Làng Bích La Đông thuộc xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) nổi tiếng về khoa bảng khắp miền Trung, là nơi xuất sinh nhiều bậc hiền tài phụng sự Xã Tắc.
Vào cuối thời kỳ Lê Sơ, dòng họ Lê Mậu ở xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) sinh được người con trai đặt tên là Lê Mậu Doãn, ông là người tinh thông binh pháp, tính tình lại trung hậu.
Khi Mạc Đăng Dung thâu tóm quyền lực, Lê Mậu Doãn không theo Mạc Đăng Dung, phụng mệnh vua Lê đến cai quản vùng Tân Bình- Thuận Hoá nơi biên giới giáp với Chiêm Thành, có nhiều đất đai chưa được khai phá.
Năm 1527, Lê Mậu Doãn chọn vùng đất xứ Hà Dương ở phía nam sông Thạch Hãn để khai khẩn lập ngôi làng đầu tiên, đặt tên là làng Hoa An.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng đến trấn thủ Thuận Hóa, Lê Mậu Doãn đi theo Nguyễn Hoàng tiếp tục khai phá vùng đất phương nam. Ông được phong tước Doãn Lộc hầu, sau lại được sắc phong Dực bảo Trung hưng linh phò tôn thần.
Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long đặt tên mới cho làng là Hoa La.
Năm 1842 thời vua Thiệu Trị, làng đổi tên thành Bích La gồm 4 giáp là Đông, Trung, Nam, Hậu – hình thành nên Bích La tứ giáp.
Đến năm 1914 thời vua Duy Tân, Giáp Đông được tách ra thêm Giáp Thượng, hình thành nên Bích La ngũ giáp.
Trong Bích La thì Bích La Đông có tiếng hơn cả, người dân nơi đây hiếu học, có được nhiều nhà khoa bảng có tiếng. Miếu thờ làng có câu đối:
Địa chung linh khí truyền thiên cổ
Thế xuất anh tài diễn ức niên
Nghĩa là:
Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa
Đời sinh hào kiệt khi nào cũng có
Lý giải cho việc làng có nhiều người đỗ đạt, người làng cho rằng do Đình làng nằm trên lưng con cù, mỗi năm cù lại thức giấc một lần kiểm tra con cháu học hành, năm nào cù không thức giấc là có chuyện. Sợ cù ngủ quên không thức giấc, nên hàng năm vào rạng sáng mùng 3 tết, làng lại tập hợp dân chúng đến Đình làng họp chợ, đánh trống khuya chiêng để cù thức dậy.
Thời nhà Nguyễn, làng Bích La Đông có nhiều người đỗ đạt. Dòng họ nhiều người đỗ đạt nhất là dòng họ Lê Văn với 5 người đỗ đại khoa. Ngoài ra còn có Lê Hữu Hằng đỗ khoa thi năm 1841 thời vua Thiệu Trị, làm quan đến Thương thư bộ Công. Nhiều người khác cũng đỗ đạt làm quan ở các nơi.
Một trong những người đỗ đạt sớm nhất thời nhà Nguyễn là Lê Đăng Doanh. Khi Nguyễn Ánh chưa lên ngôi đã mở khoa thi nhằm tìm người tài vào năm 1796, Lê Đăng Doanh tham dự và thi đỗ, được cử làm Thị học viện Cống sĩ. Là người giỏi cả văn lẫn võ, nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được phong làm Tri bộ thành Gia Định. Dưới thời vua Minh Mạng ông làm qua qua nhiều chức vụ khác nhau, khi làm Bố Chính sứ Quảng Trị thấy dân tình đói kém, ông đã dâng sớ xin Vua miễn thuế cho dân và được Vua chấp nhận.
Ông làm quan qua 4 đời Vua là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, làm qua Thượng thư bộ Lại, bộ Công và bộ Hình, được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần. Khi ông mất vua Tự Đức đã ban cho ông câu:
Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc
Tứ triều thạc phụ đế vương tôn.
Khoa thi năm 1875 là khoa thi đáng nhớ nhất của làng Bích La Đông khi có đến 3 người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ. Lê Thụy đỗ tiến sĩ, làm quan đến Tham tri bộ Hình. Lê Đăng Lĩnh đỗ Phó bảng, làm quan đến Tham tri bộ Binh sung Quản lính thị vệ. Lê Trinh đỗ Phó bảng, là người làm quan qua nhiều đời Vua nhất.
Lê Trinh đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1870 khi mới 20 tuổi. Đến khoa thi năm 1875, ông đỗ Phó bảng. Từ đó ông làm quan trải qua đến 6 đời Vua là Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái đến Duy Tân.
Khi phụng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, bằng tài năng của mình ông đã khiến Triều đình nhà Thanh kính nể. Vua Thanh đã ban biểu tiến sĩ cùng áo mũ và danh hiệu “Lưỡng quốc tham mưu” cho Lê Trinh.
Dưới thời Thành Thái và Duy Tân, ông làm Thượng thư bộ Lễ. Dù đất nước đặt dưới sự bảo hộ của người Pháp, nhưng ông làm quan vì dân vì nước.
Đầu thế kỷ 20 diễn ra phong trào yêu nước ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào chống thuế ở Quảng Nam. Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế cho rằng Phan Chu Trinh là người chủ mưu và lệnh cho cảnh sát ở Hà Nội bắt Phan Chu Trinh.
Phan Chu Trinh bị bắt năm 1908 rồi bị giải đến Huế xét xử. Người Pháp ra áp lực yêu cầu nhà Nguyễn phải xử chém Phan Chu Trinh. Triều đình sau khi nghị tội xử “Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xã bất nguyên” nghĩa là giam lại chém sau, đày đi xa nghìn dặm, gặp kỳ ân xá cũng không tha. Tuy nhiên Tòa Khâm sứ Pháp không chịu mà yêu cầu xử “trảm quyết” tức chém ngay.
Lê Trinh và Cao Xuân Dục không nghe theo người Pháp, mà vẫn nhất quyết giữ mức án “trảm giam hậu”. Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh ghi vào biên bản: “Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý”. Nhờ sự cương quyế của Lê Trinh, không nghe theo người Pháp mà sau đó Phan Chu Trinh bị đưa đi đày ở Côn Đảo mà không bị xử chém. Lê Trinh cũng giúp được thêm nhiều người yêu nước khác thoát khỏi các tội do người Pháp đặt ra.
Vua Thành Thái ngầm chống Pháp nhưng bị phát hiện, người Pháp truất ngôi Vua và đem đi đày. Người Pháp muốn đưa Hoàng thân Nguyễn Phước Bửu Đảo con của Đồng Khánh lên nối ngôi. Tuy nhiên Lê Trinh cùng một số quan lại muốn đưa Cường Để lên ngôi. Người Pháp không chấp nhận vì Cường Để có tư tưởng chống Pháp.
Việc bàn luận người kế vị chưa có hồi kết thì Lê Trinh đưa ra một ý là để Hoàng tử Vĩnh San con vua Thành Thái mới chỉ 7 tuổi lên ngôi. Người Pháp thấy Vĩnh San chỉ là đứa trẻ 7 tuổi ngây ngô thì liền đồng ý.
Hoàng tử Vĩnh San lên ngôi, hiệu là Duy Tân, đặc biệt tin tưởng Lê Trinh, ban cho ông tước Vinh Lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ lãnh Lễ bộ thượng thư.
Như cha của mình, vua Duy Tân cũng ngầm chống Pháp. Tiếc rằng Lê Trinh tuổi đã cao không phò tá Vua được lâu, năm 1909 ông đột ngột qua đời trong sự thương tiếc của Vua và dân chúng quê nhà.
Thời thuộc Pháp, làng Bích La Đông có nhiều người chống Pháp như Lê Mậu Hiến đứng đầu phong trào đòi dân sinh dân chủ, giảm sưu thuế cho dân. Nhiều người khác cũng theo các phong trào yêu nước chống Pháp.
Ngày nay làng Bích La Đông có khoảng 2.500 người nhưng có đến 500 công chức. Làng vẫn nổi tiếng nhiều người đỗ đạt với hàng chục giáo sư, tiến sĩ, khoảng 100 sinh viên đang theo học các trường đại học. Mỗi năm tết đến làng lại lên danh sách trò giỏi để phát phần thưởng khuyến học.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Thặng dư thương mại thu hẹp, áp lực trả nợ nước ngoài, dòng vốn ngoại…
Sáng 16/5, sạt lở taluy âm tại công trường Thủy điện Tả Páo Hồ 1A,…
Ông Trump cho biết Iran chỉ có hai lựa chọn: hoặc không bao giờ sở…
Một cuộc hội kiến giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga…
Hai trận động đất xảy ra tại huyện Mường Chà, Điện Biên vào trưa và…
Các đại diện thương mại hàng đầu của Đài Loan và Hoa Kỳ đã gặp…