“Mệnh do Trời định” và “Đức năng thắng số” có mâu thuẫn?

“Mệnh” là một trong những khái niệm vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống. Cổ nhân kính Trời tín mệnh, cho rằng: “Sinh tử có mệnh, phú quý tại Trời” hay “Đắc được là may mắn của ta, mất đi là số mệnh của ta”. Thế nhưng lại cũng có câu “Đức năng thắng số”. Điều này có phải là mâu thuẫn không?

(Ảnh minh họa: TZIDO SUN, Shutterstock)

Cổ nhân dù là ở phương Đông hay ở phương Tây đều cho rằng số phận con người đã được định đoạt, cũng là đã được an bài, gọi là “Mệnh do Trời định”. Bởi vậy trong lịch sử nhân loại, trong các tôn giáo tín ngưỡng mãi từ cổ đại cho đến cận đại đều xuất hiện các nhà tiên tri, mang theo Thiên mệnh mà đến, nhỏ thì có thể nói được số phận một người, lớn thì có thể giảng xuất ra lịch sử của cả một triều đại.

Phật gia cho rằng vận mệnh con người dựa trên luật nhân quả xuyên suốt quá khứ vị lai, đều do nghiệp và đức tích lại qua các kiếp tạo nên. Hạt giống mà ta gieo từ trước sẽ là quả trong kiếp này: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Muốn biết trong kiếp trước mình đã làm những gì thì hãy nhìn xem hiện tại trong kiếp này mình đang được hưởng những gì, muốn biết trong kiếp sau mình sẽ được hưởng những gì thì hãy nhìn xem trong kiếp sống hiện tại mình đang làm những gì. Cuộc đời của con người, giàu sang phú quý hay nghèo hèn, họa hay phúc, thọ hay yểu… đều do nhân quả quyết định.

Sách “Triều Dã Thiêm Tái” thời Đường có ghi lại một câu chuyện nhỏ về vị gián quan nổi tiếng tên Nguỵ Trưng như vậy. Kể rằng, khi Nguỵ Trưng còn đang nhậm chức quan Bộc xạ, có hai người giúp ông xử lý công việc. Ngay khi Ngụy Trưng nằm ngả lưng sau chuyến đi dài, hai người ở ngoài cửa sổ bàn luận. Một người nói: “Chức quan của chúng ta đều là do ông ấy định đoạt”. Người kia nói: “Tất cả đều do Trời định”.

Ngụy Trưng nghe được liền viết một phong thư, sai người nói “do ông ấy định đoạt” mang đến phủ Thị lang. Bức thư có đoạn: “Xin hãy cho người này một chức quan tốt”. Người này không hề biết nội dung bên trong bức thư là gì. Chẳng may khi bước khỏi cửa anh ta liền bị đau không đi được, đành phải nhờ người nói câu “do Trời định” đưa thư giùm.

Ngày hôm sau, có lệnh rằng người “do ông ấy định” ở lại, còn người “do Trời định” được đi làm quan. Nguỵ Trưng lấy làm kỳ lạ, liền hỏi bọn họ, bọn họ thật tình kể lại toàn bộ sự việc. Nghe xong Ngụy Trưng thở dài nói: “Chức quan bổng lộc quả thật là do Trời định.”

Người xưa có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Con người trong cuộc đời có thể tính toán, lập kế hoạch, cố gắng để đạt được điều mình muốn, nhưng thành công hay thất bại, kết quả vẫn là do Trời định.

Tuy nhiên người xưa lại cũng nói: “Mệnh tại Thiên, vận tại nhân”, tức là mệnh của mỗi người đã được Trời định, còn vận thì bản thân vẫn có thể thay đổi được. Ý nghĩa của loại “thay đổi được” này nằm ở đâu?

Từ xưa đến nay, có người dùng nhiều cách để cải thiện vận mệnh như đặt tên để cải mệnh, dựa trên ngày sinh âm dương bát tự, hoặc thay đổi phong thủy nơi ở, công việc, gia đình, hoặc tu tâm dưỡng tính, làm nhiều việc thiện để cải mệnh. Có trường hợp thật sự cảm thấy có sự chuyển biến, cũng có trường hợp không có chút chuyển biến nào, nhưng tựu chung lại thì sự cải biến khá nhỏ bé, đây gọi là “cải vận”. Còn như chuyện “cải mệnh” một bước thành vua, một bước thành quan lớn thì có thể nói là xưa nay hiếm, nhẩm mà đếm được.

Có một câu chuyện vào thời nhà Đường về một người tên là Bùi Độ. Bùi Độ từ nhỏ gia cảnh đã nghèo khó. Một hôm, trên đường Bùi Độ gặp hòa thượng Nhất Hạnh. Vị hòa thượng nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng, ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết. Vị hòa thượng thở dài khuyên Bùi Độ nên chú ý làm chút việc thiện.

Trong một lần đi đến chùa Hương Sơn, Bùi Độ đi dạo ở giếng đình thì nhặt được một tay nải bên trong có đựng số bạc tương đối lớn (cũng có sách chép rằng nhặt được đai ngọc quý). Bùi Độ thầm nghĩ số tài sản lớn như vậy quan hệ đến sinh mệnh người ta, nên dẫu nghèo đói vẫn không chiếm đoạt, mà chờ quanh đó để tìm người đánh rơi.

Không lâu sau thì có một người phụ nữ chạy đến vừa khóc vừa nói: “Cha tôi bị người ta hãm hại vào ngục, mới đi mượn được bạc để mong chuộc cha ra. Hôm nay lúc đi chùa thắp hương lại không biết thế nào mà đánh rơi mất. Ai nhặt được thì cho tôi xin lại, tính mạng của cha tôi phụ thuộc hết vào đó”. Bùi Độ thấy vậy lập tức lấy bạc trả lại cho người phụ nữ đó, cô cảm ơn rối rít rồi vội rời đi.

Một ngày nọ, Bùi Độ lại gặp được hòa thượng Nhất Hạnh. Hòa thượng nhìn thấy Bùi Độ thì ngạc nhiên nói: “Mệnh ngươi đáng lý phải bị chết đói rồi. Có phải ngươi đã tích được âm đức gì rồi đúng không?”.

Bùi Độ sau này làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là “danh tướng toàn tài”. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lãnh hơn người.

Xưa nay, có rất nhiều người chú tâm vào việc làm việc thiện, nhất tâm tìm việc thiện mà làm, thậm chí có người còn lao tâm xây chùa đúc tượng, thế nhưng dường như điều họ có được chỉ là “một chút thanh thản trong lòng”. Trong khi đó, Bùi Độ kia thông qua một việc thiện mà cải biến nhân sinh. Như vậy có phải là không công bằng chăng?

Người ta hay nói rằng “Hành thiện tích đức”, kỳ thực cần nói rằng “Làm việc thiện, tích âm đức”. “Âm đức” là gì? Từ “âm” ở đây không mang nghĩa của “âm” trong âm phủ. Từ “âm” này mang ý nghĩa là thầm lặng, ngầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài, giống như ý nghĩa trong từ “âm thầm” vậy. Nó có nghĩa rằng người làm việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, họ không cầu danh, không cầu hồi đáp, không phô trương, hoàn toàn là ý định thiện lương thuần tịnh. Bởi vậy trong sử sách, những việc tốt được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ thì người xưa gọi là việc “đại thiện”.

Từ “âm” ở đây còn có một hàm ý nữa. Khi làm việc thiện mà mọi người cùng biết thì có tích được “âm đức” không? Kỳ thực muốn biết có tốt hay không thì cần phải xét xem cái tâm của người ấy ra sao. Nhưng cái tâm của một người ra sao là điều người ngoài khó mà biết được. Một người đang chân chính làm việc thiện từ nội tâm hay chỉ làm để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn? Có những hành động trông thì là việc thiện, nhưng lại không hề tích được âm đức, bởi vì việc làm ấy đã phần nào trở thành phương tiện để truy cầu “danh” “lợi” cho bản thân họ.

Việc thiện chân chính trên thực tế là khó tìm, chính là tùy duyên mà đến, tùy tâm mà khởi. Đôn đáo khắp nơi, tìm kiếm nhiều ngày cũng chưa chắc đã tìm được một điều thiện. Hơn nữa “hữu cầu” mà tìm thì chính là lẫn vào tư tâm, không thể được coi là việc thiện. Bởi vậy văn hóa truyền thống cho rằng phúc đức của một người không phải cứ cố tình đi “hành thiện” là được. Hơn nữa cổ nhân đề cao “Đạo đức”, nên đức kỳ thực chính là do tu dưỡng mà có.

Bùi Độ dù trong nghèo khổ vẫn nghĩ tới người khác, trong hoàn cảnh khó khăn vẫn không đánh mất thiện niệm trong tâm, giữ gìn phẩm hạnh. Việc làm đại thiện như vậy thực sự có thể thay đổi ác nghiệp từ kiếp trước, thay đổi vận mệnh hiện tại. Bởi vì khi con người ta đạt đến cảnh giới vô tư vô dục, cái thiện chân chính ấy là phù hợp với đạo Trời, phù hợp với quy luật vận hành của thế giới. Mà vận mệnh chỉ là một đoạn nhân sinh ngắn ngủi trong sự vận hành ấy thôi, nên tất có thể thay đổi, chính là “Đức năng thắng số” khi Đức đủ lớn đủ nhiều.

Còn như nói một chút “đức”, một chút “thiện” có ý nghĩa gì đó chăng? Có làm được “Đức năng thắng số” chăng? Điều này chỉ có thể tạo thành một chút phúc cho hiện tại hoặc giả đời sau. Người đời cũng thật là vọng tưởng, giúp bữa cơm cho vài người, phóng sinh cho vài con cá, đúc vài bức tượng, mà cả đời làm tổn thương biết bao nhiêu người, sát hại biết bao nhiêu sinh mệnh, làm tổn hại đạo Trời biết bao nhiêu? Ấy vậy mà muốn cải vận, cải mệnh. Cái “thiện” này xem chừng cũng là quá “tham” rồi.

Tuy nói là “Mệnh do Trời định” nhưng đạo Trời cũng biến hóa vô cùng, bởi vậy không thể nhìn một cách hẹp hòi cố hữu. Trên đường đời ngoài những điều định sẵn ra, kỳ thực cũng là có lựa chọn, giống như ở ngã ba đường vậy. Đứng trước những “tuyển chọn” mang tính đạo đức, mang tính giá trị phổ quát, thì con người ta lựa chọn ra sao. Có những người chỉ vì cảm thấy cái ác không liên quan đến mình nên thờ ơ, im lặng. Nhưng với những “tuyển chọn” loại này thì lựa chọn cái gì là quyết định trực tiếp đến số mệnh về sau, quyết định con đường tương lai của họ. Đây cũng chính là điều con người có thể chủ động làm được.

Còn có một cách cải vận, cải mệnh khác, chính là như Phật gia giảng: tu đến thoát khỏi luân hồi; như Đạo gia giảng: phản bổn quy chân; như Kitô giảng: cứu rỗi đến thiên đường. Đây là văn hóa tu luyện – những điều tinh hoa nhất trong văn hóa nhân loại.

Thư Di

Xem thêm:

Mời xem video:

Thư Di

Published by
Thư Di

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

42 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

1 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

3 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

3 giờ ago