Trong suốt chiều dài lịch sử khoa bảng từ năm 1075 đến 1919, có 183 khoa thi với 2.898 người đỗ đại khoa, trong đó Hải Dương có nhiều người đỗ đạt nhất nước với 486 người đỗ đạt. Nam Sách là huyện có nhiều người đỗ đạt nhất Hải Dương, và cũng là huyện có số người đỗ cao nhất trong cả nước với 106 vị đỗ đại khoa, trong đó có 6 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 4 Thám hoa.
Thời nào Nam Sách cũng có người đỗ đạt và giữ chức vụ trọng yếu trong Triều đình. Thời nhà Lý có Mạc Hiển Tích đỗ Trạng nguyên khoa thi thứ hai tổ chức năm 1086, được bổ dụng chức Hàn lâm viện Học sĩ, về sau ông làm quan đến chức Thượng thư.
Thời nhà Trần có Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1304 (là cháu 5 đời của Mạc Hiển Tích), ông được cử 2 lần đi sứ nhà Nguyên. Thời đấy Đại Việt vừa trải qua 3 lần đánh Nguyên toàn thắng, vì thế mà sứ thần Đại Việt bị nhà Nguyên tìm cách nhắm vào nhằm hạ nhục quốc thể. Nhưng Mạc Đĩnh Chi bằng tài năng của mình đã khiến quan lại nhà Nguyên phải khâm phục, nhiều câu chuyện vẫn được ghi chép trong lịch sử và lưu truyền trong dân gian.
Thời nhà Lê, Nam Sách có Ngô Hoán đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1490, là một thành viên trong nhóm “Nhị thập bát tú”. “Nhị thập bát tú” được xem là tinh hoa về văn chương, trong 28 người thì có đến 5 người đến từ Hải Dương, 4 người ở huyện Nam Sách là Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, Bảng nhãn Ngô Hoán, Vũ Dương và Nguyễn Hoản. Những ánh văn chương của họ đều được lưu lại trong cuốn “Toàn Việt thi lục”.
Thời Lê Trung Hưng có ba cha con ông cháu là Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến. Trần Thọ làm Giám sát Ngự sử, Lê khoa Cấp sự trung, Phó Đô Ngự sử, ông đóng góp nhiều công sức xây dựng quê nhà ở Nam Sách. Sau này nhà Nguyễn đánh giá ông là một trong những nhân vật tiêu biểu thời Hậu Lê.
Trần Cảnh giữ các chức vụ trụ cột trong Triều đình như Giám sát Ngự sử, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng. Có nhiều đóng góp trong giáo dục, được các sử gia đánh giá là: “Có nhiều công trạng, được thăng tước Quận công”.
Trần Tiến làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc. Ông để lại nhiều tác phẩm như Niên phả lục, Đăng khoa lục sưu giảng, Cát Xuyên thi tập (thể thơ), Cát Xuyên tiệp bút (theo thể ký) có giá trị sử liệu tham khảo rất cao. Ông giữ chức Hiệu thứ đông Các đại học sĩ, năm 1505 đời Lê Uy Mục ông được cử làm Hiến sát ở Thanh Hóa, sau thăng đến chức lễ bộ Thượng thư.
Ở Nam Sách thì làng đỗ đạt nhiều nhất là làng Mộ Trạch với họ Vũ nổi tiếng, làng có 39 người đỗ đạt, được mệnh danh là “làng tiến sĩ”, “lò tiến sĩ xứ Đông”. Ngoài ra họ Trần ở làng Quan Sơn cũng nổi tiếng khi có 4 người đỗ đạt làm quan to, trong đó có 1 Trạng nguyên.
Nói về Nam Sách, sách “Hải Đông lược chí” có viết rằng: “Vùng đất này không ai giống ai nhưng có đủ danh công khanh tướng, trung thần nghĩa phụ. Từ thời Lý đến nay chẳng bao giờ thiếu”.
Cụ thủy tổ họ Trần ở Nam Sách là Trần Thanh Lãng, đến làng Quan Sơn không rõ năm nào. Gia phả họ Trần tại làng có ghi chép rằng người đỗ đạt đầu tiên cho dòng họ là Trần Sùng Dĩnh.
Khoa thi năm 1487, Trần Sùng Dĩnh tham gia và đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, Sùng Dĩnh vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình và đỗ Trạng nguyên khi mới 23 tuổi.
Ông được phong làm Đô ngự sử Thập nhị Kinh diên, sau thăng làm Thượng thư bộ Hộ.
Ông là một thành viên trong nhóm “Nhị thật bá tú” hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.
Vì có nhiều công lao với làng nên khi mất Sùng Dĩnh được phong làm Phúc Thần và được thờ phụng ở quê nhà.
Trần Sùng Dĩnh đỗ Trạng nguyên giúp khuyến học ở quê nhà, họ Trần cũng noi theo gương mà có thêm nhiều người đỗ đạt.
Trần Năng là anh trai của Sùng Dĩnh, thấy em mình đỗ Trạng nguyên thì cũng ngày đêm miệt mài đèn sách. Đến khoa thi năm 1493 Trần Năng đã 48 tuổi thi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại.
Hậu duệ họ Trần sau này có Trần Bảo đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1541 khi 30 tuổi, sau đó lại thi đỗ khoa Đông các, làm quan tới chức Tham chính, được ban tước Văn Phạm bá. Ông giỏi văn chương và làm quan rất thanh liêm, được người đương thời lúc bấy giờ kính trọng.
Trần Bảo đặc biệt giỏi về quốc âm, ông để lại các tác phẩm như: “Chí Linh phong thổ ký”, “Vương Thăng truyện”, “Ngư tiều canh mục phú”. Giới văn sĩ bấy giờ xem văn chương của Trần Bảo là mẫu mực và học theo.
Khi Trần Bảo mở trường, nhiều học trò theo ông học. Ông đào tạo nên nhiều trò giỏi đỗ đạt cao, làm quan đầu triều như: Trạng nguyên Phạm Duy người ở Hùng Khê huyện Chí Linh đỗ khoa thi năm 1562; Bảng nhãn Nguyễn Miễn, người Lại Thượng huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương đỗ khoa thi năm 1571.
Sau này họ Trần còn có Trần Xuân Bảng đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, sau đó vượt qua kỳ thi Hội, vào đến thi Đình thì đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1661, làm quan đến chức Tham chính.
Thi đỗ, Trần Xuân Bảng khuyến học trong làng, lại góp tiền công đức xây sửa chùa miếu. Vợ ông là Trần Thị Ngọc Hương là người đảm đang hay giúp người, được dân làng quý mến. Khi ông mất dân làng phong là Hậu Thần và phối thờ ở Đình làng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…
Tiếng đàn du dương của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một…