Mộ Trạch: Làng khoa bảng nổi tiếng
- Trần Hưng
- •
Làng Mộ Trạch có tên nôm là làng Chằm. Đây là ngôi làng nổi tiếng về khoa bảng trong cả nước: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”.
Làng Mộ Trạch có cả thảy 36 Trạng nguyên, tiến sĩ, một con số vượt xa các làng khoa bảng khác. Đa phần trong số đó là họ Vũ. Theo “ngọc phả” ở Miếu thờ cụ tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch thì khi cụ Vũ Hồn đến làng thì thấy nơi đây phong thủy rất tốt: “Sơn thuỷ hữu tình, long trầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn thật là nơi đất phát tổ Tiến sĩ. Ngài bàn vẽ thành địa đồ”. Từ đó cụ Vũ Hồn đón mẹ cùng gia đình về nơi đây sinh sống.
Cây đa giếng nước
Cũng như nhiều ngôi làng miền Bắc khác, người dân Mộ Trạch chủ yếu làm nghề nông, nhưng sự cần cù hiếu học thì như nguồn nước chảy mãi:
Mạch từ lòng đất chảy ra,
Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày.
Truyền rằng ở mạch giếng này,
Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi.
Nguồn nước chảy mãi được trong câu ca dao này chính là giếng làng Mộ Trạch, vốn không bao giờ cạn hay vẩn đục. Đường kính giếng là 36 mét lại vừa khớp đúng bằng con số 36 Trạng nguyên, tiến sĩ của làng. Tuy mực nước giếng chỉ sâu 1 mét, nhưng cứ múc đến đâu là nước đầy đến đó, không bao giờ cạn. Khi giếng nước được tu sửa lại, người dân thấy nước chảy ra trong hơn, dùng thử thì thấy rất ngọt. Trước đây những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn, thì giếng làng Mộ Trạch vẫn như vậy. Sự trùng hợp này khiến người dân tin rằng con em mình thông minh học giỏi là nhờ giếng làng hội tụ được tinh hoa của trời đất.
Người Việt có câu: “Cây đa, giếng nước, sân đình”, ngoài mạch nước nuôi sống người dân, thời xưa Mộ Trạch cũng có cây đa rất nổi tiếng. Cây đa cao 20 mét, đứng sừng sững hiên ngang có từ bao giờ thì không ai biết rõ được, có người con cho rằng cây đa này trên ngàn năm tuổi. Trong lòng cây đa có ngôi miếu cổ do người dân xưa kia lập nên để thờ Thần trấn ải cửa Bắc.
Từ xưa người lớn trong làng hay dặn lũ trẻ nếu đi chơi mất lối thì cứ nhìn cây đa để biết hướng mà về, không sợ lạc. Người đi xa về nhìn thấy ngọn cây đa là biết sắp đến làng rồi. Thế nhưng đến năm 1970, chính quyền đã quyết định chặt cây đa. Vì dân làng không ai chịu làm nên chính quyền phải thuê người ở xa đến đốn hạ.
Điểm tụ hội sĩ tử
Là làng khoa bảng nổi tiếng, Mộ Trạch cũng có những địa điểm là nơi tụ hội của các kẻ sĩ, tao nhân mặc khách bình luận thơ văn, các sĩ tử khảo hạch trước kỳ thi.
Quán Tứ Đạt nằm ở bên trái làng tức “tả thanh long”. Trong bài vịnh “Hóng gió ở quán Tứ Đạt” có câu:
…nhẩn nha ngồi quán đón hương đồng
Ngập đầu tục lụy quên bằng hết
Rát mặt buồn phiền trút sạch không…
Quán Đồng Quan nằm ở phía trước làng, nơi các kẻ sĩ thường tụ họp bình luận kinh sách, thưởng nguyệt, làm thơ:
Ra quán Đồng Quan ngắm trăng…
Thi hứng trào dâng tựa Tô Đông Pha mơ hạc tiên bay qua
Đất trời sông núi như thu trong đáy mắt
Hà tất đến Lam Kiều tìm thần tiên!
Gò Chi Long bên phải làng tức “hữu bạch hổ” có 3 cái đống, gần đấy là bãi cát Chi Long vươn ra bảo vệ cho làng. Đây là nơi dân làng tụ họp đón các sĩ tử vinh quy bái tổ từ Kinh đô trở về:
Kinh quốc quy lai trác cẩm vinh
Chi Long ỷ các ánh phong tình
Giang sơn dịch động ưu du hứng
Phân tử nan thăng cố cựu tình
Dịch nghĩa:
Từ kinh đô đất nước trở về áo gấm vinh quy
Nơi Chi Long cắm lọng hóng gió ngày quang mây tạnh
Non sông luôn đổi thay càng tăng hứng du ngoạn
Tình cũ với quê cha đất tổ khó lòng quên được
Quán Kỳ Anh nằm phía nam của làng, là nơi các quan lớn triều đình sau khi nghỉ hưu về làng tụ họp cùng đám thanh niên vui đùa, dạy bảo chia sẻ kinh nghiệm cho lớp con cháu.
Quán Hoàng Oanh rộng rãi, non nước bao quanh, là nơi làng sát hạch các sĩ tử trước kỳ thi Hương.
Truyền thống làng khoa bảng
Trong số 36 Trạng nguyên và tiến sĩ của làng Mộ Trạch thì có 29 người họ Vũ, 5 người họ Lê, 1 người họ Nhữ, 1 người Nguyễn. Xét về dân số thì họ Vũ cũng chiếm 87% số lượng người trong làng.
Khoa thi năm 1656 đời vua Lê Thần Tông, số thí sinh tham dự lên đến 3.000 người, nhưng chỉ 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó riêng làng Mộ Trạch đã có 3 người và cả 3 người này đều là họ Vũ. 200 năm sau nhắc lại sự kiện này, vua Tự Đức đã phải cảm thán rằng “Nhất gia bán thiên hạ”.
Nói về họ Vũ làng Mộ Trạch, cuốn “Đăng khoa lục sưu giảng” mô tả rằng: “Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: Các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?”
Cũng do Mộ Trạch có nhiều người làm quan lớn trong Triều nên thời xưa có câu: “Mộ Trạch họp làng tại kinh đô”.
Về danh hiệu Trạng nguyên, thì ngoài “Trạng” do Triều đình phong còn có “Trạng” dân gian do người dân phong. Mộ Trạch nổi tiếng khi có đến 5 Trạng dân gian là Trạng Ăn, Trạng Chạy, Trạng Cờ, Trạng Toán, Trạng Vật.
Hàng năm từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng là lễ hội truyền thống làng, người dân làng Mộ Trạch và du khách thập phương lại đến đây để nghe kể chuyện, tưởng nhớ đến những tiền nhân góp phần lưu danh “làng tiến sĩ”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng làng Mộ Trạch