Phan Thanh Giản là vị công thần sanh ở Bến Tre và khi mất thì gởi di hài tại Bến Tre. Đứng về mặt Địa linh nhơn kiệt mà xét thì cụ Phan là người đầy đủ đức tánh tiêu biểu cho hào khí xứ dừa.
Tổ tiên cụ Phan (đời ông nội), tên là Phan Thanh Tập, người Trung Hoa chánh gốc từ Trung Hoa sang lập nghiệp. Ông là người khí khái, thà di cư ra nước ngoài chớ không chịu làm tôi tớ cho nhà Mãn Thanh. Đến Bình Định, Phan Thanh Tập cưới vợ Việt Nam, sanh ra Phan Thanh Ngạn. Kế đó, cuộc khởi binh của Tây Sơn gieo rắc tang tóc khói lửa, cả gia đình dời đến Mỹ Tho, qua Vĩnh Long, rồi đến vùng Bảo Thạnh, quận Ba Tri thuộc tỉnh Kiến Hòa ngày nay.
Phan Thanh Ngạn đã chọn một vị trí thơ mộng, phì nhiêu để lập nghiệp. Đó là vùng gảnh Mù U, gọi nôm na là Bãi Ngao (chữ Nho là Ngao Châu). Ông cưới vợ là bà Lâm Thị Bút, người địa phương, hạ sanh ra Phan Thanh Giản.
Nhờ biết chút ít chữ nghĩa, Phan Thanh Ngạn đến Vĩnh Long xin làm thơ lại rồi được đi theo đoàn ghe chở lương thực, áp tải về Huế, nhưng gặp lúc thời tiết xấu, ghe này bị bão, trôi qua tận đảo Hải Nam. Lẽ dĩ nhiên, tất cả lương thực đều mất sạch, triều đình nghĩ đến trường hợp giảm khinh nên không nỡ bắt tội.
Năm Phan Thanh Giản được 7 tuổi, người mẹ hiền mang bịnh mà mất. Phan Thanh Ngạn cưới vợ. Sống trong cảnh mẹ ghẻ con chồng, nếu là kẻ thường tình thì xảy ra thắc mắc, nhưng bà mẹ tỏ ra có đức, sẵn sàng cho con chồng ăn học. Nhờ vậy, Phan Thanh Giản học vỡ lòng chữ Nho với một nhà sư.
Việc học hành của Phan Thanh Giản lại gặp trở ngại. Phan Thanh Ngạn bị vu cáo nên ở tù tại Vĩnh Long. Phan Thanh Giản xin ở tù thay cha nhưng việc không xong. Tuy nhiên các quan ở tỉnh lấy làm cảm động khi thấy người hiếu tử vào khám thăm cha, đem theo thức ăn cần thiết. Thấy Phan Thanh Giản thông minh, có đức hạnh nên các quan khuyên Phan Thanh Ngạn cho con tiếp tục học hành. Nhờ đó, Phan Thanh Giản đến Vĩnh Long, tìm thầy học tập.
Lúc này, Phan Thanh Giản sống bần hàn, xứng danh là học trò nghèo. Mấy người hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ. Việc học hành ngày càng tấn phát.
Năm 1825, Phan Thanh Giản từ Vĩnh Long đến thành Gia Định thi Hương để thử sức và đậu Cử Nhân. Thật là điều vinh hạnh cho sĩ phu tỉnh nhà. Sự thành công ấy càng thúc giục, khuyến khích Phan Thanh Giản luyện tập thêm. Và không cần chờ đợi lâu lắc, ngay năm sau thôi (1826), cụ cương quyết ra kinh đô Huế để thi Hội và đậu tấn sĩ!
Đó là điều hân hạnh lớn không những cho sĩ phu tỉnh nhà mà luôn cả miền Nam. Từ bấy lâu, miền Nam được xem là đất mới, thua Bắc Trung về mặt văn hiến. Ấy thế mà trong số 10 người đậu Tấn sĩ khoa ấy, lần đầu tiên người miền Nam đỗ đạt. Cụ Phan Thanh Giản là vị Tấn sĩ đầu tiên của miền Nam! Điều ấy chứng tỏ sự trưởng thành về mặt văn hóa. Miền Nam có thầy hay, học trò ưu tú.
Sau khi thi đậu, cụ Phan cưới vợ ở vùng Cần Giuộc. Rồi theo lệ nhà vua, người đỗ đạt được bổ nhậm làm quan. Cụ Phan về kinh đô Huế, lãnh chức Hàn Lâm Viện biên tu, vài tháng sau đổi ra Quảng Bình. Rủi thay, người vợ trẻ ở Cần Giuộc mất sớm. Cụ Phan tục huyền với một người đầy đức hạnh, bà Trần thị Hoạch, ở Quảng Trị. Cô gái này kén chồng và bắt đầu hầu hạ cụ Phan, năm 30 tuổi (lúc ấy cụ Phan tuổi đã 33).
Để báo hiếu cho cha mẹ, cụ Phan đưa vợ về Kiến Hòa. Đây là sự hy sinh lớn lao mà người phụ nữ thời xưa kiên gan đảm nhận “xuất giá tòng phu”. Sau tuần trăng mật, người vợ về Kiến Hòa một mình, để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Tục truyền rằng bài thơ “Ký nội” của cụ Phan mà các sách Việt văn thường trích dẫn, xem là áng thơ kiệt tác của cụ Phan được sáng tác vào dịp ấy:
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng.
Lòng nầy ghi tạc có non sông.
Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận,
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng.
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt,
Rằng nhớ rằng quên, lòng hỡi lòng!
Nhưng bà Trần thị Hoạch sẵn sàng xa chồng và tìm hầu thiếp cho chồng. Cụ Phan Thanh Giản cương quyết từ chối, mặc dầu luân lý thời ấy cho phép cụ hưởng lạc thú ấy.
Về đời tư cụ Phan, chúng ta thấy cụ xứng danh là “thanh liêm và giản dị”. Khi làm quan, cụ chẳng bao giờ tỏ ra thái độ kiêu hãnh của kẻ “mặc áo gấm phản hồi cố hương”, hoặc “chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng”.
Cụ đền ơn quan ở tỉnh Vĩnh Long xưa kia đã giúp đỡ lúc cụ còn là người học trò nghèo. Hễ về đến quê xưa ở gảnh Mù U, cụ ăn mặc như kẻ thường dân, lúc thăm thầy, thăm bạn, cụ tỏ ra nhã nhặn, cư xử lễ phép, không ỷ thế lực, phô trương rằng ta đây “là quan to ở kinh đô về làng”.
Về sự nhã nhặn và đức khiêm tốn của cụ, các bô lão ở Ba Tri còn nhắc mãi hai giai thoại để làm gương sáng muôn đời. Đó là lúc cụ Phan về quê để thọ tang cha. Cụ Phan ngồi trong chiếc ghe, có một tên trạo chèo phía sau như tất cả những người thường dân khác, ghe đi ngang qua đồn Ba Lai. Từ trên đồn canh, người cai đồn lên tiếng:
– Ghé lại!
Người trạo nghĩ thầm: Cụ Phan Thanh Giản là bực thượng quan từ triều đình trở về, có chuyện gấp. So với cụ Phan thì người cai đồn chỉ là kẻ cấp dưới, chưa xứng đáng hầu hạ vị thượng quan. Nghĩ vậy, anh trạo bèn trả lời:
– Đây là ghe của thượng quan!
Người cai đồn vẫn dõng dạc, không chịu nhượng bộ:
– Tôi làm nhiệm vụ canh phòng, ghe của bất cứ ai cũng phải ghé lại. Nếu bất tuân thì chúng tôi bắt buộc dùng cách khác.
Nằm trong mui ghe, cụ Phan nói với anh trạo:
– Chú phải ghé lại cho người ta xét, không được cậy quyền thế. Lúc ban đêm, mấy người trong đồn làm phận sự như vậy là đúng.
Người trạo ghé lại, trình giấy tờ cho viên cai đồn. Xem xong, viên cai đồn giựt mình, nghĩ đến trường hợp cụ Phan bắt lỗi. Viên cai đồn tỏ thái độ khúm núm, sợ sệt:
– Lúc nãy, tôi trót thốt ra nhiều lời gay gắt, xin thượng quan tha thứ.
Cụ Phan nói, giọng điềm đạm:
– Ngươi làm vậy là đúng phép nước luật quan. Ngươi canh phòng nghiêm nhặt, thực hiện câu “pháp bất vị thân”. Ta có lời khen ngợi đó.
Vài hôm sau, viên cai đồn nhận được giấy từ Vĩnh Long gởi xuống ban khen và thăng chức Chánh Đội Trưởng. Viên cai hiểu đó là do sự đề nghị kín đáo của cụ Phan Thanh Giản.
Sau khi cử hành tang lễ cho cha, hàng ngày cụ Phan đến bên phần mộ lo tu bổ, rẩy cỏ. Nên nhớ rằng cụ Phan sống thanh bần nên phần mộ của cha không được kiến trúc nguy nga đồ sộ, bọn gia nhân mãi theo cụ, năn nỉ:
– Xin cụ để chúng tôi làm công việc nặng nhọc ấy cho.
Cụ Phan đáp:
– Làm con thì phải báo hiếu cho cha, chẳng ai thay thế được. Nếu để người khác làm thay thế thì đâu còn đúng nguyên viện chữ hiếu.
Lúc rảnh rỗi, cụ Phan thường dạo xóm thăm viếng bà con và các bực kỳ lão. Hôm đó, cụ gặp một người vác cây tre đi phía trước. Cây tre ấy quá dài, loại tre gai, còn gai góc và nhánh. Bất thình lình người nọ qua khúc quẹo. Cái ngọn tre phía sau quay một bên, đập mạnh trúng ngay cụ Phan.
Cụ Phan kêu rú lên. May quá, gai tre chỉ quào trầy da, rách áo. Người kia giựt mình day lại, rụng rời tay chân vì biết mình đã làm phiền lòng một vị thượng quan.
Cụ Phan lên tiếng:
– Chú kia, tên gì?
– Dạ, tôi tên là Cang.
– Lại gần đây! Đưa cây dao cho ta!
Nghe qua tên Cang rụng rời, hồn phi phách tán. Hắn ngỡ rằng cụ Phan sẽ dùng quyền hạn để… xử trảm lập tức. Nhưng cụ Phan hiền lành, cầm cây dao trảy nhánh tre cho sạch. Sau đó, cụ trả cây dao cho tên Cang, căn dặn kỹ lưỡng:
– Từ rày về sau, đừng làm ăn cẩu thả, vô ý như thế. Phải trảy nhánh tre cho sạch, khi quẹo thì nên dòm lại phía sau!
Qua các giai thoại trên, ta thấy đức hạnh cụ Phan thật xứng đáng nêu gương hậu thế. Cụ làm chuyện… thân dân vì bản thân được thấm nhuần luân lý cổ truyền chớ chẳng mảy may khoe khoang, quảng cáo.
Đời cụ Phan là đời một vị quan lại nên trải qua bao phen chìm nổi. Từ Quảng Bình, cụ được thuyên chuyển về Quảng Nam để dẹp cuộc khởi loạn của dân thiểu số miền sơn cước.
Cuộc chinh phạt gặp nhiều khó khăn nên lúc đầu, cụ bị quở trách, mãi về sau, cụ mới chứng minh được tài năng cho vua thấy.
Cụ được gọi về Kinh lãnh trách nhiệm ở bộ Hình rồi làm Phó Sứ sang Trung Hoa, yết kiến triều đình Mãn Thanh.
Nhờ tài ngoại giao khá giỏi, cụ Phan được khen ngợi rồi tạm thời lãnh chức Kinh lược sứ ở Trấn Tây (Cao Miên) rồi trở về sung chức Bố Chánh tỉnh Quảng Nam.
Vì bị nịnh thần dèm siểm, cụ bị giáng chức nặng nề, làm phận sự một người… quét dọn bàn ghế tại tỉnh đường Quảng Nam. Tuy nhiên, cụ không than vãn. Sau đó, cụ bị thăng, giáng nhiều phen. Đến khi nhà vua hiểu lòng cụ thì đời cụ bước qua một giai đoạn rạng rỡ, được vua tin cậy, bổ Đô Sát Viện Ngự sử, sung chức Cơ Mật Viện Đại thần.
Năm Tự Đức nguyên niên, cụ Phan chăm nom việc giảng sách cho nhà vua để rồi hai năm sau, cụ được chọn vào Nam, lo việc bình định, chỉnh đốn nhân tâm. Vua Tự Đức chọn Nguyễn Tri Phương (giỏi võ) và Phan Thanh Giản (giỏi về chánh trị).
Bấy giờ, tình hình nước ta không được ổn định, giặc Pháp và Tây Ban Nha lăm le xâm chiếm, nhắm vào phần đất Nam Kỳ để chiếm sông Cửu Long. Chúng hy vọng sẽ đi ngược dòng sông Cửu Long để mua bán với Trung Hoa, đến Vân Nam và Tây Tạng. Cụ Phan dâng sớ về kinh, xin triều đình chú ý lo phòng thủ, khiến binh sĩ tập dượt, ngừa khi bất trắc.
Nhưng năm 1859, Gia Định mất, qua 1861, thành Chí Hòa lại mất. Quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông và đánh qua thành Vĩnh Long để kiểm soát hai bên bờ sông Tiền Giang, đòi kiểm soát sông này để mua bán và thừa dịp ấy, xâm chiếm luôn Cao Miên.
Liệu bề không xong, triều đình Huế sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Nam để thương thuyết hầu tìm biện pháp cứu vớt tình thế. Nếu để trễ nãi, e sự tình thêm rắc rối.
Cuộc thương thuyết diễn ra tại Saigon, có đô đốc Bonard và tướng Palanca đại diện cho quân đội Pháp và Tây Ban Nha.
Lẽ dĩ nhiên, triều đình Huế đứng trên thế yếu để nói chuyện với kẻ đang thắng thế. Dầu cụ Phan Thanh Giản có khôn khéo đến đâu đi nữa, nước Việt cũng chịu cảnh tang thương. Hiệp ước được ký kết vào ngày 5 6 1862, theo đó thì triều đình Huế chịu cắt đất để giảng hòa.
Triều đình chịu bồi thường tổn phí chiến tranh cho đối phương, nhượng đứt 3 tỉnh miền đông, cù lao Côn Nôn, tỉnh Vĩnh Long được trả lại, nhưng người Pháp được tự do lui tới trên sông Cửu Long. Triều đình Huế chỉ còn một chút danh dự tượng trưng mà thôi: phần mộ của bà Từ Dụ (Gò Công) là mẹ vua Tự Đức và phần mộ họ Hồ (mẹ của Minh Mạng) được trao cho vua quản trị, cúng kiến!
Thực dân Pháp còn gây hấn bằng cách bắt buộc triều đình Huế phải chịu trách nhiệm về những cuộc khởi loạn xảy ra trong phần đất của Pháp chiếm cứ.
Thật là một hiệp ước nhục nhã, vua Tự Đức và các triều thần đều không hài lòng nên quyết định cử phái bộ sang Pháp thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh đã nhượng, nghĩa là hủy bỏ hiệp ước vừa nói trên.
Phan Thanh Giản được vua Tự Đức giao phó trách nhiệm ấy, phái đoàn gồm có:
– Chánh sứ toàn quyền: Phan Thanh Giản.
– Phó sứ gồm hai ông Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản.
– Ngoài ra, còn 53 người tùy viên (trong ấy có Trương Vĩnh Ký).
Trước khi lên đường, cụ Phan làm bài thơ Thuật hoài để giãi bày tấc lòng:
Chút nghĩa vương mang phải gắng đi,
Tang bồng đành rõ chí nam nhi.
Thuyền ngô phơi phới giăng hòn bạc,
Khói đá phăng phăng lướt tích ti.
La Hán dang tay chờ khách đến,
Tướng quân ghé mắt hẹn ngày về.
Phen này miễn đặng hòa hai nước,
Nỗi tớ xin đừng bận bịu chi!
Sau hai tháng bảy ngày lênh đênh trên mặt nước, phái đoàn đến Pháp quốc, được đón rước trọng thể.
Nhưng cuộc thương nghị bất thành vì bấy giờ bên Pháp phe chủ chiến (phe thực dân Pháp) đang nắm phần ưu thế. Lần đầu tiên, một danh nhân của nước ta được chụp ảnh làm kỷ niệm (lúc bấy giờ, máy nhiếp ảnh mới phát minh, chưa phổ biến rộng).
Ngày 24-3-1864, sứ bộ về tới Saigon, toàn dân đều đau buồn, căm phẫn, hiểu rằng những ngày sắp tới thế nào thực dân Pháp cũng đánh chiếm để nuốt trọn ba tỉnh miền Tây còn sót lại.
Vua Tự Đức giao cho Phan Thanh Giản chức vụ giữ ba tỉnh “độc lập” của Triều đình. Cụ nhận chức kinh lược, đóng tại thành Vĩnh Long. Hàng ngày, các sĩ quan Pháp chạy tàu tới lui, giả như làm quen với cụ nhưng thật ra chúng rắp tâm cướp đất.
Cụ Phan Thanh Giản vẫn nuôi hy vọng giải hòa, chờ cơ hội điều đình, và đồng thời muốn tiết kiệm xương máu của dân chúng. Nhưng thực dân Pháp quá lừa đảo, chúng lợi dụng sự ngay thẳng và tiết nghĩa của cụ.
Chuyện gì sẽ đến, phải đến.
Ngày 17-6-1867, Pháp kéo đại quân chở trên tàu chiến, chạy đến trước thành Vĩnh Long để trao tối hậu thơ cho cụ Phan Thanh Giản. Phan Thanh Giản yêu cầu có cuộc hội đàm lần chót. Người Pháp chấp thuận với điều kiện.
– Hội đàm ngay trên tàu của chúng.
Cuộc hội đàm không kéo dài cho lắm. Trước điều kiện đầu hàng do thực dân đưa ra, cụ Phan từ khước, xin đình lại để hỏi ý kiến triều đình. Cụ sửa soạn rời tàu lên bờ, thì hỡi ôi! Thừa lúc bàn bạc khi nãy, quân Pháp đã đổ bộ rồi kéo binh vào thành từ bốn phía.
Vĩnh Long thất thủ rồi kế đến là An Giang, Hà Tiên.
Cụ Phan Thanh Giản đã hiểu mình phải làm gì! Làm tướng mà để mất thành là tội mà xưa nay không pháp luật nào tha thứ được. Cụ tự xử lấy mình.
Cụ vào một chòi tranh nhỏ, xếp tất cả trào phục, áo mão và các tờ sắc phong, kèm theo là tờ sớ, chịu tội với triều đình. Rồi ông bắt đầu tuyệt thực. Sự tuyệt thực của ông có ý nghĩa là một biện pháp “thung dung tựu nghĩa” tức là bình tĩnh đón nhận cái chết để đạt được nghĩa lớn tức là đền nợ nước.
Con cháu của cụ Phan quì lạy khóc lóc. Nhưng cụ đã cương quyết thì ai mà ngăn cản được.
Trong khi ấy, có tin từ triều đình Huế gởi vào: Bãi chức cụ Phan để làm gương và đục tên Cụ trong bia tiến sĩ ngoài Huế. Hành động ấy có nghĩa là nhà vua treo bằng cấp Tiến sĩ mà xưa kia cụ đã thi đỗ.
Tuyệt thực suốt 17 ngày nhưng cụ vẫn không chết. Sau rốt, vào lúc nửa đêm, đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão (1867), cụ uống á phiện với dấm thanh để tự vận, hưởng thọ 71 tuổi.
Linh cữu cụ được đem về làng Bảo Thạnh, huyện Kiến Hòa, gảnh Mù U, mai táng. Các quan Nam và Pháp tới thăm ai nấy đều ngậm ngùi mến tiếc, lúc ấy các quan lớn nhỏ ở lục tỉnh và thân bằng cố hữu về đông đủ để bịt tang.
Cụ Tú tài Nguyễn Đình Chiểu ở tại chợ Ba Tri làng An Bình Đông có làm một bài thi khóc cụ Phan một vị trung thần vị quốc vong thân.
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây trắng cõi Ngao châu
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh can thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều, tin điệp vắng
Thành Nam, đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Minh sanh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thu.
Cuộc đời của cụ Phan vì trung quân cam đành tử tiết, không muốn thấy thực dân dày xéo trên mảnh đất thân yêu của tổ tiên, cụ đền nợ nước bằng cái chết, nhưng tên tuổi cụ vẫn còn sống mãi với non sông.
Ngôi mộ cụ ngày nay đã được Ủy Hội Quốc Gia bảo tồn cổ tích liệt hạng.
Trước mộ có tấm bia ghi hàng chữ: “Nam kỳ hải nhai lão thơ sanh Phan công chi mộ”.
Cạnh mộ có một ngôi nhà của miêu duệ trải qua mấy đời ở đây thường trực lo việc lửa hương và hàng năm cúng tế, nay cảnh nầy trở nên hoang vắng, vì thời cuộc chiến tranh nên ít người lui tới.
Trích “Kiến Hòa Xưa và Nay (Bến Tre) – Địa Linh Nhân Kiệt – Huỳnh Minh”
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…