Sinh cùng thời, mang cùng tên nhưng khác họ, phục vụ cho hai bên đối kháng nhau Bắc Triều và Nam triều, nhưng cả hai đều đỗ khoa bảng, đều tài năng đức độ, được phong Phúc Thần và là tấm gương cho đời sau.
Nguyễn Bạt Tụy sinh năm 1485 ở xã Phá Lãng, huyện Thiện Tài (nay thuộc thôn Bùi, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Đây là nơi có tiếng về khoa bảng.
Bạt Tụy từ bé đã thông minh, khoa thi năm 1508 thời vua Lê Uy Mục, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bạt Tụy đỗ cao thứ 4, tức chỉ xếp ngay sau Tam khôi, vì thế mà rất tiếc, quyết định không nhận quan chức mà chuẩn bị cho khoa thi tới.
Lịch sử khoa bảng ghi nhận có 6 người dù thi đỗ đại khoa, nhưng khoa thi tới lại thi tiếp vì muốn đỗ cao hơn vào hàng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Dù để lại tấm gương hiếu học, nhưng việc thi lại không phải ai cũng được đỗ đạt như ý. Nguyễn Bạt Tụy cũng vậy, khoa thi năm 1511 ông lại đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nhưng xếp hạng thứ 18.
Nguyễn Bạt Tụy làm quan trải qua hai Triều nhà Lê và nhà Mạc, làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, Thiếu sư, tước Lương Quận công, được triều đình hai lần cử đi sứ nhà Minh, được xếp vào hạng Đồng đức công thần. Sau khi mất ông được dân chúng thờ làm Thành Hoàng của làng.
Cũng vào thời kỳ này ở làng Bùi Ngoã (nay là xã Hưng Trung, huyện Hương Nguyên, tỉnh Nghệ An) có ông Đinh Văn Hùng là người hiền lành, đức độ. Dù có học nhưng ông không đi thi mà góp công xây dựng làng xã, động viên dân chúng tu bổ đê điều, ngăn nước mặn, làm cống tiêu úng, xây dựng đường làng.
Vợ ông là Hoàng Thị Bào có tiếng khoan dung, thương yêu giúp đỡ dân chúng, dân chúng tôn kính gọi là Phu nhân. Năm 1516 hai vợ chồng sinh được người con trai đặt tên là Đinh Bạt Tụy (tức cùng tên khác họ với Nguyển Bạt Tụy).
Từ bé Đinh Bạt Tụy rất chăm chỉ và học giỏi. Năm Bạt Tụy 13 tuổi thì cha mẹ cùng qua đời, không còn nơi nương tựa, phải bỏ học làm thuê kiếm sống, thầy đồ trong làng thương tình đem về nuôi.
Nhưng do nghèo khó chỉ học mỗi thầy làng, nên đến năm 1543 khi 27 tuổi, Bạt Tụy mới đỗ Hương Cống, được ra Thăng Long theo học trường Quốc Tử Giám.
Lúc này đất nước có nhiều biến động, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc, Nguyễn Kim tập hợp lực lựợng nhà Lê ở phương nam, hình thành nên thời kỳ Nam – Bắc triều. Đinh Bạt Tụy theo nhà Lê nên trở về quê nhà ở Nghệ An.
Năm 1554, nhà Lê mở “Chế khoa” tức khoa thi không theo tuần tự thông thường vì biến động chiến tranh. Đinh Bạt Tụy dự thi và đỗ đầu tức Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh, xứng danh Trạng nguyên, nhưng vì đây là “Chế khoa” không theo lệ thông thường nên Triều đình không lấy ngôi Trạng nguyên.
Bạt Tụy được phong lam Hàn Lâm viện hiệu lý. Năm 1562, ông được giao thêm chức Đông các hiệu thư.
Lúc này Bắc triều của nhà Mạc mạnh hơn rất nhiều, từ năm 1570 đến 1583 nhà Mạc 13 lần tấn công vào Thanh Hóa – Nghệ An. Bạt Tụy xin được cầm quân chống giặc, Triều đình cử ông cầm quân ở Nghệ An. Ông nhiều lần lập công lớn đánh lui quân nhà Mạc.
Năm 1576 quân Mạc tái chiếm Nghệ An, tiến đánh Nam Đường (Nam Đàn ngày nay). Thấy quân Mạc đông nên Định Bạt Tụy án binh bất động nghe ngóng quân Mạc, nhưng Thái phó Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (Trịnh Mô) không nghe theo liền giáp đánh, kết quả Trịnh Mô bị bắt, sau đó tướng Phan Công Tích tử trận.
Trước tình thế đó Bạt Tụy không vội vàng mà bày mưu nhử quân Mạc rồi từng bước đánh bật quân Mạc ra khỏi Nam Đường.
Đến năm 1588, dù Bạt Tụy đã lớn tuổi nhưng Triều đình giao cho ông chức Binh bộ Thượng thư, chỉ huy toàn bộ quân Nam triều.
Đến năm 1589 khi cùng quân Nam triều tiến quân ra bắc, Đinh Bạt Tụy lâm trọng bệnh rồi mất, thọ 74 tuổi, được phong làm Thượng đẳng phúc thần Đại vương.
Ngoài việc Triều chính, Đinh Bạt Tụy cũng lo lắng cho dân chúng, để giúp dân chống thiên tai mất mùa. Ông nghĩ ra việc vừa đắp đập, vừa chống ứng chống hạn. Ông cho dân làng Bùi Ngõa đắp đập Cừ và đập Tùng Xang ngăn nước mặn cho dân cày cấy. Hai con đập đó vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Sau khi ông mất Triều đình cho xây dựng đền thờ, cấp ruộng hương hỏa tại bản quán làng Bùi Ngõa.
Các con ông cũng đều đỗ đạt, con trai trưởng Đinh Bạt Tuấn đỗ cử nhân, làm Hiến sát sứ Hải Dương, con trai thứ là Đinh Bạt Sĩ cầm quân đánh giặc lập nhiều công to, được Vua ban cho Quang Tiến Thận lộc đại phu, Đại lý Tự thiếu khanh văn vinh tử tá trị khanh trung giai.
Hai nhà khoa bảng cùng tên, Nguyễn Bạt Tụy ở Bắc Ninh và Đinh Bạt Tụy ở Nghệ An, đều thể hiện được tài năng đức độ, khi mất đều được phong làm Phúc Thần, trở thành tấm gương sáng cho đời sau.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…