Trong một lần biểu tình ôn hòa chống chính sách phân biệt chủng tộc, mục sư Martin Luther King – nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào đấu tranh đòi quyền của người da đen ở Mỹ – bị cảnh sát bắt giam với tội danh “gây rối trật tự công cộng” (12/4/1963). 11 ngày ở tù, ông đã viết nên một trong những tác phẩm gây cảm hứng nhất trong lịch sử nước Mỹ, chỉ ra rõ vì sao người ta phải đấu tranh chống những đạo luật bất công, và phải đấu tranh với tinh thần như thế nào.
Bối cảnh của vụ việc là, Martin Luther King bị bắt vì đã vi phạm luật của bang Alabama, đó là luật chống biểu tình đông người, gây rối trật tự công cộng. Ngay sau khi ông bị nhốt vào trại giam, một số mục sư da trắng đã lên tiếng chỉ trích ông tổ chức tuần hành bất hợp pháp.
King phẫn nộ bác bỏ tội danh mà người ta cố ghép cho ông. Đồng thời, trong những ngày bị giam giữ, ông đã viết “Lá thư từ ngục Birmingham” gửi các mục sư bạn mình, như một bài giảng tuyệt vời về bất tuân dân sự, một lời kêu gọi bảo vệ “luật tự nhiên”, tôn trọng quyền con người và công lý.
Dưới đây là một phần bản dịch tiếng Việt của “Lá thư từ ngục Birmingham”. Dưới đây là bản dịch của dịch giả Trần Hà Linh đăng tại tạp chí Luật Khoa (luatkhoa.org).
*****
Ngày 16 tháng 4 năm 1963.
Các bạn mục sư thân mến của tôi,
Khi bị cầm tù trong nhà giam này của thành Birmingham, tôi tình cờ có được thông cáo mới đây của các bạn gọi các hoạt động hiện nay của tôi là “không khôn ngoan và không đúng thời điểm”. Hiếm khi tôi bỏ thời gian đáp lại những ý kiến phê phán công việc và quan điểm của mình. Nếu tôi định trả lời tất cả những lời chỉ trích có trên bàn, thì các thư ký của tôi sẽ chẳng còn mấy thời gian để làm gì ngoài việc thư từ qua lại hết ngày, còn tôi sẽ không còn thời gian cho những công việc có tính xây dựng hơn. Nhưng vì tôi cảm thấy các bạn là những người thật sự có thiện ý và lời phê phán của các bạn là chân thành, nên tôi muốn cố gắng trả lời các bạn theo một cách mà tôi hy vọng là nhẫn nại và hợp lý nhất…
Sẽ đến một lúc mà sự chịu đựng đã cạn kiệt và con người không còn chấp nhận đâm đầu vào cái vực thẳm của sự tuyệt vọng nữa. Các bạn, tôi hy vọng các bạn có thể hiểu sự mất kiên nhẫn rất có lý và là không thể tránh khỏi của chúng tôi. Các bạn thể hiện một thái độ hết sức lo lắng về việc chúng tôi sẵn sàng phạm luật. Đó hiển nhiên là một mối lo ngại chính đáng. Khi mà chúng ta đã cần mẫn đến thế trong việc đề nghị mọi người tuân thủ phán quyết năm 1954 của Tòa án Tối cao – cấm chính sách phân biệt chủng tộc ở các trường công – thì thoạt nhìn, có thể thấy sẽ khá là nghịch lý nếu chúng ta chủ trương vi phạm pháp luật một cách có ý thức.
Ai đó có thể hỏi: “Làm sao các vị có thể cổ súy cho việc vừa vi phạm một số luật vừa tuân thủ một số luật khác?”. Câu trả lời nằm ở một thực tế là có hai loại luật pháp: công bằng và bất công. Tôi sẽ là người đầu tiên cổ súy cho việc tuân thủ những đạo luật công bằng. Con người ta không chỉ có trách nhiệm pháp lý mà còn có cả trách nhiệm đạo đức buộc ta phải tuân thủ các đạo luật công bằng. Ngược lại, con người cũng có trách nhiệm đạo đức là phải bất tuân những luật không công bằng. Thánh Augustine nói đúng, “luật không công bằng tức là chẳng có luật gì cả”.
Vậy, cái khác nhau giữa hai loại luật là gì? Làm thế nào ta có thể xác định một đạo luật là công bằng hay bất công? Luật công bằng là một quy định do con người tạo ra phù hợp với luật đạo đức hay là luật của Chúa Trời. Luật bất công là một quy định không phù hợp với luật đạo đức. Nói như Thánh Thomas Aquinas: Luật bất công là luật của con người mà không bắt nguồn từ luật vĩnh cửu và luật tự nhiên.
Luật nào nâng phẩm tính của con người lên là luật công bằng. Luật nào hạ thấp nhân tính là luật bất công. Mọi đạo luật phân biệt đối xử đều bất công bởi vì phân biệt đối xử làm biến dạng tâm hồn và hủy hoại nhân cách. Nó cho kẻ phân biệt đối xử cái cảm giác sai trái rằng hắn ở địa vị cao quý hơn, và tạo cho người bị phân biệt đối xử cảm giác sai trái rằng họ thấp kém hơn. Nói theo ngôn ngữ của triết gia Do Thái Martin Buber, phân biệt đối xử thay thế quan hệ “tôi, anh” bằng quan hệ “tôi, nó”, và kết cục là đẩy con người vào trạng thái đồ vật.
Do đó, phân biệt đối xử không chỉ tồi tệ về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, mà nó còn sai và có tội về mặt đạo đức. Paul Tillich từng nói rằng tội ác là sự chia rẽ. Phân biệt đối xử chẳng phải đang thể hiện và khẳng định sự chia rẽ bi thảm của con người, sự ghẻ lạnh đáng sợ, sự phạm tội khủng khiếp của anh ta hay sao? Do đó mới có chuyện tôi vừa đề nghị mọi người tuân thủ phán quyết năm 1954 của Tòa án Tối cao – vì nó đúng về mặt đạo đức; tôi lại vừa kêu gọi mọi người bất tuân những đạo luật phân biệt chủng tộc, vì chúng sai về mặt đạo đức.
Chúng ta hãy xem một ví dụ cụ thể hơn về luật công bằng và bất công. Luật bất công là một quy định mà một nhóm đa số có sức mạnh ép buộc một nhóm thiểu số phải tuân theo, nhưng lại không tự ràng buộc chính mình. Như thế gọi là “luật hóa sự khác biệt”. Theo đúng logic đó, luật công bằng là một quy định mà đa số ép buộc thiểu số phải tuân theo và bản thân đa số cũng sẵn sàng tuân thủ. Như thế gọi là “luật hóa sự đồng nhất”.
Để tôi cho các bạn thêm một lời giải thích nữa. Luật là bất công nếu nó được áp đặt lên một thiểu số không có quyền bỏ phiếu và vì thế không có vai trò gì trong việc ban hành hay soạn thảo luật. Ai có thể nói cơ quan lập pháp bang Alabama – cơ quan đã tạo ra các luật phân biệt đối xử của bang – là được bầu lên một cách dân chủ? Trên khắp Alabama, tất cả các chiêu trò thủ đoạn đều đã được vận dụng để ngăn cản người da đen trở thành cử tri hợp lệ, và có những quốc gia mà ở đó, mặc dù người da đen chiếm phần lớn trong dân số nhưng không một người da đen nào được đăng ký cử tri. Liệu có thể có một đạo luật nào được thông qua trong những điều kiện ấy mà vẫn được coi là dân chủ không?
Đôi khi, một đạo luật trên danh nghĩa có vẻ công bằng nhưng khi thực thi lại là bất công. Chẳng hạn, tôi đã bị buộc tội tuần hành không giấy phép. Cũng không sai nếu như có một quy định yêu cầu hoạt động tuần hành phải được cấp phép. Nhưng quy định đó sẽ trở thành bất công khi nó được sử dụng để duy trì sự phân biệt đối xử và tước bỏ của công dân quyền tụ tập và biểu tình ôn hòa theo Tu Chính Án số 1.
Tôi hy vọng các bạn có thể nhìn thấy sự khác biệt mà tôi cố chỉ ra ở đây. Tôi không cổ súy cho việc trốn tránh hay thách thức pháp luật theo bất kỳ nghĩa nào, và những người điên cuồng phân biệt chủng tộc cũng vậy. [Bởi vì] Như thế sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Ai muốn phá vỡ một đạo luật bất công, thì phải làm điều đó một cách công khai, với tình yêu thương và tinh thần sẵn sàng đón nhận hình phạt. Tôi cho rằng một cá nhân đã dám vi phạm một đạo luật mà lương tâm anh ta cho là bất công, và chấp nhận ngồi tù để đánh thức lương tâm của cả cộng đồng về sự bất công đó, thực ra, chính là đang thể hiện sự tôn trọng cao nhất của anh ta đối với pháp luật.
Tất nhiên, hình thức bất tuân dân sự này chẳng có gì mới. Có những bằng chứng hùng hồn về nó trong việc Shadrach, Meshach và Abednego từ chối tuân thủ luật của vua Nebuchadnezzar, với lý do là một luật đạo đức cao hơn đang tồn tại. Nó đã được thực thi rất tốt bởi những người Thiên Chúa giáo đầu tiên – những người sẵn sàng đối diện với lũ sư tử đói hay nỗi đau đớn khủng khiếp của việc bị chặt đầu, còn hơn là chịu khuất phục các đạo luật bất công của Đế chế La Mã. Tự do học thuật ngày nay được thực thi ở một mức độ nào đó là vì Socrates đã thực hiện bất tuân dân sự. Ở đất nước của chúng ta, Tiệc Trà Boston(*) là hiện thân của hành động bất tuân dân sự hàng loạt.
(*) Tiệc Trà Boston, Boston Tea Party, là một cuộc biểu tình lớn ngày 16/12/1773, trong đó những người biểu tình phá một tàu chở trà của công ty Đông Ấn, nhằm phản đối chính sách thuế bất hợp lý của chính quyền Anh quốc thể hiện thông qua Đạo luật Trà. Chính quyền Anh đáp trả bằng hành động trấn áp và căng thẳng leo thang đến khi trở thành Cách mạng Mỹ – ND.
Chúng ta chớ bao giờ quên rằng mọi điều Adolf Hitler làm ở Đức đều đã là “hợp pháp”, và mọi điều những chiến binh tự do Hungary làm ở Hungary đều đã là “bất hợp pháp”. Giúp đỡ và an ủi người Do Thái ở nước Đức của Hitler đã từng là bất hợp pháp. Ngay cả như thế, tôi cũng chắc chắn rằng nếu tôi sống tại Đức thời ấy, tôi sẽ giúp đỡ và an ủi những người anh em Do Thái của mình. Nếu ngày nay tôi sống trong một đất nước cộng sản, nơi một số nguyên tắc rất gần với niềm tin Công Giáo bị đàn áp, tôi sẽ công khai cổ súy cho việc bất tuân thủ những đạo luật chống tôn giáo của đất nước đó.
Tôi hy vọng khi lá thư này đến tay, các bạn vẫn giữ đức tin mạnh. Tôi cũng hy vọng tình hình sẽ sớm cho phép tôi gặp mỗi người trong các bạn, không phải với tư cách một người cổ súy cho hòa hợp xã hội hay một nhà lãnh đạo phong trào đòi quyền dân sự, mà trên cương vị một mục sư, bạn của các bạn, và là một người anh em Thiên Chúa giáo của các bạn. Tất cả chúng ta hãy cùng hy vọng rằng bóng mây đen của nạn phân biệt chủng tộc sẽ sớm bay đi, màn sương mù hiểu lầm sẽ tan trên đầu các cộng đồng đang chìm trong sợ hãi, và một ngày không xa lắm nữa, ánh sao của tình yêu thương và tình anh em sẽ tỏa sáng trên đất nước vĩ đại của chúng ta, với tất cả vẻ đẹp long lanh của nó.
Vì hòa bình và tình anh em,
Mục sư Martin Luther King
Lược dịch từ “Letter from Birmingham Jail”
Bài viết đăng trên Luật Khoa tạp chí (luatkhoa.org) của dịch giả Trần Hà Linh.
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…