Nhà nguyện Brancacci tại nhà thờ Đức Mẹ núi Camêlô (Santa Maria del Carmine) ở Florence, Ý, có thể được coi là một Thánh địa của hội họa phương Tây. Nhà nguyện này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều danh họa Phục Hưng, trong đó có cả Tam Kiệt của thời kỳ này là Leonardo da Vinci, Raphael và Michelangelo. Bởi vậy Brancacci còn được ví như “Nhà nguyện Sistine” của thời kỳ đầu Phục Hưng. Nơi đây bảo tồn loạt bích họa quý giá, với tầm quan trọng không phải ở đề tài, mà là ở kỹ thuật hội họa của danh họa Masaccio.
Masaccio có thể không nổi tiếng như Michelangelo, nhưng ảnh hưởng của ông đối với nghệ thuật hội họa rất sâu rộng. Trong cuốn sách nổi tiếng “Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects” (Tạm dịch: Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài ba nhất), Giorgio Vasari đã nhận xét về Masaccio như sau: “Tất cả những ai muốn tập trung vào việc học nghệ thuật hội họa sẽ đến Nhà nguyện Brancacci, chủ yếu để nắm vững các quy chuẩn và nguyên lý chính xác khi miêu tả hình tượng nhân vật của Masaccio.”
Thật vậy, Nhà nguyện Brancacci từng là nơi dừng chân học tập của những bậc thầy nổi tiếng nhất: Leonardo da Vinci, Raphael và Michelangelo. Tác giả của một số bức bích họa nổi tiếng tại đây, họa sĩ Masaccio, chết trẻ ở tuổi 26. Ông không có tượng đài, chỉ còn lại một vài văn bia kỷ niệm. Một tấm bia được viết bởi nhà văn và nhà thơ Annibale Caro, tổng kết ngắn gọn và chính xác di sản huyền thoại của Masaccio:
“Tôi vẽ, tranh của tôi như cảnh thực;
Tôi mang lại tư thế cho nhân vật trong tranh, sự tức giận, hành động và cảm xúc.
Michelangelo dạy bảo mọi người,
Nhưng chỉ học hỏi từ tôi.”
Phong cách hội họa của Masaccio chỉ được nhiều người coi trọng hơn sau khi ông qua đời. Vasari từng nhận xét rằng Masaccio đã dành hết tâm huyết cho việc sáng tạo nghệ thuật, đến nỗi ông không quan tâm đến ngoại hình và các vấn đề trần tục của mình. Bởi vậy dù tên thật của ông là Tommaso di Ser Giovanni di Simone, nhưng mọi người gọi ông là Masaccio, có nghĩa là “Tom cẩu thả” (Tom trong Tommaso). Tất nhiên, điều này chỉ là nói về sự bừa bộn của ông, còn bản thân Masaccio lại là “Hiện thân của lòng tốt”.
Masaccio lúc sinh thời có phong cách độc đáo và rất truyền thống. Ông được truyền cảm hứng từ các tác phẩm của những người đi trước như Giotto di Bondone. Mặc dù các họa sĩ cùng thời đều vẽ theo phong cách Gothic, Masaccio lại sử dụng phối cảnh và đối ứng ánh sáng (chiaroscuro) để phát triển phong cách vẽ chân thực hơn, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “3D hơn”. Ông trở thành người đầu tiên thành công trong phong cách độc đáo này.
Vasari nói rằng Masaccio là người đầu tiên trau chuốt kỹ năng vẽ tranh của mình. Bằng cách loại bỏ “sự thô bạo, không hoàn hảo”, Masaccio đã tạo ra những nhân vật tự nhiên đầy “biểu cảm, tư thế, sự táo bạo và giàu sức sống”.
Cũng có thể nói rằng Masaccio đặt con người vào khung hình một cách chắc chắn. Ông mô tả sinh động hình ảnh, trạng thái của các nhân vật tại thời điểm hành động. Những nhân vật này có cử chỉ biểu cảm có thể chạm vào trái tim của tất cả những người xem tranh. Trong các tác phẩm tại Nhà nguyện Brancacci, chúng ta có thể thấy Masaccio đã dẫn dắt sự phát triển nghệ thuật Phục Hưng tại Ý thời kỳ đầu.
Năm 1423, doanh nhân giàu có Felice Brancacci đã ủy quyền cho Masaccio và Masolino thực hiện một loạt các bức bích họa cho một nhà nguyện dành riêng cho Thánh Peter. Đến năm 1427, cả hai họa sĩ này đã rời đi trước khi hoàn thành, Masaccio đến Hungary và Masolino tới Rome. Mãi tới năm 1481 đến 1483, Filippino Lippi mới tiếp quản mới công việc này, lấp đầy những cảnh còn thiếu và hoàn thành loạt tranh bích họa. Trong nhà nguyện, phương pháp vẽ sáng tạo của Masaccio và những bức bích họa của Masolino được vẽ theo phong cách lúc bấy giờ được đặt cạnh nhau, tạo nên một sự tương phản thú vị.
Có thể lấy một vài bức tranh của Masaccio làm ví dụ. Chẳng hạn bức “Tiền cống nạp” (The Tribute Money) mô tả câu chuyện trong Kinh Phúc Âm. Các môn đệ đứng bên cạnh Chúa Jesus, đối mặt với một người đàn ông đang thu thuế từ họ. Chúa Jesus ra hiệu cho Thánh Peter ném một sợi dây xuống biển, và sau đó nói rằng con cá đầu tiên mà Thánh Peter bắt được sẽ ngậm tiền thuế.
Bức bích họa này sử dụng phương pháp kể chuyện liên tục, đặt một vài cảnh trong một khung hình duy nhất. Có ba câu chuyện diễn ra trước mắt người xem cùng một lúc: Ở giữa, người thu thuế đang thu thuế; Ở bên trái bức bích họa, Thánh Peter ngồi trên bờ biển để lấy tiền thuế; Phía bên phải, Thánh Peter giao tiền thuế.
Cách bốc cục của Masaccio khiến đôi mắt của người xem bị thu hút bởi Chúa Jesus đứng ở trung tâm. Đây là phương pháp phối cảnh một điểm, một kỹ thuật trong kiến trúc cổ điển được vinh danh bởi Filippo Brunelleschi, một người bạn kiến trúc sư của Masaccio. Tất cả các môn đệ của Chúa mặc trang phục Hy Lạp cổ đại và đứng xung quanh Chúa Jesus, tạo thành một hình bán nguyệt. Các nhóm chính trong bố cục tổng thể rất hài hòa, ngay cả khi biểu cảm và phản ứng của mỗi nhân vật đều khác nhau.
Tiếp theo, là đến người thu thuế. Trong tranh, ông ta đang đứng bên phải của Chúa Jesus, quần áo của ông khác với những người còn lại. Trọng tâm của ông nằm trên bàn chân trái và đầu gối phải hơi cong. Đây là tư thế đứng phổ biến trong nghệ thuật cổ điển (contrapposto). Người thu thuế trong bức bích họa muốn tiến về phía trước, và mọi người đều bị sốc bởi yêu cầu đánh thuế của ông ta. Bàn chân sau của người thu thuế gần như nhô ra khỏi khung hình, như thể ông ấy vừa bước từ thế giới của chúng ta vào tranh, qua đó lôi kéo người xem vào khung cảnh.
Chúa Jesus ở giữa đang biểu đạt điều gì đó với Thánh Peter. Thế tay của Thánh Peter, sẽ hướng ánh mắt chúng ta đến cảnh thứ hai ở nửa bên trái của bức bích họa: Thánh Peter ở bên bờ sông và lấy tiền từ miệng cá.
Khi bạn nhìn vào đại dương bên trái, bạn sẽ thấy một sự tương phản rõ nét giữa mặt đất màu nâu sẫm ở phía trước và bầu trời xanh xám mờ mờ phía sau, tạo cảm giác về khoảng cách và không gian. Kỹ thuật này được gọi là “phối cảnh khí quyển”, là kỹ xảo mà Da Vinci gọi là “phối cảnh trên không”.
Ngoài ra, Masaccio đã khéo léo sử dụng ánh sáng tự nhiên từ Nhà nguyện Brancacci, lấy ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ bên phải của bức bích họa. Ánh sáng tự nhiên chiếu sáng không gian trong bức tranh, làm cho hình thể và cấu trúc của nhân vật trở nên lập thể hơn, cũng khiến bóng tối trông tự nhiên hơn. Kỹ thuật này có thể đã có từ nghệ thuật La Mã cổ đại, nhưng vào thời Masaccio, không có ai sử dụng nó đã hàng trăm năm rồi. Đây là sự quyến rũ của kiệt tác này, kỳ diệu đến mức đáng kinh ngạc.
Masaccio nhân cách hóa các bức tranh và thậm chí các biểu tượng thiêng liêng cũng được cụ thể hóa. Có lẽ bạn đã nhận thấy vầng hào quang trên đầu của Chúa Jesus và môn đệ. Masaccio miêu tả chân thực biểu tượng thiêng liêng này. Ông cụ thể hóa vầng hào quang, giống như mọi thứ trong thế giới của chúng ta. Ông sử dụng hình ảnh để nói rằng mặc dù bạn có thể không nhìn được, nhưng đức tin là hiện hữu, thế giới tinh thần là có thật, và không có khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa.
Vasari từng nhận xét rằng Masaccio rất giỏi trong việc “phối cảnh thu về phía trước”, các tác phẩm của ông luôn khiến người xem có cảm giác được hóa thân vào trong tranh.
Một bức bích họa khác có thể khiến chúng ta hiểu hơn về phong cách của Masaccio là “Trục xuất khỏi vườn địa đàng” (The Expulsion from the Garden of Eden).
Từ vẻ mặt không hề che giấu và những bước đi buồn bã của Eva, có thể thấy cô đang hối hận sâu sắc. Cô bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng, nỗi xấu hổ trần trụi được che bằng đôi tay. Cử chỉ của cô cũng rất cổ điển: “Venus pudica”. Tuy nhiên nếu như các nghệ thuật gia trước đó dùng “Venus pudica” để thể hiện vẻ đẹp của thân thể trần tục thì Masaccio lại dùng nó để nói rằng thân thể trần trụi này khiến người ta cảm thấy đau khổ – Thật kỳ lạ, một cảm xúc rất “Phật giáo phương Đông”, coi thân thể người là “túi da hôi thối”.
Không có quá nhiều chi tiết trên khuôn mặt của Eva, những gì được miêu tả ở đây là một người phụ nữ đau đớn, trước nỗi kinh hoàng vừa xảy ra. Bên cạnh Eva, Adam xấu hổ ôm đầu, và so với nỗi đau thể xác của Eva, nỗi đau của Adam dường như nghiêng về tinh thần nhiều hơn.
Tác phẩm này của Masaccio hoàn toàn trái ngược với phong cách Gothic thời bấy giờ. Điều này còn rõ ràng hơn khi so sánh với hai bức bích họa của Masolino: “Cám dỗ của Adam và Eva” (The Temptation of Adam and Eve) và “Chữa lành đứa con tàn tật và Tabitha phục sinh” (The Healing of the Cripple and Raising of Tabitha). Các nhân vật trong hai bức bích họa của Masolino rất đẹp và thanh lịch, là một vẻ đẹp hoàn toàn khác.
Ngày nay, phong cách vẽ tranh của Masaccio có thể khá phổ biến, hoặc có đôi chút bình thường, nhưng lại mang tính đột phá tại thời điểm đó. Nhà sử học nghệ thuật Vasari cũng khẳng định vị thế tiên phong của Masaccio trong nhận xét của mình: “Các tác phẩm trước Masaccio chỉ có thể được gọi là tranh vẽ, những tác phẩm của Masaccio giống như thật so với chúng. Chân thật và tự nhiên.”
Masaccio và Brunelleschi cùng Donatello, những bạn của ông, là những người tiên phong của nghệ thuật Phục Hưng thời kỳ đầu. Masaccio đột phá trong hội họa, Brunelleschi làm nên sự phát triển của kiến trúc, còn Donatello thì mang lại cho lĩnh vực điêu khắc những điều mới mẻ.
Dựa theo bài viết trên Epoch Times
Tác giả: Lorraine Ferrier
Biên tập: Mạt Lị
Xem thêm:
Mời xem video:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn bà Brooke Rollins từ tiểu bang Texas…
Có thể bạn chưa nghe kể về nhà nguyện Sistine, nhưng chắc hẳn là bạn…
Từ ngày 26/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, đến đêm chính…
Từ chỗ hết lòng nghiên cứu Tây y, bác sĩ Vương Nguyên Phủ tiếp xúc…
Tùng Thiện vương có số lượng sáng tác rất phong phú bao trùm các lĩnh…
Ông Piotr Kulpa, cựu Thứ trưởng Ba Lan, khẳng định rằng Ukraine không nhận được…