(Tranh minh họa: Public Domain)
Các vị minh quân thời xưa hiểu rằng nắm giữ Giang Sơn là việc không hề dễ dàng, vì vậy thân là Hoàng đế có thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang nhưng họ lại vô cùng tiết kiệm, luôn chú ý đến cách lập thân xử thế, trở thành tấm gương đáng kính cho hậu thế.
Hán Văn Đế là vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử, giúp trăm họ được hưởng cảnh thái bình sau nhiều năm biến động. Ông nổi tiếng với những chính sách tiếp kiệm, giảm nhẹ hình phạt, giảm tô thuế, phát triển kinh tế vững mạnh. Hán Văn Đế lên ngôi khi quốc lực nhà Hán rất yếu, người dân khốn khổ, sản xuất hoang phế. Hoàng đế đề ra các chính sách “cho dân nghỉ ngơi”, “nhẹ thuế khóa, lao dịch”, “thanh tĩnh kiệm ước”, khiến dân chúng ổn định cuộc sống khôi phục sản xuất. Trong suốt 23 năm trị vì, Hán Văn Đế không hề sắm thêm cho bản thân mình thứ gì, cung điện, vườn thú, chó, ngựa, quần áo và đồ dùng, không bổ sung gì thêm. Ông chỉ quan tâm đến dân chúng, nếu thấy có gì đấy bất lợi cho dân thì liền chỉnh sửa.
Sách sử thời Tây Hán chép rằng Hán Văn Đế từng dự định xây dựng một đài cao, nên đã lệnh cho thợ thủ công tính toán xem cần bao nhiêu kinh phí. Sau khi biết rằng công trình này cần dùng một trăm lạng vàng, Văn Đế đã nói: “Số vàng đó bằng sản nghiệp 10 hộ bậc trung, ta ở trong cung điện do tiên đế xây cất đã thường cảm thấy lo sợ xấu hổ, sao còn xây thêm cái mới?” Thế là Hoàng đế cho đình chỉ việc xây đài, không còn nhắc lại việc này nữa.
Lấy tiền của vạn dân để dùng cho ham muốn của bản thân, đây là việc dễ dàng. Nhưng đã buông thả một lần rồi, thì rất có thể sẽ có những lần tiếp theo, dân sẽ khốn khổ, Xã Tắc sẽ hoang tàn đổ vỡ, thì dù có đình đài lầu các, ao hồ chim muông, há có thể một mình vui vẻ sao?
Sau này Hoàng đế Đường Thái Tông cũng lấy Hán Văn Đế làm gương. Thời Đường Thái Tông trị vì được sử sách xưng là thời kỳ thịnh trị bậc nhất, bách tính an cư lạc nghiệp, thậm chí ban đêm cũng không cần phải đóng cửa đề phòng kẻ trộm. Quốc lực của thời thịnh Đường này có lẽ còn hơn thời Hán nhiều lần. Nhưng Đường Thái Tông cũng là một vị minh quân hết sức tiết kiệm.
Sử sách ghi chép rằng Đường Thái Tông có bệnh về khí, liên quan đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Bấy giờ cung điện mùa hạ thì nóng mùa thu thì lạnh lại ẩm ướt, cho nên dễ khiến bệnh cũ tái phát. Vào năm Trinh Quán thứ hai (năm 628), có vị đại thần vì lo cho sức khỏe của bậc nhân chủ mà dâng tấu xin xây dựng một lầu các của Hoàng đế.
Đường Thái Tông đã nói: “Ta có bệnh về khí, đúng là không nên ở trong cung ẩm ướt, nhưng nếu xây dựng rầm rộ, tất nhiên sẽ lãng phí nhân công và tiền của. Xưa kia Hán Văn Đế xây lộ đài, bởi vì thấy tiếc số tài sản của 10 hộ mà cho ngừng xây. Công đức của ta kém xa Văn Đế, xây cung mới phí tổn còn hơn cả lộ đài, đây không phải là việc mà người ở vị trí quân vương của thiên hạ nên làm”.
Các đại thần nhiều lần tấu xin, nhưng Đường Thái Tông đều kiên trì không cho phép, nên việc này mới thôi.
Đường Thái Tông là vị Hoàng Đế đã trải qua quá trình lập quốc, thấy được bài học giáo huấn của triều Tùy xa xỉ mà vong quốc, cho nên sau này khi đã lên ngôi, mặc dù cung điện trải qua khói lửa chiến tranh, sớm đã cũ nát, song ông vẫn một mực không cho phép khởi công xây dựng cung điện mới.
Trong năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), trên cơ bản Đường Thái Tông không khởi công xây dựng công trình lớn nào. Không chỉ có vậy, lúc Lạc Dương gặp lũ lụt, nhà cửa của bách tính bị phá hủy, Hoàng đế đã hạ lệnh dỡ bỏ một số cung điện ở Lạc Dương, đem vật liệu gỗ phân cho bách tính gặp nạn, dùng để sửa chữa nhà cửa. Còn về cung điện Lạc Dương, sau khi bị lũ lụt làm hư hỏng, Hoàng đế cũng chỉ cho tu sửa lại một chút mà thôi.
Dựa theo “Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn“
Đăng trên ChanhKien.org
Ninh Sơn biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…
Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…
Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…
Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…
Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…
Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…