kịch của thế hệ thứ 3 của người Tây Tạng Ngawa. Một trong những nhân vật chính, ông Dongtuk, sinh vào cuối những năm 1980, là bạn tốt của nhà sư Lobsang Phuntsog, người đã tự thiêu vào năm 2011. Sau thảm kịch, ông đã treo biểu ngữ, kêu gọi người dân Tây Tạng biểu tình. Để tránh bị chính quyền bắt giữ, bà Sonam, mẹ của ông đã quyết định gửi ông đến Ấn Độ.

Trong lời chứng năm 2011, nhà sư Kirti Rinpoche cũng đề cập rằng, sự áp bức của ĐCSTQ mà người Tây Tạng phải gánh chịu ở khu vực Ngawa là vô cùng tàn nhẫn. Do đó, cuộc sống của 3 thế hệ người Tây Tạng đều trở nên tăm tối. Từ năm 2008 đến năm 2011, 34 người Tây Tạng ở Ngawa đã chết vì bị chính phủ bắt bớ hoặc tự thiêu. Ngoài ra còn có 619 người khác bị bắt.

Thành phố tự thiêu

Kể từ năm 2009 đến nay, gần 160 người Tây Tạng đã tự thiêu, và 1/3 trong số đó xảy ra ở Ngawa, tập trung trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013. Nhà sư Kirti Rinpoche chỉ rõ: “Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người dân Tây Tạng biểu tình một cách ôn hòa, đã nhiều lần kêu gọi ĐCSTQ ngừng đàn áp, và bắt đầu các cuộc đàm phán với chế độ Tây Tạng lưu vong. Tuy nhiên, ĐCSTQ không những không lắng nghe các đề xuất, mà còn tăng cường đàn áp người Tây Tạng ở khu vực Ngawa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tự thiêu liên tiếp của người Tây Tạng.”

Bà Demick nói với VOA rằng trong quá trình viết bài của mình, các quan chức ĐCSTQ đã nhận ra sự bất mãn của người Tây Tạng ở Ngawa. Bà nói: “Chính quyền địa phương và toàn bộ ĐCSTQ đều quan tâm đến thể diện. Tuyên truyền chính trị của Trung Quốc tuyên bố rằng, người dân Tây Tạng đang rất mãn nguyện. Họ rất hạnh phúc dưới sự thống trị của ĐCSTQ. Họ đã ca hát và nhảy múa để ăn mừng Ngày giải phóng hàng triệu nông nô. Vì vậy, sự kiện tự thiêu là nỗi xấu hổ đối với chính phủ Tây Tạng. Bởi nó đồng nghĩa với việc người Tây Tạng nói: Chúng tôi không hạnh phúc.”

Lễ mãn khóa “Lớp bồi dưỡng Phật sống Tây Tạng” gây tranh luận khi nhà sư bị yêu cầu lạy tượng Mao Trạch Đông (Ảnh: Internet).

Bà Demick nói: “Họ muốn gửi một thông điệp rất mạnh mẽ rằng họ bất mãn với ĐCSTQ. Tự thiêu gần như là lời tuyên bố bi thảm nhất mà họ có thể đưa ra. Hành động này cũng liên quan đến niềm tin của họ vào bất bạo động. Nhiều người Tây Tạng, kể cả người Tây Tạng ở Ngawa nói với tôi rằng, họ không làm hại ai, cũng không nhắm vào dân thường hay cảnh sát. Họ chỉ hy sinh mạng sống của mình để đưa ra lời tuyên bố. Họ là Phật tử, và họ nghĩ rằng họ không thể đối xử với người khác bằng bạo lực.”

Các quan chức ĐCSTQ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần gọi các vụ tự thiêu của người Tây Tạng là “khủng bố trá hình” “chủ nghĩa ly khai”. Ông Bhuchung K.Tsering, phó chủ tịch Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, nói với VOA rằng ĐCSTQ sẽ buộc tội bất kỳ tiếng nói nào khác với mình. Ông nói: “Nếu họ thực sự muốn thực hiện điều mà chính phủ Trung Quốc gọi là ‘khủng bố’, họ sẽ chọn những nơi có nhiều người hơn hoặc cố gắng làm hại người khác. Nhưng hầu như tất cả các vụ tự thiêu đều xảy ra ở những nơi vắng vẻ không người. Đôi khi thậm chí không có người Tây Tạng nào khác có mặt tại đó. Vậy nên đây không phải là chủ nghĩa khủng bố.”

Trong các bài viết của bà Demick, không phải tất cả người Tây Tạng đều hoàn toàn đồng ý với cách tự thiêu. Ví dụ, như Tangta. Người bạn tốt của anh ấy là Lobsang Phuntsok và em họ của anh ấy lần lượt tự thiêu. Anh ấy nói với bà Demick: “Chắc chắn là có cách tốt hơn để bày tỏ sự không hài lòng.” Nhưng Tangta cũng hiểu sâu sắc sự lựa chọn của những người đồng hương của mình, cho rằng họ bị thúc đẩy bởi “cảm giác bất lực to lớn” và “sự thất vọng vì không được nói”.

Tương lai ảm đạm

Những người được phỏng vấn dưới ngòi bút của bà Demick đều có một điểm chung. Đó là họ rời Tây Tạng và chuyển đến Dharamshala, thủ phủ của những người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ. Bà Gonpo đã trải qua Cách mạng Văn hóa và phân quyền, cuối cùng cũng đến Ấn Độ vào năm 1989, để giúp xây dựng chính phủ lưu vong. Vì lý do này, cuộc đoàn tụ gia đình với chồng và con gái út của bà cách nhau hơn 30 năm. Cũng trong năm 1989, ông Tsegyam đã giúp đưa ra các khẩu hiệu ủng hộ người Tây Tạng và thông báo cho học sinh rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đoạt giải Nobel Hòa bình. Vì vậy, ông bị buộc tội “tuyên truyền phản cách mạng” và bị bỏ tù 18 tháng.

Năm 1992, ông sống lưu vong ở Dharamshala và làm việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tsepey, một cậu bé tham gia cuộc biểu tình ở Ngawa năm 2008, bị cảnh sát truy lùng suốt 4 năm, cuối cùng cũng chuyển đến Dharamshala. Tangta cố gắng đi du lịch đến Dharamshala 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012. Hai nỗ lực đầu tiên của anh đều thất bại. Cuối cùng, tuyến đường xuyên Nepal đã giúp anh đến Ấn Độ thành công.

Bà Demick nói với VOA rằng các nhân vật chính dưới ngòi bút của bà, cũng như một số người Tây Tạng khác mà bà từng nói chuyện, ít nhiều đều đồng ý với đóng góp của ĐCSTQ trong việc cải thiện nền kinh tế và mức sống của người Tây Tạng tại các khu vực Tây Tạng. Nhưng điều khiến họ tuyệt vọng là họ rất khó được đối xử như người Hán, đặc biệt là các quyền cơ bản về tự do cá nhân.

Bà Demick nói: “Tôi thấy rằng ở Ngawa và những nơi khác, nhiều người Tây Tạng cảm thấy, mức sống của họ đã được cải thiện dưới thời ĐCSTQ, và họ biết ơn vì điều này. Nhưng đây không phải là chủ đề của cuốn sách này. Người Tây Tạng muốn phẩm giá và sự tự do ở một mức độ nào đó, không nhất thiết là tự do của xã hội phương Tây và các hệ thống dân chủ, mà chỉ là những quyền mà các công dân Trung Quốc khác được hưởng. Ví dụ, được nói ngôn ngữ của chính mình, có thể tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo tại nhà, và tự do đi lại. Tự do đi lại rất quan trọng với người Tây Tạng. Họ thấy rằng những người Trung Quốc khác có thể đến châu Âu và Thái Lan, có thể gửi con cái của mình ra nước ngoài học tập. Nhưng người Tây Tạng không thể đi lại tự do. Đối với họ, cả nước đã trở thành một nhà tù.”

Báo cáo năm 2015 của tổ chức phi chính phủ quốc tế “Human Rights Watch” (Theo dõi Nhân quyền) chỉ ra rằng, cư dân của các nhóm thiểu số tôn giáo, gồm cả người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, phải đợi đến 5 năm để có được hộ chiếu khi xin cấp hộ chiếu. Đôi khi họ bị từ chối trực tiếp, mà không được giải thích với bất cứ lý do hợp pháp nào. Hơn nữa, các quy định mới bổ sung được thực hiện ở Khu tự trị Tây Tạng kể từ năm 2012, đã dẫn đến việc cư dân trong khu vực này gần như bị cấm ra nước ngoài hoàn toàn. Báo cáo của Phong trào Quốc tế Hỗ trợ Tây Tạng vào tháng 6/2020 cũng chỉ ra rằng, người Tây Tạng ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những hạn chế di chuyển chưa từng có. Rất ít người Tây Tạng có hộ chiếu hoặc cơ hội nhận học bổng ở nước ngoài. Hơn nữa, những người Tây Tạng lưu vong ở châu Âu cũng bị tước quyền thăm các thành viên gia đình vẫn còn sống ở Tây Tạng.

Đồng thời, các hoạt động giám sát quy mô lớn của chính quyền ĐCSTQ ở Tây Tạng đang leo thang. Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban điều hành về Trung Quốc (CECC) đã công bố Báo cáo thường niên năm 2020, về Nhân quyền và Pháp quyền ở Trung Quốc vào đầu tháng 1/2021, nêu rõ rằng, ĐCSTQ đã mở rộng các chính sách gây áp lực cao đối với Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng. Báo cáo thường niên năm 2020 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng chỉ ra rằng tại các cộng đồng, nơi làm việc và gia đình của người Tây Tạng, việc giám sát và đe dọa ngày càng hà khắc hơn, nhằm trấn áp các cuộc biểu tình. Đây cũng là mục tiêu được các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ nhiều lần nhấn mạnh.

Bà Demick nói với VOA: “Lúc đó (Khi tôi đến) đã có rất nhiều camera giám sát. Ví dụ, trong các ngôi chùa, trên đường vào chùa cũng có camera chụp ảnh những người vào chùa. Dần dần bạn sẽ cảm thấy rằng mình luôn bị giám sát bởi camera.”

Ông Bhuchung k .Tsering chỉ ra rằng, ĐCSTQ không tin tưởng vào lòng trung thành của người Tây Tạng. Ông nói: “Mặc dù ĐCSTQ nói rằng người dân Tây Tạng rất hạnh phúc và đã sống tốt dưới sự cai trị của họ trong hơn 60 năm qua. Họ cũng biết rằng từ sâu thẳm trái tim mình, người Tây Tạng tôn trọng truyền thống tôn giáo của họ và kính trọng Đức Đạt Lai Lạt Ma.”

Bà Demick chỉ ra rằng, Trung Quốc đang trở thành “chế độ độc tài hoàn hảo” mà ông Stein Ringen, giáo sư xã hội học tại Đại học Oxford, từng gọi. Nghĩa là chính phủ có quyền kiểm soát toàn diện, giám sát kỹ lưỡng thông tin mạng Internet và lắp camera giám sát ở khắp mọi nơi. Việc theo dõi nhân trắc học của công dân tiên tiến như vậy, nhằm duy trì sự thống trị không nơi nào vắng mặt của mình.

Phần kết của cuốn “Phệ Phật”, những người Tây Tạng lưu vong này vẫn không biết con đường phía trước sẽ ra sao, họ vẫn đang tìm kiếm hy vọng cho tương lai. Những người Tây Tạng ở lại Ngawa cũng rất bối rối: Nền kinh tế địa phương đã phát triển đáng kể, GDP khu vực của huyện Ngawa đã tăng từ 24 triệu nhân dân tệ (tương đương 85,89 tỷ VNĐ) năm 1952 lên 39.008 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139,6 triệu  tỷ VNĐ) vào năm 2019. Thông báo chính thức là nghèo đói sẽ được xóa bỏ trong năm 2020. Nhưng đồng thời, sự kế thừa văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và lịch sử Tây Tạng đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Bà Demick trích lời một doanh nhân người Tây Tạng trong chương cuối của cuốn sách: “Tôi dường như có mọi thứ, có tiền và cuộc sống tốt, nhưng tôi không có tự do.”

Phạm Ni Sa, Vision Times

Xem thêm:

Ni Sa

Published by
Ni Sa

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

22 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

53 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

1 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

1 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago