Tiết tháo và cuộc đời của cụ Nguyễn Đình Chiểu
- Huỳnh Minh
- •
Hỡi ai! Lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau:
Trai thì trung hiếu làm đầu,
Gái thì tiết hạnh, là câu trau mình.
Bốn câu thơ nói trên đã trở thành ca dao, thành ngạn ngữ, được phổ biến sâu rộng trong dân gian. Đó cũng là 4 câu ở phần mở đầu truyện Lục Vân Tiên, một áng thơ kiệt tác, một quyển luân lý mà người Nam Phần nào cũng biết và hoan nghinh.
Tác giả Lục Vân Tiên là cụ Nguyễn Đình Chiểu, gọi nôm na là cụ Đồ Chiểu.
Về tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu, trong chương trình Việt văn, hầu hết các sách giáo khoa đều đề cập tới. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chú trọng đặc biệt vào hoàn cảnh xã hội hồi cuối thế kỷ vừa qua, để chứng minh rằng cụ Đồ Chiểu là kết tinh của tài hoa, của tiết tháo đám sĩ phu miền Nam.
Tỉnh Kiến Hòa ngày nay được cái vinh dự lớn là gìn giữ di hài của nhà danh sĩ tài hoa. Mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu tuy kiến trúc không có gì là độc đáo, tốn kém hoặc nguy nga như lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng là di tích lịch sử mà người Việt yêu nước không thể bỏ qua, nếu có dịp viếng xứ Dừa.
Tổ tiên cụ Đồ Chiểu là người Thừa Thiên (Huế), mãi đến năm 1820, cụ Nguyễn Đình Huy (thân phụ ông Đồ Chiểu) mới vào Nam, lãnh một chức vụ khiêm tốn tại dinh ngài Tổng Trấn Lê Văn Duyệt.
Bấy giờ, cụ Huy làm thư lại, một chức vụ có thể so sánh như thơ ký hành chánh ngày nay.
Khi vào Nam, cụ Huy đem theo người vợ và một đứa con trai, một đứa con gái. Trong khoảng thời gian tòng sự tại thành Gia Định, cụ Huy cưới thêm một người vợ thứ, cư ngụ tại làng Tân Thới. Bà này tên Trương Thị Thiệt. Cuộc hôn nhân thứ nhì này đem lại tất cả bảy đứa con mà trai đầu lòng là Nguyễn Đình Chiểu, sanh năm 1822.
Từ thuở bé, tuy chưa gặp nạn ngoại xâm nhưng cụ Đồ đã chứng kiến nhiều cảnh điêu đứng. Ấy là việc Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Lúc còn sống, Tả quân là người có quyền tiền trảm hậu tấu và được vua Minh Mạng nể trọng. Sự nể trọng ấy sở dĩ có vì Tả quân là vị đệ nhất công thần đã dày công hãn mã giúp Gia Long phục nghiệp, trở về Huế, xưng Hoàng Đế. Sau khi Gia Long băng hà, vua Minh Mạng tỏ ra dè dặt với Tả Quân là người mà nhà vua cho là kiêu căng. Vua Minh Mạng phái Tả Quân vào Nam, phong chức Tổng Trấn với quyền hạn rộng rãi chẳng khác nào một vị phó vương. Lẽ dĩ nhiên, với quyền hạn như thế, Tả Quân đã tự tiện giải quyết nhiều vấn đề tuy nhắm vào ích lợi quốc gia nhưng không cho vua hay biết trước.
Sau khi Tả Quân mất, một số đình thần và nhà vua Minh Mạng đồng ý lên án, buộc Tả Quân vào tội lộng quyền lúc sinh thời. Do đó, theo lịnh của vua, mộ của Tả Quân bị san bằng và bị xiềng.
Người con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi ức lòng mưu việc khởi loạn để trả thù cho cha. Lê Văn Khôi là tay võ giỏi chiêu tập được khá nhiều binh sĩ, những binh sĩ bất mãn vì biện pháp trừng phạt của nhà vua đối với công thần.
Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi thật táo bạo, chớp nhoáng. Giặc Khôi chiếm thành Gia Định (đường Thống Nhất hiện nay, khu vực nhà thờ lớn), giết quan Bố Chánh Bạch Xuân Nguyên.
Cụ Nguyễn Đình Huy lâm vào cảnh tấn thối lưỡng nan.
Là một công chức nhỏ, ông chẳng biết cư xử lẽ nào cho yên thân. Không theo giặc Khôi thì bị giết, còn theo giặc thì bị triều đình giết. Cụ nghĩ ra cách tản cư về miền Trung để tránh xa binh lửa. Trong thời gian ấy, việc học hành của các con bị dở dang. Theo một giả thuyết đượm vẻ gay cấn thì cụ Nguyễn Đình Huy và các quan lớn nhỏ chạy ra Huế, vua Minh Mạng nổi giận, lên án xử tử nhưng nhờ các cận thần can gián nên được miễn tội. Sau đó, ông và các con là Nguyễn Đình Chiểu và hai em gái vào Nam, vì nếu ở lại Huế thì biết đâu nhà vua sẽ thay đổi ý kiến…
Nhưng việc học tập của Nguyễn Đình Chiểu lại bị gián đoạn. Lê Văn Khôi chiếm thành và chiếm gần hết Nam Kỳ, suốt 3 năm. Trong khi Lê Văn Khôi chưa bình định và chỉnh đốn chánh quyền được thì triều đình Huế cho Trương Minh Giảng vào Nam, đánh tan giặc Khôi. Ngoài ra, Thái Công Triều là một tướng lãnh của Khôi trở mặt làm phản, giúp triều đình. Giặc Khôi bị thanh toán. Lê Văn Khôi chết vì bệnh trong thành. Nhưng các binh sĩ đều bị xử nghiêm ngặt để làm gương luôn cả hai tên hộ vệ lừng danh của Khôi trước kia là ông Hoành và ông Trắm.
Tình hình đã tạm yên. Nhưng bấy giờ quan quân phải bận rộn, ứng phó với nước liên bang là Cao Miên. Năm Quí Mão (1843), nghĩ mình đã học khá nhiều kinh sử, Nguyễn Đình Chiểu xin ứng thí tại trường thi Gia Định. Theo qui chế của triều đình, tại Gia Định được quyền tổ chức Trường Thi, dưới quyền tối cao của một ban giám khảo do Triều Đình chỉ định.
Kết quả phen nầy tuyển đặng 15 người đậu cử nhân.
Nguyễn Đình Chiểu chỉ đậu Tú Tài. Tuy không hoàn toàn mãn nguyện nhưng bước đầu tiên ấy đem nhiều khích lệ. Năm ấy, Nguyễn Đình Chiểu được 22 tuổi, sau khi thi đậu, gia đình bèn hỏi vợ nhưng chỉ mới đính hôn chờ khi công thành danh toại. Theo lời truyền lại thì gia đình đính hôn tại vùng Cầu Kho (Saigon).
Vì ở miền Nam lúc bấy giờ quan quân bận việc binh nhung, tranh chấp với Cao Miên nên Nguyễn Đình Chiểu xin phép mẹ cha ra ngoài Huế để tiện bề ăn học: Tình hình đã yên ổn, lại thêm ở đó có nhiều thầy nổi danh. Thế là cụ về Huế, tá túc tại nhà bà con bên nội.
Nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn của cụ. Quân Pháp cứ đem chiếc thuyền biểu diễn, thị oai trước cửa Hàn. Cụ lo ăn học nhưng trong lòng không khỏi áy náy. Đến năm Kỷ Dậu (1849) cụ toan ứng thi kỳ thi Hương, nhưng hỡi ơi! Từ trong Nam có tin gởi ra cho hay: Mẹ ruột đã mất hồi tháng 11 năm trước.
Cụ than khóc, đành bỏ dở khoa thi để kịp về Nam thọ tang mẹ.
Dọc đường cụ mạng bịnh nặng, lại thêm sầu thảm nên trở thành mù lòa. Chịu tang mẹ xong, cụ lại gặp một sự buồn phiền do nhơn tình thế thái gây nên: Cụ bị đàng gái hồi hôn. Gia đình họ Võ ở Cầu Kho xem cụ như người dưng nước lã.
Ai dại khờ gì gả đứa con gái xinh đẹp cho người lỡ khoa thi, mang bịnh mù lòa. Đã mù lòa thì làm sao tiếp tục cuộc học vấn?
Phần tiểu sử dài dòng trên đây giúp quí độc giả hiểu rõ thêm: Nỗi lòng của cụ Đồ Chiểu được trình bày gần như đứng đắn qua tâm sự chàng Lục Vân Tiên đi thi nửa chừng đành trở về nhà chịu tang và bị gia đình Võ Thể Loan khinh bỉ.
Trong truyện Lục Vân Tiên, chàng nho sĩ đẹp trai mù lòa ấy được tiên cứu giúp, ban mấy hườn linh đơn khiến đôi mắt trở nên bình thường. Nhưng đời cụ Đồ Chiểu làm sao có diễm phúc ấy. Chẳng qua là sự ước mơ. Lúc bấy giờ nền y học của Đông Phương nói chung còn phôi thai, làm sao cứu được đôi mắt không còn tìm được ánh sáng của con người nặng lòng Khổng Mạnh và giàu tinh thần yêu nước?
Sự đời thà khuất trong đôi mắt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.
Hai câu thơ cảm khái nói trên đã bộc lộ khí khái Nguyễn Đình Chiểu sau khi gặp ba tai nạn liên tiếp:
- Mẹ mất.
- Mang bịnh mù lòa.
- Bị gia đình bên vợ hồi hôn.
Nếu gặp người thiếu ý chí, tham danh lợi thì hoàn cảnh ấy có thể xúi giục nạn nhân đi đến chỗ tự tử, xao lãng cuộc đời, quên tổ quốc. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu là con người khác. Dầu sống trong bao nhiêu nghịch cảnh, cụ vẫn giữ tiết tháo.
Truyện Lục Vân Tiên soạn xong, được phổ biến rộng rãi, mặc dầu lúc bấy giờ vấn đề xuất bản, ấn loát gần như không có. Những ai yêu mến tài nghệ của cụ thi nhau chép lại, sao lục, ngâm nga, phổ biến cho người lân cận.
Cụ không thỏa mãn với sự thành công ấy. Tại vùng Tân Thuận (Gia Định), cụ tổ chức dạy học trò. Học trò rất mến cụ, sẵn sàng giúp cụ trong việc đọc sách cho cụ nghe và chép lại những gì do cụ sáng tác. Tập truyện Dương Từ – Hà Mậu lại ra mắt các sĩ phu, đề cao tiết tháo Khổng Mạnh.
Năm 29 tuổi, cụ Đồ Chiểu chánh thức làm lễ thành hôn với cô Năm Điền, một thôn nữ ở làng Thanh Ba, Cần Giuộc bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định. Cô Năm Điền là em ruột của Lê Tăng Quýnh, học trò thân tín. Lê Tăng Quýnh mến thầy, nên thưa lại với cha mẹ, ông bà sẵn sàng kén chàng rể mù giữa sự kính nể của người địa phương.
Nhưng 4 năm sau, đôi vợ chồng tương đắc ấy gặp cảnh não lòng vì cơn quốc biến. Thực dân Pháp đánh thành Gia Định. Thành phố trù phú nhứt của miền Nam chịu đau khổ dưới gót giày của bọn xâm lăng. Nhơn dịp nầy, cụ Đồ Chiểu đã sáng tác bài thơ bát cú, tả cảnh khốn đốn của dân Sài Gòn vào năm 1859-1860.
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế, phút sa tay.
Bỏ nhà, lũ chó lăng xăng chạy.
Mất ổ, bầy chim dáo dác bay,
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây,
Hỡi trang dẹp loạn? Rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn nầy?
Thành Gia Định thất thủ.
Vì bịnh tật mù lòa, cụ Đồ Chiểu tản cư về quê vợ, tại Cần Giuộc. Hằng ngày, tuy không xê dịch tới lui nhưng bao nhiêu tin tức đau buồn dồn dập đưa đến. Nguyễn Tri Phương thừa lệnh triều đình Huế vào lập thành Chí Hòa, sát bên cạnh thành Gia Định vừa bị mất để cố thủ. Chúng ta nên nhớ là lúc bấy giờ thực dân Pháp đang lâm vào cảnh tấn thối lưỡng nan. Quân lực của chúng tuy có khí giới tốt nhưng thiếu yếu tố thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. Chúng phải chờ đợi hơn 1 năm sau mới dám tiến binh tới vùng Cây Mai nghĩa là đóng binh xa Saigon 7 cây số.
Cụ Đồ Chiểu đau lòng vì niềm hi vọng phục quốc đã bị tiêu tan. Để thanh toán đồn Chí Hòa, quân Pháp thình lình kéo binh từ Thượng Vũ đến. Và củng cố một dãy phòng tuyến từ Saigon đến Chợ Lớn, lấy đồn Cây Mai làm địa điểm xuất quân đánh thẳng lên Chí Hòa.
Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Thành Chí hòa thất thủ.
Quân Pháp làm chủ tình hình và cho đóng quân lan tràn đến tận Cần Giuộc. Dầu muốn xa lánh cuộc binh đao nhưng làm sao cụ Đồ Chiểu xa lánh được.
Đồn Cần Giuộc được trấn đóng kỹ lưỡng nhưng chung quanh đồn vẫn là nơi hoạt động của binh sĩ triều đình và số quân chiêu mộ. Quan tuần phủ Đỗ Quang thừa lịnh triều đình Huế cố thủ vùng Gia Định.
Vào ngày 22-6-1861, cụ Nguyễn Đình Chiểu nhận được tin buồn: ông cử nhân Đỗ Đình Thoại tử trận, sau khi hoài công tái chiếm Chợ Gò Công. Đỗ Đình Thoại đậu cử nhân một lượt với kỳ thi mà cụ Đồ Chiểu đậu Tú Tài.
Nhưng tại vùng Cần Giuộc, nghĩa quân đã cố gắng phục thù, đánh úp đồn giặc, lập chiến công hiển hách. Trận đánh xảy ra vào đêm rằm trăng sáng, giặc chết khá nhiều. Tiếng hò reo của binh sĩ làm phấn khởi lòng yêu nước của cụ Đồ Chiểu.
Nghĩa quân tuy thắng nhưng đã hy sinh 15 người. Quan tuần phủ Đỗ Quang chỉ đạo Bùi Quang Diệu tổ chức truy điệu các vị anh hùng trận vong. Lẽ dĩ nhiên, Bùi Quang Diệu được sự hợp tác của cụ Đồ Chiểu. Cụ dùng tất cả nhiệt tâm và lòng yêu nước của mình để soạn ra bài văn tế bất hủ mà các sách nghiên cứu về văn chương cụ Đồ Chiểu đều nhắc tới, nhan đề là “Văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Bài văn tế ấy có nhiều đoạn vừa linh động, vừa thống thiết hùng tráng như sau:
Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đua tới trường nhung,
Chỉn biết ruộng trâu, ở theo làng hộ,
[…]
Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ,
Ngọn đèn khuya leo lét trong lều,
Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng,
Con bóng xế dật dờ trước ngõ.
[…]
Thác mà trả nợ nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh thảy đều khen.
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ.
Nhưng năm sau, thực dân Pháp, không cho chuộc 3 tỉnh miền Tây. Cụ Đồ Chiểu đành cương quyết rời bỏ vùng Cần Giuộc, khu vực của giặc, để tản cư về Ba Tri. Trước khi tạm biệt – và đúng ra là vĩnh biệt quê vợ, cụ đã làm bài thơ nói lên bao nhiêu nỗi đau buồn:
Vì câu danh lợi phải đi ra,
Day mũi thuyền nan dạ xót xa,
Người dễ muốn chi nương đất khách,
Trời đà khiến vậy mến vua ta,
Một phương thà tránh đường gai góc
Trăm tuổi cho tròn phận tóc da
Chén rượu đỏ lòng xin cạn chén
Nhớ nhau, ngày khác biết sao mà!
Đến Ba Tri, cụ Đồ tiếp tục dạy học và thỉnh thoảng cụ liên lạc với Trương Công Định, bấy giờ là đối thủ lợi hại của thực dân Pháp. Trương Công Định chiếm lãnh vùng Gò Công, chống hiệp ước 1862, chia cắt lãnh thổ. Thỉnh thoảng Trương Công Định vời cụ đến, nhờ xem quẻ Âm Dương.
Nhiều tin buồn dồn dập xảy đến: 1867, Vĩnh Long rồi lần lượt các tỉnh miền Tây lọt vào tay quân Pháp: Cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử. Cụ Đồ Chiểu có làm bài thơ ai điếu, lời lẽ thống thiết.
Riêng về cụ Đồ Chiểu ở Ba Tri, hằng ngày cụ sống âm thầm, đau buồn. Quan chủ tỉnh Bến Tre là Michel Ponchon đã 4 lần liên tiếp đến xin ra mắt cụ Đồ Chiểu. Dụng ý của hắn là gây cảm tình để xoa dịu lòng công phẫn của dân chúng. Cụ Đồ Chiểu ứng phó khéo léo, cương quyết từ chối. Sau rốt, Michel Ponchon yêu cầu cụ duyệt lại bản in Lục Vân Tiên. Số là quan chủ tỉnh này đã cho in bản Lục Vân Tiên, nhưng còn nhiều chỗ chưa đúng bản chánh, phải nhờ tác giả xét lại.
Đã có lần Michel Ponchon hứa trả lại phần đất của họ Nguyễn Đình đứng bộ ở Saigon. Cụ Đồ Chiểu lắc đầu, cười lạt:
– Đất của triều đình còn bỏ, huống gì là phần đất của riêng ta được hưởng.
Trong những ngày cuối cùng, cụ Đồ Chiểu được sự chăm sóc của đám môn đệ trung thành. Tuy nhiên, cụ muốn sống đạm bạc. Cụ mặc quần áo trắng với ngụ ý: Bảo vệ tiết tháo, giữ lòng trong sạch và để tang cho đất nước. Khi quần áo đã dơ, cụ dạy học trò nên giặt bằng nước tro, thay vì dùng loại “xà bông” ngoại hóa.
Tâm sự của người nho sĩ ấy thật khó xử: Muốn giúp nước mà không đủ sức, muốn hoạt động mà thiếu phương tiện. Tuổi già, sức yếu, cụ chỉ còn biết “ăn rồi ngủ”, nghĩa là bó tay, kiên nhẫn chờ định mạng. Tâm sự ấy được phó thác trong bài thuật bất hủ:
Xe ngựa lao xao giữa cõi trần,
Biết ai thiên tử, biết ai thần.
Nhạc Thiều tiếng dứt khôn trông phụng,
Sách Lỗ biên rồi khó thấy lân.
Khỏe mắt Hi Di, đời Ngũ Quí,
Nhọc lòng Gia Cát, đất Tam phân.
Công danh chi nữa ăn rồi ngủ,
Mặc lượng cao dày xử với dân.
Năm Mậu Tý, ngày 24 tháng 5 (nhằm dương lịch 3-7-1888) cụ Đồ Chiểu yếu sức, mất vì bịnh già, hưởng thọ 66 tuổi.
Ngôi mộ của cụ được gìn giữ cẩn thận, trùng tu vào ngày 27-6-1943. Hiện nay trường Trung học Mỹ Tho và nhiều trường khác lấy tên là Nguyễn Đình Chiểu, ngoài ra tên của cụ còn được đặt cho nhiều công viên, công lộ ở khắp cả miền Nam.
Trích “Kiến Hoà Xưa và Nay (Bến Tre) – Địa Linh Nhân Kiệt – Huỳnh Minh”
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tiết tháo Pháp xâm lược Nguyễn Đình Chiểu khí tiết Lục Vân Tiên Nhà Nho