Bốn phương diện nhận biết người có cốt cách khí khái

Thư họa gia thời nhà Minh, Trần Kế Nho đã viết trong “Tiểu song u ký” rằng: “Từ việc lớn khó khăn nhìn ra dũng khí đảm đương, từ thuận cảnh nghịch cảnh nhìn ra tấm lòng và khí độ, gặp chuyện vui buồn hay tức giận nhìn thấy cách hàm dưỡng, từ ngôn hành cử chỉ nhìn ra nhận thức của một người”. Một người có cốt cách khí khái hay không, có giữ được mình trong cõi hồng trần hay không đều có thể từ bốn phương diện này mà nhìn ra được.

(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Đảm đương

Một người có cốt cách khí khái thì sẽ có hoài bão lo cho nước, lo cho dân, lo cho gia đình, điều này là do họ kiên định và xem việc chung của thiên hạ là trách nhiệm mình cần đảm đương gánh vác.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “Trong thời đại của chúng ta, người ta không nên thốt ra điều gì mà họ không sẵn lòng gánh chịu trách nhiệm suốt cuộc đời và thậm chí là cho đến vĩnh hằng.” Người có thể gánh vác được trách nhiệm lớn bao nhiêu thì có khí khái lớn bấy nhiêu và họ cũng có thể đạt được thành công lớn bấy nhiêu.

Người mà lòng dạ hẹp hòi, khi gặp khó khăn thì bỏ dở giữa chừng, hành sự thì không có nguyên tắc, thì chỉ là một kẻ khiếp nhược mà thôi. Một người nhu nhược sao có thể gánh vác trách nhiệm với quốc gia và xã hội? Trọng trách nặng nề mà đường xá xa xôi, ấy là lý tưởng thực thi nhân nghĩa và ý chí kiên cường của người có cốt khí.

Lòng dạ

Đời người có thuận cảnh và nghịch cảnh. Một người phổ thông bình thường cũng có thể dễ dàng sinh tồn trong thuận cảnh. Còn khi đối mặt với nghịch cảnh, người có cốt cách sẽ dám đối mặt với khảo nghiệm bằng trí tuệ và khí độ. 

Người có tấm lòng quảng đại, cho dù thân ở vào nghịch cảnh cũng sẽ không oán trời trách đất, căm giận người khác. Họ xem thuận cảnh và nghịch cảnh là con đường tất yếu phải đi qua của cuộc đời. Nói đến điều này, có lẽ đại thi hào Tô Đông Pha thời Tống chính là một ví dụ nổi tiếng.

Tô Đông Pha từng làm Thái tú Hàng Châu, Mật Châu và Từ Châu. Ông cũng từng làm việc nhà nông. Trong đời ông từng hai lần được Hoàng đế trọng dụng đề bạt nhưng cũng hai lần bị giáng chức. Hơn nửa cuộc đời ông bị giáng chức và phải chuyển đến nơi xa xôi làm quan, rời xa triều đình, cuộc sống thiếu thốn khổ cực.

Khi ở Hàng Châu, vì bị giáng chức và mất lương nên Tô Thức đã cởi áo trường bào và khăn vuông, dùng quần áo và giày của nông dân. Ông bận rộn xây đập, đào ao cá, chuyển cây giống. Ở Huệ Châu, ông đã phát hiện và phổ biến vải thiều.

Lâm Ngữ Đường nói: “Đối với Tô Đông Pha, cuộc đời của ông là ca vũ, tận hưởng niềm vui và mỉm cười khi khó khăn ập đến”.

Cuộc đời có đỉnh núi và cũng có thung lũng. Thung lũng không phải là điểm khó qua mà điểm khó qua chính là ngưỡng cửa của lòng mình. Khi chúng ta có thể mở rộng tâm, chấp nhận điều tồi tệ nhất và tận hưởng điều tốt nhất, thay đổi những gì có thể thay đổi và thừa nhận những gì không thể thay đổi thì sẽ tự nhiên nhìn thấy phúc khí luôn theo bên cạnh chúng ta.

Hàm dưỡng

Vui mừng và tức giận là những biểu hiện cảm xúc phổ biến nhất trong đời sống tình cảm của con người. Tuy nhiên, hai cảm xúc này lại dễ làm rung chuyển tâm lý con người và làm mất khả năng phán đoán chính xác của họ. Một người có cốt cách khí khái hay không thì hàm dưỡng là một tiêu chí rất quan trọng. 

Cổ ngữ nói, đạo làm tướng trước tiên là phải trị tâm, núi Thái Sơn đổ sụp ngay trước mắt mà sắc mặt vẫn không đổi, con nai nhảy múa ngay bên cạnh mà mắt vẫn không liếc nhìn. Người có hàm dưỡng, thông đạt sự tình, không bị vui hay giận khống chế, không bị cảm xúc lay động, biết phân tích chi tiết bên trong của sự việc một cách cẩn thận, khách quan và hiểu được phương hướng phát triển trong tương lai.

Người có hàm dưỡng, khi được ngợi ca cũng không mừng ra mặt, khi bị vũ nhục cũng không bi thương chán chường. Bởi vì họ không quan tâm hơn thua, đi hay ở cũng không lụy nên có thể dùng tâm “bình thường” để đối đãi với sự vô thường của cuộc đời, hờ hững mà đối đãi với được mất và vinh nhục trong cuộc đời. Đây phải là người có cốt cách khí khái mới làm được.

Hiểu biết

Ở cùng một người, xem cách ăn nói và cử chỉ của họ là có thể biết được tư tưởng của họ. Ngôn hành cử chỉ của một người sẽ thể hiện ra sự hiểu biết của người ấy. Hiểu biết, kiến thức là kết quả của sự tích lũy tháng ngày. Người có cái nhìn rõ ràng về đúng và sai, đen và trắng, thiện và ác, đẹp và xấu, ân và oán… trên đời thì gọi là hiểu biết. 

Sách “Luận Ngữ” viết: “Người quân tử hòa nhưng không đồng”. Người quân tử là có hiểu biết, có độc lập, không bị phụ thuộc nên có chính kiến riêng của mình, không sống “bảo sao hay vậy”.

Người thực sự có hiểu biết, tự nhiên có những chuẩn tắc riêng trong tâm mình và sẽ không bao giờ mù quáng đi theo người khác. Người có cốt cách khí khái bởi vì có hiểu biết cho nên trong tâm có lựa chọn lấy hay bỏ, hành động không mù quáng, có tầm nhìn xa trông rộng, không tranh giành cái lợi trước mắt cho nên đường đời của họ càng đi càng rộng và càng suôn sẻ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

4 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

27 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

2 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago