Lý Mục là một danh tướng tài giỏi của nước Triệu thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông chỉ cần đánh một trận mà khiến quân Hung Nô suốt 10 năm không gượng dậy nổi. Tần Thủy Hoàng mấy lần tấn công nước Triệu với tướng giỏi binh mạnh cũng phải thốt lên rằng nếu còn danh tướng Lý Mục thì không sao thu phục lục quốc.
Tổ tiên của Lý Mục vốn là họ Thôi ở huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Đến đời ông nội là Lý Đan Nguyên thì đổi sang họ Lý.
Lý Mục từ nhỏ đã giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, lớn lên ông trở thành tướng quân dưới thời Triệu Hiếu Thành Vương.
Lúc này ở phía bắc nước Triệu liên tục bị người Hung Nô tấn công cướp bóc. Nhà Triệu dùng đến một nửa quân số để trấn giữ biên giới phía bắc nhưng vẫn thường xuyên bị đánh bại.
Vương Chiêu liền tiến cử lên Lý Mục lên Triệu Vương. Lý Mục yêu cầu mình phải được toàn quyền sắp đặt binh lính và quan lại vùng biên giới, yêu cầu được giữ lại tất cả các khoản thuế thu được ở biên giới để chi tiêu quân phí, đồng thời không ai được can thiệp vào sách lược của mình. Các yêu cầu này được Triệu Vương chấp nhận.
Lý Mục lập tổng hành dinh ở quận Đại, sắp đặt bộ máy quan lại, tiền thuế đều được vào trong dinh để xây dựng quân đội. Binh sĩ được luyện tập, thành trì được tu sửa. Lý Mục không đánh Hung Nô ngay, chỉ bí mật ngày đêm xây dựng, thao luyện quân sĩ, người ngoài không biết được.
Lý Mục còn tìm cách đưa dân vào trong thành, tránh trực tiếp bị quân Hung Nô cướp bóc, thực hiện “vườn không nhà trống”. Ông cũng lệnh cho binh sĩ không giao chiến, nếu quân Hung Nô đến sẽ khua chiêng gõ trống rút hết vào thành cố thủ không ra. Ai vi phạm quân lệnh mà giao chiến sẽ bị xét xử.
Tin tức Lý Mục không dám đánh Hung Nô bay về kinh thành. Qua vài năm nhẫn nại, Triệu Vương không nhịn được cho gọi Lý Mục về. Lý Mục nói rằng thời cơ chưa đến, đồng thời nhắc lại cam kết của Triệu Vương.
Triệu Vương không đồng ý với Lý Mục, liền cử tướng khác thay chống Hung Nô. Các tướng mới thay đổi kế sách trước đó của Lý Mục, nhiều lần giao chiến với Hung Nô, nhưng không chỉ không thắng mà còn tổn thất binh sĩ. Người dân vùng biên giới thường xuyên bị cướp phá mà không được bảo vệ một cách có chiến lược và trật tự như thời Lý Mục.
Triệu Vương nhớ tới Lý Mục, mời Lý Mục tới nhưng ông đóng cửa cáo bệnh không ra. Triệu Vương phải nhờ đến Vương Chiêu thuyết phục, Lý Mục mới chịu đến phụng mệnh. Lý Mục đồng ý lĩnh chỉ đánh Hung Nô, đồng thời nhắc lại điều kiện cũ.
Lý Mục tới biên giới, lại rời dân vào sâu phía trong, thực hiện “vườn không nhà trống”, binh sĩ trong thành không giao chiến. Quân Hung Nô đã quen với Lý Mục, cho rằng ông sợ Hung Nô.
Sau vài năm, quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, vậy mà quân Hung Nô không mảy may hay biết. Không chỉ thế, sau vài năm, quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chỉ lo phòng thủ nên nghênh ngang như ở chỗ không người.
Nhận thấy binh lực đã mạnh, thời cơ đã dến, Lý Mục cho dân chúng trở lại biên giới trồng trọt, chăn thả gia súc. Quân Hung Nô đến cướp bóc thì quân của Lý Mục giả sợ hãi vứt hết khí giới tháo chạy.
Nghe tin dân Triệu trở lại biên giới với rất nhiều của cải. Thiền vu Hung Nô mừng rỡ cho đại quân 10 vạn tới nơi. Quân Triệu thấy quân Hung Nô thì bỏ chạy, nhử đại quân Hung Nô vào trận địa bố trí sẵn ở ngay trước Nhạn Môn Quan.
Quân Hung Nô vừa vào trận địa, Lý Mục liền cho bộ binh và chiến xa tập kích từ 2 cánh ép lại, rồi cho đội cung thủ bắn tên như mưa. Quân Hung Nô tử trận vô số, một số thoát ra khỏi vòng vây chạy trốn thì bị quân Triệu cho kỵ binh truy đuổi diệt sạch. Thiền vu Hung Nô phải trốn vào rừng sâu.
Chớp thời cơ, Lý Mục đưa quân đuổi theo, vượt biên giới sang Hung Nô diệt Đan Lâm, phá Đông Hồ, khiến người Lân Hồ phải đầu hàng quy thuận. Đây là lần đầu tiên người ở vùng đất Trung Nguyên có thể đánh bại Hung Nô trong một trận đánh quy mô lớn.
Sau trận đánh này, hơn 10 năm sau quân Hung Nô vẫn không gượng dậy nổi, kinh sợ không dám đến gần biên giới với nước Triệu.
Kế sách “vườn không nhà trống” của danh tướng Lý Mục sau này trở thành hình mẫu cho binh pháp. Khoảng 1.500 năm sau, đại quân Mông Cổ hùng bá khắp thiên hạ, xâm chiếm từ Á sang Âu gây kinh hoàng khắp thế giới, biên niên sử châu Âu ghi nhận rằng “vó ngựa quân Mông Cổ đến đâu cỏ không mọc được đến đấy”. Tuy nhiên khi đến Đại Việt, vó ngựa quân Mông Cổ bị chùn bước, rút chạy thảm bại bởi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người sử dụng chính sách lược “vườn không nhà trống”. Sách lược này đã 3 lần giúp Đại Việt đánh tan đại quân Mông Cổ, viết nên trang sử hào hùng cho hậu thế.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…