Nói tới Rome, người ta không thể không nhắc tới những tuyệt tác Phục Hưng xoay quanh tín ngưỡng của nền văn hóa phương Tây vào Chúa Trời. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn không thể không tán thán khi đứng trước nhà thờ thánh Peter, các mái vòm và bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo, hay những bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci.

Nhà nguyện Sistine là một trong những nơi tập trung tinh hoa của nghệ thuật Phục Hưng và cũng là nơi hội tụ của tín ngưỡng phương Tây. Các tác phẩm tại đây từng phải trải qua công cuộc khôi phục vất vả trong gần 20 năm trời, từ 1980 tới 1999, do bị ảnh hưởng bởi khói từ những cây nến. Các nhà phục chế khẳng định rằng màu sắc nguyên thủy của bích hoạ vòm trần nhà nguyện Sistine đã được khôi phục lại, kể cả màu lam rực rỡ của bầu trời. Tuy nhiên không ít chuyên gia cho rằng quá trình phục chế đã làm mất lớp màu trên cùng được vẽ lên nền đã khô (a secco), các hình sửa bên dưới (pentimenti), các chỗ nhấn sáng và bóng đổ trên bức bích họa… Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới 5 triệu khách du lịch tới thăm nhà nguyện Sistine.

Michelangelo
(Ảnh: Snowdog, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Nổi tiếng nhất bên trong nhà nguyện Sistine chính là các bức tranh trên mái vòm của nhà nguyện này được danh họa Michelangelo thực hiện. Chúng được đánh giá là kiệt tác ngoại hạng trong lịch sử Mỹ thuật thế giới không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn bởi kỹ thuật tạo ra chúng là vô cùng khó khăn.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng và họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã chia sẻ về quá trình thực hiện cũng như các điểm đặc biệt trong kỹ thuật của kiệt tác này.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
(Ảnh: Qypchak, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Dưới đây là 9 điểm đặc biệt về kỹ thuật vẽ của Michelangelo được họa sĩ Đức Hòa nêu ra:

1. Nền tranh không phẳng mà cong khum khum, lại vướng nhiều gờ của các thanh đà, phào trần…

2. Khi vẽ thì bức tranh trên đỉnh đầu chứ không ở trước mặt họa sĩ.

3. Tranh trên vòm nhà nên phải lên giàn giáo mới vẽ được – mà khi vẽ, tác giả không lùi được để ngắm từ xa, kể cả có leo xuống cũng không thể ngắm từ xa – vì vướng giàn giáo, trừ khi dỡ bỏ – điều này vô lý.

4. Không sẵn nền tranh để mặc sức muốn vẽ thế nào thì vẽ: đây là tranh Nề họa nên mỗi lần định vẽ mảng nào thì phải trát vữa trước mảng đó – khi vẽ phải là lúc vữa se se để khi màu khô thì quyện vào vữa và bền chắc, vì thế đã 5 thế kỷ rồi mà màu tranh này còn bền – một kỳ công về kỹ thuật xử lý màu.

5. Khi vẽ, chỉ cần sơ ý là cả màu lẫn vữa ụp xuống mặt họa sĩ!

6. Chỉ có một mình tác giả làm việc không nghỉ ngơi trong 4 năm, các họa sĩ tới cộng tác đã bị giải tán sớm!

7. Diện tích mặt tranh cực lớn so với chỉ một mình tác giả.

8. Khi vẽ xong, tác giả hầu như hỏng thị lực, ngoẹo cổ…

9. Cuối cùng, để lưu ý đến vấn đề kỹ thuật, đành xin lỗi Leonardo da Vinci – cũng là tranh vẽ lên tường mà bức The Last Super của ông bị bong tróc và mất màu đã từ lâu trong khi bức này lớn hơn, khó vẽ hơn rất nhiều lần… thế mà vẫn tồn tại gần như toàn vẹn sau 5 thế kỷ (trừ những vết nứt rạn nhưng không bong tróc).

Về quá trình hoàn thành kiệt tác này, nhà vật lý, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng tóm tắt từ cuốn “Cuộc đời của Michelangelo” của Ascanio Condivi (1526 – 1574), và “Cuộc đời của các hoạ sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư xuất sắc nhất” của Giorgio Vasari (1511-1574) như sau:

1. Trước khi vẽ vòm trần nhà nguyện Sistine, Michelangelo chưa bao giờ vẽ bích hoạ (fresco). Ông là nhà điêu khắc.

2. Vụ đề xuất với giáo hoàng Julius II để Michelangelo vẽ bích hoạ vòm trần nhà nguyện Sistine là do kẻ ghen tị với ông, kiến trúc sư Bramante, khởi xướng. Bramante âm mưu để Giáo Hoàng sao nhãng dự án điêu khắc mà ngài muốn thuê Michelangelo làm. Bramante tính toán rằng nếu Michelangelo từ chối, Giáo Hoàng sẽ nổi giận, không tin dùng Michenlangleo nữa. Còn nếu Michelangelo nhận, bích hoạ ông vẽ sẽ cho công chúng thấy ông thua kém Raphael, bởi Bramante và những kẻ ghen ghét tài năng của Michelangelo mặc định ông chỉ là nhà điêu khắc, không sánh được với Raphael về hội hoạ.

Michelangelo
Ký hoạ của Michelangelo vẽ chính mình đang đứng ngửa đầu vẽ vòm trần nhà nguyện Sistine.

3. Lúc đầu Michelangelo từ chối, lấy lý do vẽ bích hoạ không phải chuyên môn của ông, và đề nghị Giáo Hoàng cho Raphael vẽ thì hơn. Nhưng trước sự cương quyết của Giáo Hoàng, Michelangelo đã buộc phải nhận hợp đồng. Ông đã dồn hết tài nghệ để vẽ vòm trần Sistine như chúng ta thấy ngày nay.

4. Vì không có kinh nghiệm, ban đầu Michelangelo đã mời một số hoạ sĩ vẽ bích hoạ bạn ông từ Florence tới trợ giúp. Nhưng sau khi thấy khả năng vẽ và tác phong làm việc đủng đỉnh của họ, ông đã giải tán tất cả. Kể từ đó ông đã vẽ một mình, không người trợ giúp, thậm chí ông đã tự trát vữa, tự trộn màu. Trong suốt 4 năm (1508 – 1512), ông đã phải đứng trên giàn giáo bập bềnh, ở độ cao 13 m, ngửa cổ nhìn trần để vẽ, khiến thị lực suy giảm đến mức không thể đọc hoặc nhìn các dessin của mình, trừ khi ngoái đầu ra sau. Vào năm 1508 Michelangelo 33 tuổi.

5. Michelangelo vẽ được khoảng 1/3 vòm trần thì mốc đen xuất hiện trên bề mặt phần đã vẽ, che lấp các hình vẽ. Michelangelo tới gặp Giáo Hoàng, nói ông không biết vẽ bích hoạ nên tác phẩm bị mốc, hy vọng Giáo hoàng cho ông ngừng hợp đồng. Tuy nhiên Giáo Hoàng đã triệu kiến trúc sư kiêm điêu khắc gia và kỹ sư quân sự Giuliano Sangallo (1445 – 1516) tới xem. Sangallo đã chỉ ra nguyên nhân khiến bích hoạ bị mốc là do Michelangelo trát vữa quá ướt, và bày cho ông cách khắc phục. Sau đó Giáo hoàng đã buộc Michelangelo phải tiếp tục.

6. Khi vòm trần Sistine được vẽ xong khoảng một nửa, Giáo Hoàng yêu cầu mở cửa cho công chúng vào xem. Trong số những người tới xem có Raphael. Sửng sốt trước lối vẽ tuyệt vời và mới lạ của Michelangelo, đồng thời vốn là người có tài bắt chước rất giỏi, Raphael đã nhờ Bramante nói với Giáo Hoàng cho mình vẽ nốt phần còn lại. Việc này khiến Michelangelo nổi giận. Trước sự hiện diện của Bramante, Michelangelo đã than phiền với Giáo Hoàng về những sai lầm tai hại của Bramante, trong đó có việc phá dỡ tu viện cũ Saint Peter khiến tất cả các cột đá cẩm thạch bị vỡ. Sau khi nghe Michelangelo phân trần, Giáo Hoàng tỏ ra càng tin tưởng Michelangelo hơn và đã quyết định để ông tiếp tục vẽ.

02 5
Trích đoạn bích hoạ Sistine: “Tách ánh sáng khỏi bóng tối trong ngày đầu tiên.” Michelangelo đã vẽ chính mình trong tư thế đang vẽ vòm trần Sistine như Chúa Trời đang sáng tạo ra Vũ Trụ. Ông đã vẽ hình Chúa Trời này trong một ngày. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

7. Sau khi giàn giáo được dỡ, Giáo Hoàng muốn Michelangelo phủ vàng kim lên quần áo các hình người trong bức bích hoạ. Michelangelo trả lời ông chưa từng thấy ai mặc vàng lên người bao giờ. Giáo Hoàng bảo nếu không, trông các hình người nghèo nàn quá. Michelangelo nói: “Những người được vẽ ở đây đều là người nghèo, nhưng có tinh thần thiêng liêng và khinh bỉ sự giàu sang.” Và ông đã giữ như vậy, không sửa theo ý Giáo Hoàng.

8. Vòm trần nhà nguyện Sistine dài 40.9 m, rộng 14m, cao hơn 13m. Điều đó có nghĩa là Michelangelo đã một mình vẽ một diện tích khoảng 600 m2, với 343 hình người, trong vòng 4 năm, tức trung bình khoảng 150 m2 tranh mỗi năm.

9. Một trong những chiêu bố cục của Michelangelo để giảm diện tích vẽ là ông đã chia cả cái trần dài thành 33 phần, ngăn cách bởi những cái khung (phào) giả do ông vẽ. Nhờ vậy ông có thể hoàn thành từng phần như những bức tranh riêng biệt, trung bình hơn 8 bức một năm.

10. Michelangelo được Giáo Hoàng trả 3000 scudi cho bức bích hoạ Sistine, một số tiền rất lớn thời đó. Michelangelo đã chi khoảng 25 scudi cho hoạ phẩm để vẽ bức bích hoạ này.

11. Giorgio Vasari đã nói về bích hoạ Sistine như sau:

“Kiệt tác này là ánh sáng soi đường cho nghệ thuật của chúng ta, một lợi ích vô giá cho tất cả các hoạ sĩ, làm hồi sinh cả một thế giới từng đắm chìm trong bóng tối của nhiều thế kỷ. Thật vậy, hoạ sĩ khỏi cần tìm kiếm những phát hiện mới, phong thái mới, các hình người mặc áo quần, các cách biểu hiện tươi mới, các cách xếp đặt khác, hoặc các chủ đề siêu phàm nữa, bởi lẽ tác phẩm này đã chứa đựng mọi sự hoàn hảo có thể có đối với các tiêu đề đó.”

Theo Facebook họa sĩ Nguyễn Đình Đăng và họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Xem thêm:

Mời xem video: