Trung Quốc

Tiêu dùng ảm đạm, gần 3 triệu nhà hàng ở Trung Quốc đóng cửa năm 2024

Tiêu dùng suy yếu cùng với sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến ngành dịch vụ ẩm thực của Trung Quốc rơi vào “mùa đông lạnh giá” kéo dài. Số liệu cho thấy trong năm ngoái, gần 3 triệu cửa hàng ăn uống ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, lập mức cao kỷ lục. Có phân tích cho rằng nửa đầu năm nay có thể sẽ chứng kiến một đợt đóng cửa còn lớn hơn nữa.

Một số lượng lớn cửa hàng vật lý ở Quảng Châu vắng khách và nhiều cửa hàng đã đóng cửa. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Dữ liệu mới nhất: Gần 3 triệu nhà hàng đóng cửa năm ngoái, mức cao kỷ lục

Theo báo cáo gần đây của phương tiện truyền thông ngành nghề ăn uống Trung Quốc “Hong Can Wang” (红餐网), các loại hình nhà hàng đóng cửa rất đa dạng, bao gồm nhà hàng phục vụ bữa ăn chính, trà sữa, cà phê, tiệm bánh, lẩu, đồ ngọt, buffet và đồ nướng. Nhiều nhà hàng còn bị đồn phá sản, trốn nợ, nợ lương hoặc bị đòi nợ, gây ra nhiều thông tin tiêu cực. Số liệu thống kê cho thấy trong năm qua, gần 3 triệu cửa hàng/ nhà hàng các loại tại Trung Quốc đã phải đóng cửa, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử, trong đó không thiếu các thương hiệu nổi tiếng.

Trang tin Sina của Trung Quốc đưa tin “Gần 3 triệu nhà hàng ‘rời cuộc chơi’ trong 1 năm”. (Ảnh chụp màn hình)

Opera Bombana, một nhà hàng Ý ở Bắc Kinh từng là địa điểm ăn uống dành cho những người nổi tiếng, đã đóng cửa vào tháng 4 năm ngoái sau 11 năm hoạt động; L’Atelier 18, nơi có bếp trưởng đạt chuẩn Michelin 3 sao phụ trách, đã khai trương vào đầu năm ngoái nhưng đến giữa năm thì phải đóng cửa; nhà hàng Steak House – được coi là “nhà hàng bít tết khó đặt chỗ nhất Thâm Quyến” – cũng ngừng hoạt động, một số khách hàng cho biết họ chưa kịp sử dụng số tiền hơn 1.000 Nhân dân tệ đã nạp vào tài khoản.

Nhiều thương hiệu đã lựa chọn giảm đáng kể số lượng cửa hàng hoặc rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, chuỗi đồ uống “Cuonei Xiaojuncun” (CUO NEI VILLAGE) có gần 500 cửa hàng, nhưng tính đến đầu tháng 12 năm ngoái, nó chỉ còn lại chưa đến 50 cửa hàng; chuỗi nhà hàng lẩu “Ge Laoguan” có 100 cửa hàng vào thời hoàng kim, đã giảm xuống còn hơn 60 cửa hàng; Mos Burger của Nhật Bản công bố vào tháng 6 năm ngoái sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc và đóng cửa 6 cửa hàng.

Người trong ngành: Có thể xảy ra làn sóng đóng cửa hàng dữ dội hơn trong nửa đầu năm 2025

Theo phân tích báo cáo, từ góc độ nhu cầu, sự gia tăng bất ổn trong môi trường bên ngoài cùng với việc tài sản của tầng lớp trung lưu bị thu hẹp đã khiến phần lớn người tiêu dùng trở nên lý trí và thực tế hơn, tập trung vào các dịch vụ ăn uống có tỷ lệ giá trị/giá cả cao và thiết yếu. Lượng khách hàng giảm rõ rệt, cộng với chi phí vận hành cao, khiến các nhà hàng nổi tiếng trên mạng, nhà hàng cao cấp và những dịch vụ ăn uống không mang tính thiết yếu dần mất đi sức cạnh tranh trên thị trường, rơi vào cảnh khó khăn.

Từ phân tích cấp ngành, theo thống kê, tỷ lệ dân số Trung Quốc so với số lượng nhà hàng hiện nay là 1.000/7, đứng đầu thế giới. Con số này cho thấy ngành công nghiệp ăn uống của Trung Quốc đã dư cung nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm tình hình cạnh tranh trong ngành và đương nhiên sẽ dẫn đến sự đào thải.

Báo cáo cho rằng dù là rút tiền hoàn toàn hay đóng cửa trên quy mô lớn thì đều gặp phải những vấn đề chung.

Ông Âu Phong (Ou Feng), người sáng lập Bệ phóng tiêu dùng mới trong ngành ẩm thực “Dân thực chi bản”, và là nhà đầu tư kỳ cựu trong ngành ẩm thực, cho biết ngành ẩm thực của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái sau khi tăng trưởng nhanh chóng. Nếu nền kinh tế được cải thiện trong năm nay, ngành ăn uống cũng sẽ tốt hơn vào cuối năm, nhưng trước đó, một cuộc cải tổ lớn trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống vẫn là điều khó tránh khỏi, và có thể sẽ xảy ra làn sóng đóng cửa các nhà hàng dữ dội hơn trong nửa đầu năm nay.

Phòng chống dịch bệnh cực đoan của ĐCSTQ đã khiến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng ảm đạm

Trong trận dịch bệnh kéo dài 3 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cực đoan và đóng cửa thành phố, dẫn đến hoạt động kinh doanh ảm đạm ở nhiều của hàng và đóng cửa một lượng lớn của hàng. Vào năm 2022, có báo cáo cho rằng các trung tâm mua sắm ở các thành phố như Quảng Châu, Thượng Hải đang có số lượng chỗ trống lớn, vượt quá giới hạn cảnh báo và sẽ có làn sóng đóng cửa hàng.

Kể từ năm 2023, ngành ẩm thực tại nhiều nơi trở nên khó khăn hơn so với những năm trước. Trên các con phố, số lượng cửa hàng đóng cửa và cho thuê lại ngày càng nhiều, cho thấy thị trường ẩm thực đang phải đối mặt với một “luồng khí lạnh” đầy thách thức.

Vào tháng 11/2023, trang web cung cấp dịch vụ ăn uống chuyên nghiệp của Đại lục “Hong Can Wang” đã đến thăm nhiều khu kinh doanh và khu vực lân cận ở Quảng Châu và phỏng vấn những người làm trong ngành dịch vụ ẩm thực từ Bắc Kinh, Thành Đô, Thâm Quyến, Thượng Hải và những nơi khác, và nhận thấy rằng thị trường lúc đó có thể được tóm lại bằng một câu “luồng khí lạnh” bao trùm.

Đường số 1 Thiên Hà (Tianhe South 1 Road), được mệnh danh là “phố trà” của Quảng Châu, có 6 quán trà đang cho thuê lại hoặc cho thuê mặt bằng, và 3 hoặc 4 cửa hàng nữa đang được rào lại.

Momo (hóa danh) là một người tiêu dùng Quảng Châu, thường đến khu Giang Nam Tây, một trong những khu thương mại sầm uất nhất ở Quảng Châu, nơi có nhiều tổ hợp thương mại lớn và luôn đông đúc. Cô nói rằng: “Thật sự bị sốc bởi tốc độ đóng cửa ở ‘Giang Nam Tây’. Thứ Hai tôi còn đến ăn bún ốc, đến thứ Bảy đi ngang qua thì đã thấy họ đang chuyển thiết bị rồi.”

Cô cũng cho biết mới đây khi đi ngang qua, cô phát hiện quán bún ốc đóng cửa hồi tháng 8 vẫn để không, không có ai tiếp quản.

Dọc theo đường Giang Nam Tây, con đường dài khoảng 2km, có hơn chục cửa hàng đã đóng cửa ngừng kinh doanh, bao gồm các quán bán bánh cuộn thịt kho, gà rán, món Thái, cháo lòng lợn, quán nướng, v.v. Phần lớn các cửa hàng đóng cửa là những quán nhỏ lẻ, nhưng cũng có một số thuộc chuỗi cửa hàng lớn.

Điều đáng sợ hơn nữa là những nhà hàng liên tiếp đóng cửa, chẳng hạn, trong số 4 nhà hàng liền kề nhau, chỉ có quán bán đồ ăn nhanh ở giữa là vẫn mở cửa, còn 3 cửa hàng còn lại đã đóng cửa.

Theo báo cáo cho biết, không chỉ ở Quảng Châu, mà thị trường ẩm thực ở các thành phố như Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thành Đô, Quý Châu, Trường Sa… cũng đều không mấy lạc quan.

Một cửa hàng thức ăn nhanh với món lẩu tại Phúc Kiến đã đóng cửa vào tháng 11/2023. Chủ cửa hàng cho biết: “Vào tháng 4, tôi thuê một cửa hàng với diện tích hơn 50 mét vuông, giá thuê là 7.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Doanh thu hàng ngày chỉ khoảng 600-700 nhân dân tệ, không thể gánh nổi, nên phải chuyển nhượng.” Trong nửa năm, cửa hàng đã lỗ gần 200.000 nhân dân tệ, và khi chuyển nhượng, thiết bị trong cửa hàng chỉ bán được khoảng 5.000 nhân dân tệ.

Phương Hiểu

Published by
Phương Hiểu

Recent Posts

Hưng Yên: Khởi tố chủ cơ sở dùng hóa chất tăng trưởng sản xuất giá đỗ

Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024, Nguyễn Văn Đạt đã sản xuất và bán ra…

5 giờ ago

Chàng trai Bắc Giang và hành trình xây dựng thương hiệu mật ong hoa vải

Thương hiệu mật ong hoa vải “San vlog” của anh cũng đã được khá nhiều…

6 giờ ago

Lần đầu trong năm 2025, giá xăng giảm nhưng không đáng kể

Từ 15h ngày 23/1, giá xăng RON 95 giảm 80 đồng xuống 21.140 đồng/lít.

7 giờ ago

Gieo mầm nốt nhạc đầu Xuân – Trò chuyện với nghệ sĩ piano Phương Thảo

Vị khách mời đầu xuân năm nay, Nghệ sĩ piano Phương Thảo - Giảng viên…

8 giờ ago

Hà Nội: Chợ ngày cận Tết giảm sập giá vẫn ế hàng

Chợ Tết dù giá giảm mạnh nhưng vẫn vắng người mua. Người thì chờ thưởng,…

8 giờ ago

Chân tu là gì?

Theo giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) thì tu luyện là…

8 giờ ago