Hoàng Đế Nội Kinh, một trong bốn cuốn sách kinh điển của Đông y thời xưa, ngay từ lời mở đầu đã nhắc tới cái gốc của y đạo chính là việc có thể thuận theo “Đạo”, bởi lẽ cội nguồn của Đông y bắt nguồn từ Thiên đạo. Những người giữ gìn y đạo truyền thống có thể thông hiểu đạo lý Thiên – Địa – Nhân, vậy nên mới có năng lực chữa bệnh thần kỳ.

Y thuật cao siêu của cổ nhân bắt nguồn từ y đức, y đạo
(Ảnh minh họa: Pixeljoy, Boule, Shutterstock)

Nền y học cổ đại thời xưa xuất hiện không ít những vị Thần y như Hoa Đà, Biển Thước, Tôn Tư Mạc, Lý Thời Trân… Y thuật của họ không chỉ cao siêu, mà bản thân họ còn là người tu luyện, có tâm cầu Đạo. Cũng bởi vì thuận theo Đạo mà họ mới có được khả năng điều trị bệnh độc đáo. Một vị thần y xuất hiện vào thời nhà Nguyên từng đề cập tới vấn đề này.

Vào thời nhà Nguyên, tại Tuyên Châu, An Huy có một vị Thần y tên là Từ Văn Trung. Ông rất giỏi châm cứu và có thể chữa trị được rất nhiều chứng nan y. Ông dùng kim châm rất tài tình, thường chỉ cần châm vài mũi là đã có hiệu quả ngay lập tức.

Từ Văn Trung thường ngày hành nghề y, vô cùng xem nhẹ tiền bạc, ông lại càng không hứng thú với việc làm quan. Một lần nọ, ông tới du ngoạn tại quận Ngô. Quận Ngô có một đại phú gia, ông ta có người nhà mắc bệnh phong thấp, nằm liệt giường, khổ không kể xiết. Người nhà nghe nói Từ Văn Trung đi ngang qua quận Ngô, bèn mời ông tới chữa trị. Từ Văn Trung không kê đơn bốc thuốc, mà chỉ châm vài mũi vào chân người bệnh, bệnh nhân đang nằm thì ngồi dậy, chớp mắt đã có thể bước xuống giường đi lại.

Lúc đó, Vương phi của Trấn Nam Vương cũng đang nằm liệt giường, không thể ngồi dậy. Ngự y trong Vương phủ đều không thể trị khỏi. Trấn Nam Vương nghe nói Từ Văn Trung y thuật cao siêu, bèn ngay lập tức cử người cưỡi ngựa thần tốc chạy tới quận Ngô thỉnh mời ông.

Sau khi Từ Văn Trung tới Vương phủ, Trấn Nam Vương đối đãi với ông vô cùng lịch thiệp. Từ Văn Trung xem bệnh cho Vương phi xong, chỉ lấy vài chiếc kim châm trong hộp ra, châm thẳng vào huyệt Hợp Cốc và huyệt Khúc Trì. Kim châm cắm sâu từng chút từng chút một. Vương phi bị liệt, không cảm thấy đau đớn chút nào.

Một lúc sau, ông mời Vương phi nhấc chân, nhấc tay lên, hoạt động một chút, xem hiệu quả thế nào. Vương phi không dám tin công hiệu lại nhanh như vậy, bèn từ chối nói rằng mình không thể làm được. Từ Văn Trung nói: “Kim châm giúp khí huyết đã có thể vận hành, phu nhân thử nhấc tay lên hoạt động một chút xem.”

Vương phi bèn thử nhấc tay lên, rất nhẹ nhàng cánh tay đã có thể nhấc lên. Từ Văn Trung lại bảo Vương phi nhấc chân lên thử xem, Vương phi cũng nhấc chân lên rất nhẹ nhàng. Từ ngày Vương phi sinh bệnh tới nay, vẫn luôn nằm liệt giường, chân tay hoạt động khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi bệnh của Vương phi đã gần khỏi. Trấn Nam Vương đứng bên, nín thở quan sát, tận mắt nhìn thấy công phu như vậy, chân tay của Vương phi đã có thể hoạt động trở lại. Trấn Nam Vương vô cùng vui mừng. Ngày hôm sau, Vương Phi đã có thể ngồi dậy.

Vì chuyện này mà danh tiếng của Từ Văn Trung chấn động khắp thành Quảng Lăng, mọi người đều cho rằng ông là thần y Biển Thước phục sinh.

Từ Văn Trung cả đời hành y, ông đã đi lại rất nhiều nơi và truyền thụ cho rất nhiều đệ tử. Nhưng y thuật của họ vẫn chỉ dừng lại ở một trình độ nhất định mà không thể tiến tiếp.

Về chuyện này, Từ Văn Trung nói: “Số đệ tử được ta truyền thụ cũng không ít, nhưng vì sao y thuật của họ không linh nghiệm như ta? Không phải là vì ta giấu bí quyết, không dạy cho họ. Mà là vì rất nhiều người chỉ chú trọng tới lợi ích mà coi nhẹ đạo nghĩa. Ta du ngoạn khắp nơi hành y đã hơn 40 năm, số bệnh nhân được chữa khỏi bản thân ta cũng không đếm xuể. Nhưng ta xưa nay không hề yêu cầu người khác phải báo đáp ta. Ta chỉ dốc hết khả năng của mình thực thi y thuật mà thôi.”

Vậy nên, dẫu thời xưa hay thời nay, y thuật, y đức và y đạo luôn gắn liền chẳng thể tách rời.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: