“Kế hoạch vàng” giúp Đức đánh chiếm Pháp chỉ trong 6 tuần (P4)

Quân Đức cho quân tấn công các vị trí ở eo biển Manche, dọc theo cảng biển nhằm tiêu diệt quân đồng minh tại đây. Nếu mất các cảng biển, quân đồng minh sẽ không còn đường nào chạy thoát. Cuộc tấn công này kết thúc bằng “Cuộc di tản Dunkirk” lịch sử.

Mệnh lệnh kỳ lạ giúp quân đồng minh chạy thoát

Ngày 23/5, quân Đức tấn công Boulogne, máy bay quân Anh phải ngăn máy bay Đức không cho tấn công các tàu thuyền nhằm sơ tán hơn 4.000 người Anh ở đây. Đến ngày 25/5, quân Anh đồn trú ở đây phải đầu hàng.

Chiếm được Boulogne, quân Đức tiếp tục theo bờ biển tiến đánh Calais vào ngày 24/5. Quân Anh cho thêm quân đến đây tăng cường phòng thủ khu cảng biển. Đến ngày 26/5, quân Pháp ở đây đầu hàng với ly do đã bắn hết đạn. Bất chấp việc quân Pháp đầu hàng, quân Anh vẫn tiếp tục chiến đầu đến tận sáng ngày 27/5 thì buộc phải rút đi.

Lúc này tình thế quân đồng minh thật bi đát, trong 3 cảng biển thì chỉ còn cảng Dunkirk là còn giữ được, đây cũng là cảng biển duy nhất giúp quân đồng minh trốn thoát khỏi bị tiêu diệt trong vòng vây quân Đức.

Quân đồng minh tập trung ở bãi biển Dunkirk. (Ảnh trong phim “Cuộc di tản Dunkirk”)

Lúc này 400.000 quân đồng minh tập trung đến cảng Dunkirk, thế nhưng 800.000 quân Đúc cùng hàng nghìn thiết giáp đang tiến gấp đến đây. Hàng trăm máy bay Đức cũng liên tục không kích cảng biển.

Tình hình gấp rút, các quan chức tại Anh yêu cầu trong tuyệt vọng, muốn di tản nhiều người nhất có thể. Thế nhưng với số lượng tàu thuyền của họ thì trong 2 ngày chỉ có thể cứu được 45.000 người, đây là con số quá nhỏ bé so với 800.000 người.

Ngày 24/5, quân Đức chỉ còn cách Dunkirk 48 km, dự định sáng sớm hôm sau (25/5) sẽ đến và tiến đánh Dunkirk. Số phận 400.000 quân đồng minh như chỉ mành treo chuông.

Những người may mắn được cứu. (Ảnh trong phim “cuộc di tản Dunkirk”)

Đúng lúc này hàng ngũ tướng lĩnh Đức có những bất đồng. Có ý kiến cho rằng quân đồng minh đã bị mắc kẹt, sau một thời gian tiến quân chớp nhoáng giờ là lúc quân Đức nên “tạm ngừng và siết chặt hàng ngũ” (Theo “Hitler as military commander”, John Strawson); thế nhưng cũng có ý kiến nêu cần tấn công ngay vào Dunkirk.

Hitler hết nghe rằng không quân Đức có thể một mình ngăn chặn cuộc sơ tán tại Dunkirk, rồi lại nghe rằng thiết giáp hoạt động nhanh và quá nhiều nên cần bảo trì. (Theo “Lựa chọn định mệnh: Mười quyết định thay đổi thế giới”, Lan Kershaw).

Tối ngày 24/5, Hitler đã ra lệnh ngừng tấn công, các xe tăng không được di chuyển dù một bước.

Mệnh lệnh sai lầm của Hitler dẫn đến sự trì hoãn tiến quân (từ tối ngày 24 đến ngày 27/5). Nó đã cứu quân đồng minh khỏi bị tiêu diệt, giúp quân đồng minh thiết lập tuyến phòng thủ ở Dunkirk, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giải cứu.

Dunkirk: Cuộc di tản lớn nhất lịch sử chiến tranh

Năng lực quân đồng minh có hạn, trong ngày đầu tiên (27/5), chỉ có 7.669 người được cứu về Anh an toàn. Cuộc sơ tán người diễn ra trong bối cảnh máy bay Đức liên tục oanh tạc, trọng pháo bắn liên tục, quân Đức cũng thả truyền đơn kêu gọi đầu hàng.

Trong khi đó ở mặt trận phía bắc trên đất Bỉ, Cụm quân B của Đức liên tiếp tấn công quân Bỉ và Anh ở đây. Quân đồng minh dần dần đánh mất các vị trí của mình vào tay quân Đức.

Dù khoảng cách từ cảng Dunkirk (Pháp) đến Dover (Anh) chỉ mấy chục dặm ngắn ngủi, nhưng cuộc giải cứu lại không hề dễ dàng. (Ảnh: NormanEinstein, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đến ngày 28/5, Bỉ chính thức đầu hàng quân Đức, điều này khiến tình hình quân đồng minh ở Dunkirk càng thêm tồi tệ, bởi cả Cụm quân A và Cụm quân B của Đức đều hướng đến đây, thời gian ít ỏi khiến áp lực di tản quân đội nơi đây càng tăng thêm.

Chính phủ Anh đã kêu gọi sự giúp đỡ của dân chúng. Lập tức hàng trăm chiếc tàu cùng thuyền của dân chúng đều hướng đến Dunkirk tham gia giải cứu quân đồng minh.

Lúc này sư đoàn thiết giáp số 4, 5, 7 cùng 4 sư đoàn bộ binh của Cụm Tập đoàn quân A đã bao vây 5 sư đoàn thuộc Tập đoàn quân số 1 Pháp ở gần Lille. Quân Pháp cố phòng thủ nơi đây để ngăn quân Đức đưa thêm quân đến Dunkirk.

Trong khi đó trên đất Bỉ, dù quân Bỉ đã đầu hàng, quân Anh vẫn cố ngăn quân Đức đến Dunkirk. Nhưng trước sức tấn công của Cụm quân B, quân Anh chỉ cố gắng làm chậm đà tiến của quân Đức rồi rút về Dunkirk vào ngày 31/5.

Lúc này việc di tản vẫn diễn ra khẩn trương, với sự tham gia của 400 tàu dân sự, đến ngày 31/5 đã có 180.000 quân đồng minh được giải cứu trở về Anh an toàn.

Ghe thuyền của dân thường góp công lớn giải cứu quân Anh. (Ảnh: Frank Capra, Wikipedia, Public Domain)

Quân Đức ngày càng đến gần Dunkirk hơn thì trọng pháo bắn vào Dunkirk cũng càng mãnh liệt hơn. Đến ngày 3/6 thì quân Đức chỉ còn cách Dunkirk 3 km. Đây cũng là ngày cuối cùng trpng cuộc di tản lịch sử của quân Anh, có hơn 300.000 quân đông minh được cứu trong đó toàn bộ quân Anh được cứu hết.

Tuy nhiên Thủ tướng Anh Churchill nhất quyết yêu cầu hải quân Anh phải quay lại cứu tiếp quân Pháp nhiều nhất có thể, vì thế mà hải quân Anh vẫn cố đến Dunkirk lần cuối cùng vào ngày 4/6 và họ cứu thêm được 26.000 lính Pháp.

Có 338.226 quân đồng minh (chủ yếu là Anh) được giải cứu, nhiều người trong số đó phải bỏ lại cả vũ khí, quần áo, giày dép dưới làn đạn pháo và bom của quân Đức.

Đây được xem là kỳ tích của quân đồng minh, là cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử chiến tranh, thành công vượt kế hoạch. Khoảng 80.000 quân không được cứu kịp và phải ở lại Dunkirk.

Trong số những người không được cứu có khoảng 40.000 quân Pháp chặn quân Đức. Họ đã dũng cảm ở lại chặn hậu nhằm đảm bảo cho những người khác được cứu. Họ đều bị bắt làm tù binh.

Kết quả cuối cùng của cuộc di tản Dunkirk

89 tàu buôn tham gia giải cứu bị đánh chìm; hải quân Anh có 6 tàu khu trục bị đánh chìm, 23 tàu khu trục bị hư hỏng nặng; hải quân Pháp có 2 tàu lớn bị đánh chìm.

Ngày 4/6 khi quân Đức đến cảng Dunkirk, quân đồng minh đã bỏ lại 880 khẩu pháo dã chiến, 310 pháo nòng cỡ lớn, khoảng 500 súng phòng không và 850 súng chống tăng, 11.000 súng máy, gần 700 xe tăng, 20.000 mô tô và 45.000 ô tô cùng xe tải, cùng một lượng khổng lồ đạn dược, số lượng quân trang có thể trang bị cho 8 đến 10 sư đoàn.

Giải cứu Dunkirk: Cuộc đại di tản với quy mô lớn nhất lịch sử chiến tranh thế giới. (Ảnh trong phim “Cuộc di tản Dunkirk”)
Rất nhiều khí tài quân sự quân đồng minh bỏ lại trên bờ biển Dunkirk. (Ảnh trong phim “cuộc di tản Dunkirk”)

Sau này các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng nếu cuộc giải cứu Dunkirk không thành, toàn bộ quân Anh trên đất Pháp bị tử trận hoặc bị bắt, lúc dó quân Anh sẽ rất yếu. Nếu Đức tấn công Anh thì nhiều khả năng chính phủ Anh buộc phải đầu hàng, Đức sẽ rảnh tay tập trung đánh đối thủ duy nhất còn lại ở châu Âu là Liên xô, và lịch sử sẽ đi theo một chiều hướng khác có lợi cho quân Đức.

Sau này khi lịch sử qua đi, người ta mới thấy rõ hơn quyết định sai lầm của Hitler. Đến năm 1945, Hitler mới giải thích hành động của mình giúp quân viễn chinh Anh chạy thoát là “thượng võ”. Tuy nhiên các nhà sử học không đồng tình cách giải thích này, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc lý giải lý do thực sự khiến Hitler ra lệnh ngừng tiến quân.

Cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Dunkirk đã được chuyển thể thành phim, bộ phim “Cuộc di tản Dunkirk” được hoàn thành và ra mắt công chúng năm 2017. Thuật ngữ “Tinh thần Dunkirk” cho đến nay vẫn được sử dụng để nhắc đến niềm tin vào sự đoàn kết của người Anh trong những giờ phút nguy nan.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Kremlin nói đáp trả bằng tên lửa siêu thanh để cảnh báo sự “liều lĩnh” của phương Tây

Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…

2 giờ ago

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

6 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

7 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

8 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

9 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

10 giờ ago