Quỳnh Đôi: Làng khoa bảng danh tiếng xứ Nghệ
- Trần Hưng
- •
Quỳnh Đôi là vùng đất khoa bảng danh tiếng bậc nhất ở miền Trung, trong suốt chiều dài lịch sử có nhiều danh nhân xuất thân từ ngôi làng này.
Địa thế phong thủy
Quỳnh Đôi xưa kia là vùng đất hoang vu đầy cỏ dại, giáp với sông Mai (còn gọi là sông Mõ), gần cửa biển. Nơi đây có 3 cái gò nổi lên được gọi là gò Dứa (Ma Lãnh), gò Ngọc và gò Trài. Ba gò này tách rời nhau, cái gần sông, cái giáp biển, hình tựa như cái nồi, nên ban đầu dân chúng qua đây gọi là làng Nồi.
Xưa kia Quỳnh Đôi có 2 dãy núi đá sừng sững chiếu vào gọi là lèn, phía đông có lèn Bảng gọi là Bảng Canh, phía tây có lèn Bèo gọi là Hiền Hoa. Hai phía đông, tây có 2 lèn như cái bảng chầu về, chếc về phía đông nam có hai cột đá nhô lên và một bãi đá gióng như nghiên mực, nên được gọi là Hòn Bút hay Hòn Nghiên.
Với đặc điểm địa lý phong thủy như vậy nên nhiều người cho rằng đất Quỳnh Đôi rất tốt cho khoa bảng. Tiếc rằng đến nay lèn Bèo (Hiền Hoa) đã bị dân khai phá để xây nhà làm đường nên không còn, chỉ cò lại lèn Bảng.
Năm 1358, ông Hồ Kha vốn là hậu duệ của Trạng nguyên, Thứ sử Châu Diễn Hồ Hưng Dật đi tìm đất lành để định cư. Ông nhận thấy đất nơi đây là “đinh long dẫn mạch, đinh thủy đáo đường”, phía nam có lèn Yên Ngựa, phía Bắc là lèn Trụ Hải, phía Đông và phía Tây có núi Hiền Hoa và Qui Lĩnh chầu về, chếch hướng Đông Nam có Hòn Bút và Hòn Nghiên; phía Đông có sông Mai Giang uốn lượn rồi chảy ra Cửa Cờn. Ông Hồ Kha cùng với Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh quyết định tại đây khai phá đất đai, lập thành thôn ấp, đặt tên là “Thổ Đôi Trang”.
Đến năm 1528 thời nhà Mạc, tiến sĩ Hồ Nhân Hy đổi tên nơi này thành Quỳnh Đôi.
Làng khoa bảng danh tiếng thời xưa
Quỳnh Đôi nổi tiếng là ngôi làng hiếu học, được xem là làng khoa bảng của miền Trung. Từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền câu: “Bắc hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”.
Trong lịch sử khoa bảng, Quỳnh Đôi có hơn 1.000 người đỗ từ tú tài đến tiến sĩ, bình quân mỗi khoa thi có 8,3 người đỗ. Trong đó có 1 Thám hoa, 1 Bảng nhãn, 6 tiến sĩ, 4 Phó bảng , 13 Giải nguyên (danh hiệu đỗ đầu kỳ thi Hương).
Ban đầu khi làng được lập với tên Thổ Đôi Trang thì chưa chú trọng việc học hành, nhưng từ 1440 khi mời được ông Dương Văn Khang về dạy chữ thì việc học hành dần được chú trọng. Làng dù nhỏ và dân không nhiều, nhưng chiếm 10% số người đỗ đạt vùng Hoan Diễn, trở thành niềm tự hào khoa bảng của vùng đất phía nam Kinh thành.
Cuốn “Đại Nam Quốc sử diễn ca” nhận định rằng: “Làng Quỳnh Đôi là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê trung hưng trở về sau”.
Khác với những làng khác, Quỳnh đôi xem việc học là “nghề truyền thống”, mà đã là truyền thống thì phải có cha truyền con nối không thể đứt đoạn, vì thế mà nhiều gia đình có ba đời liên tục đều thi đỗ.
Trường thi Nghệ An 3 khoa thi liên tục vào năm 1878, 1882, 1884 chứng kiến sĩ tử làng Quỳnh đỗ thủ khoa, vì thế mà có câu:
Kinh Kỳ dệt gấm thêu hoa
Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời.
Những tấm gương tiêu biểu trong làng có thể kể đến Hồ Sĩ Dương 3 lần đỗ thủ khoa kỳ thi Hương. Ông thi Hương lần đầu năm 1645 đỗ thủ khoa. Đến khoa thi năm 1648 ông đổi tên thi hộ cho người khác ở trường thi khác, lần này ông lại đỗ thủ khoa lần 2. Tuy nhiên việc thi hộ bị phát hiện, luật rất nghiêm, ông bị mất danh hiệu thủ khoa, bị đày làm lính.
Sau 3 năm đến năm 1651, Hồ Sĩ Dương được ân xá và lại đăng ký thi tiếp, và lần thứ ba ông lại đỗ thủ khoa kỳ thi Hương, vào đến thi Hội lại đỗ tiếp, đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình ông đỗ tiến sĩ. Ông làm quan đến Tham tụng (tương đương Tể tướng), 5 lần tranh biện chủ quyền biên giới đều thắng lợi, giúp bảo vệ chủ quyền biên giới phía bắc.
Ngày nay làng Quỳnh Đôi có lập quỹ khuyến học để chắp cánh cho những tài năng trẻ của làng, người người làng xa quê vẫn đều đặn gửi tiền về đóng góp cho quỹ.
Từ sau năm 1945, Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) vẫn có tiếng là vùng đất học với 800 người có trình độ đại học; 100 người có trình độ sau đại học với 2 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư, 55 tiến sĩ.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Làng khoa bảng, đất học Hoằng Nghĩa, Thanh Hóa
- Chuyện cụ Tả Ao điểm mắt cá chép cho làng Hành Thiện ở Nam Định
Mời xem video: