Làng Côi Trì hiện thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nơi đây vẫn còn lưu giữ kho tàng văn hóa nghệ thuật đặc sắc như như đình, chùa, lễ hội, văn bia…

Làng Côi Trì được lập vào năm 1505 với 89 người đầu tiên đến lập làng. 89 người này đã dùng dao chém lên tảng đá để lại 89 vết chém, cùng thề đoàn kết xây dựng xóm làng. Hiện nay tảng đá này được trang trọng đặt tại chính cung ở Đình làng.

Ban đầu nơi đây được đặt tên là xã Côi Đàm (thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam), đến năm 1573 thì đổi tên thành làng Côi Trì, tên này được gọi cho đến ngày nay.

Trong tên Côi Đàm hay Côi Trì thì “Đàm” “Trì” đều là cách gọi cái ao. Xưa kia nơi đây trũng và úng nước mà hình thành ao, “Côi Trì” có nghĩa là cái ao đẹp, được xem là nơi tụ khí sinh nhân tài. Làng Côi Trì từng có nhiều người hay chữ như Ninh Ngạn, Ninh Tốn, Ninh Địch, Tạ Uyên cùng rất nhiều các thầy đồ khác.

Trương Văn Hiến: Người thầy của ba anh em nhà Tây Sơn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Họ Ninh

Dòng họ nổi tiếng hay chữ nhất ở Côi Trì là họ Ninh. Tổ tiên họ Ninh vốn ở Ninh Xá huyện Vọng Doanh (nay là Ý Yên – Nam Định), đến thời Hồng Đức thì dòng họ này có người đến Côi Trì sinh sống.

Sau này họ Ninh có người đỗ kỳ thi Hương và làm quan huyện. Năm 1687 thì họ Ninh xuất sinh một người con trai đặt tên là Ninh Địch. Khi còn nhỏ một lần đang dạo chơi thì Ninh Địch gặp vị quan Huấn đạo. Thấy cậu bé lanh lợi, vị quan nọ cao hứng ra một vế đối rằng “Xuân đáo bách hoa khai” (nghĩa là xuân đến trăm hoa nở). Ninh Địch cũng nhanh nhạy đáp rằng ”Nhật xuất thiên sơn chiếu” (nghĩa là mặt trời tỏa sáng ngàn núi). Dù vế đối chưa thật hoàn chỉnh, nhưng với một cậu bé con thì đã cho thấy tương lai đỗ đạt.

Khi hơn 10 tuổi thì sức học của Ninh Địch đã thăng tiến vượt bậc. Năm 1700, Ninh Địch 13 tuổi đã tham gia kỳ thi sát hạch, vượt qua các sĩ tử lớn tuổi khác và đỗ đầu.

Năm 16 tuổi, Ninh Địch xin theo học trường của tiến sỹ Nguyễn Hữu Đăng ở Thọ Xương, sau đó là theo học với Thám hoa Vũ Thạch.

Năm 1705, Ninh Địch 18 tuổi tham gia kỳ thi Hương và đỗ cao thứ 4. Đến năm 1718 Triều đình mở khoa thi, Ninh Địch tham gia, lọt vào kỳ thi Đình và đỗ tiến sĩ.

Sau một thời gian làm quan, Ninh Địch được Triều đình cử đi đánh dẹp loạn đảng các nơi. Trong vòng 2 năm ông dẹp yên các loạn đảng, trộm cướp, xử lý ổn thỏa các vụ kiện cáo.

Ninh Địch có người em trai là Ninh Ngạn, dù học giỏi nhưng vào đến thi Hội thì không đỗ. Ông liền đem sơ học viết cuốn “Vũ Vu thiển thuyết”. Ông giúp dân chúng khẩn hoang, chia đất ruộng, mở chợ xây cầu, chăm sóc người già.

Ninh Ngạn có người con trai là Ninh Tốn đỗ thi Hương khi mới 19 tuổi. Năm 1770, Ninh Tốn đi chơi rồi đề thơ trên núi Vân Lỗi (thuộc Thanh Hóa). Một lần chúa Trịnh Sâm đến núi chơi, thấy bài thơ rất hay, liền hỏi tác giả rồi cho triệu Ninh Tốn vào phủ.

Ninh Tốn đến thì được Chúa phong cho làm Thiêm Tri Binh Phiên. Năm 1775, ông vâng lệnh vào triều nhận chức Hiệu Thảo Thự Sơn Nam hiến sứ, rồi cùng với Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Sá lo việc biên soạn Quốc sử.

Năm 1776, Ninh Tốn dâng tờ khải lên Chúa bẩm báo về tệ nạn vùng biển ven sông, cùng việc quan lại địa phương lấy cớ mượn việc công để thu lúa và thủy sản khiến dân khổ. Nhờ đó mà Triều đình có ra luật nghiêm cấm các tệ nạn này.

Năm 1778, Ninh Tốn dự kỳ thi và đỗ tiến sĩ, được cử làm Phụng tá Quân Hải lộ, sang năm thì được thăng tứ phẩm. Sau đó ông được thăng lên làm Đông các đại học sĩ, Thự Hình bộ hữu Thị lang.

Nét đẹp văn hóa

Làng Côi Trì giữ gìn các văn vật liên quan đến việc khuyến học xưa. Lệ làng xem sự thịnh suy của làng ở việc giáo hóa: “Ấp ta là ấp văn hiến. Người học nên dùi mài kinh sử, nhất nhất chăm học đừng sợ dốt… Sự thịnh suy của làng là ở vấn đề giáo hóa”.

Ngoài phong trào Nho học, làng cũng xây chùa An Thái vào năm 1775, là trung tâm sinh hoạt của các Phật tử, thể hiện được tín ngưỡng đối với Phật.

Trong “Hương ước” của làng có quy định về việc giáo dục và khuyến học, trong đó có các quy định chi phí cho thầy, cũng như phần thưởng cho người có thành tích.

Làng cũng trích 1 mẫu 5 sào ruộng công để làm ruộng học điền, giao cho các gia đình có sĩ tử đang kỳ đèn sách, lấy tiền từ việc làm ruộng để trang trải chi phí học hành.

Làng cũng miễn phu dịch cho các sĩ tử đang chuẩn bị cho kỳ thi. Đến kỳ thi làng còn tổ chức cho người đến giúp đỡ việc nhà cho gia đình nào có sĩ tử đi thi, để các sĩ tử đi thi yên tâm.

Đối với các sĩ tử đỗ đạt, làng đều tổ chức lễ đón, đề tên trên biển vàng, vinh danh nhằm khuyến học. Làng có lệ: “Thí khoa người nào trúng Hương cống thì xã trưởng phải cho mõ rao khắp làng, sắp đặt 30 người trở lên áo mũ chỉnh tề đến chào mừng”.

Làng cũng có bài Hương sử gồm 274 câu thơ luc bát được thế hệ người làng sáng tác từ khi lập làng cho đến nay, trở thành sử làng vô giá lưu lại cho các thế hệ sau này.

Lễ hội hàng năm

Vào ngày 11 tháng giêng hàng năm là lễ hội dân gian của làng. Đây cũng là ngày giỗ các “quan chiếm xạ” tức 89 người đầu tiên đến đây lập làng. Lễ được tổ chức ngay tại Đình làng với các lễ vật đầy đủ cùng bài văn tế.

Lễ hội bắt đầu từ trưa ngày 11 tháng giêng, mở đầu là tế cáo với Thành Hoàng cùng các “quan chiếm xạ”, sau đó là tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, đấu vật…

Đến sáng ngày 12 là lễ chính với các khách quan đươc mời. Mở đầu là điển tích 89 “quan chiếm xạ” lập làng với các đội múa rồng, múa lân và một chiếc thuyền rồng. 89 quan chiếm xạ cùng ăn thề đoàn kết một lòng dựng làng trong tiếng trống và tiếng reo hò của dân chúng. Sau đó là diễn ra các cuộc thi thơ, thi nấu cơm…

Lễ hội làng ghi đậm dấu ấn lịch sử, có giá trị văn hóa, hun đức truyền thống đoàn kết tốt đẹp của làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: