Xã Phùng Xá (thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) có hai làng là làng Phùng và Vĩnh Lộc. Làng Phùng còn có tên là làng Bùng, là làng cổ 2.000 năm tuổi, xưa kia làng có tên là An Hoa Trang. Làng được bao quanh bởi những ao, chuông lớn nhỏ, như hình con rùa đang bơi lội.
Vào đầu thế kỷ thứ 6 ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, vợ chồng ông Phùng Thủy và Hoàng Thị Mai có người con trai là Phùng Thanh Hòa. Từ nhỏ Phùng Thanh Hòa đã thông minh khác thường, học một biết mười.
Lúc này là thời thuộc Lương, dân chúng bị đàn áp đói khổ, Thanh Hòa khi có tuổi đã thành lập được một đội quân nhằm bảo vệ xóm làng khỏi sự áp bức của nhà Lương.
Năm 541, Lý Bí khởi nghĩa chiêu mộ binh mã hào kiệt khắp nơi cùng tham gia. Thanh Hòa mang quân đến hưởng ứng và được phong là Hữu tướng
Cuối năm 541, Lý Bí điểm binh mã, tiến đánh quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân, lên ngôi Vua xưng là Lý Nam Đế.
Năm 545, nhà Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân, trong khi đó Lý Nam Đế chỉ có 3 vạn quân phòng thủ các nơi ở tuyến sông Hồng.
Quân Lương vượt qua các tuyến phòng thủ tiến đánh Kinh đô nơi sông Tô Lịch. Trận đánh tại sông Tô Lịch kéo dài hàng tháng, Tinh Thiều và Phạm Tu đều tử trận. Thấy không thế ở lâu, Lý Nam Đế cho quân rút đến thành Gia Ninh (xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Lúc này binh sĩ Vạn Xuân hầu hết đã tử trận, vận nước lâm nguy, Lý Nam Đế kêu gọi dân chúng giúp nước. Phùng Thanh Hòa tập hợp trai tráng, giữ chức Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục trở thành các tướng trụ cột giúp Vua chống giặc.
Lý Nam Đế cho quân đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ), các thuyền đậu chật kín cả mặt hồ.
Quân Lương lo lắng, nếu tấn công thì không nắm chắc phần thắng. Thế nhưng đúng lúc này mưa to, mực nước các con sông lên nhanh đổ vào hồ Điển Triệt khiến các chiến thuyền quân Vạn Xuân chòng chành. Quân Lương chớp cơ hội theo dòng nước tiến vào đánh bại quân Vạn Xuân.
Đến đây quân Vạn Xuân phân tán các nơi, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy xuống phía nam, Lý Nam Đế phải chạy tới thung lũng Khuất Lão nơi thượng lưu sông Hồng.
Còn Phùng Thanh Hoà đến An Hoa Trang, nhận thấy mình đã tuổi cao sức yếu, chọn ở lại nơi đây giúp dân xây dựng xóm làng, làm nông, mở mang việc học hành, đóng góp nhiều công lao cho làng.
Khi Phùng Thanh Hòa mất, dân chúng thương tiếc lập đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng của làng. Từ đó tên Phùng Gia Trang được thay thế cho An Hoa Trang, dần dần âm “Phùng” đọc chệnh thành “Bùng”, gọi là làng Bùng.
Phùng Xá có 2 làng Bùng và Vĩnh Lộc, có tiếng là làng nghề và học hành, dân gian lưu truyền câu:
Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Bùng Xá với anh thì về
Bùng Xá có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề cửi canh
Làng Bùng có nhiều nhân tài phụng sự Xã Tắc, thời nhà Lý có Đại tư mã Nguyễn Cảnh Câu, thời nhà Trần có Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt. Thời nhà Lê có rất nhiều nhân tài như Thái tể Mai Quận Công, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Phùng Lĩnh Hầu và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Đình Dung…
Làng cũng có trường hợp hai cha con đỗ tiến sĩ. Đó là Nguyễn Nham đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1715, con là Nguyễn Thì Lượng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1731. Cả hai cha con đều làm quan to trong Triều. Ngoài ra số người đỗ Phó bảng, Hương cống, Cử nhân, Tú tài, Sinh đồ khá nhiều.
Văn chỉ của làng được xây dựng vào thế kỷ 17 để thờ Khồng Tử, là nơi ghi danh các nhà khoa bảng cũng như võ tướng của làng.
Là nơi phát cả văn lẫn võ, nên ngoài Văn chỉ, làng cũng có cả Võ chỉ với võ bia ghi danh Đại Tư Mã Nguyễn Cảnh Câu triều Lý, Đại hành khiển phụ quốc Thượng tướng quân Hương Sơn bá Nguyễn Bá Lân triều Trần, Thái thường tự khanh Hào lưỡng hầu Phùng Khắc Trung triều Lê, v.v…
Là ngôi làng phát cả văn lẫn võ, nhiều câu ca và sự tích về làng vẫn còn được truyền tụng mãi cho đến tận ngày nay, trong đó có rất nhiều câu truyện về người con kiệt xuất của làng là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 ở làng Bùng trong gia đình có truyền thống thi thư, từ nhỏ đã được cha dạy dỗ, 9 tuổi đã biết làm thơ, đến 15 tuổi thì theo học với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhờ đó mà tinh thông thêm cả thuật số.
Dù sống dưới thời nhà Mạc nhưng ông không muốn làm quan cho nhà Mạc nên vào nam dự khoa thi nhà Lê và đỗ Hoàng giáp khi đã 53 tuổi.
Khi nhà Lê Trung Hưng chiếm được Thăng Long, Phùng Khắc Khoan được phong làm Kiệt tiết Tuyên lực, đặc ân Kim tử vinh lộc đại phu.
Năm 1697, Phùng Khắc Khoan được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.
Dân gian kể rằng các quan nhà Minh nhận tiền của nhà Mạc nên không công nhận sứ thần nhà Lê, chặn đoàn sứ thần ngay ở cửa ải. Phùng Khắc Khoan phải dùng tài ngoại giao, lại viết thư cho quan lại nhà Minh nói rõ việc nhà Mạc cướp ngôi, nhờ đó mà đoàn sứ thần mới đến được Yên Kinh.
Trước đây nhà Mạc khi cử sứ đến có làm người bằng vàng cúi mình, nhưng nay Phùng Khắc Khoan đến không có người vàng nên bị ngăn lại không cho vào chầu, Phùng Khắc Khoan biện bạch rằng:
“Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như nhà Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, quy chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo như lệ nhà Mạc, thì lấy gì khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được”.
Việc này được tâu lên Hoàng đế nhà Minh, cuối cùng Hoàng đế đồng ý cho đoàn sứ nước nam vào chầu giống như thời nhà Lê trước đây.
Phùng Khắc Khoan đối đáp tài giỏi, quan lại nhà Minh ai cũng khen ngợi ông, nhờ đó mà việc đi sứ diễn ra rất tốt đẹp.
Khi đi sứ qua các nơi, Phùng Khắc Khoan cũng đưa các giống hạt đậu đen, đậu nành, hạt ngô về nước, giúp dân làm nông nghiệp.
Ông cũng để ý học nghề làm lượt. Khi về nước ông đã phổ biến kỹ thuật đó cho dân làng Bùng quê ông, dệt ra thứ lượt bằng tơ đẹp nổi tiếng được gọi là “lượt Bùng”, rồi nghề này được lan truyền đến các làng.
Ngày nay làng Bùng vẫn là một làng hiếu học với rất nhiều học sinh đỗ đại học, có những học sinh đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố và quốc gia. Hàng năm vào ngày giỗ Trạng Bùng 24 tháng 9 âm lịch, hội khuyến học của làng sẽ trao các giải thưởng khuyến học tại đền thờ cụ Trạng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…