Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.
Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Như đã giới thiệu ở kỳ trước, kỳ này chúng ta cùng tìm hiều nhạc khúc thứ hai trong “Trung Hoa thập đại danh khúc” là “Thập diện mai phục”. Ra đời vào năm 202 TCN, “Thập diện mai phục” được biết đến như là một bản hùng ca miêu tả về cuộc chiến Hán Sở giao tranh. Mang theo âm hưởng gấp gáp, mãnh liệt, dữ dội và bi thương của chiến trận, nhạc khúc được lưu truyền cho đến tận ngày nay mà không ai biết được về nguồn gốc tác giả của nó.
“Thập diện mai phục” còn có tên là “Hoài Âm bình Sở”, lấy trận chiến ở Cai Hạ của Lưu Bang, Hạng Vũ làm chủ đề, vận dụng kỹ xảo riêng của đàn tỳ bà để miêu tả cảnh binh lính giao tranh khiến tâm linh của người nghe chấn động. Vậy trận Cai Hạ bi tráng đã diễn ra như thế nào?
Năm 202 TCN, Lưu Bang cùng quân của chư hầu đánh quân Sở thắng Hạng Vũ một trận quyết liệt ở Cai Hạ. Riêng cánh quân Tề của Hàn Tín đã có 30 vạn người, ngoài ra Khổng tướng quân ở cánh trái, Phí tướng quân ở cánh phải, Lưu Bang ở phía sau, Chu Bột, Sài Vũ ở sau lưng Lưu Bang. Toàn thể quân Hán có đến năm sáu chục vạn. Quân của Hạng Vũ chỉ vào khoảng 10 vạn, lực lượng rất chênh lệch. Tuy nhiên Hàn Tín cầm quân Tề đánh đầu tiên cũng không thắng nổi, phải rút lui. Khổng tướng quân và Phí Tướng quân đem quân đến giúp. Quân Hán quá đông nên quân Sở không thắng được. Hàn Tín nhân lúc ấy lại tiến lên đánh quân Sở đại bại ở Cai Hạ phải rút vào thành.
Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói: “Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế?”
Đêm đó Hạng vương uống rượu trong trướng cùng mỹ nhân Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài “Cai Hạ ca”:
Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.
Dịch:
Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may!
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?
Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.
Dịch:
Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.
Rồi Ngu Cơ tự vẫn. Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là “Ngu mỹ nhân thảo”.
Hạng vương lên ngựa, tráng sĩ cưỡi ngựa ở dưới cờ chỉ còn hơn 800 người, đang đêm phá vỡ vòng vây xông ra phía nam, phi ngựa chạy. Đến tảng sáng, quân Hán mới biết, sai kỵ tướng là Quán Anh mang năm ngàn kỵ binh đuổi theo.
Hạng Vương vượt qua sông Hoài, quân kỵ theo kịp chỉ còn hơn trăm người. Hạng Vương đến Âm Lăng lạc đường, hỏi một cụ già làm ruộng. Cụ già nói dối, bảo ông đi qua bên trái. Hạng Vương rẽ qua bên trái, sa vào trong đồng lầy, cho nên quân Hán đuổi kịp. Hạng Vương lại đem quân đi về phương đông, đến Đông Thành, bấy giờ chỉ còn 28 kỵ binh. Kỵ binh Hán đuổi theo mấy ngàn.
Hạng Vương tự liệu chẳng thoát được, bèn trổ tài oai dũng, phá vòng vây, chém tướng, chặt cờ. Hạng Vương phi ngựa xuống, quân Hán đều giạt ra một bên, ông mặc sức tung hoành trong quân địch, đi lại như chốn không người, giết một viên tướng Hán, một viên đô úy cùng vài trăm binh lính. 28 kỵ binh thấy vậy đều vô cùng khâm phục.
Hạng Vương đi sang phía đông. Người ngựa chạy đến bờ sông Ô Giang thì cùng đường. Có người đình trưởng Ô Giang cắm thuyền đợi, bảo Hạng Vương: “Giang Đông tuy nhỏ, nhưng đất hàng ngàn dặm, dân vài mươi vạn, cũng đủ làm vương. Xin đại vương mau mau vượt sông. Nay chỉ một mình thần có thuyền, quân Hán đến không có cách gì vượt qua.”
Hạng Vương cười nói: “Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Vả chăng Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao?”
Rồi ông bảo người đình trưởng: “Ta biết ông là bậc trưởng giả, ta cưỡi con ngựa này, năm năm nay đi đến đâu cũng vô địch, thường một ngày đi ngàn dặm, ta không nỡ giết, xin biếu ông.”
Quân Hán đến, Hạng Vương sai kỵ binh đều xuống ngựa đi bộ, cầm khí giới ngắn để tiếp chiến. Một mình Hạng Vũ giết mấy trăm quân, thân bị hơn 10 vết thương. Ông quay lại thấy kỵ binh tư mã của Hán là Lã Mã Đồng vốn là tướng cũ của mình, bèn bảo Đồng: “Ta nghe vua Hán mua đầu ta ngàn vàng, phong ấp vạn hộ. Ta làm ơn cho nhà ngươi đây.”
Nói rồi, Hạng Vương tự đâm cổ chết. Năm đó ông 31 tuổi, ở ngôi Tây Sở Bá vương được 5 năm (206 – 202 TCN).
Có gi chép bằng văn tự liên quan đến khúc “Thập diện mai phục” trong “Tứ chiếu Đường tập Thang tỳ bà truyện” của Vương Du Định đời Minh rằng, Thang Ưng Tăng (khoảng 1585-1652) được người đời gọi là “Thang tỳ bà đàn khúc tỳ bà Hán Sở”, họ Thang đàn hơn 110 bản mà hay nhất là khúc “Hoài Âm bình Sở” này.
“Giữa lúc đôi bên quyết chiến, tiếng sát long trời lở đất, ngói trên mái nhà dường như rung rinh; lại có tiếng vang, tiếng trống, tiếng cung kiếm, tiếng người ngựa gào thét; lâu lâu có nỗi oan khó tỏ bày là tiếng Sở ca thê lương mà hùng tráng, là tiếng Hạng Vương từ biệt Ngu Cơ; ở đầm lớn có tiếng quân kỵ đuổi theo; đến Ô Giang có tiếng Hạng Vương tự vẫn, tiếng gió ngựa giày đạp của quân kỵ tranh xác Hạng Vương, khiến người nghe hưng phấn rồi kinh hoàng, cuối cùng bật khóc mà bàng hoàng, sự cảm động lòng người của nó đến độ như vậy”.
Có người đem giai điệu của đoạn đầu “Thập diện mai phục” so với khúc thứ năm lớp thứ bảy “Ca khúc cổ điển” ở biên giới phía Bắc của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, phát hiện âm điệu cốt lõi, dấu lặng và khí vị của hai cái hết sức giống nhau, nhân đó mà cho rằng “Thập diện mai phục” hấp thu được tinh hoa âm nhạc của sắc tộc thiểu số Tây Bắc. Thang Ưng Tăng đúng là đã từng đến chiến trường Tây Bắc như Gia cốc quan, Trương dịch, Tửu tuyền v.v… có đủ điều kiện để sáng lập “Thập diện mai phục”. Nhưng, Vương Du Định, người giao du thân mật và kết làm tri kỷ với Thang Ưng Tăng, trong “Thang tỳ bà truyện” lại không nói việc Thang sáng tác “Thập diện mai phục”, mà đem nó liệt vào loại “cổ khúc”.
Nhiều người cho rằng các cổ khúc tỳ bà đều phát sinh từ dân gian, rồi trải qua diễn xuất luyện tập của mấy đời nghệ nhân nên ngày càng chín chắn, hoặc đến cao độ thuần phục, là kết tinh của trí tuệ tập thể. “Thập diện mai phục” có thể cũng lại như vậy chăng?
Đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều cũng nhắc đến danh khúc này Khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Mời các bạn hãy cùng thưởng thức danh khúc nổi tiếng này:
Thanh Phong
Xem thêm:
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang…
Ông Trump thông báo bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm…