Văn Hóa

Danh y xưa: Đọc sách thánh hiền trước, đọc sách y học sau

Trong các triều đại lịch sử, các danh y trước khi hành nghề đều đã đọc kinh điển của tam giáo, đặc biệt là Nho giáo. Họ không màng danh lợi, không quan tâm đến được mất của bản thân, coi việc tế thế cứu người là sự nghiệp của cả đời mình. Họ hết lòng theo đuổi cảnh giới nhân sinh “không làm được lương tướng thì nguyện làm lương y”. Vì lẽ đó mà các đồng nghiệp trong nghề y cũng chính là thầy tốt bạn hiền của nhau, việc tiến cử và nhường công lao cho nhau cũng không phải chuyện hiếm thấy, thể hiện ra lòng kính trọng lẫn nhau và phong phạm của bậc quân tử.

(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Vào thời nhà Nguyên, danh y Chu Đan Khê được xếp vào một trong “Kim Nguyên tứ đại gia”. Lúc bấy giờ, ở vùng Chiết Giang cũng có một vị danh y mà trình độ y thuật tương đương, tên là Cát Kiền Tôn. Hai người họ luôn có một mối quan hệ tốt đẹp, thường xuyên cùng nhau luận bàn về y thuật và điều trị bệnh.

Có lần ở địa phương, một vị quan đột nhiên bị trúng gió và bị liệt. Chu Đan Khê sau khi xem qua đã nói rằng: Những phương pháp trong sách y học không thể chữa được!”

Nhưng Cát Kiền Tôn lại nói: “Ông có thể thử châm cứu lần nữa xem sao.”

Chu Đan Khê giải thích: “Cho dù có sử dụng châm cứu thì cũng chỉ có thể khiến một nửa thân hoạt động trở lại mà thôi, cuối cùng vẫn không cứu được mạng.”

Sau đó, gia đình của vị quan kia đã khăng khăng mời Cát Kiền Tôn châm cứu thử một lần nữa. Nhưng kết quả đúng như Chu Đan Khê tiên đoán, không thể chữa khỏi được bệnh.

Chu Đan Khê khuyên họ nhanh chóng quay trở về, nói: “Một khi bệnh nhân về đến nhà, tôi e rằng đã không được nữa rồi!” Sau đó, sự tình xảy ra quả thực đúng như thế.

Mặc dù trong các sự việc loại này, y thuật của Chu Đan Khê dường như cao hơn Cát Kiền Tôn rất nhiều. Nhưng theo Cát Kiền Tôn lại có thể chữa khỏi những căn bệnh kỳ lạ mà thầy thuốc thường không thể chữa khỏi. Khi gặp phải căn bệnh khó chữa thì người đầu tiên mà Chu Đan Khê nghĩ đến chính là Cát Kiền Tôn .

Có một người phụ nữ bị bệnh lao, Chu Đan Khê đã chữa khỏi cho cô ấy, nhưng trên mặt cô ấy đột nhiên lại mọc lên hai khối ban đỏ mà không thể trừ bỏ. Chu Đan Khê không nghĩ ra biện pháp nào tốt hơn nên đã nói với bệnh nhân: “Hãy để Cát Công từ Ngô Trung đến xem thử xem. Chỉ là ông ấy tính tình phóng khoáng không chịu được sự gò bó. Nếu cô đi mời, ông ấy có thể sẽ không đến. Vậy ta sẽ viết một bức thư, nhờ người đem bức thư này đến cho ông ấy, ông ấy đọc xong nhất định sẽ đến.”

Sau khi Cát Kiền Tôn nhìn thấy lá thư của Chu Đan Khê, quả nhiên ông ta lập tức gác lại những việc khác và lên thuyền đi cùng với người truyền tin.

Sau khi gặp Chu Đan Khê và khám qua cho bệnh nhân, Cát Kiền Tôn đã dùng kim châm châm cứu cho bệnh nhân này qua lớp áo mà cô mặc trên người, khối ban đỏ trên mặt người phụ nữ lập tức biến mất. Người bệnh vô cùng cảm kích và muốn hậu tạ, nhưng ông chỉ mỉm cười từ chối: “Tôi là vì Chu tiên sinh mà đến, làm sao tôi có thể nhận lễ vật của mọi người được?” Thế là ông không nhận một đồng tiền nào hay một món quà nào cả.

Vào thời nhà Tống cũng có hai vị danh y ở Phủ Châu, Giang Tây, một người họ Lý và người kia họ Vương, cả hai đều có y thuật cao minh và y đức cao thượng. Lúc ấy, ở huyện Sùng Nhân, Phủ Châu có một người đàn ông giàu có bị bệnh. Ông ta liền sai người vào trong nội thành tìm danh y Lý. Ông ta nói rằng sau khi khỏi bệnh sẽ dùng năm trăm xâu tiền làm lễ tạ ơn.

Nhưng sau khi bác sĩ Lý điều trị được mười ngày, bệnh tình của người giàu có kia vẫn không thuyên giảm. Không còn cách nào khác, danh y Lý đã từ bỏ và bảo người nhà bệnh nhân hãy tìm một vị danh y khác cao minh hơn. Ông nói: “Tôi e rằng các lương y khác cũng không chữa được, chỉ có lương y Vương mới chữa được.” Lúc đó, trình độ y thuật của hai vị lương y là tương đương nhau, thế là người nhà bệnh nhân đã đến thỉnh mời lương y Vương.

Khi lương y Lý đang trên đường về nhà thì gặp lương y Vương. Ông đã kể lại chi tiết quá trình chẩn đoán và điều trị của mình cho lương y Vương nghe. Nghe xong, lương y Vương bối rối nói: “So với y thuật của ông, tôi còn kém xa. Ngay cả ông còn không thể chữa khỏi thì tôi chắc chắn có đi cũng vô dụng thôi. Hay là ông cùng đến xem với tôi!”

Lương y Lý trả lời: “Tôi sẽ không đi nữa. Tôi đã bắt mạch cho bệnh nhân và kê đúng thuốc cho họ rồi, không còn vấn đề gì nữa nhưng người bệnh kia chữa đã lâu mà không khỏi, có lẽ do tôi không gặp may, vì thế không lấy tiền của người ta. Tôi vẫn còn một ít thuốc ở đây, ông mang hết đi. Chỉ cần ông tiếp tục điều trị bằng thuốc này, nhất định người bệnh sẽ khỏi.”

Lương y Vương trước nay luôn kính trọng lương y Lý, vì vậy ông ấy đã làm theo những gì lương y Lý dặn dò, chỉ có một chút thay đổi đó là sắc thuốc lên cho người bệnh uống. Chỉ trong ba ngày ngắn ngủi, bệnh của người giàu có kia đã được chữa khỏi.

Như lời hứa từ trước, gia đình bệnh nhân đã tặng tiền cho lương y Vương. Lương y Vương quyết định đưa một nửa số đó cho lương y Lý. Nhưng lương y Lý đã từ chối nói: “Tôi không thể lấy số tiền này. Ông đã chữa khỏi bệnh cho họ, đây đều là công sức của ông.”

Cho đến cuối cùng lương y Vương cũng không thể thuyết phục được lương y Lý. Câu chuyện chữa bệnh và nhường phần thưởng của hai lương y vẫn lưu truyền trong dân gian, được người đời tán tụng. Lương y Lý không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân nhưng ông đã làm hoàn thành bổn phận của một người thầy thuốc, không màng lợi ích cá nhân, không ham nhận công lao, thật là chuyện hiếm thấy.

Vào thời kỳ Tống Thần Tông, hoàng tử thứ 9 là Triệu Tất (sau được phong làm Nghi Quốc Công) thường xuyên bị trừu phong và co giật, ngay cả các ngự y của triều đình cũng không thể trị được. Khi đó, trưởng công chúa đã tấu lên Thần Tông và mời lương y dân gian Tiền Ất đến điều trị. Kết quả là ông đã chữa khỏi bệnh cho thái tử bằng một  đơn thuốc tên là “Hoàng thổ thang”.

Khi Thần Tông triệu kiến ông ta, đã ỏi rằng: “Hoàng thổ thang cũng có thể chữa được bệnh sao?” Tiền Ất cung kính đáp: “Dùng đất để thắng nước, nước phẳng tức là gió ngừng” Tiếp đó ông lại nói: “Kỳ thực, các ngự y của triều đình gần như đã chữa khỏi bệnh cho hoàng tử rồi, tôi chỉ là gặp đúng lúc hoàng tử đang trên đà hồi phục thôi!”

Tiền Ất chữa bệnh giỏi nhưng lại thường hay nhường công lao cho người khác, tính tình đôn hậu và khiêm tốn của ông khiến Thần Tông vô cùng khâm phục. Sau đó, Thần Tông đã ban cho ông chức Thái y thừa tứ phẩm.

Vào thời nhà Minh, Thẩm Dĩ Tiềm lúc đầu là một thầy thuốc được ít người biết đến. Sau này ông được Tưởng Dụng Văn của Thái y viện sử tiến cử và trở thành Y quan. Tưởng Dụng Văn vốn xuất thân từ nhà Nho mà thành danh y. Ông càng lớn tuổi thì càng thành thục trong nghề nghiệp của mình. Về sau Tưởng Dụng Văn rất được Hoàng đế coi trọng, sau khi chết được truy tặng thụy “Cung Nghị”.

Khi Tưởng Dụng Văn bị ốm nặng, Hoàng đế đã sai người đến hỏi thăm ông: “Nếu sau khi ông chết, còn ai có thể thay thế ông?” Ông lập tức viết tên: “Thẩm Dĩ Tiềm”. Vào thời điểm đó, Thẩm Dĩ Tiềm chỉ là một thầy thuốc rất bình thường. Dưới sự tiến cử của Tưởng Dụng Văn, hoàng đế đã phong Thẩm Dĩ Tiềm làm ngự y. Sự thật sau này chứng minh Thẩm Dĩ Tiềm quả thực là một thầy thuốc giỏi cả tài lẫn đức. Sau khi Tưởng Dụng Văn qua đời, Hoàng đế nhớ mãi không quên: “Tưởng Dụng Văn quả là biết nhìn người, còn Thẩm Dĩ Tiềm cũng đã không cô phụ sự tiến cử của ông ta.”

Danh y thời xưa giúp đời giúp người, vô luận là hành nghề tại dân gian hay lên làm quan thì phần lớn đều có tấm lòng rộng rãi, khí độ không ganh tị với nhân tài và khí tiết không màng danh lợi. Rất nhiều danh y đọc sách thánh hiền trước rồi mới đến sách y học. Những danh y như vậy luôn tuân theo y đạo, lấy “ôn, lương, cung, kiệm, nhường” để hành y, giúp người giúp đời, đối với bệnh nhân cũng vậy và đối với người cùng nghề cũng như vậy.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Cảnh Thành
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Nghĩa cử cao đẹp của một người Việt trên đất nhà Đường

Một trong số rất ít ỏi Cống sĩ người Việt đỗ đạt và thành danh…

11 phút ago

Một thời huy hoàng của nữ quyền truyền thống

Ngày nay, người ta thường cho rằng Nho gia là thứ học thuyết đã hủy…

20 phút ago

TQ: Thư cụ bà 85 tuổi mới ra tù gửi thẩm phán, kêu oan cho con gái

"Dù là từ lương tâm hay sự công bằng, tôi mong bà hãy làm tất…

25 phút ago

[VIDEO] Sợ người dân chế giễu nhà cầm quyền, Thượng Hải cấm hóa trang ngày Halloween

Halloween năm nay, cảnh sát Thượng Hải sẽ áp dụng nguyên tắc “phát hiện ai…

25 phút ago

Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại sau khi Israel không kích vào quân đội Liban

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã bày tỏ với Bộ trưởng Quốc…

39 phút ago

“Được mất” tùy duyên mới có thể sống ung dung, tự tại

Vạn vật đều có quy luật của riêng nó, con người sống thì nên tùy duyên,…

41 phút ago