Trong nhà tôi ở Hà Nội bây giờ không có tivi. Hơn 20 năm qua tôi sống mà không cần tới tivi. Phòng khách nhà tôi tuy có thiết kế chỗ để tivi (vì ông thợ kiên quyết nói “phải thế”) nhưng chỗ đó trống trơn, ở mặt tường đối diện là giá sách. Ông thợ vừa trao đổi với tôi vừa lẩm bẩm “lần đầu tiên thấy một cái phòng khách lạ thế”. Ý ông là ông đã từng làm nội thất cho rất nhiều người nhưng chẳng ai lại làm cái giá sách to và dài như thế trên tường phòng khách. Kể ra nó cũng khác người thật, nhưng biết làm sao, thích thì làm thôi. Từ tuổi 25 trở đi, tôi bỗng nhiên không thích xem tivi nữa. Tôi thích đọc sách hơn.
Chẳng bù cho trước đó, nhất là khi tôi còn học tiểu học, trung học cơ sở, tôi chỉ hóng nhanh đến cuối tuần để được xem tivi.
Tất nhiên, tivi đó là của người khác. Thời đó muốn xem tivi tôi và lũ trẻ con phải đi rất xa. Ban đầu để xem phim Tây Du ký, tôi và bọn trẻ con làng tôi phải mò sang tận nhà ông Ngà, ông Lành làng Bến. Nhà hai ông cách nhà tôi khoảng 2 cây số. Có lúc đến xem vào buổi trưa, có khi vào nhà ông vào buổi tối. Trẻ con, người lớn ngồi kín sân nhòm lên chiếc tivi để ở thềm như xem bóng đá ngoài sân vận động. Hôm nào trời mưa gió không đi được phải bỏ thì tiếc lắm. Ghét nhất là khi nào đến tận cổng mới biết hôm nay nhà các ông có việc không mở tivi. Bọn trẻ con lượn lờ ở cổng mãi không chịu đi. Tôi nhớ có lần nhà ông Lành có việc gì đó đóng cổng, không mở tivi cho bọn trẻ con xem, có thằng còn táo tợn bôi cả phân trâu vào khóa cổng nhà ông để… trả đũa.
Một thời gian sau thì làng tôi cũng có tivi. Tôi hay đến nhà ông Khải, cách nhà tôi khoảng 500m để xem. Nhà ông nằm trên một con dốc, trước cổng vào có cây trám của nhà bà Hiền mà chúng tôi thi thoảng vẫn trèo lên hái trộm. Ông Khải thích bóng đá nên rất nhiều người đến đây xem nhờ tivi. Tôi nhớ quãng đó, tôi đã xem ở nhà ông bộ phim “Đến thượng đế vẫn phải cười” và Worldcup. Có hôm bóng đá diễn ra vào nửa đêm về sáng, bọn trẻ con chúng tôi ngủ luôn trên thềm nhà ông chờ xem.
Rồi dần dần có nhiều người trong làng mua tivi. Nhà ông Quân đằng sau nhà tôi cũng có. Một cái tivi đen trắng bé tí, màn hình toàn muỗi – tức là tín hiệu thu rất kém nhưng cả xóm Đồi Chẹm nhà tôi vẫn tới xem say mê. Thôi thì xem tuốt từ sân khấu, phim truyện, thời sự tới cả… quảng cáo. Bây giờ khó mà có thể tưởng tượng được là thời đó người ta háo hức xem cả… quảng cáo như thế nào. Tôi vẫn nhớ khi đó đang chiếu phim “Tam Quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Cứ đến đoạn nào các tướng chuẩn bị dẫn quân đi đánh nhau thì lại bắt đầu… quảng cáo. Toàn quảng cáo dầu nhờn Castron. Quảng cáo như thế hiệu quả vừa cao vừa là một cách đối phó khi muốn kiểm duyệt cảnh bảo lực hoặc lấp chỗ trống khi chính nhà làm phim không thể làm nổi cảnh chiến trận. Tất nhiên, đấy là suy nghĩ sau này của tôi chứ lúc đó tôi còn là một đứa trẻ, tivi chiếu cái gì thì xem cái đó, cứ có phim là thích đâu biết thế nào là kiểm duyệt hay sản xuất phim ảnh gì đâu.
Cái cảnh xem tivi chung, nghĩ lại rất thú vị. Đủ các lứa tuổi ngồi xem từ cụ ông cụ bà mắt mũi kèm nhèm tai đã nghễnh ngãng tới bọn trẻ vắt mũi chưa sạch. Các bà các mẹ thì vừa xem vừa bình luận rôm rả. Nhiều bình luận rất buồn cười. Kiểu như “Ôi dào, tranh nhau làm gì quả bóng cho nó mệt, cứ mua mẹ nó mỗi thằng một quả có phải khỏe không”, “Ôi giời, cái con mẹ chủ cửa hàng kia nhìn cái mặt sao ghét thế không biết, đã xấu lại còn ác”. Thanh niên nam nữ thì cố tìm mọi cách để ngồi gần nhau tán chuyện cười rúc rích, có những đôi thậm chí còn kín đáo sờ nắn, cấu chí nhau trong bóng tối mập mờ. Bọn trẻ con thì vừa xem vừa đấm, đạp, giật áo nhau, thi nhau đánh rắm các kiểu. Tiếng hút điếu cày sòng sọc vang lên không ngớt. Đôi khi cũng có cãi cọ vì người muốn xem kênh ngày người muốn xem kênh khác. Buồn cười là đã đi xem tivi nhờ nhưng người xem nhờ lại điều khiển cả ông chủ mở kênh nào để xem. Chủ cũng chiều nên mới sinh chuyện. Các bà muốn xem sân khấu, phim truyện, các ông lại muốn xem bóng đá. Cãi nhau ỏm tỏi. Chủ nhà gãi đầu gãi tai vì chẳng biết nghe ai.
Tôi xem tivi nhà ông Quân thì lại hay gặp cảnh thằng cu con nhà anh lúc đó khoảng 5-6 tuổi cứ chạy lên vặn kênh kêu kềnh kệch. Mỗi kênh nó xem vài phút là chán, lại chuyển. Nản với thằng này thật. Ông bà nó kêu ầm ĩ rồi dỗ dành các kiểu nó cũng chẳng coi là gì. Hệt như thằng Típ nhà tôi bây giờ mỗi lần chọc phá anh Cò, chị Gạo.
Tôi nhớ tivi hồi đó là những chiếc tivi đen trắng có bộ phận phía sau to đùng, màn hình lồi, bên phải có cái núm để vặn kênh cùng vài núm điều khiển âm thanh, độ sáng.
Hồi đó tivi sử dụng giàn ăng-ten và… râu tức là hai cái cần ăng-ten sáng bóng thò thụt được gắn liền với tivi để bắt sóng. Giàn ăng-ten được gắn trên cái cọc tre chôn ở đầu nhà. Muốn mở kênh nào phải xoay giàn ăng-ten theo hướng nhất định. Thế nên trong lúc một người ở trong vặn kênh thì người ở ngoài phải xoay cái cọc tre để chỉnh giàn ăng-ten cho đúng hướng. Hai bên liên lạc với nhau, chỉ đạo, quát tháo nhau ầm ĩ. Có người xoay cái được ngay, tín hiệu nét căng, có người xoay mãi vẫn… chả được. Trên màn hình tivi hoặc là toàn… muỗi – tức tín hiệu nhiễu hoặc mặt người méo xẹo. Oái oăm hơn có khi xoay mãi mà nhiễu vẫn hoàn nhiễu, thậm chí có hình mất tiếng, có tiếng mất hình. Khi đó thôi thì đủ mẹo mực được thi hành. Nhiều người bọc giấy bạc vào dây dẫn tín hiệu từ giàn ăng-ten vào tivi. Khi thấy tivi nhiễu, không bắt được tín hiệu thì di đi di lại tờ giấy bạc cuốn tròn bên ngoài dây dẫn. Di đến chỗ nào mà tivi hết nhiễu là khán giả reo ầm cả lên bắt giữ nguyên chỗ đấy. Khổ nỗi nhiều khi cứ bỏ tay ra là lại nhiễu như thường. Lúc ấy, có người nửa đùa nửa thật bảo “cứ cử một thằng ra giữ cho người khác xem là xong”. Nếu dùng râu thì bắt sóng kém hơn. Người ta cứ phải xoay râu mãi.
Rồi dần dần số nhà có tivi trong làng tăng lên. Tivi cũng đổi từ tivi đen trắng sang tivi màu. Nhưng nhà tôi vẫn không có tivi để xem. Khi tôi vào đại học, tức là năm 2000, nhà tôi cũng không có tivi. Một phần nhà tôi nghèo, bao nhiêu tiền bố mẹ đem nuôi bốn chị em chúng tôi đi học cả nên không thể mua sắm đồ đạc ở trong nhà. Một phần nữa, tôi biết bố tôi cho rằng có tivi xem nhiều thì không tập trung học hành được. Thế nên phải đến khi tôi tốt nghiệp đại học đi làm, nhà tôi mới có tivi. Tuy nhiên, kì lạ làm sao, khi có tivi rồi thì cũng chỉ có bố tôi xem thời sự, mẹ tôi xem phim chứ tôi không còn say mê tivi nữa. Rất ít khi tôi xem tivi. Cứ xem là tôi ngủ gật. Hồi chưa lấy vợ, mỗi lần về quê tôi ngồi trên giường xem tivi. Mẹ tôi thì trải chiếu ngồi phía dưới nền nhà. Bố tôi đi ngủ từ sớm. Hai chị gái đã lấy chồng. Em trai đi học ở thành phố. Dù là phim kiếm hiệp của Tàu đánh nhau chí chát hay phim Hàn Quốc yêu đương lãng mạn, chỉ một lát là mắt tôi díp lại, tôi ngồi gật gù gà gật. Mẹ tôi phải lấy cái quạt mo đập vào vai bảo “Buồn ngủ thì đi ngủ đi! Ngồi đấy mà gà gật làm gì”. Thế mới lạ! Xưa ham xem tivi là thế mà lớn lên lại đâm chán. Hơn nữa, mỗi lần về quê, cứ 9 giờ tối là tôi buồn ngủ quá chẳng bù cho khi ở phố 11 giờ đêm còn tỉnh như sáo.
Ba mươi năm sau nhìn lại, làng tôi không còn ai đi xem tivi nhờ nữa. Bọn trẻ con cũng khó tưởng tượng ra cảnh ngày xưa cứ ăn cơm xong là trẻ con trong làng chạy đi khắp nơi lùng xem nhà nào đang mở tivi để xem. Bây giờ mỗi nhà một cái tivi màn hình phẳng to đùng. Có nhà thậm chí có 2-3 chiếc. Rất nhiều người từng mở tivi cho chúng tôi xem đã trở thành người thiên cổ. Thằng cu con anh Quân thích vặn núm chuyển kênh liên tục đã thành bố có con học tiểu học. Ông Khải người mê bóng đá số một của làng tôi đầu cũng đã bạc trắng. Có đôi lần tôi đi qua làng Bến, ngang qua chỗ nhà ông Lành, ông Ngà thời xưa nhưng tôi thấy choáng váng vì mọi thứ đã đổi thay. Cả cái cổng, căn nhà và khung cảnh xung quanh. Không còn gì gợi nhắc đến cảnh cũ người xưa nữa.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
Theo giới chức Hà Nội, diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê,…
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…