Làng khoa bảng văn chương Tả Thanh Oai
- Trần Hưng
- •
Làng Tả Thanh Oai có tên Nôm là Kẻ Tó, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Làng có tiếng về khoa bảng khi có 12 tiến sĩ và nhiều người đỗ trung khoa.
Tương truyền khi Cao Biền đến vùng đất này xem xét thế đất đã khẳng định rằng thế đất nơi đây tạo cho làng thành đạt về khoa bảng quan tước. Cuốn “Lư sử điển yếu điều lệ” biên soạn năm 1791 có chép lại rằng:
“Làng Tả Thanh Oai đất do sông Tô dẫn mạch, miếu do sông Nhuệ bồi cơ, danh đăng khoa giáp, thế phiết thi thư, quý mà không phú, phần nhiều là sĩ dân sính về đường học, coi là việc hàng đầu.”
4 dòng họ đỗ đạt
Làng có 4 dòng họ có người đỗ đại khoa, trở thành dòng họ khoa bảng của làng, là họ Nguyễn, Ngô Vi, Ngô Thì, Nguyễn Thế.
Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Chỉ, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi năm 1453 thời vua Lê Nhân Tông. Họ Nguyễn có người đỗ đạt thì rất tự hào, khuyên nhủ con cháu học hành, bỏ ác theo thiện, từ đó lại thêm người đỗ đạt.
Tiếp theo Nguyễn Chỉ, họ Nguyễn còn có thêm 2 người đỗ đại khoa là Nguyễn Khánh Dung đỗ khoa thi năm 1478, Nguyễn Tông Trình đỗ khoa thi năm 1754.
Trước đây cứ đầu dịp hội làng vào ngày 14 tháng giêng hàng năm, các quan viên địa phương cũng phải ra lễ ở mộ tổ và nhà thờ của dòng họ Nguyễn.
Cùng với nhiều người hay chữ, Tả Thanh Oai từng được biết đến là làng văn chương. Đặc biệt họ Ngô Thì có 6 người đỗ đại khoa và đều giỏi văn chương. Họ Ngô Thì đã tập hợp các sáng tác của mình thành bộ “Ngô gia văn phái” nổi tiếng. “Ngô gia văn phái” có đến 36 bộ sách đa dạng thể loại: thơ, truyện, ký, tự, biểu, tấu… Trong đó có “Hoàng Lê nhất thống chí” là bộ tiểu thuyết lịch sử rất nổi tiếng, được nhiều nhà sử học nghiên cứu cho đến tận ngày nay.
Trong dòng họ Ngô Thì, cha con Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm là người có tài văn chương nhất. Ngô Thì Nhậm cũng là người có tài về ngoại giao và quân sự. Được cử đi sứ sang nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm đối đáp giỏi khiến nhiều người kính nể.
Họ Ngô Vi là dòng họ đầu tiên đến đây lập làng, dòng họ này có 2 người đỗ đại khoa là Ngô Vi Thực đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1691, Ngô Vi Nho thi đỗ khoa thi năm 1694. Ngoài ra còn có Ngô Đình Thạc làm quan đến Tham tụng, tức tương đương Tể tướng đầu triều.
Họ Nguyễn Thế có Nguyễn Nha đỗ tiến sĩ năm 1775. Ngoài ra từ thời Lê Trung Hưng dòng họ đã có nhiều người tham gia quân đội triều đình như: Nguyễn Thế Doanh được sắc phong Phấn Lực tướng quân, Nguyễn Thế Đa, Nguyễn Thế Lượng đều được sắc phong Trì Uy tướng quân, Nguyễn Bá Đặng giữ chức Thiên hộ..
Người làng Tả Thanh Oai cũng rất chú trọng đến việc học hành cho con cháu, làng dành hẳn 40 mẫu ruộng để làm “học điền”.
Bà Chúa Hến
Trước đây làng có 2 đình là đình Tổ Thị và đình Hoa Xá (nay chỉ còn đình Hoa Xá), thờ Lê Hoàn và Bà Chúa Hến.
Bà Chúa Hến là cô gái làng Tó, được Lê Hoàn lấy làm Phi khi khi dẫn quân theo đường sông ra bắc đánh quân Tống.
Cuốn Ngọc phả của làng ghi lại rằng:
Vua Lê Đại Hành dẫn quân qua ấp Hoa Xá ở làng Tó thì dừng chân ở đây để lấy quân lương. Trong số những người chuyển lương đến có người con gái rất đẹp khiến Vua để ý.
Sau khi chiến thắng quân Tống, Vua tìm đến làng Tó, mời mọi người đến dự yến tiệc, rồi tìm người con gái mình từng gặp phong làm Quý phi, rồi cùng Xa giá với Vua trở về.
Sau này Vua cho lập tại làng Tó một hành cung gọi là Đô Hồ phi cung . Tên của Quý Phi là Phạm Thị Hến nên sau này dân làng gọi là bà Chúa Hến.
Về tên gọi “Đô Hồ”, lời tựa bản ngọc phả ở đền thờ bà do Thanh Xuyên bá Lê Công soạn lời ca ngợi:
“Bà là người sắc nước hương trời, đức thuần khiết tốt, phong tư tột bậc tiền nhân, cốt cách đúc từ đạo pháp. Cho nên lấy chữ Đô Hồ và chữ Uyển Nhân làm tên hiệu”.
*
Ngày nay làng Tả Thanh Oai có hàng chục người đạt học vị, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; số lượng học sinh đậu đại học hàng năm cao. Người làng từ xưa đến nay vẫn lưu truyền câu: “Ở làng Kẻ Tó, ra ngõ là gặp cử nhân”.
Hàng năm hội làng được tổ chức 4 ngày 13, 14, 15, 16 tháng Giêng, có tổ chức rước cỗ thờ và rước Giầu vàng từ đình Tổ Thị đến Ngự Lâu (nhà bà Chúa Hến) để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của Lê Đại Hành và bà Chúa Hến. Ngoài ra còn có nghi lễ hát xướng ca ngợi công đức Thành Hoàng, cùng vẻ đẹp làng quê, có các bài đọc đề cao truyền thống văn vật của làng.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hạ Yên Quyết: Làng khoa bảng Kinh thành Thăng Long xưa
- Làng khoa bảng, đất học Hoằng Nghĩa, Thanh Hóa
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng