Cách Hà Nội 40 km hướng bắc có ngôi làng nhỏ Yên Ninh thuộc tỉnh Bắc Giang, được mệnh danh là “làng tiến sĩ”, quê hương của 10 vị tiến sĩ trong đó có nhà khoa bảng kiệt xuất Thân Nhân Trung. Những người đỗ đại khoa cho làng chỉ gói gọn trong thời gian 150 năm từ năm 1469 đến 1619. Trung bình cứ 15 năm tương đương với 5 khoa thi thì làng Yên Ninh có một người đỗ đại khoa. Đây cũng là một kỷ lục đáng ghi nhớ trong lịch sử khoa bảng nước nhà.
Theo lịch sử khoa bảng, thời gian từ thời nhà Lý cho đến tận thời Lê Sơ thì những người đỗ đạt đều tập trung phần nhiều ở khu vực Kinh thành và Tứ trấn xung quanh. Bắc Giang ở xa kinh thành, vì thế mà nơi đây không có phong trào khuyến học, không có nhân sĩ, ít thầy.
Dòng họ Thân khi xưa là Tù trưởng trấn giữ vùng đất phía bắc, các Vua nhà Lý thường gả công chúa kết thông gia để các Tù trưởng họ Thân nắm giữ binh quyền bảo vệ biên giới.
Đến năm 1419 thì họ Thân sinh được người con trai ở làng Yên Ninh, đặt tên là Thân Nhân Trung. Dù sinh ra nơi xa xôi, ít thầy, thiếu thốn sách vở, nhưng Thân Nhân Trung từ bé đã ham học, các sách tứ thư và ngũ kinh đều đọc đi đọc lại rất cẩn thận.
Dù ham học nhưng do sinh trưởng nơi không thuận lợi, nên đến tận khoa thi năm 1469, khi đã ngoài 50 tuổi, Thân Nhân Trung mới dự thi đỗ. Ông vượt qua tất cả nhân tài khác để đỗ đầu kỳ thi Hội tại Kinh thành, vào đến thi Đình thì đỗ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Thân Nhân Trung là người đỗ khai khoa cho cả vùng, từ đó mà làng Yên Ninh cũng có thêm nhiều người đỗ đạt từ trung khoa trở lên, thành điểm sáng khoa bảng ở vùng phía bắc – nơi được xem là thiếu thốn từ thầy đến sách vở.
Thời vua Lê Thánh Tông, Vua được xem là minh quân, gây dựng nên thời kỳ Hồng Đức thịnh trị. Thân Nhân Trung may mắn “tôi hiền” gặp được “Vua sáng”, phát huy được tài năng phụng sự cho Giang Sơn Xạ Tắc.
Ông làm quan qua các chức vị khác nhau, đến năm 1493 được thăng làm Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám.
Người được giao soạn văn bia cho khoa thi đầu tiên của nhà Lê năm 1442 chính là Thân Nhân Trung. Ông đã viết rằng:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”
Người xưa tin vào đạo lý “thiên nhân hợp nhất”. Nếu “nguyên khí” quyết định thân thể có khỏe mạnh hay không thì “hiền tài” quyết định thế nước mạnh hay suy. Vì thế mà việc giáo dục và tạo ra những bậc hiền tài cho đất nước là rất then chốt.
Thời kỳ Hồng Đức nền giáo dục Nho gia lên đến cực thịnh, mà Nhân Thân Trung đóng góp một phần công sức rất lớn trong đó.
Con cháu của Thân Nhân Trung đỗ đạt cao. Con thứ là Thân Nhân Vũ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1481. Đặc biệt hơn cháu nội của ông là Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa khoa thi năm 1487, vinh quy bái tổ về làng trong niềm vui hân hoan của người dân làng Yên Ninh.
Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa trở thành động lực lớn cho cha của mình là Thân Nhân Tín (con trưởng của Thân Nhân Trung), khiến ông dù có tuổi mà vẫn miệt mài học tập. Đến khoa thi năm 1490, Thân Nhân Tín đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khi đã 52 tuổi.
Từ đó cả nhà 4 người cùng làm quan trong một Triều, lập nên kỳ tích và kỷ lục hiếm có trong nền khoa bảng nước nhà.
Tiếp theo họ Thân, các dòng họ khác trong làng có thêm những người đỗ đại khoa, khiến Yên Ninh trở thành “làng tiến sĩ” ở xứ bắc.
Trong số những người đỗ đạt của Yến Ninh thì Nguyễn Nghĩa Lập là người nhỏ tuổi nhất đỗ đại khoa, sau làm quan Thượng thư đứng đầu 4 bộ.
Người thi đỗ đại khoa cuối cùng của làng Yên Ninh là Hoàng Công Phụ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1619 khi đã 53 tuổi, làm quan đến chức Binh Bộ Tả thị lang.
Vì có công dẹp giặc cỏ nên ông được phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Tử. Năm 1642, ông kiêm thêm chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp.
Từ năm 1999, dân làng Yên Ninh thống nhất lấy ngày 14/11 âm lịch là ngày giỗ chung của 10 vị tiến sĩ (lấy theo ngày mất của Thân Nhân Trung). Ngày giỗ này là dịp khơi gợi lại truyền thống hiếu học của cha ông, cũng như tấm gương đỗ đạt của 10 vị tiến sĩ.
Đền thờ tiến sĩ của làng nằm trên khu đất rừng ngò. Đền nằm trong khuôn viên rộng 800 m2, có khu nhà tiền tế và hậu cung, phía trước có 2 cột trụ đồng treo tấm biển đề “tiến sĩ từ” tức đền tiến sĩ. Gian nhà Tiền tế là nơi hành lễ, đồng thời là nơi tiếp khách hàng ngày đến đây làm lễ cầu phúc. Bên trong có 10 bài vị của 10 vị tiến sĩ của làng.
Phía trong đền có bức đại tự lớn “Đức minh phổ chiếu” cùng đôi câu đối:
Thân, Ngô, Nguyễn, khởi thủ văn nghiệp
Đỗ, Doãn, Hoàng đồng kế khoa văn
Nghĩa là họ Thân, Ngô, Nguyễn mở đầu cho khoa bảng của làng. Sau đó là họ Đỗ, Doãn, Hoàng kế tục đăng khoa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…