Trí tuệ cổ nhân: Làm quan càng cao càng cần ghi nhớ 6 điều
- An Hòa
- •
Con người khi đứng trước danh, lợi, quyền thế sẽ rất khó để khống chế dục vọng của bản thân mình. Đặc biệt, một người làm quan có chức vị càng cao, nắm giữ quyền lực càng lớn trong tay, lại càng khó khống chế hơn nếu họ không có đạo đức cao thượng.
Con người thế gian coi việc truy cầu danh lợi quyền thế là mục đích của cuộc đời. Vì vậy, khi đạt được quyền thế trong tay họ sẽ vô cùng đắc ý và dễ dàng bị mê lạc. Đặc biệt, những người có xuất thân thấp kém sau khi có được địa vị cao, rất có thể vì theo đuổi quyền lực, danh lợi mà khó giữ vững bản thân và mê lạc trong quyền thế, phú quý. Họ chẳng thể vui vẻ với cảnh bần hàn, giữ gìn đạo đức, phẩm hạnh của bản thân nữa, từ đó mà đánh mất đi cái gốc làm người.
Trong mắt của cổ nhân, con người một khi đã đánh mất cái gốc làm người thì chẳng khác gì một người đã chết rồi. Vì thế, người xưa răn dạy rằng, càng là người có chức vị cao trong xã hội, đối mặt càng nhiều với danh lợi, quyền thế thì càng phải chú trọng tu dưỡng đạo đức mới không khiến bản thân bị mê lạc, mất đi lương tâm.
Tôn Thúc Ngao là người nước Sở thời Xuân Thu. Vua nước Sở lúc ấy là Sở Văn Vương biết Tôn Thúc Ngao là người có tài có đức nên đã mời ông ra làm quan lệnh doãn. Trong cuốn “Thuyết uyển. Kính thận” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán có ghi lại câu chuyện xảy ra ngay trước ngày Tôn Thúc Ngao lên đường nhậm chức như sau:
Sau khi Tôn Thúc Ngao được làm quan lệnh doãn, cả nước quan, dân đều tới mừng. Sau cùng có một ông lão già mặc áo vải, đội mũ trắng, đến viếng.
Tôn Thúc Ngao thấy thế, ăn mặc chỉnh tề ra yết kiến, thưa với ông lão rằng:
– Vua chúng tôi không biết tôi là người bất tài, quá tin mà cho làm quan để tôi làm lụy cho lại, cho dân. Ai ai cũng đến mừng, một mình lão đến viếng, chắc có ý kiến gì đấy chăng?
Ông lão nói:
– Có. Thân đã sang mà khinh người thì dân không chuộng. Chức đã cao mà chuyên quyền, thì vua sinh ghét. Lộc đã hậu mà không tri túc, thì gặp phải tai vạ.
Tôn Thúc Ngao vừa vái, vừa nói:
– Xin kính vâng lời.
Nói rồi Tôn Thúc Ngao lại nài ông lão dạy thêm cho mấy câu nữa.
Ông lão bảo:
– Chức đã cao, ý càng phải khiêm cung. Quan đã to, tâm càng phải tế nhị. Lộc đã hậu, càng phải cẩn thận, chớ có lấy sằng, lấy bậy. Ông giữ được những điều ấy là đủ trị dân vậy.
Trong suốt cuộc đời làm quan của mình Tôn Thúc Ngao luôn ghi nhớ những lời răn dạy này. Ông dù làm chức quan cao hay thấp đều chăm lo cho dân, ăn mặc giản dị, đi xe thô xơ, thanh liêm chính trực. Ông dốc lòng với việc nước, phụ giúp vua nước Sở giáo hóa dân chúng, phát triển kinh tế, giảm thiểu hình phạt cho dân chúng. Ông vừa có thể thực hành pháp luật nghiêm minh lại thương xót dân chúng, vô cùng coi trọng cuộc sống của dân chúng, từ đó chế định ra nhiều chính sách và pháp lệnh có lợi cho dân chúng. Nước Sở dưới sự dốc lòng trợ giúp cai trị của Tôn Thúc Ngao đã tiến vào thời kỳ hưng thịnh cả về kinh tế, văn hóa và triều chính.
Chức vị càng cao càng phải biết chăm lo cho dân chúng, bài học này cũng được nhiều vị minh quân, hiền thần nhắc đến. Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói rằng: “Đạo của bậc quân vương, trước tiên trong lòng nhất định phải có dân chúng, quan tâm dân chúng, nếu như làm tổn hại dân chúng để được lợi bản thân thì cũng giống như cắt thịt chân mình để ăn no bụng, bụng thì no mà thân thì ngã quỵ”.
Làm quan cao là để chăm lo cho dân, quyền lực lớn thì ngôn hành càng phải cẩn trọng, bổng lộc nhiều cũng không nên quá xem trọng. Đây đều là lời vàng ý ngọc dành cho những người có chức vị cao trong xã hội xưa và nay.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa danh lợi phú quý tiền bạc Quyền thế