Văn Hóa

Hai ông cháu làm quan đến Tể tướng thời Lê

Kim Sơn là ngôi làng ven biển, nằm ở phía nam của tỉnh Ninh Bình. Theo Thần phả của làng thì vào thời nhà Đinh, làng Kim Sơn là thực ấp của anh em Cao Điền và Cao Đô, có công giúp Vua dẹp loạn 12 Sứ quân. Làng có địa thế hổ chầu, rồng uốn khúc, mạch nước dồi dào. Người làng Kim Sơn cũng tự hào là nơi xuất sinh 2 vị Tể tướng là ông cháu giúp dân giúp nước vào thời nhà Lê.

(Ảnh minh họa: Anna Levan, Shutterstock)

Tể tướng Nguyễn Mậu Tài

Người đỗ khai khoa cho làng là ông Nguyễn Mậu Tài. Dù xuất thân trong gia đình nghèo, nhưng ông nỗ lực vượt khó, tìm thầy giỏi theo học.

Đến khoa thi năm 1646 thời vua Lê Chân Tông, ông đỗ tiến sĩ và làm quan trải qua các chức vụ khác nhau: Giám sát Ngự sử Hải Dương, Tham chính sứ Sơn Nam, Đốc đồng Sơn Tây, Hữu Thị lang bộ Hộ, Bồi tụng.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép lại rằng Nguyễn Mậu Tài làm quan 40 năm, giữ các chức vụ quan trọng nhưng vẫn thanh khiết giản dị như kẻ hàn sĩ.

Sau đó Nguyễn Mậu Tài vào phủ Chúa giữ chức Tham tụng (tương đương Tể tướng), Phan Huy Chú có ghi chép lại là: “Người thời đó khen ông không có lầm lỗi”.

Khi có tuổi, Nguyễn Mậu Tài muốn nghỉ hưu, chúa Trịnh Căn ban cho ông 5 chữ “Kỳ cựu trấn nhã tục” nghĩa là “tuổi già làm quan lâu, làm gương cho người nhã, kẻ tục” và cố giữ ông lại không cho về.

Đến năm 1688, Nguyễn Mậu Tài đã 73 tuổi muốn nghỉ, nhưng ông chưa kịp về nhà thì mất, Triều đình ban tặng cho ông hàm Thiếu bảo.

Tể tướng Nguyễn Khiêm Ích

Nguyễn Mậu Tài có người cháu nội là Nguyễn Khiêm Ích. Từ nhỏ Nguyễn Khiêm ích ở với ông nội của mình, nhưng năm lên 10 tuổi thì ông nội mất, được người cô ruột nuôi nấng. Chồng của người cô là Hoàng giáp Phạm Công Thiện đổi tên ông từ họ Nguyễn sang họ Phạm, tên là Phạm Khiêm Ích. Tuy nhiên gia phả dòng họ vẫn ghi Nguyễn Khiêm Ích là cháu trực hệ của Nguyễn Mậu Tài.

Khoa thi năm 1710 thời vua Lê Dụ Tông, Phạm Khiêm Ích dự kỳ thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên. Đến kỳ thi Hội, Phạm Khiêm Ích nằm trong số 21 người vượt qua tứ trường để vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Đến kỳ thi Đình, Phạm Khiêm Ích xuất sắc đỗ đầu. Do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn, nên ông đỗ Đình nguyên Thám hoa.

Thi đỗ, Phạm Khiêm Ích làm quan trải qua các chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, rồi Hữu thị lang bộ Lại, tước Thuật Phương hầu, rồi vào phủ chúa Trịnh làm Bồi tụng.

Tháng 12/1722, vua Ung Chính nhà Thanh lên ngôi. Năm 1723, Phạm Khiêm Ích dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh mừng Vua mới. Đoàn Đại Việt dâng lên 3 bài thơ chúc mừng được Vua khen hay và được vào yết kiến ở điện Càn Thanh.

Vua Ung Chính hỏi Phạm Khiêm Ích về bài thơ, ông bình thơ, lấy dẫn chứng khiến vua quan nhà Thanh đều khen hay. Sách “Lịch triều tạp ký” có ghi chép lại rằng: “Sứ đoàn tỏ rõ nước Nam là nước văn hiến có danh tiếng, được Bắc triều coi trọng”.

Năm 1728, vua Lê Dụ Tông đặc cách ra kỳ thi Đông Các dành cho các quan tam phẩm trở xuống mà đã đỗ đại khoa. Ân điển cho người đỗ khoa thi Đông Các hơn các khoa thi tiến sĩ thông thường.

Phạm Khiêm Ích tham dự và làm bài “Đại hữu miên ca” (Năm được mùa to), bài thi này được chấm đỗ đầu.

Theo điển lệ thời Lê Trung Hưng, người đỗ đầu kỳ thi Đông Các được vinh quy bái tổ về làng, cả Tổng phải đến phục dịch, dân làng đón rước, phải có ít nhất 50 người đến hàng trăm người đi theo rước kiệu cho cả tân khoa cùng bố, mẹ, vợ của tân khoa. Làng tổ chức lễ vinh quy phải chuẩn bị cả Câu đối, trướng, lễ. Ngoài ra còn rất nhiều lệ khác nữa.

Phạm Khiêm Ích thương dân chúng, liền miễn cho dân rất nhiêu lệ khi vinh quy bái tổ.

Sau khi đỗ khoa Đông Các, Phạm Khiêm Ích được giữ chức Đông các Đại học sĩ. Đến năm 1732 thì giữ chức Tham tụng (tương đương tể tướng).

Làm quan vì dân, Phạm Khiêm Ích đã làm rất nhiều việc cho dân chúng. Năm 1736, ông dâng bài “Thẩm tự nhất lãm” nhằm can ngăn chúa Trịnh xây dựng nhiều hành cung làm khổ dân. Nhưng ít lâu sau ông bị gièm pha, chúa Trịnh cử ông làm Thượng thư bộ Lại, sau thì làm Đốc phủ ở Thanh Hóa.

Đến năm 1740, Phạm Khiêm Ích mất tại Thanh Hóa thọ 62 tuổi, được truy tặng chức Đại tư không, Vua ban cho thụy là Thuần Đạo. Ông được dân chúng phong làm Phúc thần của làng Bảo Triện, huyện Gia Định, Kinh Bắc (quê cha nuôi của ông, nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh).

Phan Huy Chú đánh giá về Phạm Khiêm Ích trong “Lịch triều hiến chương loại chí” rằng:

“Văn chương đức hạnh của ông làm khuôn phép cho thời bấy giờ. Khi đi sứ Yên Kinh ông làm cho quốc thể thêm long trọng. Người ta ví ông như Phùng Khắc Khoan. Lúc ông cầm quyền chỉ chuộng khoan thứ rộng rãi. Về già, ông bị bọn tiểu nhân gièm pha, không thi thố hết được sở năng, trong triều ngoài nội đều tiếc.”

Theo “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, sau khi nhà Lê mất, nhiều vị không còn được dân tiếp tục cúng tế nữa. Nhưng dân chúng vẫn không quên cúng tế đối với Phạm Khiêm Ích, nhất là vào ngày giỗ của ông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

3 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

6 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

7 giờ ago