Văn Hóa

Dạy con lòng biết ơn hay trách nhiệm?

“Dạy con lòng biết ơn hay trách nhiệm?”, có lần một người bạn nhắn tin hỏi tôi câu này. Anh bảo theo anh nhận thấy thì nên dạy con có trách nhiệm chứ không cần dạy biết ơn. Anh nhìn thấy người dân bị tuyên truyền phải biết ơn chính phủ, đảng, nhà nước nên người dân gần như bị triệt tiêu sự phản kháng, từ đó anh cho rằng tính trách nhiệm cao hơn lòng biết ơn. Con người cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đất nưỡc, môi trường sống, v.v. là ổn trên tư cách một con người.

Vài câu trả lời ngắn trên tin nhắn, một cuộc gặp nói chuyện không đầu không đuôi sau đó tôi không đủ khả năng diễn đạt để anh hiểu điều tôi muốn trình bày. Hôm nay tình cờ đọc một status ngắn của bạn Quang Minh viết rằng cần dạy con lòng biết ơn vì không có lòng biết ơn thì con người không biết yêu thương bản thân. Tôi nhớ câu chuyện cũ với anh bạn và có hứng viết về chủ đề này.

Có lần, lúc vẫn còn dịch covid nhưng đã bớt cảnh ngăn sống cấm chợ khắp nơi, tôi về quê chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Mỗi ngày tôi đều nấu một nồi nước lá to cho gia đình sử dụng và mời bà con ai cần cứ đến lấy nước. Có một gia đình gần đó bị nhiễm covid phải cách ly tại nhà, tôi thường xách xô nước lá đem qua để họ dùng. Mẹ sợ tôi bị nhiễm covid nên không muốn tôi xách nước đem sang nhà có người bệnh. Ai cũng hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh, theo luật, theo nỗi sợ lây bệnh và sợ mình là người lây bệnh cho người khác. Một số người cũng thấy việc tôi xách nước đến nhà người bị nhiễm virus là điều nguy hiểm cho không chỉ riêng tôi mà còn cho mẹ, cho gia đình. Mặc dù đã được khuyên can nhưng tôi vẫn làm điều đó. Trong mắt họ tôi là người không có trách nhiệm. Tôi bị đặt vào một tình huống phải lựa chọn giữa có trách nhiệm với gia đình và có trách nhiệm với đồng loại.

Trong cuộc sống hằng ngày, hằng giờ, ai trong chúng ta cũng từng có lần hoặc rất nhiều lần phải đứng trước tình cảnh tréo ngoe trên, bị buộc phải lựa chọn có trách nhiệm với đối tượng này và từ bỏ trách nhiệm với đối tượng khác, buộc phải đưa ra những ưu tiên trách nhiệm. Bạn cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái nên lên tiếng phản đối chính phủ phá rừng. Vợ (chồng, người thân) bảo nhưng họ cần bạn có trách nhiệm với họ, nếu bạn bị bắt bị tù thì bạn vô trách nhiệm với họ và yêu cầu bạn lựa chọn hoặc thao túng tâm lý bạn để buộc bạn “tự nguyện” lựa chọn. Bạn cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ một người, đối tượng khác đang cần giúp kể cả khi không quen biết không có tình thân trước đó, nhưng việc giúp đó có thể đem đến một số phiền hà cho gia đình bạn. Người thân trách rằng bạn thật vô trách nhiệm với gia đình, lúc ấy, bạn cảm thấy điều gì trong lòng? Bạn không thể trách ngược lại người thân của bạn là kẻ vô trách nhiệm vì rõ ràng họ đang thể hiện họ rất có trách nhiệm với bạn và yêu cầu bạn có trách nhiệm với họ. Cái trách nhiệm với những gì bên ngoài gia đình chỉ nên thực hiện khi và chỉ khi điều đó an toàn, thoải mái, tiện lợi và… đem lại lợi ích gì đó. Còn nếu nó đem lại sự rắc rối phiền hà thì… thôi thôi. Xét tự trong sâu thẳm mỗi người chúng ta, bạn có nhìn thấy đầy lần bạn ngoảnh mặt đi trước một người, đối tượng nào đó đang cần giúp đỡ và biện minh cho việc ngoảnh mặt của mình bằng đủ mọi lý lẽ hay ho?

Tôi lại nhớ một người bạn khác, anh đọc trang tôi nhiều năm và bảo rằng nhờ loạt bài về giáo dục trong gia đình mà lâu nay anh đã ngừng la mắng chỉ trích đánh mắng các con. Anh kể tôi nghe anh đang cố gắng dạy con về tính trách nhiệm và cảm thấy rất buồn, rất sốc, thất vọng, bất lực khi thấy đứa em trai sinh đôi ứng xử tệ với người anh sinh đôi không đủ sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Anh muốn những đứa con mạnh khỏe của mình phải yêu thương, có trách nhiệm với người anh em thiệt thòi của chúng. Một mong muốn chính đáng. Tôi nhìn thấy mong muốn này ở mọi nhà, hầu hết những người làm cha mẹ đều cố gắng dạy dỗ con cháu. Mọi thể chế, mọi chính quyền cũng đều thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền để người dân có trách nhiệm với chính phủ.

Rõ ràng, ta không thể phủ nhận sự cần thiết của tính trách nhiệm nơi mỗi người và vai trò quan trọng của nó khi ta sống trong một cộng đồng. Nhưng, qua một vài ví dụ ở trên, ta hãy nhìn kỹ hơn một chút và đặt câu hỏi, tại sao tính trách nhiệm là cần thiết nhưng nó lại làm nảy sinh mâu thuẫn và đem lại cho ta nhiều rắc rối phiền não đến thế? (Mấy bạn “phản động” cảm nhận rõ điều này hơn ai hết) Tôi nghĩ, ta nên quay lại từ đầu, tự tìm hiểu xem trách nhiệm là gì? Không phải là thứ trách nhiệm mà chính phủ dạy ta thông qua mười mấy năm giáo dục ở trường. Không phải là thứ trách nhiệm mà xã hội nhồi vào đầu ta qua tuyên truyền bằng các bộ phim ảnh, tài liệu nghiên cứu, sách báo triết học, văn thơ nghệ thuật… Không phải thứ trách nhiệm mà ông bà, bố mẹ, vợ chồng, người thân cố gắng dạy bảo và muốn ta thực hiện. Không phải thứ trách nhiệm từ một ai đó thúc đẩy, kêu gọi. Hãy tự ngẫm, tự quan sát, tự trải nghiệm để tự hiểu trách nhiệm là gì.

Chúng ta hiểu gì về lòng biết ơn? Hầu hết người làm cha mẹ đều mong con mình sống có trước có sau, biết biết ơn ông bà cha mẹ đã sinh ra mình. Rộng hơn thì biết ơn mảnh đất nơi mình sống – dĩ nhiên khi nó đem lại bình an, lợi nhuận. Một số chính phủ còn giáo dục, tuyên truyền công dân phải biết ơn chính phủ, nhóm cầm quyền. Cũng như với tinh thần trách nhiệm, đa số chúng ta lựa chọn đối tượng và điều kiện để biết ơn. Và cũng vậy, chúng ta hãy thử đặt qua hết một bên những định nghĩa của thiên hạ về biết ơn để tự hỏi bản thân biết ơn là gì? Nó có hình dạng ra sao? Chỉ khi chúng ta thực biết về nó thì ta mới có thể thực hiện đúng đủ và mới có thể hướng dẫn người khác, ở đây là con cháu mình, chẳng phải vậy sao? Chúng ta nói yêu thương con cháu, vậy ta có sẵn sàng dành thời gian để tìm hiểu vấn đề?

Tự quan sát bản thân, quan sát mọi đứa trẻ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một điều: lòng biết ơn, trách nhiệm là những cảm xúc đã có sẵn trong mỗi người chúng ta và nó không cần được dạy, không thể dạy. Lòng biết ơn, trách nhiệm là thứ cảm xúc có sẵn, không phải là thứ mà bạn có thể thêm vào hay bớt đi. Hãy khoan phản đối, hãy lắng nghe cảm xúc của bản thân thật kỹ bạn sẽ thấy điều đó. Chúng hiển hiện ở đó trong mỗi người bất kể lớn nhỏ, địa vị, vẫn lên tiếng, vẫn sống động trong mỗi chúng ta, kể cả trong những người mà ta gọi là vô trách nhiệm hoặc vô ơn.

Tình cờ gặp một người lạ bị chảy máu, bị đau đớn cần sự giúp đỡ ngay lập tức, trong lòng chúng ta luôn có một cảm giác nhộn nhạo ở bụng, xót xót như thể ta là người bị đau và ý nghĩ đầu tiên bao giờ cũng là: giúp. Đó là tình thương lên tiếng và tình thương luôn đi kèm với trách nhiệm. Cái trách nhiệm tự thân không hề e ngại bất cứ cái gì. Nó đó. Nhưng, nhìn mà xem, đầy lần chúng ta bỏ qua cảm giác này, không ở lại với cảm xúc mãnh liệt đó để làm việc cần làm, ngay lập tức. Ta để bản thân lạc lối trong những suy nghĩ sau đó: “Ôi muốn giúp nhưng mà thôi mình đang bận, con đang chờ ở trường trễ giờ đón.” “Ôi mình sợ máu me lắm. Chắc chắn sẽ có người khác không sợ giúp anh ta.” “Rắc rối lắm, lần trước giúp người đi đường bị tai nạn sau đó bị người nhà họ hiểu lầm nhào vô đấm mình. Làm phước phải tội.” “Phiền lắm, lần trước mình giúp cạn một thằng bị đánh hội đồng, sau đó cứ bị cảnh sát mời tới mời lui như thể mình trong băng nhóm.” Chúng ta bỏ đi. Cảm giác gì đến? Một cảm giác khó chịu mơ hồ dằn vặt. Tính trách nhiệm trong ta bị trấn áp bởi lý trí, nó phản đối nó đòi hỏi nên làm cho ta có cảm giác khó chịu. Để xoa dịu sự khó chịu, ta không quay lại để giúp hoặc nhận ra bài học về trách nhiệm, mà chúng ta lại thường tiếp tục dùng mọi lý lẽ có sẵn trong đầu để biện minh. Cảm xúc đến rồi đi, chúng ta quên sau đó. Lặp lại. Lặp lại. Cho đến một lúc chúng ta thậm chí không còn cảm nhận rõ ràng về cảm xúc này nữa. Nó trở nên mơ hồ và dễ dàng trôi đi, thậm chí không cần quá nhiều lời lẽ để bào chữa.

Khi một người để bản thân “trôi lạc” đến bước này thì cái hại đầu tiên là cho bản thân họ. Họ dần trở nên vô cảm, vô trách nhiệm với bản thân. Khi ta vô trách nhiệm với bản thân thì ta có thể có trách nghiệm với ai, với cái gì? Không một ai, không một gì. Chúng ta thường chỉ thể hiện cho có vẻ có trách nhiệm, mục đích là để tự xoa dịu bản thân và tệ hơn là để cho đứa khác thấy và công nhận ta là người có trách nhiệm. Và rồi ta lại nói về tính trách nhiệm, cố gắng học và dạy những đứa trẻ cái thứ trách nhiệm có điều kiện mà ta đã được nhồi mà không nhận thức được nó sai sai. Bọn trẻ – những người tràn đầy năng lượng và cảm xúc chưa bị đè nén – luôn nhận ra những mâu thuẫn trong những lời dạy của người lớn và chúng cảm thấy rất khó hiểu cái mà người lớn gọi là trách nhiệm. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, liệu chúng ta đang dạy trẻ trách nhiệm hay chỉ dạy chúng cách đè nén và phân biệt, chúng ta đang dạy nghĩa vụ? Chúng ta đang nuôi dạy con trưởng thành hay chỉ dạy các thủ thuật né tránh, chạy trốn? Bạn có sẵn lòng bảo vệ bênh vực con bạn và nói cho nó biết là nó đang làm đúng trách nhiệm của một con người khi nó bị đập te tua vì bênh vực một người bạn cô thế bị nhóm bạn đánh hội đồng? Hay bạn dạy nó hãy tránh xa rắc rối và chỉ trích nó là đứa không có trách nhiệm vì đã để bạn lo lắng?

Với lòng biết ơn cũng tương tự. Chúng ta dạy con cháu biết ơn có điều kiện. Cũng như vậy, chúng ta dạy chúng yêu thương có điều kiện. Trong khi tình yêu thương, lòng biết ơn, trách nhiệm là những cảm xúc luôn đi cùng nhau và không có bất cứ điều kiện gì. Những cảm xúc ấy bên trong chúng ta luôn bị chính ta vùi dập mỗi giây, mỗi phút. Chính cái sự vùi dập này làm cho chúng ta căng thẳng, mệt mỏi bởi phải liên tục đấu tranh, giằng xé. Chúng ta mất niềm vui, không biết đến hạnh phúc, mang đầy bệnh tật và hào hứng trao truyền những “di sản” này lại cho con cháu. Bất kể ta có nhận thức được hay không thì cuộc đấu tranh đó vẫn âm thầm diễn ra trong đầu mỗi người và gây ra những hệ lụy tàn khốc.

Cũng trong dịp về chăm sóc mẹ sau đợt dịch, tôi ở nhà hơn hai tháng, sau khi dọn dẹp quang đãng nhà cửa cho mẹ, tôi dọn con rạch chạy ngang trước nhà. Con rạch này hiện nay không ai còn dùng nước, cũng chẳng còn ai sử dụng nó để di chuyển như xưa. Nó gần như bị lấp bởi quá nhiều người quẳng rác xuống đó. Con rạch ngày xưa đã từng là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu duy nhất của cả một xóm chạy dài theo nó. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên nhờ những con cá con cua ở mé rạch. Nhờ dòng nước trong lành ngày hai lượt lớn ròng, mùa lũ về tràn bờ vào đồng vào vườn tắm tưới, bồi đắp phù sa cho cây cỏ. Là nơi chúng tôi học bơi, kết nối, trải nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tìm hiểu thiên nhiên. Giờ nó hấp hối. Tôi cứ thế một mình lội xuống con rạch ngập rác mỗi ngày khi nước rút để moi lên từng túi ni lông, từng nhánh cây để khơi thông dòng chảy. Tôi biết với sức mình nhỏ mọn, tôi không thể dọn sạch nguyên con rạch từ đầu đến cuối kéo dài nhiều cây số. Tôi biết tôi cũng không thể vận động người khác cùng làm. Tôi làm một mình, kệ cho người khác nhìn và nghĩ mình điên rồ, cười cười cảm ơn trước những khuyên can.

Trong xóm có một bạn thanh niên không may bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não, anh ta không còn khả năng đi làm vì tâm thần và sức khỏe không đủ đáp ứng điều kiện công việc phức tạp. Anh ta ngày ngày đi xách thức ăn cặn thừa người ta bỏ ra để đem về cho mẹ nuôi heo. Trong xóm có ai cần nhờ những việc vặt, việc nặng thì đều nhờ anh rồi cho anh hai ba chục bao thuốc lá. Tôi cũng nhờ anh đôi lần khi cần khiêng vài vật dụng nặng trong những ngày dọn dẹp nhà cửa. Một hôm, đang loay hoay cắm đầu dưới rạch, anh đi ngang nhìn thấy và đề nghị được giúp tôi không tính tiền. Cái gì trong anh thôi thúc anh giúp tôi? Bạn có thấy trớ trêu chăng? Tôi thấy trớ trêu và cũng thấy cái đẹp. Tôi hạnh phúc. Dĩ nhiên tôi và anh đã có những ngày lao động vui vẻ, nhiều tiếng cười sau đó.

Chuyện vẫn chưa hết. Một sớm, một đứa trẻ bốn tuổi, là cháu họ gọi tôi bằng bà, chạy loăng quăng chơi ở sân tưới nước cho mấy cây cà tôi vừa trồng, đột nhiên reo lên: “Bà Út bà Út, dòng sông hôm nay tươi mát quá!” Tôi dứt mạch suy nghĩ về tính trách nhiệm – điều đang làm tôi đau khổ, phân vân, đấu tranh – khi không biết nên ở hay đi, quay qua nhìn cháu tôi cười. Nó lại nhìn vào mắt tôi, hỏi, “Bà Út bà Út ai dọn sạch dòng sông vậy?” Nhìn vào mắt nó, tôi biết cháu đã biết câu trả lời, câu hỏi của nó chỉ để khẳng định điều mà nó đã quan sát thấy. Tôi cười, “Ừ, bà Út dọn, cả chú…nữa. Ừ, bữa nay nước lớn nè, dòng sông nhìn đẹp quá.” Nó tiếp tục, giọng biết lỗi thừa nhận thẳng thắn, “Con toàn ‘dzục’ rác xuống sông không đó!” “Ừ, tại con chưa biết làm vậy sẽ làm xấu dòng sông. Bà Út có mua một cái thùng rác để ở góc sân rồi, con có thể bỏ rác vô đó cho sạch gọn nè.” “Dạ.” Đứa trẻ bỏ tôi ngồi lại một mình, nó chạy vào nhà gọi cháu ruột của tôi ra sân. “Cô Hai, cô Hai, cô Hai có cái này đẹp lắm.” Chỉ tay xuống con rạch, nó hí hửng, “Dòng sông hôm nay tươi mát lắm.” Vừa lúc một bọc rác ai đó vứt xuống trôi ngang. Con bé thất vọng, xụ mặt, nhưng ngay lập túc nó níu tay cô Hai, liến thoáng, “Cô Hai cô Hai đi từng nhà nói với từng người đừng ‘dzục’ rác xuống sống nữa được không cô Hai? Con ở đây, con đứng ở đây, con chặn đường con nói với những người đi xe. Còn bà Út thì dọn.” Nước mắt tôi rơi cái độp. Tôi vừa được chứng kiến tình yêu, trách nhiệm, lòng biết ơn tự nhiên trong một đứa trẻ đối với cái đẹp mà nó yêu. Không một ai dạy đứa trẻ này nói những điều nó nói. Không ai dạy nó cảm nhận những điều nó đang cảm nhận. Không ai dạy nó lên kế hoạch bảo vệ con rạch. Không ai có thể bắt nó bỏ giờ chơi để ngồi canh chặn xe người qua lại hòng thuyết phục họ dừng lại hành động hủy hoại môi trường. Nó tự thân, bộc phát bởi trong nó có tình yêu vô điều kiện với điều nó yêu. Tôi sững sờ trong giây phút thánh thiện thiên thần đó.

Tôi nghĩ tôi sẽ khép lại bài viết ở đây. Câu hỏi chúng ta nên dạy trẻ lòng biết ơn hay trách nhiệm là một câu hỏi loại trừ và ngay trong sự loại trừ đó ta đã phạm sai lầm rồi. Vấn đề ở đây không phải ta cần nên dạy điều gì cho trẻ mà là làm thế nào để giữ gìn những thiên thần khỏi bị chúng ta làm cho hư hại.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Lâm Đồng: Người phụ nữ đầu độc bạn trai bằng xyanua rồi lao xe xuống đèo Bảo Lộc

Do mâu thuẫn tình cảm, Nguyễn Thị Thu Trang đã dùng xyanua để đầu độc…

1 giờ ago

Lâm Đồng: Hàng trăm tấn rác thải rắn đổ ập xuống vườn cà phê của người dân

Hàng trăm tấn rác thải của Nhà máy xử lý rác đã đổ ập xuống…

2 giờ ago

Tố cáo bệnh viện mua bán nội tạng sống, một thực tập sinh bất ngờ tử vong

Một sinh viên thực tập chết bất ngờ, nghi bị bức hại vì đã vạch…

4 giờ ago

Curcumin và sức khỏe thận: Lợi ích, rủi ro và những người nên tránh

Curcumin thường được sử dụng để phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính khác nhau. Nghiên…

4 giờ ago

Chuyên gia: 5 Sai lầm sức khoẻ phổ biến cần tránh sau tuổi 60

Nhiều thói quen sức khỏe được coi là bình thường, nhưng có thể không còn…

4 giờ ago

Tranh luận giữ hay giảm phí công đoàn: Mức đóng 2% là gánh nặng của doanh nghiệp

Phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội…

5 giờ ago