Công chính vô tư không chỉ là đức hạnh cao thượng mà còn là trí tuệ không thể thiếu trong trị quốc an dân. Trong lịch sử, phàm là vua quan công chính vô tư thì được lòng dân, phàm là người thiên vị tư tâm thì khiến lòng dân ai oán, từ đó đánh mất thiên hạ.
Chu Công Đán là công thần khai quốc của nhà Chu. Khi con trai của ông là Bá Cầm về nước Lỗ thụ phong đã hỏi Chu Công thượng sách cai trị nước Lỗ. Chu Công đã nói một kế sách vẻn vẹn năm từ: “Lợi nhi vật lợi dã”. Hàm ý của câu nói này là hãy mưu lợi cho dân chúng, đừng mưu lợi cho cá nhân.
Theo lịch sử ghi chép, vua Nghiêu có mười người con trai nhưng ông lại truyền ngôi cho một người tài đức đủ đầy là vua Thuấn. Vua Thuấn có chín người con trai, nhưng ông cũng không truyền lại vương vị cho con, mà truyền cho vua Vũ. Sở dĩ họ làm như vậy là vì họ nghĩ đến cái lợi của muôn dân, không thiên lệch, không nghĩ đến lợi ích của riêng cá nhân mình.
Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” viết rằng: “Phàm là các bậc thánh vương đời trước khi cai trị thiên hạ đều làm được công chính vô tư. Làm được công chính vô tư thì thiên hạ mới thái bình”. Bởi vậy Quân vương thời xưa thông thường sau khi trừ bạo dẹp loạn, thay triều đổi đại xong thì không chiếm hết đất đai thành của riêng mình mà phân phong cho các đại thần, người hiền đức. Có thể nói rằng nhờ việc ấy mà các minh quân thành tựu một đời vương nghiệp.
Tề Hoàn Công sau khi trở thành quân chủ của nước Tề đã bái Quản Trọng, một người hiền đức làm tướng quốc, nhờ đó mà nước Tề trở nên cường thịnh. Tề Hoàn Công trở thành một trong “Ngũ Bá” thời Xuân Thu. Nhưng khi Tề Hoàn Công xuất hiện tâm thiên vị, bổ nhiệm chức vụ cho người mà ông ưu ái thì đất nước bắt đầu đại loạn. Các con của ông mải mê tranh giành quyền lực khiến thi thể Tề Hoàn Công một năm sau mới được mai táng.
Không chỉ người làm vua, mà người làm quan cũng phải công chính vô tư. Công chính vô tư thì mới được kính trọng, thiên vị tư tâm thì người người căm phẫn.
“Lã Thị Xuân Thu” chép rằng Phúc Hoàng là một học giả Mặc gia nổi tiếng của nước Tần. Khi con trai của ông giết người, vua Tần Huệ Vương đã nói với ông rằng: “Tiên sinh tuổi đã cao, lại chỉ có một đứa con nên ta đã ra lệnh cho quan tư pháp không xử tử con của ngài. Về việc này, tiên sinh nên nghe theo ta!”
Phúc Hoàng nghe xong đáp rằng: “Pháp luật quy định, giết người phải xử tử, đả thương người phải chịu hình. Làm như vậy là để ngăn chặn việc giết người và làm thương người. Ngăn chặn việc vô cớ giết người và đả thương người là thiên hạ đại nghĩa. Đại vương mặc dù ban ân cho ta, nhưng ta không thể vi phạm pháp luật được.” Cuối cùng, con trai của Phúc Hoàng đã bị xử tử. Cả vua và dân đều kính trọng cái tâm của Phúc Hoàng.
“Lã Thị Xuân Thu” còn ghi lại một câu chuyện gọi là: “Tiến cử người ngoài không ngại kẻ thủ, tiến cử người nhà cũng không tránh né”. Chuyện như sau:
Một lần, vua Tấn Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Huyện Nam Dương thiếu một huyện lệnh, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”
Kỳ Hoàng Dương đáp: “Giải Hồ có thể đảm nhận chức này”.
Vua Tấn Bình Công nói: “Chẳng phải Giải Hồ là người đối đầu với khanh à? Sao khanh lại tiến cử ông ấy?”
Kỳ Hoàng Dương thưa: “Quân vương hỏi ai có thể giữ chức vụ này, không hỏi ai là kẻ thù của thần!”
Vua Tấn Bình Công khen ngợi: “Tốt lắm!”
Thế là, vua Tấn Bình Công liền trao chức huyện lệnh Nam Dương cho Giải Hồ. Quả nhiên, Giải Hồ đã xứng đáng với chức vụ do Kỳ Hoàng Dương tiến cử.
Một thời gian sau, vua Tấn Bình Công lại hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Hiện giờ đang thiếu một Quân úy, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”
Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Kỳ Ngọ xứng đáng chức vị ấy, thưa đại vương”.
Vua Tấn Bình Công lại nói: “Kỳ Ngọ chẳng phải là con của khanh sao?”
Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Quân vương hỏi ai có thể đảm nhận chức Quân úy, không hỏi ai là con của thần!”
Vua Tấn Bình Công vui mừng khen ngợi: “Nói hay lắm!”
Thế là, vua lại phong Kỳ Dương làm Quân úy. Quả nhiên đã phong chức đúng người. Đối với cả hai lần tiến cử ấy, người dân ai nấy đều khen ngợi Kỳ Hoàng Dương.
Khổng Tử sau khi biết chuyện này cũng cảm khái: “Tề Hoàng Dương đúng là người hay! Ông ta tiến cử người ngoài thì không tránh né kẻ thù địch với mình. Tiến cử người nhà thì không vì là con mình mà ngần ngại. Người như thế đúng là chí công vô tư”.
Sách “Thượng Thư” răn dạy rằng: “Không thiên lệch, không bè đảng, đạo vua rộng lớn. Không thiên lệch, không bè đảng, đạo vua bằng phẳng. Không phản lại, không nghiêng về một bên, đạo vua ngay thẳng”. Có thể thấy, điều tối quan trọng trong cai trị là công chính vô tư, không thiên lệch.
Thiên hạ không phải thiên hạ của chỉ một người. Cổ nhân giảng: “Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”, cho nên người đứng đầu muôn dân muốn được lâu dài, thành tựu được vương nghiệp thì nhất định không thể thiên lệch mà khiến lòng dân ai oán. Giữa cá nhân với cá nhân cũng vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa mà muốn hóa giải, thì trước tiên phải bỏ đi thiên lệch, bỏ đi tư tâm, cố gắng đạt tới cảnh giới công chính vô tư. Có vậy mới có thể giải quyết thỏa đáng.
Lật lại trang sử của các đời, chúng ta có thể thấy, người được lòng dân là bởi vì họ công chính vô tư. Người mất lòng dân thì sẽ mất thiên hạ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…