Quyền lực mềm là một khái niệm được giáo sư Đại học Harvard, ông Joseph Nye, khởi xướng vào những năm 1990. Theo ông Nye, nếu chỉ dùng quyền lực cứng thì không đủ để giúp một quốc gia gây được sức ảnh hưởng trên thế giới, mà chính là “sự dẫn dắt của quyền lực mềm” mới tạo ra sức ảnh hưởng của quốc gia đó. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhận thức được yếu điểm này của mình và đang ra sức xây dựng chính sách tuyên truyền trong công tác đối ngoại nhằm củng cố “quyền lực mềm”.
Tờ “The Economist” đưa tin, ĐCSTQ đã đầu tư mạnh mẽ vào việc thiết lập truyền thông tại nước ngoài. Từ năm 2009 đến 2011, tờ Tân Hoa Xã đã mở thêm 40 văn phòng trên thế giới, nâng tổng số lên 162 và tăng gấp đôi số lượng phóng viên tại nước ngoài. Chỉ riêng năm ngoái, tập đoàn truyền thông của nhà nước này đã chi hơn 30 triệu nhân dân tệ (NDT) để xây dựng hệ thống trang tin bằng tiếng Anh được gọi là Sixth Tone (Âm thứ 6).
Chính quyền Trung Quốc cũng thực hiện việc phát đi các thông điệp của mình ngay giữa trung tâm văn hóa của đất nước tư bản Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2011, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các bảng quảng cáo điện tử tại quảng trường Thời Đại (Times Square) ở New York. Năm ngoái, trong vòng chỉ hai tuần, Tân Hoa Xã đã phát đi 120 lần các video bảo vệ lập trường của Trung Quốc về biển Đông Việt Nam.
Năm 2015, thống kê của Reuters cũng cho biết Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc nắm quyền quản lý 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia. Các đài này phát đi những thông điệp có lợi cho Trung Quốc.
Khi Joseph Nye bình luận về khái niệm quyền lực mềm mà ông đưa ra, ông cho biết rằng một quốc gia không thể “tạo ra” quyền lực mềm. Ông cho rằng quyền lực mềm của Mỹ đến từ xã hội dân sự, như là “trường đại học, Hollywood hay văn hóa đại chúng v.v.”. Tuy nhiên, ĐCSTQ không dựa vào xã hội dân sự mà xây dựng quyền lực mềm trên cơ sở định hướng của nhà nước. ĐCSTQ đã kết hợp “quyền lực mềm” này để hỗ trợ quyền lực cứng trong các chính sách của mình.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trung Quốc có vẻ không có tác dụng trong việc nâng cao hình ảnh của ĐCSTQ mà ngược lại thường chỉ làm hủy hoại hình tượng.
Lấy ví dụ như hệ thống Học viện Khổng Tử. Năm 2007, một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố rằng Học viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong chính sách tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ. Tuy nhiên, hệ thống này liên tục tự gây ra nhiều mâu thuẫn trên thế giới. Năm 2013, một nhân viên của Học viện Khổng Tử tại trường Đại học McMaster ở Canada bị cưỡng ép cấm tập Pháp Luân Công. Khi vụ việc bị lộ, trường đại học này đã cắt đứt mối quan hệ với Học viện Khổng Tử. Năm 2014, tại Diễn đàn Nghiên cứu châu Âu – Trung Quốc, lãnh đạo của Học viện Khổng Tử đã yêu cầu gỡ bỏ nội dung của Quỹ Giáo dục Đài Loan khỏi tài liệu hội nghị. Hành động này đã gây ra nhiều quan ngại của châu Âu về ý đồ chính trị của ĐCSTQ và làm suy yếu quyền lực mềm của Trung Quốc đi rất nhiều.
Tháng 2 năm nay, một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn đã uy hiếp trường Đại học Durham nhằm ngăn chặn trường đại học này mời Hoa hậu Quốc tế Canada Anastasia Lin đến thăm trường chỉ vì cô này từng chỉ trích ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền.
Trong khi đó, việc Trung Quốc gửi đi các thông điệp “hòa bình” chỉ càng làm các nước châu Á cảm thấy “giả nhân giả nghĩa”. Một mặt Trung Quốc gửi đi các thông điệp hòa giải đối với vùng biển Đông và biển Nam, một mặt lại tăng cường lực lượng hải quân và không quân, trang bị thêm nhiều tên lửa trong khu vực, thậm chí đến mức đã làm Mỹ phải thể hiện rõ sự quan ngại.
Mặc dù thành tích phát triển kinh tế của Trung Quốc được đánh giá khá cao, nhưng cái giá phải trả cho môi trường và xã hội là vô cùng lớn và bị chỉ trích từ rất nhiều phía. Tình trạng sương mù ô nhiễm kéo dài là bằng chứng về sự vô cảm của chính quyền: ĐCSTQ quan tâm đến việc phát triển kinh tế hơn là việc giữ sức khỏe cho người dân cũng như bảo vệ trái đất. Vì vậy nhiều người nước ngoài đã gắn liền sương mù với Trung Quốc. Số người nước ngoài đến Trung Quốc năm 2015 thấp hơn 37% so với năm 2007.
Nhiều người Trung Quốc cũng bí mật chỉ trích việc các quan chức cầm quyền ĐCSTQ không chấp nhận việc có tiếng nói trái chiều trong xã hội chính là trở lực lớn nhất cho việc phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc. ĐCSTQ không ngừng đàn áp các phong trào xã hội dân sự, kiểm soát truyền thông và thậm chí cả nghệ thuật. Ở nước ngoài, người ta không thấy hứng thú với các chương trình truyền thông của Trung Quốc vì chúng thường xuyên bị gắn kèm các nội dung tuyên truyền.
Có vẻ như chính các quan chức Trung Quốc trong ngành truyền thông cũng hiểu rằng nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài khó mà thành công. Năm 2015, một quan chức cấp cao của Trung Quốc, Chu Hồng đã phát biểu trước báo giới rằng, nếu không có sự tham gia rộng rãi của dân chúng, việc tuyên truyền hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài “tự mất đi giá trị của chính nó, cũng như không có tính kế thừa”.
Tờ “The Economist” khi bàn về quyền lực mềm của Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng người dân mới đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng quyền lực mềm. Nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục bịt miệng dân chúng thì thật khó có thể kết được bạn bè cũng như có được sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tự Minh
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…