Chân dung Tổng đốc Ngô Trọng Tố. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)
Họ Ngô ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) có tiếng là dòng họ hiếu học. Thời nhà Nguyễn, dòng họ có ông Ngô Trọng Tố nổi tiếng 50 năm làm quan không có bất kỳ điều tiếng hay tỳ vết nào.
Theo gia phả họ Ngô làng Đáp Cầu, cụ thủy tổ của dòng họ là Ngô Phúc Khánh vốn là người làng Bồ Châu (Yên Mô, Ninh Bình) đã chuyển đến định cư ở làng Đáp Cầu (Bắc Ninh) khi mới dựng làng vào thế kỷ 15.
Họ Ngô ở làng Đáp Cầu có nhiều nhân tài phụng sự Xã Tắc, đến thời nhà Nguyễn tiêu biểu có ông Ngô Trọng Tố nổi tiếng là vị quan thanh liêm lại thương yêu dân chúng.
Ngô Trọng Tố đỗ cử nhân khoa thi năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị khi 21 tuổi.
Cuộc đời làm quan của ông được ghi chép trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn, nhiều nhất là từ cuốn “Đại Nam thực lục”.
Năm 1871, ông được cử làm Khoa đạo Quảng Ngãi, giám sát các tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.
Sau đó ông làm các chức vụ khác nhau. Cuốn “Đại Nam thực lục” có ghi chép năm 1877 ông giữ chức “Binh khoa Chưởng ấn”, cùng với quan Đốc hộ Nguyễn Trọng Hợp và quan Kinh lý Hà đê sứ Phạm Thận Duật kiểm tra các vụ án, phát hiện Án sát Nam Định là Nguyễn Tái phạm tội với dân, liền bẩm báo sự việc lên Triều đình xử lý.
Lúc này miền Trung hay bị thiên tai mất mùa, giá gạo tăng vọt. Năm 1878, Triều đình cử Ngô Trọng Tố cùng quan Ngự sử Nguyễn Sơn Tăng đi kiểm tra các địa phương ở miền Trung. Ông phát chẩn lương thực cho dân chúng nhằm cứu đói, đồng thời dùng thóc của Triều đình bán cho dân chúng, vừa cứu đói vừa hạ giá thóc xuống thấp trở lại.
Đại Nam thực lục có chép lại rằng: “Khâm phái Ngô Trọng Tố đem dân tình của các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh tâu lên xin lượng cho lấy thóc bán ra, cho dân vay và chẩn cấp. Vua cho, sai các quan tỉnh xét tình dân mà làm cho ổn thỏa”.
Ngô Trọng Tố thay đổi nhân sự quan lại ở địa phương, trọng dụng người siêng năng, cần mẫn, giáng cấp những ai thờ ơ không quan tâm đến dân chúng. Từ đó ông ở miền Trung chăm lo cho các tỉnh.
Lúc này tình thế đất nước có nhiều biến động. Năm 1882, quân Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ 2, thành Hà Nội thất thủ. Năm 1884, Triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp định thừa nhận sự bảo hộ của người Pháp.
Năm 1885, Triều đình gọi Ngô Trọng Tố về giữ chức Thị lang bộ Lễ, nhưng ông đi thì miền Trung lại có chuyện nên chẳng bao lâu ông được làm Tuần phủ Hà Tĩnh. Với các tỉnh lớn thì quan Tổng đốc đứng đầu, nhưng thời ấy Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ nên đứng đầu là quan Tuần phủ.
Lúc này quan Tổng đốc Bắc Ninh – Thái Nguyên bị hạch tội không chăm lo giữ yên được dân chúng, Triều đình cử Ngô Trọng Tố làm Tổng đốc Ninh Thái (tức Bắc Ninh và Thái Nguyên). Đây là điều ngoại lệ hiếm có, bởi vì quê ông ở làng Đáp Cầu, Bắc Ninh. Theo luật “Hồi ty” thì quan lại chỉ làm quan ở nơi khác chứ không được làm quan ở quê nhà nhằm tránh việc cấu kết bè cánh, ưu tiên con em gia đình của mình. Nhưng Triều đình không tìm được ai tin tưởng hơn, nên vẫn ngoại lệ cử Ngô Trọng Tố làm Tổng đốc Ninh Thái. Sau đó ông được cử làm Tổng đốc ở những tỉnh khác.
Lúc này Ngô Trọng Tố đã già yếu và có ý xin được nghỉ hưu. Năm 1887, Triều đình đồng ý cho ông nghỉ.
Trong suốt gần 50 năm làm quan, Ngô Trọng Tố đều hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là quãng thời gian gắn bó với mảnh đất miền Trung – nơi thường có thiên tai mất mùa, ông đều kịp thời có những kế sách cứu đói, điều chỉnh chính sách lương thực kịp thời. Lịch sử cho thấy ông làm quan chưa bao giờ có điều tiếng gì và không có tỳ vết.
Khi ông nghỉ hưu, Triều đình có sắc phong rằng:
“Thị lang lĩnh Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc Ngô Trọng Tố là người có tài phụ giúp, trụ cột của triều đình, đã trải qua các chức vụ từ nhỏ ở quận huyện đến quan trọng ở trong triều, có tiếng hơn hẳn đồng liêu, liên tục được ban tặng nơi miếu đường, nghi thức rạng rỡ vẻ vang, cần cù trong công việc, được kính trọng”.
Một sắc phong khác:
“Trẫm nghĩ: Bề tôi xả thân vì nghĩa, trước sau hết mình với công việc. Nét đẹp đãi sĩ của triều đình muốn là để tặng thêm ân huệ cho bậc kỳ cựu. Điển chương sáng tỏ, nghi thức truyền lan. Xét thấy: Ngô Trọng Tố nguyên giữ chức Tuần phủ, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là bậc nho nhã có tiếng, trọng thần từng trải. Từ khi làm quan một lòng trung thành. Đến khi vào triều, công lao phụ giúp rạng rỡ. Nhiều năm kinh lịch, một tiết thanh bạch liêm cần. Khi lực đã bất tòng tâm, bèn xin về nghỉ. Ban ân trước nghĩ người già, nghi thức cần nên long trọng. Nay gia ân chuẩn: Chức Tổng đốc thực thụ, được về quê hưu trí, ban cho cáo mệnh.”
Hậu duệ cua Ngô Trọng Tố sau này có nhà trí thức nổi tiếng Ngô Thế Loan, năm 1942 là người thầu đào nắn đoạn sông Thái Bình ở Phả Lại để nước sông Cầu và sông Lục Nam qua sông Kinh Thầy chảy thẳng ra cửa Cấm, nhằm giảm bớt phù sa ở cửa biển Hải Phòng.
Ngày nay theo thống kê chưa đầy đủ của họ Ngô làng Đáp Cầu thì trong họ có hơn 300 cử nhân, 30 thạc sĩ, 18 tiến sĩ, 5 giáo sư và phó giáo sư tiến sĩ, tất cả đều đang ở trong cũng như ngoài nước. Những kết quả này cho thấy đây là dòng họ chú trọng học hành và có nhiều nhân tài.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Theo Bộ Công an, từ ngày 15/9/2024 đến ngày 14/4, công an đã phát hiện…
Cơ quan tình báo nội địa của Đức đã chính thức xếp đảng cánh hữu…
Trung Quốc có thể đang tính tới khả năng đàm phán với Hoa Kỳ về…
Bộ Công an đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án đối với…
Bé gái 7 tuổi, bị câm, được tìm thấy sau 2 ngày đi lạc trong…
Thị trưởng Barrie và các thành viên Quốc hội đã đích thân chủ trì lễ…