Sự thật về việc “mượn tên Khổng Tử” của Trung Quốc
- Benedict Rogers
- •
Số “Học viện Khổng Tử” của Trung Quốc đang mọc lên ngày càng nhiều. Một ca sĩ người Mỹ học tại Đại học Michigan vui vẻ hát một ca khúc Trung Quốc trong một chương trình của “Học viện Khổng Tử”: “Ngợi ca cuộc sống mới, ngợi ca Đảng vĩ đại. Ôi, Mao Chủ tịch! Ôi, Đảng! Các bạn đã chăm nom cho nhân dân sống trên mảnh đất này…”.
Theo Huffington Post (bản tiếng Anh), ông Benedict Rogers – nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền người Anh vừa đăng tải trên blog của ông bài viết “Mượn tên Khổng Tử: Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng ý thức hệ của mình tuyên truyền và xâm lược Đại học Tây phương thế nào”. Bài viết đã phân tích làm thế nào “Học viện Khổng tử” trở thành bình phong quảng cáo nhằm tuyên truyền ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào xã hội Tây phương. Nội dung bài viết như sau:
“Cách đây 15 năm, tôi có đi đến Khúc Phụ (Qufu) thuộc tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc, đây là nơi sinh của triết gia Khổng Tử nổi tiếng nhất Trung Quốc là (551-479 tr.Cn). Đa số thời gian trong suốt 10 năm qua tôi sống ở Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông), hy vọng hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc trí tuệ cổ xưa trong nền văn hóa Trung Quốc, sau đó mới trở lại nước Anh.”
Chính quyền Trung Quốc lạm dụng tên tuổi của Khổng Tử
“Tôi được một người bạn Trung Quốc tặng cho quyển sách «Luận ngữ Khổng Tử», sách tập hợp những tư tưởng của Khổng Tử. Khi tôi đọc câu “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” (khi cha mẹ của mình còn sống thì con cái không nên đi đâu quá xa. Nếu con cái bôn ba xa xôi thì phải nói cho cha mẹ mình nơi con cái muốn đi), tôi bật cười. Lần đầu tôi đến Trung Quốc năm 18 tuổi, phải bỏ ra thời gian 6 tháng dạy tiếng Anh tại Thanh Đảo, sau đó vào Đại học. Có lẽ Khổng tử sẽ hài lòng khi biết, dù sao cha mẹ của tôi cũng biết việc tôi đến nơi này.
Khổng Tử nói: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, vấn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã” (lơ là tu dưỡng đạo đức, không chịu nghiên cứu học vấn thấu đáo, thấy việc nghĩa không muốn làm, có sai lầm không sửa chữa kịp thời, như thế là tự hại mình). Ý thức này hiện đang làm tôi nhọc tâm, đặc biệt là vấn đề của Trung Quốc và tình trạng có những người Tây phương nịnh hót giới chính trị Trung Quốc.
Ngày nay, Trung Quốc không chỉ là quốc gia ức hiếp và xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với chính nhân dân của nó, còn là quốc gia có sức ảnh hưởng ngày càng rộng rãi trong việc mở rộng mạng lưới đồi bại nhằm đàn áp những nhà bất đồng chính kiến tại nhiều nơi trên thế giới. Chính quyền Trung Quốc thực hiện mục đích này xuyên quốc gia khác bằng con đường thương mại, Internet, ngoại giao… Nhưng một trong những công cụ phức tạp và nguy hiểm nhất được sử dụng là lạm dụng tên tuổi của Khổng Tử.
Theo trang mạng của Chính phủ Trung Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 500 “Học viện Khổng Tử” (Confucius Institutes), mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt được 1000 Học viện. Năm 2015, dự toán chi phí cho “Học viện Khổng Tử” là chi 310 triệu Đô la Mỹ, còn tổng chi phí từ 2006 – 2015 là 1,85 tỷ Đô la Mỹ. Bề ngoài, những tổ chức này nhằm giảng dạy và thúc đẩy phát triển văn hóa Trung Quốc, tương tự như Hiệp hội Văn hóa Anh quốc (British Council), Trung tâm Mỹ quốc (American Centres) hoặc Liên minh nước Pháp (Alliance Francaise). Nhưng điểm khác biệt là “Học viện Khổng Tử” được Chính phủ Trung Quốc tài trợ và kiểm soát hoạt động, nó được đưa vào các trường Đại học trên thế giới để (ý thức hệ, tư tưởng) Trung Quốc qua đó ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy của những nhà trường này. Ngoài ra, những tổ chức tương ứng của Tây phương có mục đích mở rộng giá trị quan dân chủ, quan niệm xã hội khai phóng, xây dựng tư duy phê phán, nền pháp trị và phát triển xã hội dân sự, còn “Học viện Khổng Tử” thì làm ngược lại, nó tuyên truyền giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm cho những tiếng nói khác chính kiến rơi vào im lặng.”
Bí mật tiết lộ qua bộ phim «Mượn tên Khổng Tử»
“Vấn đề này đã được mở toang qua bộ phim «Mượn tên Khổng Tử» (In the Name of Confucius) do đạo diễn và nhà làm phim người Canada là Doris Liu thực hiện. Bộ phim dài 52 phút thuật lại chuyện một cô giáo Trung Quốc tên Zhao Sonia rời Trung Quốc đến Canada làm giảng viên tại “Học viện Khổng Tử”. Cô chia sẻ: “Tôi (ban đầu) tưởng “Học viện Khổng Tử” là một tổ chức văn hóa”. Nhưng rồi cô ấy nhanh chóng phát hiện, trở thành người làm thuê cho Học viện Khổng Tử, cho dù được sống tại quốc gia dân chủ Tây phương nhưng cô luôn cảm thấy “hồi hộp”, lo lắng những lời cô ấy nói liệu có gây ra chuyện phiền phức. “Trước khi nói bất cứ lời nào, cô không thể không cẩn trọng suy đi tính lại”.
Trung tâm câu chuyện của Sonia Zhao nằm ở vấn đề cô là người theo tập môn Pháp Luân Công. Từ năm 1999 đến nay, Pháp Luân Công được nhiều người yêu thích, dự tính có khoảng 70 triệu người tập môn này (làm cho giới quyền lực chính trị cảm thấy bị đe dọa), vì thế mà Pháp Luân Công đã bị bộ máy chính trị bức hại. Bất chấp việc những người Pháp Luân Công sống ôn hòa hiền lành, họ vẫn bị đàn áp tàn nhẫn, hàng chục ngàn người bị giam cầm, bị tra tấn cực hình đến chết, thậm chí bị mổ cướp nội tạng.
Sonia Zhao nói: “Tôi đã giấu kín chuyện mình tập Pháp Luân Công nhiều năm, nhưng không ngờ sau khi ra sống ở nước ngoài, đến một nơi tôi cho là vùng đất tự do, nhưng tôi vẫn bị khống chế”. Cô nhớ lại thời khắc cô chăm chú đọc hợp đồng làm việc, Sonia Zhao (do Hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin đóng) phát hiện thì ra “Học viện Khổng Tử” yêu cầu không cho giáo viên làm việc trong hệ thống tập môn Pháp Luân Công. Sonia Zhao nói: “Học viện Khổng Tử đưa cả việc kỳ thị Pháp Luân Công ra nước ngoài”.
>> Xem thêm: Sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Nội dung bộ phim nhấn mạnh vấn đề “Học viện Khổng Tử” tuyên truyền ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hệ thống nhà trường trung học, tiểu học và đại học tại nước dân chủ Tây phương. Ví dụ, tại Toronto, tài liệu giảng dạy cho trẻ em được đưa vào những giáo huấn của Mao Trạch Đông. Một phụ huynh nói: “Ở một đất nước dân chủ, những thứ tư tưởng độc tài này không nên tồn tại”.
Nhưng số lượng “Học viện Khổng Tử” đang không ngừng gia tăng. Một ca sĩ người Mỹ học tại Đại học Michigan vui vẻ hát một ca khúc Trung Quốc trong một chương trình của “Học viện Khổng Tử”: “Ngợi ca cuộc sống mới, ngợi ca Đảng vĩ đại. Ôi, Mao Chủ tịch! Ôi, Đảng! Các bạn đã chăm nom cho nhân dân sống trên mảnh đất này…”.
Quan chức Trung Quốc không che giấu mục đích của việc mở “Học viện Khổng Tử”. Phần lớn tổ chức này độc lập với trường Đại học và chịu quản lý của chính quyền Trung Quốc, tuân thủ Hiến pháp và Điều khoản do chính phủ Trung Quốc lập ra. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Viện trưởng Từ Lâm (Xu Lin) của tổng bộ “Học viện Khổng Tử” nói, công việc của họ là “bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh mềm. Chúng tôi hy vọng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng rộng khắp”. Về vấn đề hành xử thô bạo của hệ thống quyền lực, bà bổ sung thêm: “Đại học nước ngoài làm việc vì chúng tôi”.”
Học giới Tây phương trước nạn “xâm lược” của Trung Quốc
“Một vấn đề trong bộ phim khiến nhiều người phải kinh ngạc là, có những học giả Tây phương trở thành đồng lõa đầy trơ trẽn. Trong một lần tham gia phỏng vấn, Viện trưởng Patricia Gartland của “Học viện Khổng Tử Coquitlam” (tỉnh British Columbia của Canada) và Chủ tịch Hội Khoa học Trái đất địa phương là Melissa Hyndes cho biết, công việc của họ rất thành công, không chịu bất cứ nguy hiểm nào. Gartland nói với đạo diễn Doris Liu: “Xưa nay tôi không có bất cứ lo lắng gì”. Bà bổ sung, những tranh cãi chẳng qua là hệ quả của “tâm lý căm ghét nước ngoài”.
Khi đạo diễn Doris Liu hỏi về tổ chức học thuật Tây phương có nên nhận tiền của một Chính phủ không tôn trọng nhân quyền, Gartland không đồng ý với cách đặt vấn đề này. Khi đưa ra vấn đề bức hại tôn giáo của chính quyền Trung Quốc, hai quan chức giáo dục Canada đã kết thúc buổi phỏng vấn. Khi đó ông Chris Bolton, Chủ tịch Hội đồng Trường Toronto (Toronto District School Board) cũng tỏ ra không quan tâm về vấn đề nhân quyền, ông cảm thấy khó chịu và yêu cầu nhà sản xuất phải rời đi. Hành động làm tôi cứ cảm tưởng họ là đại biểu của Chính phủ Trung Quốc.
Nhưng Hội đồng nhà trường Toronto không phải ai cũng thân Trung Quốc. Trước những chứng cứ rõ ràng, cuối cùng Hội đồng nhà trường Toronto cũng bỏ phiếu quyết định chấm dứt quan hệ với “Học viện Khổng Tử”. Những trường học khác, như Đại học McMaster cũng hành động tương tự. Tại Mỹ, Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ (American Association of University Professors) kêu gọi suy nghĩ lại, “không được nhân nhượng trước những dự án chính trị của Chính phủ Trung Quốc”. Có hai đại học của Mỹ (Đại học Chicago và Đại học bang Pennsylvania) và ít nhất ba trường Đại học ở châu Âu đã chấm dứt quan hệ với “Học viện Khổng Tử”.
Cho dù nội dung chính của phim tài liệu «Mượn tên Khổng Tử» nói về Canada, nhưng vấn đề đặt ra mang tính toàn cầu. Tại Anh quốc, có ít nhất 29 “Học viện Khổng Tử”, lần lượt nằm tại Edinburgh (Đại học), Liverpool (Đại học), Manchester (Đại học), Newcastle (Đại học), Nottingham (Đại học), Cardiff (Đại học) và Học viện Đại học London. Trong hệ thống trường trung và tiểu học ở Anh có tổng số 127 “Lớp học Khổng Tử” (Confucius classrooms), nếu lời nói của đạo diễn Doris Liu chuẩn xác, nghĩa là nó đang tuyên truyền cho (tư tưởng) Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2015, trả lời tờ Times Higher Education supplement, Hiệu trưởng Alice Gast của Học viện Imperial (Imperial College) cho biết, hy vọng Đại học của Anh trở thành “người bạn hợp tác tốt nhất của Trung Quốc tại Tây phương”. Về phương diện tiếp nhận ảnh hưởng của Trung Quốc, Anh quốc là nước số một ở châu Âu, từng có dạo giới truyền thông Trung Quốc nhiệt liệt chúc mừng cột mốc “cách mạng Khổng Tử” này (Confucius revolution).
Nhưng đây không phải cách mạng của “Khổng Tử” mà là sự xuất khẩu giá trị quan chuyên chính tàn bạo. Khổng Tử từng nói “Nền chính trị hà khắc đáng sợ hơn cọp dữ” (chính quyền áp bức người dân còn đáng sợ hơn hổ). Chúng ta phải tỉnh lại, hãy dừng lại hành vi đồng lõa trước khi quá muộn. Phim tài liệu «Mượn tên Khổng Tử» là bộ phim mà mỗi người làm chính sách giáo dục có liên quan đến Trung Quốc đều nên xem.”
Benedict Rogers, Mộc Vệ (biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Khổng Tử Học viện Khổng Tử Ý thức hệ