Dòng họ khoa bảng làng Triều Khúc
- Trần Hưng
- •
Làng cổ Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì – Hà Nội) có tên Nôm là Kẻ Đơ, nổi tiếng với nghề làm nón quai thao, tơ lụa, cũng là nơi có tiếng là đất học.
Xưa làng Triều Khúc có tên là Trang Khúc Giang, nằm giữa hai con sông là sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Các cuộc khảo cổ của các nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng, Hà Hùng Tiến và Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kết luận rằng: “Hơn 4000 năm trước Triều Khúc đã có người Việt cổ sinh sống”
Đến thế kỷ 8 khi nghĩa quân Phùng Hưng đến Triều Khúc lập doanh trại, từ đó làng đông dần qua các thế hệ, trở thành vùng đất có phong tục đặc trưng và hiếu học.
Theo gia phả và tư liệu của các dòng họ, thời nhà Lê dòng họ Nguyễn Huy có 2 người đỗ Hiếu liêm được bổ làm Tri huyện; họ Bùi có 3 người đỗ cao, làm đến Tri phủ, phong tước là Thập Lý hầu
Vào cuối thời nhà Trần có ông Nguyễn Tướng Công người làng Đồng Dương (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) chuyển đến lập nghiệp ở làng Triều Khúc.
Họ Nguyễn ở đây nổi danh bởi 3 đời đỗ đạt liên tiếp, đời thứ tư có Nguyễn Trung thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1472 thời Hồng Đức. Năm 1483, Nguyễn Trung được cử đi sứ nhà Minh. Năm 1508 ông được bổ nhiệm làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Sau ông lại thăng đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhập thị Kinh diên, kiêm trưởng Hàn lâm viện sự.
Con trai Nguyễn Trung là Nguyễn Nghiễm năm 22 tuổi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1493 thời Hồng Đức. Ông giữ chức Lễ bộ thị lang, sau thăng làm Thừa tướng.
Con trai Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Gia Du đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1505 khi còn rất trẻ, được xem là thiếu niên đăng khoa, làm quan đến Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Nhưng thấy nhà Lê đã đến lúc mạt, ông liền từ quan, đi rong ruổi dạy học và bốc thuốc cứu người.
Khi đến bốc thuốc ở làng Kim Bí, huyện Tiên Phong, phủ Thanh Oai (nay là huyện Ba Vì), thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, con người hiền hòa nhân hậu, ông quyết định ở lại nơi đây dạy học và bốc thuốc cho dân chúng. Ông có nhiều học trò đỗ đạt thành danh.
Sau khi ông mất dân làng Kim Bí đã dựng ngôi đình Đoài để thờ phụng nơi chính điện và suy tôn Nguyễn Gia Du làm Thành hoàng làng.
Ở quê ông làng Triều Khúc, dân chúng xem ông là vị quan thanh liêm đức độ lại hiền lành, dân chúng thờ ông trong đình làng với dòng chữ “Chư bộ văn ban Nguyễn Tiến sĩ vị tiền”.
Dòng họ Nguyễn Gia có 3 đời liên tiếp ông, cha, con làm quan đồng triều “trực hệ đồng triều” được xem là hiếm có.
Vì có tiếng về đất học nên Triều Khúc được xem là nơi “danh khoa thế mỹ”.
“Nguyễn Gia phả ký” có ghi chép lại 12 vị đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua các Triều đại cho đến tận thời thuộc Pháp. Từ đường của dòng họ nổi bật với câu đối:
Báo quốc kiên trung hiển thanh danh
Tề gia nhân đức lưu sự nghiệp
Ngày nay dòng họ Nguyễn Gia vẫn kế tục truyền thống hiếu học của cha ông, lập quỹ khuyến học để động viên các học sinh có thành tích và giúp đỡ những học sinh còn nghèo khó.
Hàng nằm vào ngày 13/8 tại từ đường dòng họ là dịp công bố thành tích học tập của con cháu, đồng thời cũng trao phần thưởng nhằm động viên khuyến khích con cháu trong dòng họ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng dòng họ khoa bảng