Văn Hóa

Góc tự học: Quan tâm (2)

Trong quá trình tư vấn, đa số trường hợp khổ đau mà mình gặp là nỗi khổ đau vì không được quan tâm hoặc bị từ chối sự quan tâm. Mình gặp, nói chuyện với những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng, người con, người yêu, người bạn, từ người lớn tuổi cho đến trẻ thơ. Họ đều gặp trục trặc trong mối quan hệ với một hoặc vài thành viên khác trong gia đình, hoặc trong mối quan hệ xã hội.

Mình cũng là một người từng gặp nhiều trục trặc trong các mối quan hệ từ gia đình cho đến xã hội. Không phải tất cả, nhưng khá đông người nhận xét rằng mình là người biết quan tâm người khác. Ấy thế nhưng, lúc này lúc nọ với người này người kia mình vẫn thấy mình làm cho họ khó chịu, tổn thương, họ buồn và nghĩ mình không dành đủ sự quan tâm cho họ. Có những lúc mình đã tận tâm tận lực nhưng người này người kia vẫn không cảm thấy đủ, đòi hơn. Có lúc mình nói, làm những điều mà mình nghĩ đó là quan tâm nhưng đối phương lại cảm thấy đó là không phải là quan tâm và trách mình hờ hững. Có lúc người này người nọ nói quan tâm mình nhưng hành động thì làm mình cảm thấy ngược lại.

Người ta nói quan tâm có mức độ, tùy theo tình cảm dành cho đối tượng đó. Nên có quan tâm ít, quan tâm nhiều.

Có người lại nói dành quan tâm cho điều này điều nọ, những điều quan trọng, thiết thực, ý nghĩa. Nghĩa là có điều họ không thể quan tâm, không muốn quan tâm. Vậy quan tâm là có lựa chọn, có giới hạn.

Có người nói quan tâm là phải hi sinh. Nhưng nếu người nhận thấy người quan tâm phải hi sinh cho họ thì họ lại mang mặc cảm tội lỗi. Vì không muốn nhận cảm giác tội lỗi nên họ không muốn được quan tâm.

Có người nói người này người kia chỉ quan tâm cái miệng nói mà không có hành động nên đối phương không thể cảm nhận. Có người nói họ chỉ thể hiện hành động quan tâm mà không nói, nên đối phương cũng khó cảm nhận và không hài lòng.

Có những bạn hoạt động xã hội thường xuyên viết bài kêu gọi người dân quan tâm các vấn đề chính trị xã hội, phân tích, chỉ trích, năn nỉ, chửi mắng xã hội vô cảm rồi quay lại kêu gọi, phân tích. Thắc mắc tại sao người dân lại chỉ quan tâm đến việc thụ hưởng trước mắt mà không quan tâm việc xã hội. Có những tổ chức, hội nhóm trách cứ người dân “chỉ biết cái máng” mà không quan tâm đến lý tưởng, tư tưởng, dân chủ, tự do.

Quan sát thực tế cuộc sống, trong mối quan hệ giữa người với người, thường thấy những người đau khổ vì luôn cảm thấy không hoặc ít được quan tâm. Những nỗi đau khổ do không được quan tâm hoặc bị từ chối sự quan tâm hoặc thậm chí là bị quan tâm là những nỗi khổ thường nhật mà đa số con người gặp phải từ gia đình đến xã hội. Xã hội vẫn đầy rẫy những cảnh khổ đau do không mấy người quan tâm kiến tạo, phục dựng.

Chúng ta có rất nhiều bài viết của các chuyên gia tâm lý, nhà tư tưởng nói về quan tâm, hướng dẫn cách quan tâm trong mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ, đồng nghiệp, xã hội. Thế nhưng tình trạng vẫn không có gì thay đổi.

Là một người từng tham gia khá nhiều các hoạt động xã hội, phản biện, đấu tranh cho dân chủ, tự do bằng những hoạt động cụ thể lẫn lý thuyết, tôi đã từng có nhiều bài viết phân tích tình hình chính trị, xã hội, tâm lý đám đông, tâm lý con người, định nghĩa lại các khái niệm bị hiểu sai, kêu gọi, giải thích,… đủ hết, trong nhiều năm ròng rã. Thế nhưng, nói trắng ra là chẳng có một tác dụng gì.

Tôi đã từng ngơ ngác không hiểu nổi tại sao nhà cháy nhưng không mấy ai xách nước dập lửa mà lại ngồi bàn lửa cháy ra sao, ai đốt, đốt thế nào, thằng đốt tóc vàng hay đen, nó lùn hay mập… Tôi đã từng kêu gào rất nhiều. Có phẫn nộ. Có buồn bã. Có chán nản. Có trăn trở. Có đau khổ. Nghĩa là có phán xét, dù tôi rất không thích phán xét và luôn cố tránh. Cho đến khi tất cả những điều này lắng lại, bình tâm quan sát lắng nghe, tôi thấy những hiện tượng mà mình thấy là những biểu hiện của những đau khổ bên trong con người.

Trong bài trước tôi đã nói, thật khó lòng cho một người để thừa nhận, chấp nhận rằng mình không được quan tâm và không hề quan tâm ai hay bất cứ cái gì.

Làm sao một người có thể chấp nhận được rằng mình không được ba mẹ, vợ chồng, người yêu, anh em bạn bè, hay ít ra là một ai đó thương yêu? Con người luôn muốn được thương yêu, dù người đó có tệ đến đâu chăng nữa cũng vẫn mong có được ai đó, dù chỉ một người, thương lấy mình, chấp nhận mình. Nếu phát hiện ra rằng tất cả những điều mà lâu nay mình tưởng là yêu thương, quan tâm được nhận từ người khác đều chỉ là những toan tính, kiểm soát, quản lý của họ thì đau đớn biết mấy. Cảm giác bị bỏ rơi.

Làm sao một người có thể chấp nhận được rằng mình không hề yêu thương, quan tâm đến bất cứ ai, bất cứ điều gì? Kể cả khi không cảm nhận được tình thương yêu, quan tâm từ người khác, cho là số khổ và chấp nhận, thì sâu thẳm trong mỗi người đều muốn trao yêu thương, quan tâm ai đó, một cái gì đó. Để không thấy mình vô cảm, để thấy mình Người. Làm sao chấp nhận được rằng mình đã nhầm lẫn, nhân danh tình yêu thương, quan tâm để can thiệp, kiểm soát, quản lý người khác, gây đau khổ cho họ – người mà mình muốn yêu thương, quan tâm nhất?

Chúng ta không muốn thừa nhận. Bị lừa dối bản thân quá lâu, quá sâu dày đến mức không còn nhìn ra được đâu là can thiệp, kiểm soát, quản lý và đâu là quan tâm. Chúng ta can thiệp, kiểm soát, quản lý mọi người, mọi việc, mọi vật nhưng chúng ta lại gọi đó là quan tâm. Chúng ta không thực sự quan tâm đến bản thân, đến vợ chồng, con cháu, cha mẹ, ông bà, hàng xóm, bạn bè, cộng đồng, xã hội, sinh loài. Chúng ta chỉ lợi dụng bản thân, vợ chồng, con cháu, cha mẹ, ông bà, hàng xóm, bạn bè, cộng đồng, sinh loài, xã hội để phục vụ cho mục đích thể hiện mong muốn, ý kiến, quan điểm của bản thân. Hầu hết chúng ta không biết quan tâm là gì.

Nhìn xã hội bạo lực từ đường phố cho đến mạng xã hội bằng rất nhiều hình thức: bạo lực thể chất, bạo lực ngôn từ, người với người dễ dàng đánh đập nhau, người với người càng dễ dàng buông lời sỉ nhục thóa mạ hoặc sát thương nhau khi chỉ xảy ra một xung đột nhỏ hoặc trái ý, không hài lòng. Người với người thường xuyên thao túng tâm lý nhau, người với người thường xuyên nhân danh yêu thương, nhân danh những điều tốt đẹp, lý tưởng, tư tưởng… để kiểm soát, áp đặt nhau theo mọi cấp độ. Nguyên nhân là vì chúng ta không biết quan tâm nhau, hay có thể nói cách khác là không thương nhau.

Một người chỉ có thể trao đi những gì mà họ có.

Anh mang trong lòng sự thù hận thì cho dù miệng anh nói yêu thương và muốn trao yêu thương nhưng anh chỉ có thể trao đi sự căm tức, giận dữ trong câu từ, thái độ, hành vi.

Chị mang trong lòng nỗi lo lắng thì cho dù miệng nói yêu thương, quan tâm và muốn trao yêu thương, quan tâm đến người khác thì chị chỉ có thể trao nỗi lo lắng thông qua lời nói và hành động kiểm soát quản lý.

Cậu mang trong lòng sự đố kỵ ghen ghét thì cho dù miệng cậu nói yêu thương, quan tâm nhưng cậu chỉ có thể trao đi sự đố kỵ, ghen ghét bởi những câu từ, thái độ phán xét, chỉ trích, chê bai, hằn học.

Tâm trạng bên trong như thế nào thì một người phóng chiếu ra ngoài y vậy.

Chúng ta thường vận dụng lời nói để che đậy tâm trạng thật bên trong. Nhưng chúng ta không thể che đậy toàn bộ. Ánh mắt, khóe mắt, khóe miệng, những cử động nhỏ trên mặt, khí sắc, âm vực, ngữ điệu, cách nhấn nhá trong câu, dáng ngồi, tướng đi, cử động toàn thân, ngôn ngữ hình thể, trường đều lần lượt phản ánh trung thực tâm trạng, những điều mang chứa bên trong một người. Cho dù có học kịch nghệ, có giỏi đến đâu thì vẫn không thể che đậy được trước sự quan sát, lắng nghe, cảm nhận của người khác. Chúng ta chỉ tự dối mình được thôi, trong một thời điểm nhất định.

Chúng ta phát triển thành những sinh vật sống cộng đồng, luôn tương tác cộng hưởng với người, đối tượng khác, thấy được và cả không thấy được bằng mắt. Khi nhận thấy có sự trục trặc trong các mối quan hệ giữa ta và người khác, giữa ta và cộng đồng, môi trường, đối tượng khác, thì đó là lúc cần suy ngẫm lại về bản thân xem cái gì, tâm trạng nào đang vận hành trong ta. Cần nhìn lại lời nói, thái độ, hành vi của bản thân xem ta đã và đang trao đi cái gì.

Em nói: “Mẹ em buồn, trách tụi em một chuyện. Em bình tĩnh lắng nghe mẹ nói hết, không chen vào khi mẹ đang nói. Khi mẹ nói xong, em thừa nhận nỗi buồn của mẹ, công nhận cảm xúc của mẹ. Rồi em giải thích tại sao em hứa với mẹ nhưng chưa thực hiện được, đưa ra giải pháp để thực hiện. Mẹ nhẹ lòng ra. Em thấy, trước đây, cũng trường hợp tương tự, thì em đã chen vô khi mẹ đang nói để nói lên ý kiến của em. Em không công nhận nỗi buồn của mẹ mà sẽ nói là tại sao mẹ không hiểu cho nỗi khổ của con. Em căng thẳng, bực bội lắm. Rồi em sẽ đi nói với em của em, kể lể với nó hoặc ai đó về nỗi bực bội của em. Câu chuyện cứ tiếp diễn, sự khó chịu tồn tại rất lâu trong em mà việc thì không thể giải quyết. Em thấy thái độ, lời nói của em bây giờ khác trước. Sau khi nói chuyện với mẹ xong, mẹ không còn ôm nỗi buồn vì không được thừa nhận cảm xúc, mẹ vui, em rất vui sướng chị ơi. Cảm giác rất nhẹ.”

Đây là một trong rất nhiều câu chuyện của những người bạn mà mình được may mắn nghe kể.

Một người không thể quan tâm, yêu thương bất cứ ai, bất cứ điều gì khi trong tâm trí vẫn còn đang nhầm lẫn.

Không thể đòi hỏi một người, một gia đình, một cộng đồng phải biết quan tâm nhau, quan tâm đến những vấn đề cấp bách cần giải quyết của xã hội khi trong họ vẫn chất chứa những nội kết chưa được giải tỏa, những bối rối nhầm lẫn chưa được nhìn thấy và thừa nhận, công nhận.

Hô hào kêu gọi hãy can đảm, hãy thẳng thắn, hãy trung thực với bản thân, với mọi người là điều ai cũng hô hào kêu gọi được. Nhưng để làm được thì ngay bây giờ, tại đây, tự mình phải thực hiện trước. Tự nhìn lại bản thân và thừa nhận, công nhận trạng thái mà mình đang là, bất kể đó là trạng thái, tâm trạng nào. Từ trạng thái, tâm trạng đó, nhận biết lời nói, thái độ, hành vi của bản thân trong quá trình tương tác. Vậy thì mới chấm dứt được những lẫn lộn. Khi nhận diện được rõ ràng thì mới biết quan tâm, yêu thương một cách tự nhiên như vốn là vậy.

Quan tâm, yêu thương vốn dĩ không có giới hạn đối tượng, mức độ, không lằn mé, không phân biệt. Nếu có giới hạn, mức độ, phân biệt thì đó là lúc cần nhìn lại bản thân.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

1 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

2 giờ ago

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

3 giờ ago

Các nhóm nhân quyền phương Tây chỉ trích ông Biden về mìn sát thương ở Ukraine

Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…

4 giờ ago

Tổng thống Nicaragua Ortega tìm cách mở rộng quyền lực của tổng thống

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…

4 giờ ago

Xây dựng nền tảng từ khi còn trẻ để có tuổi già viên mãn

Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…

4 giờ ago